Tuesday, April 19, 2022

Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN CẦN PHẢI ĐƯỢC TÔN TRỌNG! (Ngô Huy Cương)

 



Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN CẦN PHẢI ĐƯỢC TÔN TRỌNG!   

Ngô Huy Cương

18/04/2022  22:30   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0zRBesgn3f7SMY9LDJzd4MjSzc6tX3S4F31uqNxTUDY6y6jynSrKXxiFuGYYnVHfUl&id=100010780718014

 

Nhiều người, thậm chí có cả những cán bộ, Đảng viên ngại đối thoại với dân hoặc đối thoại với dân không thành công do trình độ quá kém, nên thường buông một câu: “Dân cứ lo mà làm ăn yên ổn. Những vấn đề lớn của đất nước hay quan hệ quốc tế đã có Đảng và Nhà nước lo”.

 

Câu nói đó rất có vẻ bảo vệ Đảng và Nhà nước, nhưng thực chất làm xói mòn nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Hiến pháp năm 2013 tuyên bố: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.” (Khoản 2, Điều 4).

 

Điều này cho thấy trước hết Đảng viên phải có trách nhiệm giải trình trước nhân dân về những quyết định quan trọng của đất nước và lắng nghe ý kiến phản hồi từ nhân dân để tiếp tục ra các quyết sách hoặc chỉnh sửa, hủy bỏ các quyết sách quan trọng của đất nước, kể cả những quyết sách về quan hệ quốc tế.

 

Có những người, thậm chí là Đảng viên quân hàm cao đã phát ngôn khinh dân bằng cách qui kết những ai ủng hộ và giúp đỡ Ucraina chống lại cuộc chiến xâm lược của Nga là phản động, trong khi Việt Nam và Ucraina đang là đối tác hợp tác toàn diện của nhau.

 

Nhẽ ra những người có trách nhiệm đại diện cho Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (một tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh được lập ra vì sự chung sống hòa bình của “nhân dân” các dân tộc trên thế giới như nói tại lời nói đầu của Hiến chương) phải giải trình trước nhân dân về “phiếu trắng” và “phiếu chống” vừa qua của Việt Nam đối với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về cuộc xâm lược của Nga đối với Ucraina. Nhưng thiếu sự giải trình đầy đủ cho dân hiểu rõ, thì không thể có sự đồng thuận. Đó là lẽ thường!

 

Vấn đề Nga xâm lược Ucraina không đơn thuần chỉ là vấn đề chính trị và quan hệ quốc tế, mà còn là vấn đề tài chính và quốc phòng của Việt Nam.

 

Nhân dân luôn ủng hộ nhiệt thành mua vũ khí để bảo vệ đất nước. Nhưng hiệu quả chiến tranh của vũ khí mà Việt Nam mua và sự chi tiêu chính đáng tiền đóng góp của dân là điều mà nhân dân quan tâm.

 

Tiền mua vũ khí gì đi chăng nữa đều là tiền của nhân dân đóng góp. Nền tài chính non trẻ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau Cách mạng 8/1945 do chính nhân dân quyên góp tạo dựng nên. Do đó nói tiền bạc của Nhà nước bây giờ do khai thác công sản mà có là những lập luận không có nền tảng. Đất đai, tài nguyên, khoáng sản là tài sản chung của cả dân tộc Việt Nam mà xuơng máu của hàng nghìn thế hệ người Việt gìn giữ, tôn tạo. Vay tiền để chi tiêu công thực chất là ứng trước một khoản thuế. Vậy nhân dân có quyền được nghe giải trình về hiệu quả của việc chi tiêu đó trừ những gì thuộc về bí mật không thể tiết lộ.

 

Nga đánh Ucraina bộc lộ những yếu kém của vũ khí Nga (có thể là do tham nhũng ăn bớt về mặt kỹ thuật, công nghệ). Vậy có nên mua vũ khí Nga nữa không là câu hỏi không thể không có câu trả lời?

 

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được sự che chở và ủng hộ của dân ngay từ trong phôi thai để trở thành một lực lượng lãnh đạo đất nước như ngày nay. Vì vậy cán bộ, Đảng viên ngại đối thoại với dân, qui kết dân là phản động mà không chứng minh được là chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Lưu ý: Phản động luôn được hiểu là hành động ngược lại với mục tiêu, xu hướng phát triển của loài người. Vậy sự phát triển chung của loài người là hướng tới hòa bình, đối thoại, hợp tác và cùng phát triển, cho nên phải cùng nhau chống lại xâm lược, bắt nạt dân tộc?

 

Cái lẽ ra đời đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là chống xâm lược và bắt nạt dân tộc. Điều đó có thay đổi?

 

Cần xử lý nghiêm khắc những Đảng viên chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng và đẩy nhân dân về một phía.

 

Qui luật luôn cho thấy sự lựa chọn của nhân dân là sự lựa chọn cuối cùng, dù sớm hay muộn điều đó cũng xảy ra. Vậy phải hòa cùng dân nếu không thể làm cho dân thay đổi?

 

.

38 BÌNH LUẬN   

 




No comments: