Wednesday, April 20, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/04/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/04/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

20/04/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/04/20/the-gioi-hom-nay-20-04-2022/

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết gửi thêm vũ khí đến Ukraine để giúp đẩy lùi cuộc tấn công của Nga vào vùng Donbas. Trong khi đó, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trên truyền hình Ấn Độ rằng “một giai đoạn khác” của “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã bắt đầu. Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng đây là “khúc dạo đầu” cho một cuộc tấn công lớn hơn nhiều, theo lời một quan chức cấp cao. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu “bất kể Nga có gửi thêm bao nhiêu quân tới đó đi nữa.”

 

Quân Nga đẩy lùi quân Ukraine và chiếm quyền kiểm soát Kreminna, một thành phố ở miền đông nước này. Thống đốc vùng Serhiy Gaidai cho biết “Kreminna đã bị người ‘Orc’ (tức người Nga) kiểm soát.” Ông khẳng định không thể sơ tán dân thường. Hiện đã ba ngày trôi qua kể từ khi giới chức thiết lập hành lang nhân đạo mới nhất, theo phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk.

 

Hy Lạp đã bắt giữ một tàu chở dầu Nga theo các điều khoản trừng phạt của EU đối với Nga. Từ đầu tháng này EU đã cấm các tàu gắn cờ Nga vào cảng của khối. Chiếc tàu bị Hy Lạp bắt giữ gần đảo Evia; nó mang tên Pegas và chở theo 19 thành viên thủy thủ đoàn.

 

IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vì tin rằng cuộc chiến ở Ukraine làm lạm phát tăng cao. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 6,1% của năm 2021 xuống còn 3,6% vào năm 2022 và 2023. Các con số này thấp hơn 0,8 điểm phần trăm cho năm 2022 và 0,2 điểm cho năm 2023 so với dự báo trước đó hồi tháng 1.

 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, một ngày sau khi Mỹ cho biết sẽ cử quan chức đến nước này để thảo luận về việc mở lại đại sứ quán. Dự thảo thỏa thuận có điều khoản cho phép lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc giúp duy trì “trật tự xã hội” trên quần đảo. Thỏa thuận này bị chỉ trích bởi Australia và New Zealand, những nước lo ngại về hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

 

Ít nhất 6 người đã thiệt mạng trong một vụ nghi là đánh bom liều chết ở bên ngoài một trường nam sinh ở Kabul, thủ đô Afghanistan. Ngôi trường này nằm ở khu vực có phần lớn dân số là người Hazara Shia – một nhóm thiểu số thường hay bị tấn công bởi các nhóm Sunni có vũ trang, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo. Vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm.

 

Sri Lanka, quốc gia vừa vỡ nợ vào tuần trước, cho biết IMF đang xem xét yêu cầu của họ về hỗ trợ thanh toán cho nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men. Thủ tướng Mahinda Rajapaksa muốn thay đổi hiến pháp để chuyển bớt quyền lực từ tổng thống sang quốc hội — ông nói điều này sẽ có ích khi cầu cứu IMF và giúp xoa dịu biểu tình trên đường phố.

 

Con số trong ngày: 3 tỷ bảng Anh, là tổng giá trị của các biển số xe được cá nhân hóa ở Anh.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tình hình chiến sự ở Mariupol

Trong gần hai tháng qua, thành phố cảng Mariupol của Ukraine đã bị quân đội Nga vùi dập trong biển lửa. Từ những ngày đầu tiên, Nga đã nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện và hầm trú bom tại đây. Hàng chục ngàn người thiệt mạng mà không được chôn cất đàng hoàng. Ước tính còn khoảng 80.000 cư dân thành phố vẫn đang ở bên rìa sự sống và cái chết. Giữa hoàn cảnh khó khăn đó, các lực lượng còn sót lại ở Mariupol – Tiểu đoàn Azov và Lữ đoàn 36 Thủy quân Lục chiến – vẫn tuyên bố chiến đấu đến cùng.

 

Ý chí của họ đang được thử thách. Hôm thứ Ba, Nga đã ra tối hậu thư cho các lực lượng Ukraine đang ẩn náu trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Khoảng một nghìn thường dân cũng được cho là đang ở trong nhà máy này. Với hậu cần cạn kiệt, không rõ lực lượng phòng vệ Mariupol sẽ cầm cự được bao lâu. Nhưng ngay cả khi thất bại, họ cũng có thể giữ chân quân Nga và giúp cho quân Ukraine ở những nơi khác có thêm thời gian đối phó.

 

G20 họp cấp bộ trưởng ở Washington

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 sẽ nhóm họp vào thứ Tư tại Washington trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu xấu đi. Hiện lãi suất có khả năng tăng cao ở Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang đẩy mạnh chống lạm phát – một việc có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Châu Âu đang vật lộn với giá năng lượng cao, vốn sẽ còn tăng nếu EU hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga. Trong khi đó Trung Quốc kiên trì chiến lược “zero covid” với các đợt phong tỏa đầy tốn kém nhằm ngăn chặn biến thể Omicron bùng nổ.

Ngoài các vấn đề kinh tế và tài chính, G20 cũng phải thảo luận về Nga. Anton Siluanov, bộ trưởng tài chính của Nga, được cho là sẽ tham dự online. Hồi đầu tháng bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã tuyên bố Nga nên bị trục xuất khỏi G20 — và Mỹ dự kiến tẩy chay họp nếu Nga tham dự.

 

Hai ứng viên tổng thống Pháp sắp tranh luận

Bốn ngày trước vòng cuối cùng của cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Pháp hôm 24 tháng 4 tới đây, hai ứng viên sẽ tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào tối thứ Tư. Còn nhớ cuộc tranh luận năm 2017 cũng là giữa Emmanuel Macron, tổng thống có quan điểm trung dung, và Marine Le Pen, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy – dân tộc của đảng Mặt trận Quốc gia Pháp. Nó trở thành một cột mốc quan trọng của cuộc bầu cử.

 

Khi ấy, bà Le Pen đã không thể chứng tỏ bản thân là nhà lãnh đạo có năng lực, và luôn bị dẫn trong các cuộc thăm dò ý kiến. Giờ đây bà có sự chuẩn bị tốt hơn và sẽ tìm cách miêu tả ông Macron là một người theo chủ nghĩa tinh hoa xa cách quần chúng. Tuy nhiên gần đây bà bị chỉ trích trên một loạt vấn đề, đặc biệt là thái độ thù địch với EU và NATO, cũng như những cử chỉ ủng hộ Nga và thái độ phản đối tự do báo chí. Ông Macron, người vẫn đang dẫn đầu, sẽ tìm cách miêu tả bà Le Pen là một kẻ cực đoan nguy hiểm không thích hợp làm tổng thống.

 

Tesla sắp công bố kết quả kinh doanh

Các nhà đầu tư của Tesla có lý do để lạc quan với kết quả thu nhập sẽ được công ty công bố vào thứ Tư này. Lượng giao xe toàn cầu đạt 310.000 chiếc trong quý đầu tiên của năm 2022 – tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nhưng không phải mọi thứ đều tốt đẹp. Nhà máy Thượng Hải của Tesla đã đóng cửa từ cuối tháng 3 sau khi có bùng dịch covid-19 ở đây. CEO Elon Musk sau đó cho biết các vấn đề về chuỗi cung ứng và chính sách zero covid của Trung Quốc làm cho tình hình trở nên “đặc biệt khó khăn,” nhưng công ty ông đã vượt qua được.

 

Sau khi kết quả được công bố, các giám đốc Tesla sẽ đưa ra kế hoạch vượt khó của họ. Có một số ý tưởng đã bì rò rỉ ra ngoài, bao gồm về một hệ thống “khép kín” ở Thượng Hải yêu cầu công nhân ngủ lại qua đêm ở nhà máy. Về lý thuyết các nhà máy mới ở Berlin và Texas có thể giúp tăng sản lượng. Nhưng họ sẽ phải rất nỗ lực để thực hiện được lời hứa của Musk là đạt tăng trưởng doanh số 50% vào cuối năm 2022.





No comments: