Monday, March 18, 2024

ĐỂ THEO DÕI HOA KỲ DỄ HƠN, TRUYỀN THÔNG VÀ NGOẠI GIAO NGA ĐANG MẠNH LÊN Ở MEXICO (Người Việt)

 



 

Để theo dõi Mỹ dễ hơn, truyền thông và ngoại giao Nga đang mạnh lên ở Mexico

Người Việt

March 17, 2024

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/de-theo-doi-my-de-hon-truyen-thong-va-ngoai-giao-nga-dang-manh-len-o-mexico/

 

MEXICO CITY, Mexico (NV) – Hệ thống nhắn tin và phương tiện truyền thông Nga đang phát triển ở Mexico, nơi đang tổ chức các cuộc bầu cử liên bang vào Tháng Sáu và vị trí địa lý gần Hoa Kỳ làm quốc gia này trở thành mục tiêu tình báo vô giá, phóng sự do The Hill ghi nhận hôm Chủ Nhật, 17 Tháng Ba.

 

Dấu ấn ngoại giao của Nga ở Mexico cũng có quy mô lớn không tương xứng so với đại diện của Mexico ở Moscow, sự chênh lệch làm dấy lên mối lo ngại về hoạt động gián điệp và an ninh mạng tiềm tàng của Điện Kremlin ở Bắc Mỹ.

 

Theo dữ liệu chính thức từ Bộ Ngoại Giao Mexico, có tới 72 nhà ngoại giao Nga hiện được chính thức công nhận tại Tòa Đại Sứ Nga ở Mexico City, so với chỉ có 46 nhà ngoại giao tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, 38 nhà ngoại giao tại Tòa Đại Sứ Trung Quốc, và chỉ có 10 nhà ngoại giao Mexico được công nhận tại Tòa Đại Sứ Mexico ở Moscow.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/GettyImages-1247444732-1536x1044.jpg

Một cuộc biểu tình chống Nga xâm lược Ukraine và lên án Tổng Thống Vladimir Putin trước Tòa Đại Sứ Nga ở Mexico City, Mexico ngày 24 Tháng Hai, 2023 (Hình: RODRIGO ARANGUA/AFP/Getty Images)

 

“Tòa Đại Sứ Nga ở Mexico đang hoạt động rất nhiệt tình, hăng say hơn nhiều so với trước đây, và ít nhất là đáng ngạc nhiên, bởi vì nó chỉ trích một vài quan điểm và ở một mức độ nào đó, nếu nói về [chính trị], thì đó là hành động can thiệp,” Martha Bárcena, cựu đại sứ Mexico tại Hoa Kỳ từ 2018 tới 2021 cho biết.

 

“Tôi sẽ không quy kết Tòa Đại Sứ Nga hoặc các cơ quan tình báo Nga về một kế hoạch tổng thể. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng điều này được hình thành từ chủ nghĩa chống Mỹ truyền thống của một nhóm dân Mexico,” Bárcena nói thêm.

 

Mặc dù sự hiện diện của Nga ở Mexico hiện nay rõ rệt hơn so với những năm trước, nhưng lịch sử từng chỉ ra một nhóm người quan trọng của xã hội dân sự và thể chế chính trị Mexico muốn có bang giao chặt chẽ hơn với Liên Xô thì nay là với Nga.

 

“Đảng Cộng Sản Mexico có nền tảng vững chắc từ năm 1919… lực lượng của họ chiếm 5 phần trăm tổng số cử tri, và 5 phần trăm đó tăng lên khi nền tảng đó liên minh với các nhóm lớn hơn,” Roberta Lajous, một thành viên tại Trung Tâm Wilson thuộc Viện Mexico cũng từng là người làm nhà ngoại giao đại diện Mexico làm đại sứ tại bốn quốc gia, trong đó có Cuba từ 2002 tới 2005, cho biết.

 

Mầm mống ban đầu của Đảng Cộng Sản tồn tại qua các thời kỳ chính trị khác nhau – mặc dù luôn luôn có lập trường chống Mỹ mạnh mẽ – và cuối cùng là tìm được chỗ đứng trong liên minh đứng sau Tổng Thống Mexico Andrés Manuel López Obrador.

 

Mầm mống cộng sản này phần lớn vẫn duy trì bang giao thân thiết với Nga, ngay cả khi quốc gia này hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.

 

Liên minh của López Obrador rất rộng, từ tàn dư của mầm mống cộng sản đó cho tới đảng xanh cánh hữu của Mexico, và nhiều đảng phái thuộc đảng bá quyền nửa sau thế kỷ 20, Đảng Cách Mạng Thể Chế (PRI), hiện chính thức là thành viên của liên minh đối lập.

 

López Obrador, từng là thành viên của PRI, luôn luôn giữ góc nhìn trung lập về các vấn đề địa chính trị nói chung và đặc biệt là những vấn đề liên quan tới Nga. Ông từ chối đứng về phía Nga hay Ukraine trong cuộc xâm lược và vẫn chưa lên án cái chết của thủ lãnh phe đối lập Alexei Navalny.

 

“Về mặt địa chính trị, điều mà người Nga muốn ở Mexico là làm Mexico và Hoa Kỳ xào xáo, [bởi Hoa Kỳ] là đối tác thương mại chính, người bạn và là đồng minh,” Dolia Estévez, phóng viên người Mexico làm việc tại Washington, người đầu tiên đưa tin về dấu ấn ngoại giao ngày càng tăng của Nga ở Mexico cho biết.

 

“Chiến lược này không dành cho các chính phủ Mỹ Latin tương tự Mexico, ngoài ba chế độ độc tài [Cuba, Nicaragua và Venezuela], nhằm hỗ trợ chiến tranh hoặc xâm lược [Ukraine], đó không phải là điều [người Nga] muốn, họ muốn giữ thái độ trung lập, vì trung lập làm lợi cho Nga. Đó chính là mục tiêu. Chẳng hạn, họ không muốn López Obrador hỗ trợ Nga, để tấn công Hoa Kỳ và NATO.”

 

Mạng truyền thông RT của Nga – bị cấm ở Âu Châu và thường bị chỉ trích là tuyên truyền ở Tây Phương – lại quảng cáo trên các bảng quảng cáo khắp Mexico City và được phát trên màn hình trong hệ thống tàu điện ngầm Metro của thành phố, nơi có khoảng một tỷ lượt người qua lại hàng năm.

 

Trong một cuộc phỏng vấn vào Tháng Giêng với Nacho “El Chapucero” Rodríguez, người có ảnh hưởng trực tuyến ủng hộ Tổng Thống López Obrador, Đại Sứ Nga Nikolay Sofinskiy cho biết ông “đã có mạng RT. Từ lúc RT bắt đầu quảng cáo, số lượng khán giả theo dõi chúng tôi tăng lên rất nhiều.”

 

“Mexico, cũng giống như Vienna, hay Istanbul, luôn luôn là một thành phố có nhiều tin tức tình báo, nhiều tương tác tình báo,” cựu đại sứ Bárcena nói.

 

“Có nhiều điệp viên bí mật đến từ các quốc gia khác nhau. Và rõ ràng, với Nga, điều này rất hấp dẫn vì Mexico rất gần với Hoa Kỳ. Vì vậy, ngay bây giờ, do khả năng tiếp cận Hoa Kỳ của họ bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt, nên việc theo dõi tình hình Hoa Kỳ từ Mexico có thể dễ dàng hơn so với việc theo dõi từ các nơi khác.”

 

Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh dai dẳng, Nga phần lớn khai triển các hoạt động tình báo ở Châu Mỹ Latin cho Cuba.

 

Sau Cuộc Khủng Hoảng Hỏa Tiễn Cuba năm 1962, việc tăng cường chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ Latin phần lớn được giao cho Cuba và mô hình du kích của quốc gia này, theo Lajous.

 

Hệ thống chính trị Mexico dưới bàn tay của PRI, là hệ thống tư tưởng rộng lớn gồm có các thành phần chống cộng sản nhiệt thành – trong đó có cả bộ máy an ninh nội bộ của Mexico – đạt được thỏa thuận với Cuba, chấp nhận một số luận điệu khuynh tả.

 

Mặt khác, PRI chính thức trung lập nhưng chống cộng sản ở quy mô toàn cầu và đứng về phía Hoa Kỳ khi có xung đột.

 

López Obrador gây tranh cãi trong tuần này, khi lên tiếng phàn nàn sau khi tòa án bầu cử ra lệnh ông xóa cuộc phỏng vấn với cựu phóng viên RT Inna Afinogenova khỏi một số mạng xã hội, người này từng đăng cuộc phỏng vấn trên Canal Red, một kênh truyền thông xã hội của Tây Ban Nha.

Canal Red được điều hành bởi Pablo Iglesias, chính khách Tây Ban Nha, người kêu gọi chấm dứt về ngoại giao cho cuộc chiến ở Ukraine.

 

López Obrador được lệnh xóa đoạn phim khỏi YouTube và Facebook vì tòa án cho rằng đoạn phim này quảng bá cho Claudia Sheinbaum, cựu thị trưởng Mexico City đang tranh cử tổng thống dưới sự bảo trợ chính trị của López Obrador.

 

López Obrador lần đầu tiên công bố cuộc phỏng vấn vào cùng ngày cái chết của Navalny được Điện Kremlin công bố.

 

“Tôi nghĩ Hoa Kỳ nên dè dặt. Tôi nghĩ rằng với Mexico, Nga không cố tình gây bất ổn. Nhiều khả năng điều họ muốn chắc chắn là Mexico tiếp tục giữ quan điểm được cho là trung lập trước cuộc chiến ở Ukraine, trên thực tế thì đây lại là điều có lợi cho Nga,” Bárcena nói. (TTHN)







No comments: