Friday, April 15, 2022

SCANDAL ‘GIẢI CỨU’, BỘ CÔNG AN . . . ‘SẠCH’ ĐẾN . . . ĐÁNG NGẠI! (Trân Văn)

 



Scandal ‘giải cứu’, Bộ Công an... ‘sạch’ đến... đáng ngại!

Trân Văn

15/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/scandal-gi%E1%BA%A3i-c%E1%BB%A9u-b%E1%BB%99-c%C3%B4ng-an-s%E1%BA%A1ch-%C4%91%E1%BA%BFn-%C4%91%C3%A1ng-ng%E1%BA%A1i-/6530904.html

 

https://gdb.voanews.com/32CB2246-A9B1-4076-A4D0-FCA6B70A9897_w650_r1_s.png

Phi hành đoàn của Vietnam Airlines tới San Francisco để đưa công dân Việt Nam về nước trong chuyến bay thứ 3 hồi người người Việt từ Mỹ. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)

 

Bộ Công an vẫn... “sạch” - “sạch” đến đáng... ngại và nếu tin đồn đây đó trên mạng xã hội trong tuần vừa qua chính xác...

Vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa có thêm ba bị can nữa: Ông Tô Anh Dũng – Thứ trưởng Ngoại giao. Ông Phạm Trung Kiên - Chuyên viên Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế. Ông Vũ Anh Tuấn - nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an (1).

 

Tính đến nay, vụ án này có tám bị can và 5/8 là các viên chức của Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao. Bốn viên chức trong lĩnh vực ngoại giao đã bị bắt trước ông Dũng là: Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng. Ông Đỗ Hoàng Tùng – Cục phó. Ông Lê Tuấn Anh - Chánh Văn phòng. Ông Lưu Tuấn Dũng - Phó phòng Bảo hộ công dân.

 

Trong tám bị can, hiện chỉ mới có một thường dân là bà Hoàng Diệu Mơ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình bị khởi tố để điều tra về hành vi “đưa hối lộ”. Sáu viên chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và một... “cựu viên chức” của Bộ Công an cùng bị tống giam để điều tra về tội “nhận hối lộ” – tội danh vốn rất hiếm áp đặt lên các viên chức của hệ thống công quyền tại Việt Nam.

 

                                                        ***

Vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam khi tổ chức, sắp đặt khoảng 800 chuyến bay được ví von là... “giải cứu” khoảng 200.000 công dân Việt Nam, do đại dịch COVID-19 bùng phát mà mắc kẹt tại khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

 

Đáng lưu ý là chuyện lợi dụng việc được phép vận chuyển người Việt bằng đường hàng không từ nhiều nơi trên thế giới về lại Việt Nam giữa đại dịch để bắt chẹt họ, buộc họ phải trả số tiền gấp bốn, năm, sáu, thậm chí hơn mười lần mức bình thường đã xảy ra từ giữa năm ngoái nhưng tới cuối tháng giêng năm nay Bộ Công an mới khởi tố.

 

Trong vài thập niên gần đây, viên chức trong các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc đã nổi tiếng vì đủ loại hành vi vi phạm pháp luật của thiên hạ, cũng như sử dụng đủ loại thủ đoạn bắt chẹt người Việt cư trú ở ngoại quốc khi họ cần các loại giấy tờ, cần thực hiện một số thủ tục hành chánh, tuy nhiên Bộ Công an chưa bao giờ làm gì.

 

Người ta tin rằng đó là vì Bộ Ngoại giao liên quan đến thể diện của chính quyền và cả vì quan hệ giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Công an hết sức chặt chẽ. Không ít sĩ quan của Bộ Công an đã khoác áo nhân viên ngoại giao để thực hiện các... “biện pháp nghiệp vụ” tại ngoại quốc, trong đó có ông Tô Ân Xô – nay là Trung tướng, Chánh Văn phòng Bộ Công an, người thay mặt Bộ Công an loan báo... “tin sốt dẻo” về việc bắt giữ các viên chức ngoại giao “nhận hối lộ”. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức là một ví dụ khác cho thấy quan hệ giữa Bộ Ngọai giao và Bộ Công an hết sức mật thiết, sự mật thiết này chính là lý do khiến một số viên chức ngoại giao bị chính quyền một số quốc gia châu Âu trục xuất vì họ có đủ bằng chứng chứng minh, những viên chức ngoại giao này đã tiếp tay cho ông Tô Lâm – Bộ trưởng Công an Việt Nam - thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

 

Giống như scandal Việt Á – xảy ra từ năm ngoái và kéo dài cho đến đầu năm nay, vụ “nhận hối lộ” tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng chỉ bị khởi tố sau khi ông Tô Lâm – Bộ trưởng Công an Việt Nam dính vào scandal thưởng thức “bò dát vàng” với số tiền “khủng” trả cho bữa “bò dát vàng” này.

 

Dư luận trong và ngoài Việt Nam về scandal “bò dát vàng” dữ dội và nguy hại về nhân tâm, dân ý đối với đảng đến mức, tháng 11 năm ngoái, ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phải nói xa, nói gần: Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ (2)...

 

Khoảng một tháng sau (12/2021), Bộ Công an đột nhiên khởi tố ông Phan Quốc Việt đồng thời tiến hành điều tra về những viên chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu – sản xuất kinh doanh bộ xét nghiệm COVID-19 dán nhãn Việt Á. Tháng kế tiếp (1/2022), Bộ Công an khởi tố thêm vụ “nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao. Cả hai vụ án vốn là hai vấn nạn kéo dài trong đợt dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam khiến tất cả các giới bất bình nhưng Bộ Công an án binh bất động cho đến khi vai trò, vị trí của Bộ trưởng Công an rõ ràng đang lung lay bởi... “bò dát vàng”. Vụ án “Việt Á” và vụ án “giải cứu” đã làm scandal “bò dát vàng” lắng xuống, trở thành dĩ vãng.

 

Không chỉ có thế, do tính chất của tội phạm trong hai vụ án vừa đề cập, nhiều viên chức vốn là đồng liêu của ông Tô Lâm trong chính phủ và là đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đảng, trong Bộ Chính trị đột nhiên rơi vào tình thế nguy hiểm bởi nếu hoạt động điều tra được thực hiện tới nơi, tới chốn, họ không chịu trách nhiệm trực tiếp thì cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

 

                                                      ***

Ông Tô Lâm nói riêng và Bộ Công an nói chung có thật sự sạch, không dính dáng chút nào đến hai vụ án vừa kể không? Câu trả lời là KHÔNG! Nếu thật sự sòng phẳng khi xem xét cả hai vụ án, không thể bỏ qua trách nhiệm của ông Tô Lâm và Bộ Công an. Nhận trách nhiệm bảo vệ và thực thi pháp luật nhưng bất chấp dư luận và các dấu hiệu phạm tội để chuyện sản xuất, kinh doanh bộ xét nghiệm COVID-19 cũng như thực hiện các chuyến bay “giải cứu” diễn ra công khai trong thời gian rất dài, rõ ràng nếu không là thiếu tinh thần trách nhiệm thì cũng là yếu kém về năng lực.

 

Ít nhất là trong hoạt động điều tra việc “nhận hối lộ” xảy ra khi thực hiện các chuyến bay “giải cứu” có một số bằng chứng, chứng tỏ Bộ Công an không khách quan và vô tư. Ví dụ, một tháng sau khi khởi tố bốn viên chức lãnh đạo Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thông tin với báo giới là đã “đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương, tiêu chí, cơ sở để tổ chức các chuyến bay ‘giải cứu’ và chuyến bay ‘combo’ đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước” (3).

 

Thông tin ấy đã biến Bộ GTVT thành “mục tiêu” cho công chúng nhắm vào. Cũng vì vậy, ngay vào tối hôm đó, Bộ GTVT lập tức phản hồi. Phản hồi nhấn mạnh: “Bộ GTVT chỉ có vai trò phối hợp, chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai cho phép bay, kế hoạch phục vụ bay cho các chuyến bay theo kế hoạch giải cứu công dân được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan” (4). Cần lưu ý, Bộ Công an chính là một trong những “bộ, ngành liên quan”.

 

Hồi hạ tuần tháng 4 năm ngoái, trong Công điện số 540/CĐ-Ttg nhằm “tăng cường quản lý hoạt động tổ chức các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam”, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam giao cho năm bộ chịu trách nhiệm “giải quyết nhanh, thuận lợi, công khai việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đưa công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”. Theo đó, Bộ Ngoại giao giữ vai trò chính, Bộ Công an giữ vai trò quan trọng thứ hai, từ thứ ba trở đi là các bộ: Y tế, Quốc phòng, GTVT (5). Bởi các chuyến bay “giải cứu” được cả năm bộ kiểm tra, giám sát nên mới có thuật ngữ “Tổ công tác năm bộ” (6).

 

Vì sao “giữ vững sự ổn định chính trị” và “bảo vệ đoàn kết nội bộ” luôn là những yếu tố mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam xem là hàng đầu song Bộ Công an lại đưa ra yêu cầu như vừa đề cập với Bộ GTVT? Có lẽ chỉ ông Tô Lâm mới giải thích được câu hỏi này. Cũng chỉ ông Tô Lâm mới giải thích được trách nhiệm của Bộ Công an thế nào khi ngành của ông – dù giữ vai trò không kém quan trọng so với Bộ Ngoại giao nhưng lại “không phát hiện và ngăn chặn kịp thời” chuyện lợi dụng các chuyến bay “giải cứu” để công khai trấn lột đồng bào đang gặp hoạn nạn.

 

Một yếu tố nữa tuy... “nhỏ” nhưng cũng rất cần chú ý, đó là thông tin về nhân thân ông Vũ Anh Tuấn - một trong ba cá nhân vừa bị bắt, đồng thời là một trong tám cá nhân đã trở thành bị can của vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Khác với bảy bị can ngoài ngành công an “được” Bộ Công an hài rõ chức vụ, ông Tuấn chỉ được... giới thiệu là... “cựu cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an”. Tại sao Bộ Công an giấu cấp bậc, chức vụ của ông Tuấn ở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, không cho công chúng biết ông Tuấn trở thành “cựu cán bộ” trước khi phạm tội... “nhận hối lộ” hay mới trở thành... “cựu cán bộ” trước khi Bộ Công an thấy cần phải khởi tố?

 

Nếu ông Vũ Anh Tuấn là “cựu cán bộ”, tại sao ông được... “đưa hối lộ”? Nếu ông Vũ Anh Tuấn đang là “cán bộ” thì có phải việc giấu cấp bậc, chức vụ, biến ông thành... “cựu cán bộ” sẽ che đậy để dư luận không thắc mắc: Chẳng lẽ suốt quá trình Bộ Công an là thành viên của “Tổ Công tác năm bộ”, chỉ có mình ông Tuấn “nhận hối lộ” và đủ khả năng khiến cả Bộ Công an vừa ngậm tăm, vừa nhắm mắt, bịt tai để tội phạm công nhiên trấn lột khoảng 200.000 con người trên 800 chuyến bay trong hơn nửa năm?

 

Lần này, Bộ Công an sẽ tiếp tục được công nhận là “trong sạch, vững mạnh”, lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục bình an vô sự, tiếp tục lập đại công như khi điều tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với giá cao gấp chín lần giá trị thực? Ai cũng biết, cũng thấy, thương vụ Mobifone mua AVG diễn ra suôn sẻ nhờ Bộ Công an xác định toàn bộ tài liệu liên quan đến thương vụ này là... “MẬT”. Tuy việc dán nhãn “MẬT” được ngành kiểm sát xác định là trái pháp luật và nhiều luật sư nhấn mạnh “đó là lý do khiến nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý” (7) nhưng ông Tô Lâm tiếp tục thăng tiến, chỉ có những người như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn,... vào tù.

 

Bộ Công an vẫn... “sạch” - “sạch” đến đáng... ngại và nếu tin đồn đây đó trên mạng xã hội trong tuần vừa qua chính xác, ông Tô Lâm sẽ trở thành Tổng Bí thư ở đại hội đảng giữa kỳ diễn ra vào tháng tới thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chẳng có gì lạ khi các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng nhất trí chọn một người... “uy tín” và “sạch” giống hệt như họ.

 

-------------------

Chú thích

 

(1) https://tuoitre.vn/bat-thu-truong-bo-ngoai-giao-to-anh-dung-toi-nhan-hoi-lo-lien-quan-vu-chuyen-bay-giai-cuu-20220414174322131.htm

 

(2) https://tuoitre.vn/lam-sao-de-can-bo-khong-dam-khong-the-khong-can-khong-muon-tham-nhung-20211123141221495.htm

 

(3) https://www.vietnamplus.vn/bo-cong-an-de-nghi-cung-cap-thong-tin-ve-cac-chuyen-bay-giai-cuu/773891.vnp

 

(4) https://tuoitre.vn/bo-gtvt-noi-gi-viec-co-quan-dieu-tra-de-nghi-cung-cap-thong-tin-chuyen-bay-giai-cuu-20220219193653946.htm

 

(5) https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/35459/chi-cap-phep-chuyen-bay-dua-nguoi-nhap-canh-viet-nam-trong-truong-hop-sau

 

(6) https://baochinhphu.vn/to-chuc-don-nguoi-viet-nam-ve-nuoc-khi-tinh-hinh-dich-benh-da-khac-102305214.htm

 

(7) https://thanhnien.vn/nhieu-can-bo-roi-vao-lao-ly-vi-thuong-vu-avg-bi-dong-dau-mat-post911407.html





No comments: