Thursday, March 28, 2024

HỘI ĐỒNG BẢO AN YÊU CẦU ĐÌNH CHIẾN TẠI GAZA : CẢ HOA KỲ VÀ ISRAEL ĐỀU Ở THẾ KHÓ (Trọng Thành / RFI)

 



Hội Đồng Bảo An yêu cầu đình chiến tại Gaza: Cả Mỹ và Israel đều ở thế khó

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 27/03/2024 - 15:30

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240327-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%A3o-an-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-%C4%91%C3%ACnh-chi%E1%BA%BFn-t%E1%BA%A1i-gaza-c%E1%BA%A3-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-israel-%C4%91%E1%BB%81u-%E1%BB%9F-th%E1%BA%BF-kh%C3%B3

 

Thâm hụt chi tiêu công của nước Pháp, vượt xa mức dự báo, đặt chính phủ vào thế khó, là chủ đề của hầu hết các báo hôm nay, 27/03/2024. Về thời sự quốc tế, các báo Pháp có nhiều bài vở về hồ sơ xung đột ở dải Gaza, Cận Đông, sau khi Mỹ bật đèn xanh cho việc thông qua một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, yêu cầu ‘‘ngừng bắn ngay lập tức’’. Thái độ của Washington khiến thủ tướng Israel phẫn nộ.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/d7a65e54-ec42-11ee-858a-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP24085548409972.webp

Nghị quyết ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza : Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield bỏ phiếu trắng, New York, ngày 25/03/2024. AP - Craig Ruttle

 

‘‘Mỹ giữ khoảng cách với Israel về Gaza tại Liên Hiệp Quốc’’ là tựa trang nhất Le Monde, trên nền hình ảnh đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield, bỏ phiếu trắng. Kể từ cuộc chiến chống Hamas ở Gaza, khiến hơn 32.000 người chết, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu chưa bao giờ bị cô lập đến như vậy. Dự thảo nghị quyết, của 10 thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An, đã được 4 thành viên thường trực ủng hộ. Có nghĩa là 14/15 thành viên Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu thuận.

 

 

Thủ tướng Israel ‘‘thất vọng, cay đắng và giận dữ’’

 

 Mặc dù việc thực thi nghị quyết ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza là ‘‘đầy bất trắc’’ và không có gì cho thấy Israel buộc phải tuân thủ, nhưng nghị quyết này cho thấy rõ, đồng minh duy nhất của Israel kể từ đầu cuộc chiến giờ đây đã có thái độ khác. Le Monde ghi nhận, cho dù ông Netanyahu chưa đi đến mức dùng từ ‘‘phản bội’’, nhưng lãnh đạo chính phủ Israel để ngỏ ý là Hoa Kỳ '‘đang trên đường bỏ rơi Israel’’.

 

Để phản đối, lãnh đạo chính phủ Israel đã ‘‘trả đũa với việc hủy chuyến công du Washington dự kiến’’. Ông Netanyahu cực lực lên án chính quyền Biden đã ‘‘đoạn tuyệt với chính sách’’ hậu thuẫn Israel kể từ đầu cuộc chiến, và đồng thời mang lại hy vọng cho phe Hamas là ‘‘áp lực quốc tế sẽ buộc Israel phải chấp nhận ngừng bắn, mà để đổi lại (Hamas) không cần phải trả tự do cho các con tin’’.

 

 

Không có vũ khí Mỹ, Israel ''không thể đi xa hơn'' tại Gaza

 

Về chủ đề này, Les Echos có bài ‘‘Thủ tướng Israel quyết định đối đầu với Biden’’. ‘‘Thất vọng, cay đắng và giận dữ : thủ tướng Netanyahu công khai bày tỏ những xúc cảm của mình’’ sau quyết định của chính quyền Mỹ. Báo chí Israel ghi nhận : chưa bao giờ quan hệ Mỹ - Israel lại căng thẳng đến như vậy. Tờ Maariv lên án sự ‘‘điên rồ’’ của thủ tướng Israel khi có ý định ‘‘trừng phạt tổng thống Mỹ’’.

 

Căng thẳng song phương dâng cao, nhưng theo Les Echos, quan hệ giữa hai bên còn xa mới đi đến chỗ rạn nứt. Trên thực tế, Israel phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ trong chiến dịch quân sự tại Gaza, như chính thủ tướng Netanyahu thừa nhận. Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm thứ Hai 25/03 ‘‘đã yêu cầu Israel khi sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp, phải tuân thủ các cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, và không được cản trở viện trợ nhân đạo của Mỹ tại Gaza.’’ Nhật báo Pháp nhấn mạnh là, khó mà nói được là chính phủ của ông Netanyahu ‘‘có thể đi xa hơn trong chiến dịch chống Hamas ở Gaza chống lại chủ trương của Hoa Kỳ’’.  

 

 

Israel ngày càng bị lên án trên thế giới: Thế khó của chính quyền Mỹ

 

Về hồ sơ này, nhật báo Le Figaro tỏ ra thông cảm với tình thế khó khăn của chính tổng thống Mỹ, qua bài ‘‘Cuộc chiến tranh ở Gaza: Chính sách nước đôi của Mỹ với Israel làm ông Biden bị kẹt’’. Theo Le Figaro, cho dù bật đèn xanh cho nghị quyết của Hội Đồng Bảo An yêu cầu ngừng bắn, tổng thống Mỹ vẫn phải tiếp tục hậu thuẫn Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas. Chính sách này ‘‘có nguy cơ khiến ông Biden thất bại cả về chính sách quốc tế lẫn mục tiêu chinh phục cử tri trong nước’’.

 

Le Figaro nhấn mạnh là tổng thống Biden, vốn là người ủng hộ nhiệt huyết Israel ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, với cương vị thượng nghị sĩ hồi 1973, trong thời điểm chiến tranh Kippour, giờ đây nếu tiếp tục dành sự ủng hộ triệt để đối với Israel ông Biden sẽ phải hứng chịu búa rìu của cử tri thân Palestine. Về xung đột tại Gaza, khó có chính trị gia hàng đầu nào của nước Mỹ còn có thể ủng hộ triệt để Israel. Đối thủ của đương kim tổng thống, cựu tổng thống Donald Trump cũng đứng trước thách thức tương tự. Hôm thứ Hai vừa qua, ngày mà Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu yêu cầu ‘‘ngừng bắn ngay lập tức’’ chính Trump cũng gửi lời cảnh báo đến Israel : ‘‘Cần phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức… Các vị đã mất đi quá nhiều sự ủng hộ trên thế giới.’’

 

Về phần mình, nhật báo Công giáo La Croix dẫn lại báo cáo của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vùng lãnh thổ Palestine, tố cáo chủ trương ‘‘diệt chủng’’ người Palestine của chính quyền Israel. Bản báo cáo của nữ luật sư Ý Francesca Albanese khuyến nghị Liên Hiệp Quốc thực thi ‘‘cấm vận ngay lập tức vũ khí với Israel''.

 

 

Chế độ Putin lên án âm mưu của ‘‘Hồi giáo cực đoan, phát xít và phương Tây’’

 

Về vụ khủng bố nhà hát ngoại ô Matxcơva, theo Les Echos, chế độ Putin đang tìm cách đi xa hơn trong các tuyên truyền chống phương Tây bất chấp sự thật, cũng như bất chấp Thánh chiến Hồi giáo là mối đe dọa chung toàn cầu. Bài ‘‘Điện Kremlin lên án âm mưu của Hồi giáo cực đoan, phát xít và phương Tây’’ cho biết, trưa hôm qua, lãnh đạo cơ quan an ninh Nga Alexandre Bortnikov, công khai nhấn mạnh là các cơ quan tình báo phương Tây đã ‘‘tạo điều kiện’’ cho nhóm thánh chiến tấn công nhà hát Crocus, dự kiến ‘‘sẽ được chào đón như những anh hùng tại Kiev’’. Theo điện Kremlin, tổng thống Ukraina là ‘‘một người Do Thái khá đặc biệt’’, do lập trường dân tộc chủ nghĩa. Les Echos châm biếm, rõ ràng là chế độ Putin đang tìm cách buộc tội ‘‘khối NATO điều khiển chính quyền phát xít Ukraina, do một người Do Thái đứng đầu, sử dụng các lực lượng thánh chiến Hồi giáo’’ tấn công thường dân Nga.

 

Vấn đề là các tuyên truyền của Nga không khớp với thực tế. Theo Les Echos, các nghi phạm vụ khủng bố đã không chạy về hướng Ukraina, mà là Belarus, đồng minh của Nga. Trang mạng điều tra độc lập Meduza cho biết bốn nghi phạm bị an ninh Nga bắt ở gần làng Teplyi, cách Belarus 16 km. Sứ quán Belarus tại Nga cũng cho biết an ninh nước này đã góp phần vào vụ bắt giữ nói trên.

 

Les Echos nhấn mạnh là : vụ khủng bố nói trên đã ‘‘hủy hoại’’ luận điệu của điện Kremlint, cho rằng Nga chỉ có một ‘‘kẻ thù duy nhất, là phương Tây’’. Nhật báo Pháp cũng lưu ý thái độ thận trọng của điện Kremlin với đạo Hồi, khi ‘‘gần 15% cư dân Nga là người theo đạo Hồi, hoặc là người Hồi giáo gốc Trung Á, là nguồn nhân lực chủ yếu trong ngành xây dựng, nhà hàng, vận tải’’ tại nước này.

 

 

Ukraina chống Nga: ‘‘Hàng nghìn vết cứa’’, vũ khí của kẻ yếu chống kẻ mạnh

 

Về cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga, Le Monde có bài ghi nhận việc Nga tăng cường oanh kích các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina, khiến điện liên tục bị cắt, và việc phục hồi một số cơ sở phải mất nhiều năm trời. Tổng cộng 190 tên lửa, 140 drone tự sát, và 700 bom bay định hướng đã được sử dụng để tấn công Ukraina trong tuần qua.

 

Le Monde cũng chú ý đến việc quân đội Ukraina liên tục tấn công vào hậu phương Nga trong những tuần gần đây. Cơ sở hạ tầng năng lượng cũng là đích nhắm. Theo giới quan sát, khoảng 11% năng lực lọc dầu của Nga đã bị Ukraina phá hủy, gây cản trở cho việc tiếp liệu cho quân đội Nga, tương tự như việc Phe Đồng minh phá hủy một cách có hệ thống các nhà máy lọc dầu của phát xít Đức trong thời giới Thế chiến Hai. Tấn công các cơ sở lọc dầu cho phép cắt giảm các nguồn thu của Nga từ xuất khẩu.

 

Theo chuyên gia Thibault Fouillet, giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Đại học Jean-Moulin Lyon III, Ukraina không có cách nào khác là phải sử dụng chiến thuật của bên yếu để chống lại một đối thủ mạnh hơn bội phần. Chuyên gia Michael Kofman, trung tâm tư vấn Carnegie Mỹ, dự báo, nếu Ukraina thành công trong việc kìm chân được quân Nga trong năm 2024, với chiến thuật ‘‘hàng nghìn vết cứa’’ đánh sâu vào hậu cứ đối phương, Nga sẽ khó lòng giành được lợi thế quyết định trong thời gian tiếp theo.

 

 

Cam Bốt đào kênh lấy nước từ Mêkông : Việt Nam bất lực ?

 

Liên quan đến Việt Nam, Les Echos có bài nói về ‘‘kênh đào Cam Bốt lấy nước từ dòng Mêkông, đang gây bất hoà với nước láng giềng’’. Được Trung Quốc ủng hộ, chính quyền Cam Bốt quyết định khởi công xây dựng con kênh đào, dài 180 km rộng khoảng 100 mét, trị giá 1,7 tỉ đô la, đưa một phần nước của dòng Mê kông chuyển qua vịnh Thái Lan. Tuyến đường thủy dự kiến sẽ thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa của Cam Bốt

 

Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet vui mừng khi đưa ra hình ảnh ví von dự án này rút cục cho phép xứ Chùa Tháp ‘‘có thể hít thở được bằng chính lỗ mũi của mình’’ Theo Phnom Penh, dự án này của Cam Bốt, được một tập đoàn Trung Quốc xây dựng, nhờ nguồn tài chính của Kế hoạch Vành đai Con đường của Bắc Kinh, sẽ hoàn vốn trong 50 năm. Phnom Penh cam đoan là dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy Mêkông.

 

Chính quyền Cam Bốt vui mừng nhưng giới bảo vệ môi trường thì không. Theo chuyên gia Pianporn Deetes, tổ chức phi chính phủ International Rivers, khoảng 2000 km² vùng đất ẩm thấp dọc theo các vùng châu thổ lớn tại khu vực sẽ bị tổn thất, cả trên đất Cam Bốt lẫn trên đất Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam, trong cuộc gặp đồng cấp Cam Bốt tại Hà Nội tháng 12/2023, đã bày tỏ lo ngại về dự án này của Phnom Penh, và yêu cầu các điều tra tiền khả thi kỹ càng hơn về dự án này. Les Echos nhấn mạnh là lãnh đạo chính phủ Việt Nam đã không bày tỏ gì ‘‘về mối lo ngại sâu sắc của Việt Nam về ảnh hưởng truyền thống ngày càng suy yếu của Hà Nội với chế độ Cam Bốt đang ngày càng gần gũi hơn với Bắc Kinh’’.

 

 

Pháp:  Thâm hụt chi tiêu công trầm trọng, chính phủ bị đẩy vào chân tường

 

Thâm hụt chi tiêu công của nước Pháp, vượt xa mức dự báo, là chủ đề của hầu hết các báo hôm nay. 8/Le Monde chạy tựa trang nhất : ‘‘Thâm hụt chi tiêu công nặng nề hơn dự kiến đẩy chính phủ vào thế khó’’. Thâm hụt chi tiêu công của nước Pháp năm 2023, theo báo cáo của Insee công bố hôm qua, là 154 tỉ euro, chiếm 5,5% GDP, vượt 0,6% so với dự kiến trước đó.

 

Về chủ đề này, Le Figaro có hồ sơ trang nhất ‘‘Chệch hướng về ngân sách làm sống lại toan tính tăng thuế’’. Nhật báo La Croix cũng có cùng ghi nhận ‘‘Đối mặt với tình trạng thâm hụt chi tiêu công, phe cầm quyền chia rẽ về chủ trương đánh thuế’’. Hồ sơ trang nhất của Les Echos dành cho chủ đề ‘‘Thâm hụt chi tiêu công: Cuộc chiến bảo hiểm thất nghiệp’’. Cho đến nay, quan điểm của bộ trưởng Tài Chính Pháp là chính phủ sẽ không tăng thuế, việc thu hẹp thâm hụt chi tiêu công sẽ đòi hỏi cắt giảm các khoản chi, mà việc giảm tiền cho lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp được coi là một trọng tâm.

 

Cũng trong số báo này, Les Echos nói đến nguy cơ đối đầu giữa chính phủ với giới nghiệp đoàn, trong bối cảnh tân thủ tướng Gabriel Attal chưa cần ‘‘các nghiệp đoàn kết thúc các thương thuyết’’ về cải cách bảo hiểm thất nghiệp, để khẩn cấp đưa ra các đòi hỏi từ phía chính phủ, trong tình thế đầy áp lực như hiện nay.

 

 

‘‘Mùa xuân Senegal’’ : Nền dân chủ có thể giúp thay đổi chế độ một cách hòa bình

 

Về chính trị quốc tế, cuộc bầu cử tại Senegal cũng là một tâm điểm thời sự. Nhật báo La Croix nói đến ‘‘mùa xuân Senegal’’ sau chiến thắng ngay trong vòng một của ứng cử viên cánh tả Diomyae Faye, ứng cử viên chủ trương cải tổ triệt để hệ thống tại tại quốc gia châu Phi. Ứng viên thắng cử, một cựu thanh tra tài chính, là người vừa được trả tự do ít ngày trước khi cuộc bầu cử bắt đầu.

 

Xã luận báo Le Monde có bài Senegal ‘‘Một chiến thắng, một tiếng sét và một lời cảnh báo’’. Vì sao chiến thắng? Đối với Le Monde, đó là chiến thắng của nền dân chủ, của các định chế chính trị ở Senegal, một trong những nền dân chủ hàng đầu tại châu Phi. Chưa bao giờ kể từ khi độc lập năm 1960, Senegal lại trải qua một cuộc bầu cử tổng thống bất ổn đến như vậy. Lý do chính là cựu tổng thống Macky Sall muốn bấu vám quyền lực. Tuy nhiên, hệ thống tư pháp Senegal đã thành công trong việc kháng cự lại toan tính độc tài này. Quyết định hoãn bầu cử đã bị tòa án bảo hiến bác bỏ.

 

Sự vững vàng của nền dân chủ Senegal gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến các tập đoàn quân sự cầm quyền ở châu Phi, đến dân chúng các nước châu Phi, đó là nền dân chủ cho phép chuyển giao quyền lực, ‘‘thay đổi chế độ’’ một cách hòa bình.






No comments: