Sunday, March 17, 2024

BIDEN PHẢI CỨNG VỚI ISRAEL (Hiếu Chân/ Người Việt)

 



Biden phải cứng với Israel

Hiếu Chân/Người Việt

March 15, 2024

 https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/biden-phai-cung-voi-israel/

 

Nhiều tháng trước, những người quan sát chính trị quốc tế đã dự đoán cuộc chiến tranh giữa Hamas với Israel sẽ làm rung chuyển chính trị Hoa Kỳ, thậm chí có thể hủy hoại nỗ lực tái tranh cử của Tổng Thống Joe Biden. Bây giờ, có vẻ như ông Biden và đảng Dân Chủ đang cố thoát ra khỏi mớ bòng bong Trung Đông để lấy lại niềm tin của cử tri Mỹ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/BL-Biden-Phai-Cung-Ran-1536x1024.jpg

Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer rời phòng họp khoáng đại Thượng Viện, sau khi chỉ trích chính sách của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu hôm 14 Tháng Ba. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

 

Hôm Thứ Năm, 14 Tháng Ba, trong phiên họp khoáng đại, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), lãnh đạo khối đa số Thượng Viện, gây bão dư luận khi lần đầu tiên công khai chỉ trích Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới để thay thế ông này và tìm giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột đẫm máu ở Gaza. Trước ông Schumer, chưa có chính trị gia nào của Mỹ thù địch với ông Netanyahu như vậy bởi vì người nào chống ông Netanyahu cũng dễ bị vu cáo là “bài Do Thái” (antisemitism), chẳng lợi lộc gì mà nhiều rủi ro chính trị. Theo lời ông Schumer, ông Netanyahu đã “đi lạc đường khi đặt sinh mệnh chính trị của ông ấy lên trên quyền lợi của Israel,” ông ấy “sẵn sàng chấp nhận con số tử vong của thường dân ở dải Gaza và điều đó làm cho sự ủng hộ Israel trên thế giới xuống mức thấp chưa từng có.” Ông Schumer tin rằng “một cuộc bầu cử mới là con đường duy nhất để tạo ra một tiến trình lành mạnh và cởi mở quyết định tương lai Israel,” theo nhật báo The New York Times.

 

Ngày hôm sau, ông Biden khen phát ngôn của ông Schumer là một “diễn văn hay,” không chỉ thể hiện mối quan tâm nghiêm túc của riêng ông mà của nhiều người Mỹ.

 

                                                     ***

 

Còn nhớ hôm 7 Tháng Mười năm ngoái, quân Hamas bất ngờ tập kích và giết hại dã man 1,200 người dân Israel, bắt làm con tin hơn 240 người khác. Israel nhanh chóng trả đũa, tấn công hải lục không quân vào dải Gaza, thành trì của Hamas, và sau năm tháng chiến tranh biến vùng đất này thành bình địa với hơn 30,000 người chết, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Chiến dịch quân sự của Israel gây ra một thảm họa nhân đạo khủng khiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại khi hàng trăm ngàn người đang chết dần chết mòn vì thiếu lương thực, nước uống, thuốc men.

 

Khi chiến tranh bắt đầu, ông Biden là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bay tới vùng chiến sự để tỏ tình đoàn kết với Israel, long trọng cam kết hỗ trợ Israel hết mức. Quân đội Mỹ theo lệnh ông, dàn trận ở Địa Trung Hải, vũ khí đạn dược được đưa tới tấp đến Israel hỗ trợ cuộc chiến. Trên mặt trận ngoại giao, Ngoại Trưởng Antony Blinken của Mỹ thực hiện nhiều chuyến công du con thoi tới các nước Ả Rập để ngăn ngừa chiến tranh lan rộng. Ở Liên Hiệp Quốc, Mỹ nhiều lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ các nghị quyết đòi ngừng bắn ở Gaza nhân danh quyền tự vệ chính đáng của Israel.

 

 

Sự ủng hộ vô điều kiện của chính quyền Biden đối với Israel bị phản đối mạnh cả ở trong nước và nước ngoài, nhất là trước hình ảnh thương vong khủng khiếp của người Palestine ở Gaza. Ở ngoài nước, uy tín của Mỹ giảm xuống mức rất thấp khi Washington bị coi là đồng lõa với Tel Aviv. Các căn cứ quân đội Mỹ ở Trung Đông liên tục bị tấn công. Ở Mỹ, sinh viên liên tục biểu tình lên án chiến tranh “diệt chủng” của quân đội Israel. Cử tri người Ả Rập, người Hồi Giáo, và giới trẻ nói thẳng họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Biden nếu chính phủ Mỹ không thay đổi lập trường trong vấn đề Trung Đông.

 

Công bằng mà nói, có đôi lần ông Biden nhận ra tính nghiêm trọng của tình hình. Ông phê phán phản ứng của Israel là quá đáng (over the top) và Mỹ đã nỗ lực cùng với Ai Cập và Qatar dàn xếp các cuộc ngừng bắn, thả con tin, và trao đổi tù nhân giữa hai bên. Ông Biden được biết cũng liên tục gây áp lực buộc ông Netanyahu phải hạn chế tấn công quân sự, tránh tổn thất cho thường dân, tạo thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, và suy tính nghiêm túc về tương lai của khu vực, trong đó có giải pháp “hai nhà nước” – Israel và Palestine tồn tại độc lập theo các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và thỏa thuận hòa bình Oslo 1993 ký dưới thời cựu Tổng Thống Bill Clinton.

 

Mới đây nhất, ông Biden thúc giục ông Netanyahu ngừng kế hoạch tấn công quân sự vào Rafah, thị trấn cực Nam Dải Gaza giáp với Ai Cập, nơi 1.5 triệu rưỡi người Palestine khốn cùng đang chen chúc trong các túp lều tạm bợ giữa sa mạc, sống không bằng chết. Một cuộc tấn công quân sự vào Rafah sẽ gây thương vong ở mức không ai tưởng tượng nổi.

 

Thế nhưng, theo giới thạo tin, lời ông Biden nói với ông Netanyahu như “nước đổ đầu vịt,” nhà lãnh đạo Israel bác bỏ mọi áp lực đòi kiềm chế hoạt động quân sự và công khai phê phán ông Biden sai lầm khi khuyến cáo ngừng cuộc tấn công vào Rafah mà họ coi là thành trì cuối cùng của Hamas. Ông Netanyahu cũng cực lực bác bỏ giải pháp “hai nhà nước,” đồng thời đẩy mạnh chương trình xây dựng các khu định cư Israel ở West Bank, trên lãnh thổ xâm chiếm của người Palestine.

 

                                                        ***

 

Trở lại với bài phát biểu dậy sóng của Thượng Nghị Sĩ Schumer. Nên để ý, ông Schumer là người Mỹ gốc Do Thái giữ cương vị cao nhất trong hệ thống chính trị Mỹ, có quan điểm ôn hòa và là bạn ông Netanyahu. Không có căn cứ nào để nói rằng ông Schumer là người bài Do Thái. Nhưng phát biểu của ông cho thấy cần phân biệt giữa Israel, người Do Thái, với chính quyền cực hữu hiện nay.

 

Trong 16 năm làm thủ tướng Israel, ông Netanyahu đẩy đất nước này đi vào hướng dân tộc cực đoan, chủ trương xóa sổ người Palestine dựa vào một niềm tin trong Kinh Thánh Do Thái Giáo rằng vùng đất từ Địa Trung Hải đến sông Jordan đã được Chúa ban cho người Do Thái. Họ liên tục bành trướng các khu định cư của người Do Thái trên đất Palestine và bác bỏ giải pháp hai nhà nước. Chính sách của ông Netanyahu – mà cuộc chiến thảm khốc hiện nay là một minh chứng – đang gieo mầm hận thù không thể xoa dịu trong các thế hệ người Palestine, và người Ả Rập nói chung. Từ mầm hận thù đó, ai biết được những tổ chức kháng chiến nào sẽ ra đời trong tương lai thay cho Hamas?

 

Những thỏa thuận chung sống hòa bình mà Israel đã ký kết với một số quốc gia Ả Rập qua trung gian hòa giải của Mỹ sẽ sớm bị ngọn lửa chiến tranh và hận thù thiêu rụi. Nói cách khác, đường lối cực đoan và hiếu chiến của ông Netanyahu không phục vụ cho lợi ích lâu dài của người Do Thái mà ngược lại, đang đẩy họ vào thế đối đầu với cả khu vực và đặt an ninh của Israel vào tình trạng nguy hiểm. Và đó là điều mà ông Schumer muốn nói, với sự đồng tình của ông Biden. Hôm 10 Tháng Ba, chính ông Biden cũng cho rằng chiến lược quân sự của ông Netanyahu “gây tổn hại hơn là giúp cho Israel.”

 

                                                             ***

 

Nhưng xem ra, cho đến nay, ông Biden không có nhiều ảnh hưởng với ông Netanyahu và chính sách của Israel, một phần vì ông chưa sử dụng những quyền lực vô đối của một tổng thống Hoa Kỳ.

 

Vì sự tồn tại hòa bình của Israel, lẽ ra ông Biden phải có những hành động cứng rắn hơn thay cho những lời vận động thuyết phục không được ông Netanyahu để ý tới. Về chính sách, Mỹ có thể ngừng cung cấp vũ khí trừ khi Israel chấp nhận lập trường của chính phủ Mỹ, tôn trọng “con đường thực tế, có thời hạn và không đảo ngược tiến trình thành lập một nhà nước Palestine tồn tại hòa bình bên cạnh nhà nước Israel” như tuyên bố của Ngoại Trưởng Blinken. Tổng Thống Biden cũng có thể phủ quyết dự luật viện trợ $14.1 tỷ cho Israel, đang bị treo tại Hạ Viện sau khi được Thượng Viện thông qua. Với khoản viện trợ quân sự hằng năm $3.8 tỷ mà Quốc Hội Mỹ phân bổ cho Israel tới năm 2028 – nhiều hơn viện trợ cho bất kỳ đồng minh nào khác – ông Biden khó mà ngăn chặn được, nhưng theo luật, tổng thống có quyền tạm ngừng viện trợ nếu xác định khoản viện trợ đó được dùng để gây ra “những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền” hoặc “ngăn chặn việc vận chuyển, bàn giao viện trợ nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ.” Thương vong khủng khiếp của trẻ em Palestine ở Gaza cho thấy Mỹ không nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân đội Israel nếu viện trợ nhân đạo của Mỹ cho người dân xứ này vẫn bị chính quyền Netanyahu gây khó khăn và cản trở.

 

Trên diễn đàn quốc tế, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể thay đổi thái độ, đứng cùng các đồng minh Châu Âu để soạn thảo và ủng hộ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đòi các bên phải ngừng bắn ở Gaza, đòi Israel cho phép hàng cứu trợ nhân đạo được đưa tới tay những người Palestine đang đói khát và bệnh tật. Washington không thể dành một sự ưu ái đặc biệt cho Israel để tránh bị lên án là đạo đức giả.

 

Hồi Tháng Hai, ông Biden nói với NBC News rằng ông Netanyahu “đang lôi ông xuống địa ngục.” Nhà bình luận nổi tiếng Thomas Friedman của nhật báo The New York Times thì ví von, ông Biden đang đối đầu với “liên danh Trump-Netanyahu” trong cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ. Còn bảy tháng nữa sẽ tới ngày bầu cử tổng thống, vẫn chưa muộn để ông Biden thay đổi chính sách nếu ông muốn cử tri Mỹ – nhất là giới trẻ – tiếp tục tin vào sự phán đoán và quyết định của ông trong cương vị nhà lãnh đạo quốc gia. [đ.d.]






No comments: