Sunday, March 17, 2024

TRUNG QUỐC PHÓNG VỆ TINH DO THÁM NHÌN ĐƯỢC CẢ TRÁI ĐẤT, ĐƯỜNG ĐÂU MÀ TRỐN? (Người Việt)

 



 

Trung Quốc phóng vệ tinh do thám nhìn được cả Trái Đất, đường đâu mà trốn?

Người Việt

March 16, 2024

 https://www.nguoi-viet.com/doi-song/khoa-hoc/trung-quoc-phong-ve-tinh-do-tham-nhin-duoc-ca-trai-dat-duong-dau-ma-tron/

 

HẢI NAM, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc tiến hành phóng một vệ tinh viễn thám có tên Yaogan-41 vào Quỹ Đạo Địa Tĩnh (GEO) hồi 15 Tháng Mười Hai 2023. Các phân tích gia kỳ vọng vệ tinh này sẽ ổn định ở một vị trí cho phép giám sát liên tục Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cũng như Đài Loan và Hoa Lục. Kết hợp với dữ liệu từ các vệ tinh do thám khác của Trung Quốc, Yaogan-41 có thể giúp Trung Quốc có năng lực chưa từng có trong việc xác định và theo dõi các vật thể có kích cỡ bằng xe hơi trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đe dọa nhiều tài sản hải quân và không quân Hoa Kỳ cùng đồng minh đang hoạt động trong khu vực, theo Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Bang Giao Quốc Tế CSIS.

 

Nhà cầm quyền Trung Quốc chính thức tuyên bố Yaogan-41 là vệ tinh do thám quang học dân sự tầm cao dùng để ước tính năng suất cây trồng, quản lý môi trường, dự báo thời tiết và phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, các nhà quan sát Tây Phương lại đánh giá Yaogan-41 phần lớn hoạt động như vệ tinh trinh sát quân sự, vì đề án Yaogan hỗ trợ lực lượng không gian của Giải Phóng Quân Trung Hoa (PLA). Trung Quốc phóng thành công 144 vệ tinh do thám Yaogan vào quỹ đạo từ lúc khởi sự chương trình vào năm 2006. Dịch từ Anh Văn qua Hoa Văn, Yaogan có nghĩa đen là viễn thám.

 

Một khi Yaogan-41 tới được vị trí được lập trình sẵn, nó sẽ trở thành vệ tinh do thám quang học thứ tư của Trung Quốc trong quỹ đao GEO. Đáng chú ý, Yaogan-41 lớn hơn và nặng hơn nhiều so với ba vệ tinh quang học trước đó. Trong khi các vệ tinh khác được phóng bằng hỏa tiễn Trường Chinh 3B, có khả năng nâng 2,000 kilogram vào quỹ đạo GEO, thì Yaogan-41 dùng hỏa tiễn lớn nhất của Trung Quốc, Trường Chinh 5, có khả năng phóng tải trọng tới 4,500 kilogram. Ngoài ra, lớp vỏ tải trọng của Yaogan-41 dài hơn 50 phần trăm so với lớp vỏ thông thường của Trường Chinh 5, điều này làm nên tên tuổi của Trường Chinh 5, là hỏa tiễn dài nhất có thể phóng được vệ tinh Yaogan-41.

 

Yaogan-41 của Trung Quốc phóng vào Quỹ Đạo Địa Tĩnh (GEO) hồi 15 Tháng Mười Hai, 2023, được cho là có khả năng theo dõi các tàu thuyền trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (Hình minh họa: CSIS)

 

Các chuyên gia cho rằng Yaogan-41 cũng có năng lực hơn ba phiên bản vệ tinh GEO trước đó, có độ phân giải quang học cao nhất được cho là khoảng 15 mét. Độ phân giải này đủ để dò tìm và có khả năng phân loại các tàu thuyền lớn. Nếu những người chế tạo Yaogan-41 có thể kết hợp kỹ nghệ mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc dự trù hoàn thiện vào năm 2020, thì độ phân giải quang học của Yaogan-41 có thể đạt 2.5 mét. Độ phân giải này đủ để phát giác và theo dõi các vật thể có kích cỡ bằng xe hơi, tương tự như việc nhìn thấy một sợi tóc từ khoảng cách 800 mét.

 

Phần lớn các vệ tinh do thám, gồm có cả các vệ tinh của Hoa Kỳ, Âu Châu, Nga và Trung Quốc, đều hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất Thấp (LEO), lên tới 3,000 kilometer. Phần lớn các vệ tinh hiện đang ở trong quỹ đạo và phần lớn các vệ tinh do thám đều hoạt động trong quỹ đạo LEO vì việc phóng vệ tinh lên LEO dễ dàng hơn và rẻ hơn nhiều so với việc phóng lên các quỹ đạo cao hơn. Ngoài ra, đối với cảm biến có kích thước tương đương, việc đặt cảm biến đó vào LEO sẽ có độ phân giải sắc nét hơn vì nó ở gần các vật thể trên Trái Đất hơn. Tuy nhiên, vệ tinh LEO thiếu một đặc điểm có thể rất quan trọng cho việc theo dõi: sự bền bỉ.

 

Một vệ tinh điển hình trong quỹ đạo LEO quay quanh Trái đất trong vòng chưa đầy hai giờ, do đó chỉ nhìn thấy một điểm cố định trên Trái Đất trong vài phút. Ngoài ra, do cơ chế quỹ đạo, có thể mất hàng giờ hoặc hàng ngày để vệ tinh đó quay trở lại vị trí cũ. Mặc dù một chòm vệ tinh ở quỹ đạo thấp hơn có thể đem lại sự ổn định bằng cách giảm thời gian quay trở lại, nhưng các vệ tinh trong quỹ đạo GEO có tốc độ tương tự như Trái Đất, nghĩa là các vệ tinh đó xem Trái Đất như đứng yên. Chỉ quỹ đạo GEO mới có một vệ tinh, như Yaogan-41, với tầm nhìn liên tục và nhìn cùng một địa điểm. Một lợi thế nữa là vệ tinh GEO có thể nhìn thấy gần một nửa bề mặt Trái Đất từ cao độ 36,000 kilometer.

 

Trung Quốc cũng vận hành ba vệ tinh giám sát quang học khác ở GEO. Ba vệ tinh này là một phần của đề án Gaofen, có 29 vệ tinh hoạt động trong LEO với tổng số 32 vệ tinh. Gaofen, có nghĩa là độ phân giải cao, là một phần của Hệ Thống Theo Dõi Trái Đất có độ phân giải cao (CHEOS) của Trung Quốc, một sáng kiến với vỏ bọc dân sự nhằm hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp, ứng phó thiên tai và giám sát môi trường. Ngoài các vệ tinh, CHEOS còn vận hành các hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu gần không gian, trên không và trên mặt đất.

 

Không giống như Hoa Kỳ, Âu Châu và Nga, Trung Quốc nhấn mạnh việc phát triển và mở rộng năng lực theo dõi SAR và quang học GEO có độ phân giải cao. Mặc dù đã có những ứng dụng dân sự cho những năng lực kể trên, nhưng những ứng dụng đó thường có thể được phục vụ bởi các vệ tinh hoạt động ở cao độ thấp hơn, dễ tiếp cận và rẻ hơn và cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao hơn so với các giải pháp thay thế GEO. Ngoài ra, các ứng dụng dân sự như nông nghiệp, quan sát môi trường và phòng chống thiên tai thường không đòi hỏi thêm chi phí liên quan tới phạm vi phủ sóng liên tục vì các ứng dụng này không yêu cầu theo dõi và phát giác chuyển động. Lấy ví dụ, các chương trình vệ tinh dân sự tương tự của Hoa Kỳ và Âu Châu, là Landsat và Copernicus, cả hai đều vận hành các vệ tinh trong quỹ đạo LEO.

 

Hoa Kỳ và các đồng minh cho rằng Trung Quốc duy trì năng lực do thám trên không gian để có thể theo dõi tương đối chính xác tàu thuyền lớn trong khu vực. Trong tương lai, Trung Quốc cũng có thể dò tìm và theo dõi chiến đấu cơ, kể cả đó là phi cơ ở xa Thái Bình Dương và phi cơ được chế tạo để tránh radar. Mặc dù các hệ thống GEO sẽ có thể đối diện với xung đột, nhưng chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong kịch bản tấn công đầu tiên bằng cách định vị và hỗ trợ nhắm mục tiêu vào các cứ điểm quan trọng của Hoa Kỳ và đồng minh. Các đám mây trên trời vẫn có thể che khuất các hệ thống quang học trên không gian còn thuật toán AI thì vẫn mắc lỗi, nhưng những tiến bộ không ngừng trong lãnh vực do thám của Trung Quốc có thể sớm tạo ra một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không cách nào mà trốn được. (TTHN)





No comments: