Vì
sao Việt Nam không nằm trong bốn nước ASEAN thăm Trung Quốc
Bình luận của Hoàng Trường Sa
2022.04.18
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-doesnt-china-invite-vn-leaders-04182022130205.html
Ngoại trưởng Trung
Quốc Vương Nghị tiếp Ngoại trưởng Myanamar - U Wunna Maung Lwin (trái) và Ngoại
trưởng Indonesia - Retno Marsudi hôm 31/3 và 1/4/2022 ở tỉnh An Huy, TQ. (Bộ Ngoại giao Trung Quốc)
Từ 31/3 đến 3/4, Ngoại trưởng các nước Indonesia,
Thái Lan, Philippines và Myanmar đã tới thăm Trung Quốc. So với danh sách “sang
chầu” năm ngoái, năm nay, Philippines thay thế chỗ của Singapore. Còn Việt Nam,
cả hai lần đều không được “triệu kiến”. Tại sao như vậy?
Bổn cũ soạn lại:
Chia để trị
Không phải ngẫu nhiên, thông cáo của Bộ Ngoại
giao Bắc Kinh về lời mời đối với bốn Ngoại trưởng ASEAN năm nay lại được đưa ra
đúng vào dịp 28/3. Đó là ngày Mỹ từng lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao trực
tiếp giữa các lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Joe Biden tại Washington. Nhưng Hội
nghị này bị Campuchia làm cho đình hoãn (1). Thông điệp hiển nhiên Bắc Kinh muốn trưng ra với thế giới
là, các nước ASEAN muốn nói chuyện với Trung Quốc hơn là bay sang tận
Washington để gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ. Xung quanh ngày 28/3 năm nay có hai sự
kiện ảnh hưởng trực tiếp tới những ngày “triều kiến” vừa rồi. Đấy là thời điểm
Thủ tướng Lý Hiển Long đang có chuyến công du tám ngày tới Mỹ và hội đàm với Tổng
thống Biden. Đồng thời 28/3 cũng là ngày Mỹ và đồng minh bắt đầu cuộc tập trận
quân sự định kỳ trên đảo Luzon (Philippines), được coi là cuộc tập trận lớn nhất
từ năm 1991.
Về Singapore, có thể chính sách đối ngoại của
quốc đảo này năm nay đã đi lệch quỹ đạo Trung Quốc mong muốn. Việc Singapore lựa
chọn các nguyên tắc trong chính trị quốc tế, chứ không chọn bên trong vấn đề
Nga – Ukraine, đã khiến TQ không hài lòng. Singapre lại còn tham gia trừng phạt
Nga. Tại Mỹ, ông Lý Hiển Long còn nhấn mạnh, Singapore không phải là kẻ thù của
Nga, nhưng nước này không thể tán thành hoặc dung túng cho việc Nga xâm phạm chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác. Ông Lý cũng tuyên bố trước các
nhà báo rằng Singapore chưa bao giờ là “cái loa” của Bắc Kinh cả (2). Rõ ràng, chính sách đối ngoại mới của Singapre đối với
Nga và Trung Quốc về Ukraine đã khiến Singapore mất điểm trong con mắt Bắc
Kinh.
Giới quan sát cũng quan tâm sâu sát hơn về các
động cơ tại sao bốn nước ASEAN nói trên được “triệu kiến” lần này: Indonesia
đang là chủ tịch G20. Bắc Kinh cần thuyết phục Jakarta không tẩy chay Putin dịp
Thượng đỉnh năm nay. Thái Lan là chủ tịch Hội nghị APEC kỳ này. Dù là đồng minh
của Mỹ nhưng thời gian qua Thái Lan cũng bị Mỹ gạt sang một bên lề ở mức độ nhất
định, nên TQ rất muốn đào sâu thêm mâu thuẫn giữa hai nước. Philippines năm nay
có bầu cử, việc Manila được “triệu kiến” là một thông điệp kép cho cả chính phủ
ra đi và cho chính quyền sắp tới, về tầm quan trọng trong bang giao với TQ. Còn
đối với Myanmar, rõ ràng TQ muốn giúp giải toả sức ép quốc tế cho tập đoàn quân
phiệt ở Naypyidaw. TQ cũng muốn gửi thông điệp cho ASEAN không nên tiếp tục làm
căng với Myanmar (TLTK của TTXVN ngày 15/4/2022, trích dẫn mạng “Quan
sát Thượng Hải”, Trung Quốc).
Chia để trị trong ASEAN là đường lối cố hữu
xưa nay của TQ đối với ASEAN. Năm ngoái, sự phớt lờ Việt Nam trong
các chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc cho thấy căng thẳng ngày càng gia
tăng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội do tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông
và sự tích cực tái thiết quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (3). Nhưng năm nay, cuộc chiến xâm lăng của Nga ở Ukraine
càng khiến nội bộ ASEAN “sẩy đàn tan nghé”. Tuy nhiên, sự “sẩy đàn” / phân rã
trong ASEAN liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine có những khía cạnh khác với sự
chia rẽ về vấn đề Biển Đông. Nhưng dù có khác nhau thế nào thì cuộc chiến tranh
tàn khốc ở châu Âu đã tác động tiêu cực tới vai trò trung tâm của ASEAN trong
các vấn đề khu vực. Đặc biệt với cuộc khủng hoảng Myanmar còn kéo dài, lại diễn
ra trong năm Hun Sen làm chủ tịch luân phiên, ASEAN đứng trước nguy cơ hầu như
tê liệt hoàn toàn.
Điện đàm Bùi Thanh
Sơn – Vương Nghị
Nếu như Singapore thăm Mỹ mà không chờ Cấp cao
Mỹ – ASEAN thì ngược lại, Việt Nam vẫn trung thành với khuôn khổ Cấp cao, nhưng
đã lobby mạnh để Mỹ giữ lời mời trước đây đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tiến
hành các hoạt động song phương trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 45
năm quan hệ giữa Mỹ và ASEAN. Cho đến trưa ngày 16/4 (giờ Washington),
Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN vẫn chưa đưa ra phản ứng nào về
tuyên bố mới của Nhà Trắng. Thượng đỉnh này sau đợt trì hoãn, nay nếu Hun Sen
không có “chiêu” gì mới để phá, sẽ được diễn ra từ ngày 12 đến 13 tháng 5 (4). Tuy nhiên, chuyến thăm một tuần của ông Lý Hiển Long
và chuyến thăm tháng tới của ông Phạm Minh Chính tại Mỹ là một trong nhiều
nguyên nhân khiến năm nay, Singapore bị loại khỏi danh sách, còn VN thì dù đã nỗ
lực “phấn đấu”, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu của TQ muốn VN phải quy phục hoàn
toàn.
Điện đàm giữa Bùi Thanh Sơn với Vương Nghị
ngày 14/4 là một minh chứng. Tuy thể hiện khá rõ chính sách chịu quy thuận Bắc
Kinh của Hà Nội, nhưng TQ vẫn chưa thoả mãn. Cho dù tinh thần “thoả hiệp vô
nguyên tắc” (appeasement) đã bao trùm khi ông Sơn nhấn mạnh “củng cố tin cậy
chính trị” và “bày tỏ vui mừng trước đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai đảng,
hai nước” trước bao nhiêu biến cố tiêu cực trong vòng mấy tháng gần đây. Từ
hàng nông sản của VN bị chặn thông quan trên biên giới đến các cuộc tập trận
liên miên của TQ trên Biển Đông… tất cả đều không hề được đề cập trong cuộc điện
đàm (5). Ngược lại, về phía Vương Nghị, ông chỉ toàn đưa ra những
lời đe doạ: “Vấn đề Ukraine một lần nữa khiến các nước châu Á nhận ra rằng duy
trì hòa bình, ổn định là điều quý giá và việc đối đầu giữa các khối sẽ dẫn đến
vô vàn rủi ro”. Đưa Ukraine ra doạ, nhưng ông Nghị cũng hứa với ông Sơn rằng sẽ
“không để thảm kịch Ukraine lặp lại trong khu vực” (6).
Dư luận đều rõ, Hoa Kỳ đã phê phán lập trường
của TQ trong cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí Tổng thống Biden, thông qua điện
đàm trực tuyến, đã trực tiếp cảnh cáo Tập Cận Bình không được tiếp tay cho
Putin trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Ấy vậy mà Bộ trưởng Bùi Thanh
Sơn trong điện đàm với Vương Nghị vấn “hoan nghênh đóng góp của
Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa đàm, chấm dứt xung đột và ngăn chặn khủng hoảng
nhân đạo”, đồng thời cho biết rằng Việt Nam “chia sẻ nhiều điểm tương đồng với
Trung Quốc về lập trường của mình và hy vọng sẽ tiếp tục trao đổi với Trung Quốc
về vấn đề Ukraine”. Mặc dù có một lập trường chống Mỹ cao đến như vậy, ngả theo
Tàu rõ ràng đến như thế, mà tại sao VN vẫn không được “triệu kiến” sang Trung
Quốc cùng bốn nước kia?
Câu trả lời nằm trong chuyến thăm Mỹ trong
tháng 5 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và trong cuộc tập trận bắn đạn thật của
VN ở Trường Sa hồi tháng 4 năm ngoái được dư luận cho là để “tỏ thái
độ” với TQ (7). Cùng thời điểm này, Trung Quốc tiếp tục điều hơn 200
tàu dân quân biển ra sát khu vực Đá Kennen và Đá Gaven hôm 11/4/2021, trong khi
tại Đá Ba Đầu chỉ còn lại 9 thuyền, theo AFP. Vụ việc đã khiến tình hình vốn đã
căng thẳng trên Biển Đông trở nên nóng bỏng hơn. Trước đó, người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố vụ tàu dân quân Trung Quốc tập
trung ở Đá Ba Đầu là hành động “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”.
Trong khi Philippines cử máy bay do thám tới khu vực có tàu cá của Trung Quốc,
đồng thời cho triệu hồi đại sứ Trung Quốc.
Hình minh hoạ: Bộ trưởng Ngoại giao VN
Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tại Trùng Khánh, Trung Quốc, hôm
8/6/2021. Báo Quốc Tế
Có thể Bộ Ngoại giao VN
cũng cảm thấy không khí căng thẳng mà Vương Nghị dành cho Bùi Thanh Sơn quả là
“quá đà” nên đã lược bỏ các chi tiết liên quan đến trao đổi Việt – Trung về cuộc
chiến tranh của Nga ở Ukraine. Truyền thông nhà nước chỉ nhắc lại “lập trường
nhất quán của Việt Nam, theo đó kiên trì ủng hộ giải quyết các tranh chấp, bất
đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp quốc
và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao
Trung Quốc tường thuật lại lời của Ngoại trưởng Vương Nghị, với một số chi tiết
cụ thể hơn. Ông Vương Nghị bêu xấu người Mỹ: “Hoa Kỳ cố gắng tạo ra căng thẳng
trong khu vực và kích động đối kháng và đối đầu bằng cách thúc đẩy ‘Chiến lược Ấn
Độ Dương – Thái Bình Dương’. Những động thái như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng
đến hòa bình và sự phát triển quý giá trong khu vực và làm xói mòn nghiêm trọng
cấu trúc hợp tác khu vực lấy ASEAN làm trung tâm”.
Vương Nghị vừa kích động vừa doạ nạt: “Chúng
ta không thể để tâm lý Chiến tranh Lạnh trỗi dậy trong khu vực và thảm kịch
Ukraine lặp lại xung quanh chúng ta. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các nước
xã hội chủ nghĩa”… “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đoàn kết và hợp tác với Việt
Nam, chống lại các nguy cơ từ bên ngoài, ứng phó với tác động lan tỏa của cuộc
khủng hoảng Ukraine trong khu vực, đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa
bình và ổn định chung ở khu vực” (8). Việt Nam đi guốc trong bụng Trung Quốc nên chẳng những
không mắc lỡm những điều ông Vương nói, mà cũng không dại gì trương những lời dối
trá sáo rỗng ấy lên truyền thông trong nước để chuốc thêm sự phẫn nộ của dân
chúng.
_____________
Tham khảo:
2.
https://fulcrum.sg/singapore-and-the-united-states-speaking-hard-truths-as-a-zhengyou/
3.
https://vn.sputniknews.com/20210119/tai-sao-ngoai-truong-trung-quoc-bo-qua-viet-nam-9955816.html
7. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56755599
--------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
*
Tin, bài liên quan
Đâu
là sức mạnh của ASEAN khi đối phó với Trung Quốc?
No comments:
Post a Comment