TỪ ĐINH LA
THĂNG, TRỊNH XUÂN THANH,... NHỚ CA DAO CON CÒ
https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/5778263955521133
Tôi chắc như đinh rằng, nhiều giáo sư Việt
Nam, dù già đến 70, 80 tuổi vẫn ngây ngô như đứa trẻ con. Nếu không ngây ngô
thì là láu cá. Khi giảng văn bài ca dao về con cò đi ăn đêm, các giáo sư nhất mực
con cò là biểu trưng cho giai cấp nông dân lam lũ, cực nhọc, dù thử thách trong
nước sôi lửa bỏng vẫn giữ tâm hồn trong sạch, lương thiện.
Nguyên bài được truyền khẩu:
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con...
Để đảm bảo cho sự quyết đoán trên, các giáo sư
khẳng định "ông" trong bài chính là tên địa chủ độc ác. Và không ít
giáo trình, giáo khoa sửa đại từ "mày" trong câu đầu thành
"mà": "Con cò mà đi ăn đêm", để con cò được trân trọng
thành hình tượng người nông dân. Nếu chọn từ "mày" thì xúc phạm, báng
bổ thành phần cách mạng? Trong khi rành rành ở bài ca dao, "mày" đối
lập với "ông" trong xưng hô giữa "ông" với "mày".
Cái ngữ điệu khinh bỉ trong đại từ xưng hô "mày", dễ hình dung bài ca
dao là một cuộc đối đáp giữa hai nhân vật "ông" và "mày".
Diễn xuôi như sau. Ông đi thăm bẫy bắt quả tang cò dính bẫy: "Mày tham lam
đi ăn trộm thì có ngày bị bắt quả tang. Đáng chết chưa?" Cò giãy giụa kêu
cứu: "Ông ơi, hãy cứu vớt tôi. Tôi thật đáng chết, nhưng mong ông đừng để
thiên hạ biết tôi ăn trộm, ảnh hưởng đến thể diện con cháu nhà tôi".
Với đối thoại như vậy, "ông" có nhất
thiết phải là tên địa chủ độc ác, và "mày", với tư cách cò, có nhất
thiết phải là người nông dân lương thiện? Tôi thì chỉ thấy ở bài ca dao này,
hoàn toàn phi giai cấp, chỉ có kẻ trộm và người bắt trộm.
Trong cách ăn nói của dân gian, có thành ngữ:
"Đi đêm có ngày gặp ma". "Đi ăn đêm" chỉ có thể là hành vi
bất chính, đi ăn trộm. Trộm đêm thì trước sau sẽ bị bắt. Trong lời đối đáp
trên, rõ ràng khi bị bắt, cò không phủ nhận mà thú nhận có tội, thậm chí nhận tội
chết. Tất nhiên, vẫn khôn lỏi, đòi "xáo nước trong", đừng "xáo
nước đục", tức xin chết trong danh dự. Chẳng hạn, mong ông chuyển tội trộm
cắp thành tội "thiếu trách nhiệm" hay "cố tình làm trái" để
con cháu kẻ trộm không bị mang tiếng xấu. Nôm na là đối tượng ăn trộm thấy bị lộ
thì giở chiêu "hy sinh đời bố củng cố đời con". Chẳng có logic nào
trong cuộc thoại đó mang nghĩa ngợi ca tâm hồn cò lương thiện, trong sạch như
quan điểm giai cấp của các giáo sư cả!
Tôi tra cứu ca dao, trừ hình ảnh cánh cò ngợi
ca non nước hữu tình, những bài ẩn dụ về con người đều chỉ thấy duy nhất một
bài cảm thương thân phận phụ nữ: "Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng
tiếng khóc nỉ non". Chính bài này tạo cảm hứng cho Tú Xương chia sẻ với
thân phận của bà Tú: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước lúc
đò đông". Còn lại toàn cò lưu manh, cò trộm cắp, cò vong ân bội nghĩa:
"Cái cò cái vạc cái nông/Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò/ Không không tôi đứng
trên bờ/Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi", "Cái cò là cái cò kì/Ăn cơm
nhà dì uống nước nhà cô", "Công anh bắt tép nuôi cò/ Cò ăn cò lớn cò
vò lên cây"...
Đấy, cò là giống trộm cắp, vong ân bội nghĩa,
lưu manh. Nó đã quen trộm cướp, cưỡng hiếp thì có đến chết vẫn lưu manh.
Không ngẫu nhiên mà tiếng Việt, cò toàn mang
nghĩa xấu với tư cách là "cò mồi". Bây giờ đủ loại cò: "cò
xe", "cò đất", "cò gái"... Gán thành phần bần cố nông
cho "cò", chẳng phải là tự thú cái gốc gác giáo sư ta mang phẩm chất
xấu xa cố hữu hay sao?
Nếu cò thuộc thành phần bần cố nông thì sao cứ
nhất thiết bần cố nông phải là trong sạch, lương thiện? Ai gốc quê ra đều biết,
trộm gà bẻ bí là dân quê ở nông thôn, đến đấu tố hại nhau cũng dân quê ở nông
thôn. Khi gặp thời thăng quan, ắt nông dân từ tham như mõ sẽ phát triển thành
tham nhũng lớn. Tất nhiên, cũng có nông dân trong sạch, lương thiện, nhưng loại
này khó gặp thời thăng quan.
Sự ngộ nhận, đúng hơn là mượn ca dao tự ngợi
ca phẩm chất trong sạch, lương thiện của thành phần bần cố nông, chính các giáo
sư đã dọn đường cho cò thăng quan tiến chức và tham nhũng. Giáo dục Việt Nam
toàn ngộ nhận tri thức, và hậu quả là đẻ ra Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và
nhiều nhân vật cốt cán khác.
Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh chắc chắn thuộc
thành phần bần cố nông gộc. Trước toà, dù đã được "ông" chiều ý
"xáo nước trong" bằng cách chuyển sang tội "cố ý làm trái"
(chứ không phải "tham nhũng"), nhưng "mày" vẫn leo lẻo đổ tội
cho người khác. Trong nhiều sự vụ tương tự, cái đứa đáng bị gọi bằng "mày"
đó còn kì kèo xin không "tịch biên gia sản" để bảo vệ tài sản cho
con. Bài học trong ca dao vẫn nguyên giá trị ứng dụng cho thành phần cốt cán?
Khi nghe Đinh La Thăng chấp nhận bồi thường
200 tỉ/830 tỉ đồng cho một trong các vụ "cố tình làm trái", tôi thật
ngỡ ngàng khi các cốt cán này không tham nhũng mà trong nhà có nhiều tiền như
nước sông Đà vậy? Nói nhờ nuôi gà, buôn lá chít, nuôi heo đến thối móng tay mới
có tiền trăm ngàn tỉ thì tôi tin tất cả các quan đã từ quan hết để về quê nuôi
gà, nuôi heo cho sướng.
Giáo dục Việt Nam, khi một giáo sư tạo ra bài
mẫu giảng văn sai, kéo theo sai đồng loạt vì không biết phản biện là gì. Nhà nước
tin, ưu tiên dùng đúng thành phần giai cấp làm cốt cán. Đến lượt học trò tin, đến
mức khi được thăng quan, cứ "đi ăn đêm", nếu lỡ bị tóm thì cũng tự
tin noi theo gương cò mà đòi "xáo nước trong" cho đỡ ô nhục, dùng ý
trong bài giảng của các giáo sư, xin rửa nhục cho con cháu để được mãi tự hào từ
gốc gác đến ngọn nguồn nòi giống nhà mình trong sạch, lương thiện...
Chu Mộng Long
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=5778263882187807&set=a.1250972568250317
No comments:
Post a Comment