Vladimir
Putin và Viktor Orban
11/04/2022
https://www.voatiengviet.com/a/vladimir-putin-v%C3%A0-viktor-orban/6523215.html
https://gdb.voanews.com/d20db2d1-33e4-4267-b27a-aee14109507d_w650_r1_s.jpg
Viktor Orban chịu
khuất phục Vladimir Putin cũng dễ hiểu; giống như học trò phục thầy.
Khi nào dân Nga, dân Hungary được thi hành các quyền
đó, các ông Vladimir Putin và Viktor Orban sẽ hết chỗ.
Nói những điều dối trá trắng trợn là cố ý sỉ
nhục người nghe. Đó cũng là một cách thử thách xem người kia đã chịu khuất phục
mình hay chưa. Sử Ký Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng bản kỷ, kể
chuyện “chỉ lộc vi mã.” Thời Tần Nhị Thế, Thừa tướng Triệu Cao nói muốn dâng
vua con ngựa, nhưng sai đem đến một con hươu. Ông vua lắc đầu, bảo con ngựa làm
gì có sừng! Triệu Cao chỉ con hươu hỏi các đại thần; nhiều người công nhận đó
chính là một con ngựa. Nhị Thế chịu thua.
Thứ Tư tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir
Putin gọi điện thoại chúc mừng Tổng thống Hungary Viktor Orban, mới thắng cử lần
nữa. Theo báo The Moscow Times, trong cuộc điện đàm ông Putin đã tố
cáo chính phủ Ukraine gây hấn một cách “thô bạo và trâng tráo” bằng cách bịa đặt
ra hình ảnh những xác chết ở Bucha sau khi quân Nga rút đi.
Không ai có thể “bịa đặt” được hai hố chôn tập
thể với 320 thi hài đã sình thối rải rác trên đường trong một hai ngày sau khi
quân Ukraine chiếm lại được Bucha. Phóng viên báo The Economist kể
sau khi đi một vòng kiểm chứng trở về quần áo còn thấy mùi.
The Moscow Times không
cho biết ông Orban phản ứng thế nào khi nghe ông Putin nói dối trắng trợn. Có lẽ
ông Orban không phản đối, như mấy ông quan Tần nghe Triệu Cao “chỉ hươu nói ngựa.”
Viktor Orban chịu khuất phục Vladimir Putin cũng dễ
hiểu; giống như học trò phục thầy. Orban làm tổng thống
Hungary 10 năm sau khi Putin lên ngôi ở Nga; đã học được ông thầy các mánh khóe
củng cố địa vị độc tài. Orban học được đủ các ngón nghề. Nắm lấy các cơ sở truyền
thông công và tư để kiểm soát dư luận. Các đại gia chịu làm tay sai được thả
cho làm giàu, trúng những mối thầu lớn; rồi mua hết các báo, đài lớn của tư
nhân. Từ đó nói cùng một luận điệu như các báo, đài chính phủ. Dối trá, vu cáo,
dựng lên những mối đe dọa từ bên ngoài khiến dân sợ hãi cầu mong một lãnh tụ
anh minh đứng ra cứu nước. Thay đổi hiến pháp và luật bầu cử để bảo đảm phe đảng
của mình chiếm được nhiều ghế nhất trong quốc hội. Trấn áp những người đối lập
để ngoài mình ra dân không còn thấy ai để lựa chọn. Dùng tài sản quốc gia để
ban phát ân huệ.
Trước ngày bỏ phiếu ông Orban đã gia tăng trợ
cấp cho người già về hưu. Ông ra lệnh cấm tăng giá thực phẩm và thuốc men, cắt
thuế cho những người lợi tức thấp, chuyện lạm phát đang tăng lên 8.3% và ngân
sách khiếm hụt sẽ tính sau. Ông đe dọa dân chúng rằng nếu phe đối lập thắng họ
sẽ kết thân với Cộng Đồng Âu châu hơn, sẽ ủng hộ Ukraine mạnh hơn. Nếu muốn
Hungary không bị lôi cuốn vào chiến tranh thì hãy bỏ phiếu cho đảng Fidesz!
Những biện pháp mua chuộc lòng dân và các lời
đe dọa đó giúp Fidesz thêm phiếu, nhưng Viktor Orban đã tin chắc sẽ thắng vì
trong các năm qua đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thao túng các cuộc bầu cử.
Đảng Fidesz được 53% số phiếu, nhưng chiếm 135 ghế, hai phần ba số ghế trong quốc
hội, phần lớn nhờ những đơn vị ở nông thôn! Phe đối lập chiếm 35% nhưng chỉ được
56 ghế. Các luật lệ về bầu cử được ban hành trong 10 năm qua giúp Fidesz chiếm
địa vị này.
Trước ngày bầu cử, nhật báo The New
York Times kể chuyện ở trong ngôi làng Kispalad nhỏ bé, nằm phía Đông
Bắc, giáp giới Ukraine. Năm 2014, ông xã trưởng thuộc đảng Fidesz đang lo bị thất
cử. Ông mời bà Jozsefne Sanko đến nói chuyện. Bà chuyên nghề hái dưa, khi có việc
làm, khi không. Ông xã trưởng nói với bà rằng xã có thể sắp xếp để cả gia đình
bà có việc làm chắc chắn. Ông chỉ yêu cầu bà ký tên xác nhận 135 người đang sống
trong nhà bà, họ sẽ là cử tri, có quyền bỏ phiếu. Những người đó là dân
Ukraine, không sao. Con trai bà, Adam Sanko, nói với nhà báo, “Ở đây không có
việc làm. Cho nên mẹ tôi đã chịu ký những tờ giấy chứng nhận đó.”
Đến ngày bỏ phiếu, các “cử tri” đã qua bỏ phiếu
vì họ có địa chỉ ở Hungary. Họ đi bằng xe hơi, xe đạp hay xe buýt, bỏ phiếu
xong lại về nước. Phương pháp dùng “cử tri du khách” này rất thịnh hành ở các
vùng quê Hungary.
Trước ngày dân Hungary bỏ phiếu lãnh tụ đối lập
Peter Mari-Zay đã được đảng Xanh, đảng Xã hội, đảng Thiên Chúa Giáo Bảo Thủ, tất
cả sáu đảng ủng hộ. Nhưng ông Mari-Zay chỉ được lên truyền hình công cộng vận động
dân chúng một lần duy nhất, trong 5 phút! Còn đảng cầm quyền thì được đề cao
quanh năm suốt tháng. Ông mỉa mai nói cám ơn chính phủ, trong bốn năm trời, đã
cho phép ông được nói 5 phút.
Bà Klara Dobrev, một đại biểu của Hungary
trong quốc hội Âu châu tố cáo: “Gian lận bầu cử không phải chỉ bắt đầu lúc 7 giờ
sáng khi phòng phiếu mở cửa. Nó đã diễn ra từ bao nhiêu năm rồi!” Các báo, đài
công cộng do tiền thuế của người dân nuôi dưỡng chứ không phải tiền của đảng
Fidesz. Bà Dobrev lên án: “Sử dụng tài nguyên chung của quốc gia để tuyên truyền
cho một đảng chính trị là cái gì? Rõ ràng là gian lận bầu cử.”
Những lãnh tụ độc tài kiểu Vladimir Putin và
Viktor Orban coi tài sản quốc gia như của riêng mình. Họ ban phát ân huệ cho
phe đảng bằng các chức vụ trong các doanh nghiệp nhà nước. Họ ưu đãi cho đàn em
khai thác tài nguyên quốc gia, rừng, biển, quặng mỏ. Họ dùng tất cả các cơ quan
truyền thông nhà nước để quảng cáo cho chính mình và đảng mình. Mỗi chế độ độc
tài đều là một “chế độ ăn cướp.”
Tại sao những quốc gia đã có các hiến pháp dân
chủ có thể đưa các thủ lãnh độc tài lên như vậy? Chúng ta không quên rằng nước
Pháp đã thiết lập chế độ dân chủ nhiều lần trong lịch sử, rồi quay trở lại
vương chế, có lúc còn suy tôn một hoàng đế mang tên Napoleon, hai lần. Adolf
Hitler lần đầu lên cầm quyền cũng vì được dân Đức bầu dưới chế độ Cộng Hòa. Napoleon
và Hitler còn mất công sửa đổi bản hiến pháp trước khi cai trị chuyên chế. Nhiều
tay lãnh tụ khác không mất thời giờ như vậy. Họ củng cố địa vị độc tài bằng
cách thao túng chế độ trong khuôn khổ của bản hiến pháp.
Cần phải phân biệt hai khái niệm Dân Chủ và Tự
Do. Thể chế Dân Chủ chỉ là một cái khung nhà, cái vỏ bọc bên ngoài. Nội dung
căn bản là Tự Do. Khi nào một chính quyền bắt đầu cấm đoán quyền tự do của người
dân, tất cả phải thấy đó là một dấu hiệu báo động. Vladimir Putin và Viktor
Orban đã gậm nhấm dần dần các quyền tự do của dân Nga và dân Hungary từ khi lên
nắm quyền. Hai quyền quan trọng nhất là tự do báo chí và tự do hội họp.
Bắt bỏ tù một nhà báo, các nhà chính trị đối lập.
Triệt hạ một đài truyền hình bằng cách gây khó khăn cho công ty chủ nhân trong
các hoạt động kinh doanh khác; để sau cùng thương lượng cho phe đảng mình mua lại.
Đàn áp các cuộc biểu tình. Ngăn cản các hội đoàn trong xã hội công dân. Đó đều
là những tiếng chuông báo nguy.
Mất tự do thì không còn dân chủ. Vậy trong
khuôn khổ ngôi nhà hiến pháp dân chủ, cái gì có thể giúp bảo vệ các quyền tự
do? Thể thức phân quyền có thể vẽ ra coi rất đẹp, nhưng chưa đủ. Các lãnh tụ độc
tài biết cách thao túng cả ba ngành hành pháp, lập pháp, và tư pháp.
Yếu tố quan trọng nhất trong các bản hiến pháp
dân chủ không phải chỉ là phân quyền mà là đặt ra các định chế nhằm giới hạn
quyền hành của những chức vụ nắm quyền. Giới hạn bằng luật pháp chưa đủ, còn phải
giới hạn bằng dư luận và phản ứng của người dân nữa. Do đó, quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí, tự do hội họp cần tôn trọng nhất. Khi nào dân Nga, dân Hungary
được thi hành các quyền đó, các ông Vladimir Putin và Viktor Orban sẽ hết chỗ.
No comments:
Post a Comment