Monday, April 18, 2022

SỐ PHẬN LẬN ĐẬN CỦA HẢI QUÂN NGA (Bùi Vũ)

 



Số phận lận đận của hải quân Nga

Bùi Vũ

Tháng Tư 18, 2022

https://nghiencuulichsu.com/2022/04/18/so-phan-lan-dan-cua-hai-quan-nga/

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2022/04/278788617_504817741127902_2297870837485637779_n.jpg

Hạm đội biển đen tuần tra 1849

 

 Học thuyết hải quân của Liên Xô và Nga chủ yếu dựa vào khả năng tác chiến độc lập của từng tàu nên dù là tàu sân bay thì nó cũng sẵn sàng chở ít máy bay đi để nhường không gian chứa tên lửa. Đó là lý do tại sao Nga gọi tàu sân bay Kuznetsov là tuần dương hạm hàng không.

 

TỪ THẾ KỈ 17 ĐẾN THẾ KỈ 19

 

Nga là quốc gia nằm sâu trong lục địa, do vậy suốt một thời gian dài, những người trị vì nước Nga chú trọng vào các binh chủng trên bộ hơn là hải quân. Ý tưởng về một lực lượng hải quân là do Peter Đại Đế nghĩ ra. Ông nhận thấy thời đại hàng hải đã đến, và Nga muốn giàu mạnh thì phải có một cảng biển nước ấm để giao thương quanh năm, đi kèm với đó là một lực lượng hải quân hùng hậu để bảo vệ các tuyến hàng hải. Giấc mơ này là trở thành kim chỉ nam cho các chính sách của ông trong thời gian trị vì từ năm 1682-1721. Thậm chí trước khi lên ngôi, Peter Đại Đế đã thực hiện một chuyến du hành sang các nước Tây Âu mà mọi người sau này gọi là Đại Phái Bộ Sứ Thần để học hỏi về ngành đóng tàu và cách tổ chức hải quân. Ông thậm chí còn xin vào làm thợ ở một xưởng đóng tàu Hà Lan dưới cái tên “binh nhất Pyotr Mikhailovich”. Ngoài ra, ông còn ghé thăm London để học cách tổ chức hải quân, ghé thành phố Manchester để quay về xây dựng lên thành Saint Peterburg.

 

Khi lên ngôi, ông đưa nước Nga vào những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ với mục đích tiến ra biển như Chiến tranh Nga-Ottoman để mở cửa biển Azov, Đại Chiến Bắc Âu để tiến ra biển Baltic. Để rồi thành quả cuối đời mà ông để lại cho nước Nga là một căn cứ hải quân đầu tiên của Nga và một lực lượng hải quân với 352 chiến hạm và 328.000 thủy quân.

 

Vào thế kỉ 18, dưới sự trị vì của Catherine Đại Đế, hải quân Nga phát triển thành lực lượng hải quân đứng thứ 4 toàn cầu, sau Anh, Tây Ban Nha và Pháp. Đi kèm với đó là một lãnh thổ trải dài tới Odessa và quyền kiểm soát Biển Đen.

 

ĐẦU THẾ KỈ 20

 

Với những thất bại của những người kế nhiệm, hải quân Nga từ từ đánh mất đi vị thế của mình và trở nên lạc hậu. Mãi đến thời Nicolas II, hải quân Nga mới được chú trọng trở lại. Nước Nga tiếp tục học theo mô hình của hải quân Anh, từ cách tổ chức cho đến phong cách đóng tàu. Thời gian này cũng là lúc mà nước Nga chú trọng phát triển vùng Viễn Đông xa xôi, tuyến đường sắt xuyên Siberia sắp hoàn thành và đạt được quyền sử dụng cảng nước ấm Lữ Thuận của nhà Thanh. Nhưng tham vọng Đông Á của Nga đã va chạm với quyền lợi của Nhật (vừa kết thúc cuộc Duy Tân và cũng có lực lượng hải quân học hỏi theo mô hình nước Anh) tại Triều Tiên. Kết quả là chiến tranh Nga-Nhật nổ ra, một cuộc chạm trán giữa hai “học trò của nước Anh” diễn trên biển Hoàng Hải. Nicolas II muốn phía Nhật nổ súng trước để có thể tấn công dưới danh nghĩa “tự vệ”. Ông bắt hạm đội Nga ở Lữ Thuận phải cố thủ để rồi bị hải quân Nhật bao vây không cho ra. Một hạm đội khác được thành lập, bao gồm gần như toàn bộ tàu chiến của Nga lúc đó, tức tốc chạy từ châu Âu sang châu Á để rồi chìm gần hết trong trận Hải Chiến Đối Mã (Tsushima).

 

Đến Thế Chiến I, hải quân Nga vẫn chưa khôi phục lại được thì 2 cuộc cách mạng diễn ra, rất nhiều sĩ quan, kĩ sư có kinh nghiệm bị bắt và xử tử. Số tàu chiến mà chính quyền Sô Viết nhận được chỉ chiếm 16.2% số tàu của Đế Quốc Nga. Cụ thể, năm 1921, so với năm 1917, chỉ có 5.5% thiết giáp hạm, 0% tuần dương hạm, 10% khu trục hạm, 5.8% tàu ngầm, 2.7% mìn và mạng lưới chắn, 4.9% pháo hạm, 7.2% tàu truyền tin và tuần tra sông. Quá trình giảm hạm đội do Chính Phủ Liên Xô thực hiện từ tháng 3 năm 1921 đến tháng 12 năm 1922, số lượng nhân viên của Lực lượng Hải quân Hồng quân đã giảm từ 86,580 xuống còn 36,929 người, và số lượng chiếm hữu cho đóng tàu và sửa chữa tàu đã giảm khoảng 3.3 lần.

 

SỰ PHỤC HỒI DƯỚI THỜI STALIN

 

Đến thời Stalin, Liên Xô mới từng bước hiện đại hóa hải quân, 133 tàu ngầm đã được chế tạo theo thiết kế được phát triển trong quá trình quản lý của kĩ sư Boris Mikhailovich Malinin trong thập niên 1930. Ngoài ra, Stalin còn cho đóng nhiều dự án tàu mặt nước như 4 thiết giáp hạm lớp Sovetsky Soyuz (nhưng không hoàn thành vì thiếu công nghệ và chiến tranh thế giới thứ 2), 13 tàu tuần dương (11 tàu được hoàn thành), 104 tàu khu trục (66 tàu hoàn thành).

 

Nhưng khi Phát Xít Đức tấn công Liên Xô, nhiều dự án đóng tàu phải ngưng trệ, thậm chí bị hủy do các cơ sở đóng tàu bị quân Đức chiếm. Nên hải quân Liên Xô không kịp hồi phục sức mạnh và đóng vai trò rất mờ nhạt trong cuộc chiến.

 

SAU THẾ CHIẾN II CHO ĐẾN HIỆN TẠI

 

Đến giữa năm 1945, Stalin hiểu rằng sau khi Phát xít Đức bị tiêu diệt, Hải quân Mỹ và Anh sẽ khẳng định vị thế của họ trên các vùng biển thế giới. Nếu không có một lực lượng hải quân lớn, Liên Xô không thể được gọi là một thế lực quân sự trên thế giới.

 

Trong một cuộc họp cấp cao diễn ra vào tháng 9/1945, Stalin đã khước từ việc chế tạo tàu sân bay và yêu cầu Hải quân Liên Xô hoàn thành chiến hạm Sovetskaya Rossiya. Con tàu này đã được khởi công từ năm 1940 nhưng vẫn chưa thể được hoàn thiện khi chiến tranh kết thúc. Ông cũng ra lệnh chế tạo 2 tàu chiến Dự án 24 có trọng lượng 75.000 tấn và 7 tàu Dự án 82 nặng 36.500 tấn, được trang bị 9 pháo, và chỉ phê duyệt đóng 2 tàu sân bay hạng nhẹ.

 

Thất bại của kế hoạch đóng tàu này đã được dự báo từ trước. Liên Xô không có đủ cơ sở hạ tầng để chế tạo tàu chiến với quy mô lớn. Thêm vào đó, chiến tranh đã khiến nền công nghiệp của đất nước bị điêu đứng. Kế hoạch của Liên Xô buộc phải thay đổi: 2 con tàu nặng 75.000 tấn không bao giờ được đóng, và chỉ 2 trong số 7 tàu nặng 36.500 tấn mới bắt đầu được chế tạo, song không bao giờ được hoàn thành. Năm 1953, Stalin qua đời và kế hoạch phát triển hạm đội siêu chiến hạm của Liên Xô bị đình chỉ hoàn toàn. Thay vào đó, Liên Xô cho đóng tàu ngầm, rất nhiều tàu ngầm.

 

Trong giai đoạn 1956-1975, khoảng 900 tàu mặt nước cho các mục đích khác nhau đã được đưa vào hạm đội, bao gồm hơn 400 tàu đổ bộ, hơn 300 trục lôi hạm, 7 tàu tuần dương (bao gồm 4 tàu thuộc dự án tàu tuần dương tên lửa 58), 30 tàu khu trục, 68 tàu tuần tra.

 

Năm 1985, Hải quân Liên Xô đạt đến đỉnh cao sức mạnh, có tổng cộng 1.561 tàu, và về số lượng tàu và tiềm năng chiến đấu, đứng vị trí thứ hai trên thế giới sau Hải Quân Mỹ.

 

Đến năm 1990, Hải Quân Liên Xô có 275 tàu ngầm các loại, 7 tàu sân bay các loại (không chiếc nào là tàu sân bay đúng nghĩa), 3 thiết giáp tuần dương, 30 tàu tuần dương, 45 tàu khu trục và 113 khinh hạm.

 

Sau khi Liên Xô tan rã, hải quân Nga được thừa hưởng 1 tàu săn bay, 1 thiết giáp-tuần dương, 3 tàu tuần dương, 15 tàu khu trục, 11 khinh hạm và 64 tàu ngầm.

 

Ngoài ra, hải quân Nga bị thiệt hại nặng do thiếu bảo trì, thiếu kinh phí và tác động tiếp theo đến việc đào tạo nhân sự và thay thế kịp thời thiết bị. Một trở ngại khác là ngành công nghiệp đóng tàu trong nước của Nga bị suy giảm do phần lớn cơ sở đóng tàu thời Liên Xô nằm ở Ukraine, và tình hình căng thẳng giữa hai nước đã tác động không hề nhỏ đến sự phục hồi của hải quân Nga. Một số nhà phân tích thậm chí còn nói rằng khả năng hải quân của Nga đã phải đối mặt với một sự sụp đổ “không thể đảo ngược” chậm nhưng chắc chắn. Vào tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nói rằng khả năng hải quân Nga sẽ được củng cố bằng vũ khí và trang thiết bị mới trong vòng 6 năm tới nhằm đáp ứng với việc triển khai NATO ở Đông Âu và những diễn biến gần đây ở Ukraina. Thực ra đó là chương trình nâng cấp các tàu chiến cũ và đóng mới các khinh hạm và tàu ngầm, chứ các tàu chiến mặt nước cỡ lớn thì không có đóng mới.

 


Tài liệu tham khảo: 

 

https://naval-encyclopedia.com/ww2/soviet-navy

 

https://en.wikipedia.org/…/List_of_ships_of_Russia_by…

 

https://en.wikipedia.org/wiki/Imperial_Russian_Navy

 

STALIN’S BIG-FLEET PROGRAM by Milan L. Hauner

 

https://www.jstor.org/stable/26394103?seq=23

 

https://eng.mil.ru/en/structure/forces/navy/history.htm





No comments: