Saturday, April 23, 2022

TẬP TRẬN & TUẦN TRA CHUNG GIỮA NHỮNG KẺ "ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG" (Nguyễn Hoàng, RFA)

 



Tập trận và tuần tra chung giữa những kẻ “đồng sàng dị mộng”

Phân tích của Nguyễn Hoàng
2022.04.21

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/joint-militarty-exercise-of-two-like-minded-partners-04212022102843.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/joint-militarty-exercise-of-two-like-minded-partners-04212022102843.html/@@images/943da514-a258-48bf-bb63-948e1a4e1e73.jpeg

Các sĩ quan quân đội Việt Nam đứng xem xe tăng T-90MS của Nga tại một triển lãm kỹ thuật quân sự ở Alabino, ngoại ô Moscow hôm 23/8/2020.  AP

 

Việt Nam làm thế nào xây dựng được liên minh với các đối tác “đồng sàng dị mộng”? Một liên minh đầy mâu thuẫn như vậy, không chỉ phá vỡ các nguyên tắc của nền ngoại giao hội nhập, mà còn chia rẽ sâu sắc mối liên hệ giữa chính quyền Việt Nam và người dân trong nước.

 

Hình thành liên minh tay ba?

 

Theo thông tin từ phía Nga đưa ra, một cuộc họp video trực tuyến vừa diễn ra giữa phía Moscow là Thiếu tướng Sergei Lagutkin, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát khu vực và Đại tá Ivan Taraev, Trưởng phòng Hợp tác quân sự quốc tế với phía Quân đội Nhân dân Việt Nam là Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh và các cán bộ các cơ quan quân sự. “Phía Nga và Việt Nam đã nhất trí về chủ đề các cuộc diễn tập quân sự sắp tới, xác định ngày giờ và địa điểm tổ chức”. Lần đầu tiên tại trụ sở Quân khu phía Đông đã tổ chức và tiến hành Hội nghị lập kế hoạch diễn tập quân sự chung Nga – Việt (1). Cuộc họp trực tuyến khẳng định, mục đích của cuộc diễn tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành của cán bộ chỉ huy và tham mưu trong việc tổ chức hoạt động huấn luyện chiến đấu và quản lý đơn vị trong môi trường chiến thuật phức tạp, cũng như hoàn thiện các giải pháp phi tiêu chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ. Cho đến tối ngày 20/4/2022, các tờ báo Nhà nước Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về sự kiện này. Tuy nhiên, các bên đã đề xuất có thể đặt tên cho cuộc diễn tập là "Kontinentalnyi Soyuz – 2022" (Liên minh Lục địa – 2022).

 

Được biết, vào tháng 6 năm ngoái, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã điện đàm với Đại tướng Sergey Kuzhugetovich Shoigu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga. Thượng tướng Giang vào thời điểm bấy giờ nhấn mạnh: “Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, nhân dân và các lực lượng vũ trang Liên bang Xô Viết, trong đó có Liên bang Nga đóng vai trò then chốt, luôn sát cánh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Việt Nam luôn ghi nhớ và tri ân sự ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình, to lớn và hiệu quả của các đồng chí, nhiều thế hệ cán bộ của Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô trước đây và Liên bang Nga đã trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam”. (2)

 

Trong khi đó, với CHND Trung Hoa, Truyền thông Nhà nước vừa cho biết, đợt tuần tra chung đầu tiên trong năm 2022 tại Vịnh Bắc Bộ giữa Cảnh sát Biển hai nước Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 19/4 và kéo dài đến ngày 21/4. Từ ngày 17/4 Biên đội tàu Cảnh sát Biển 8004 và 8003 thuộc Hải đoàn 11, Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh sát Biển 1 của phía Việt Nam xuất phát từ Hải Phòng để thực hiện công tác vừa nêu. Đợt tuần tra lần này được trải dài trên phạm vi 13 điểm. Kể từ sau ngày 30/6/2020 khi Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong vùng biển Vịnh Bắc bộ giữa hai nước hết hiệu lực, Cảnh sát Biển hai nước vẫn tổ chức những đợt tuần tra chung thường niên tại khu vực này. Đợt tuần tra chung nhằm góp phần thực thi luật pháp quốc tế, đặc biệt các quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như Hiệp định ký ngày 25/12/2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc về Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ, phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước (3). 

 

Ngoài các lực lượng vũ trang, các Cơ quan Đối ngoại hai đảng cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc cũng vừa gặp trực tuyến. Sáng 19/4, ông Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN đã hội đàm trực tuyến với ông Tống Đào, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ. Cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương của hai Đảng tập trung nhắc lại các hoạt động hợp tác qua kênh đảng giữa hai nước đóng vai trò định hướng quan trọng cho mối quan hệ tổng thể giữa hai Đảng và hai Nhà nước (4)

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/joint-militarty-exercise-of-two-like-minded-partners-04212022102843.html/tuantrachung2021.jpeg/@@images/8e783b47-9b25-458f-8695-33d5e5b54438.jpeg

Cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc tuần tra chung với phía Trung Quốc ở Vịnh Bắc bộ hồi tháng 10/2021. Báo Chính Phủ

 

Trung Quốc vừa nhắc nhở, vừa đe doạ

 

Thời gian qua, hai Ban Đối ngoại Trung ương cũng đã phối hợp chặt chẽ và tham mưu kịp thời cho Trung ương đảng mỗi nước, đặc biệt là hai ông Tổng bí thư, để định hướng cho mối quan hệ song phương. Những vấn đề được Việt Nam nêu tại cuộc hội đàm là tình trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực biên giới, việc công nhận hộ chiếu vắc-xin COVID-19, yêu cầu tuân thủ ba văn kiện pháp lý về quản lý biên giới trên bộ, duy trì hòa bình, ổn định và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển; phối hợp với ASEAN trong việc thực thi Tuyên bố DOC và thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc COC (5). Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế đặt dấu hỏi lớn về cuộc điện đàm ngày 14/4 giữa hai Ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc đã có ý gì khi tuyên bố, “không để chuyện như ở Ukraine xảy ra” với Việt Nam? Trong cuộc đối thoại với người đồng cấp phía Việt Nam, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đem tình hình ở Ukraine ra để phác hoạ về hậu quả nếu việc mối quan hệ hai nước không được xử lý khéo léo. Vương Nghị nêu đích danh Mỹ và cáo buộc nước này đang “xúi giục căng thẳng và đối đầu” ở khu vực (6). 

 

Trao đổi với đài RFA, Giáo sư Carlyle Thayer – chuyên gia trong lĩnh vực an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương – lý giải việc Ngoại trưởng Trung Quốc đem chuyện Ukraine ra để doạ người đồng cấp Việt Nam: “Tôi đã phải suy nghĩ rất lâu và thấu đáo sau khi đọc bản ghi nhớ về cuộc điện đàm này. Bởi vì kịch bản tương tự như Ukraine chỉ có thể xảy ra trong trường hợp Trung Quốc quyết định can thiệp vào Việt Nam. Cách Trung Quốc xoáy vào đề tài Ukraine có hàm ý, trường hợp Việt Nam ngả về phía Mỹ và làm tổn hại tới những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ có quyền đáp trả như cách mà Nga làm với Ukraine. Đây là lý giải duy nhất tôi có thể nghĩ ra được”. Giới quan sát cũng cho rằng bản thân lãnh đạo Việt Nam thấu hiểu điều này. Lời của Vương Nghị, vì vậy, vừa mang tính nhắc nhở nhưng cũng có hàm ý đe doạ (7). 

 

Nói cách khác, Trung Quốc đang áp dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, với “cây gậy” là lời đe doạ về kịch bản Ukraine, nếu Việt Nam ngả theo Mỹ, còn “củ cà rốt” là sự đảm bảo về thể chế chính trị, nếu Việt Nam chọn duy trì mối quan hệ với Trung Quốc. Giáo sư Thayer cho rằng, thông điệp của Trung Quốc sẽ được đón nhận bởi những thành phần thủ cựu ở Việt Nam, vốn lo ngại về các kịch bản cách mạng màu, lật đổ vị thế thống trị của Đảng Cộng sản. Lời lẽ của cuộc điện đàm được phía Trung Quốc sử dụng, theo Giáo sư Thayer, là nhằm cảnh báo và tạo ảnh hưởng lên Việt Nam, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng 5 tới đây tại thủ đô Washington (8). 

 

Giới hạn của “tình bạn không giới hạn”

 

Khi Moscow và Bắc Kinh đều cảm thấy áp lực từ phương Tây, họ có xu hướng muốn ủng hộ nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không thể tạo cú hích chuyển đổi trạng thái quan hệ song phương. Thay vì tham gia vào một liên minh quân sự chính thức, nhiều khả năng Moscow và Bắc Kinh chỉ nâng cấp hợp tác an ninh và cải thiện khả năng tương tác mà không có bất kỳ khuôn khổ hợp tác ràng buộc nào. Nga không muốn tham gia vào nhiều những toan tính của Trung Quốc ở châu Á và muốn duy trì lập trường trung lập. Về phần mình, Bắc Kinh không muốn can thiệp sâu vào mâu thuẫn giữa Nga – NATO. Bắc Kinh coi trọng hợp tác kinh tế với châu Âu, Mỹ và không muốn bị cuốn vào cuộc xung đột Ukraine. Bắc Kinh lên tiếng tán thành chính sách của Moscow đối với NATO và phương Tây, chủ yếu là do những quan ngại chung về chính sách của Mỹ. Tuyên bố chung giữa Nga – Trung Quốc ngày 4/2/2022 nhấn mạnh mối quan hệ song phương vượt trên một liên minh và “không có giới hạn” trong các lĩnh vực hợp tác (9). 

 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng quân sự ở Ukraine đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn khi nước này cố gắng tránh làm “phật ý” Nga. Bắc Kinh nêu bật giải pháp hòa bình, kiềm chế chỉ trích Nga, phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hiện nay vẫn cần phải xem mức độ hỗ trợ kinh tế mà Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho Nga dựa trên sự cân nhắc về tầm quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh với phương Tây và thách thức từ các lệnh trừng phạt, điều mà Bắc Kinh muốn tránh. Không thiếu gì dẫn chứng để nhớ lại, “Liên minh” Nga – Trung vào những năm 1950 đã nhanh chóng tan vỡ. Hơn nữa, ban lãnh đạo Trung Quốc ngay từ năm 1982 đã đề ra đường lối không tham gia liên minh với các cường quốc. Họ giải thích rằng những liên minh như vậy “có thể sẽ làm suy yếu ý chí chống lại các hành động tiêu cực của các đối tác của Trung Quốc, những âm mưu sử dụng Trung Quốc gây thiệt hại cho chính lợi ích của Trung Quốc” (10). 

*

Sau hai lần phiếu trắng là lá phiếu chống của Việt Nam bảo vệ Nga và tuân thủ theo lá phiếu của Trung Quốc tại Liên Hiệp quốc. Nay lại thêm các cuộc tập trận chung với Nga, các cuộc tuần tra trên biển với Trung Quốc và các cuộc điện đàm của giới ngoại giao ba nước (11). Giới quan sát có phần giật mình, liệu tình hình này có thể manh nha để đi tới hình thành một “Liên minh” tay ba Việt – Trung – Nga trong tương lai? Nếu quả thật có chuyện đó thì Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có dịp đưa ra lời giải thích cho ASEAN và Hoa Kỳ trong cuộc gặp Thượng đỉnh vào tháng tới tại Washington. Với ASEAN, các thành viên vẫn quan tâm đến tuyên bố “không chọn phe” của Thủ tướng Việt Nam. Mặc dù trên thực tế, Việt Nam đã bỏ phiếu ngược lại với tám thành viên trong khối. Với Hoa Kỳ, nước Mỹ vẫn chưa từ bỏ quyết tâm nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên tầm đối tác chiến lược. Nhưng với những động thái ngoại giao như đã liệt kê, chắc chắn sứ mệnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tháng tới ở Mỹ không đơn giản chút nào (12).

___________________

 

Tham khảo:

 

1. https://vn.sputniknews.com/20220419/nga-va-viet-nam-se-tien-hanh-dien-tap-quan-su-14809501.html 

 

2. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61149529

 

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-chinese-coast-guard-ships-participate-in-joint-patrol-in-gulf-of-tonkin-04192022080628.html

 

4. https://vov.vn/chinh-tri/truong-ban-doi-ngoai-trung-uong-hoi-dam-voi-truong-ban-lien-lac-doi-ngoai-trung-quoc-post938120.vov

 

5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vcp-central-foreign-affairs-committee-met-with-chinese-peers-04192022080138.html

 

6. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/202204/t20220415_10668407.html

 

7. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/what-does-china-s-hint-by-saying-not-to-let-similar-ukraine-war-happen-in-vn-04182022081121.html

 

8. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-foreign-minister-reaffirms-no-ukraine-crisis-be-repeated-in-the-region-04162022193653.html

 

9. https://www.eastasiaforum.org/2022/03/23/the-limits-to-russia-and-chinas-no-limits-friendship/

 

10. https://en.wikipedia.org/wiki/Evgeny_P._Bazhanov

 

11. https://baochinhphu.vn/bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-dien-dam-voi-bo-truong-ngoai-giao-nga-va-ukraine-102220317083810951.htm

 

12. https://www.voatiengviet.com/a/phieu-ung-ho-cua-viet-nam-cho-nga-va-he-luy-moi-quan-he-voi-my/6533298.html

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

Tin, bài liên quan

 

ASEAN cần được cải tổ để hạn chế sự chia rẽ

Việt Nam đứng về phía Nga là do bị ép hay tự nguyện?

Có phải Việt Nam đã chọn phe?

Toạ đàm học thuật về Ukraine bị “bức tử”

Thấy gì đằng sau thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine?





No comments: