‘Qui
hoạch nhân sự,’ chính phạm của mọi scandal
05/04/2022
https://gdb.voanews.com/093a0000-0a00-0242-24ff-08da0106c5d5_w650_r1_s.jpg
Ông Phan Quốc Việt
(trái), chủ hãng Việt Á; và ông Hồ Anh Sơn (phải) thuộc Học viện Quân y tại họp
báo về bộ xét nghiệm Covid của Việt Á, tháng 3/2020. Hình minh họa.
Thủ tiêu quyền lựa
chọn người đại diện của dân chúng, dựng lên... “qui hoạch nhân sự” để nắm giữ,
duy trì quyền lực mới là chính phạm.
Chưa rõ do cố tình hay ngẫu nhiên mà các cơ
quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng lọat
biện bạch cho... “qui hoạch nhân sự” – lựa chọn rồi sắp đặt một số cá
nhân làm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa
phương tại Việt Nam thay cho tranh cử công khai, bầu cử minh bạch.
Hôm qua (4/4/2022), báo điện từ VietNamNet
(VNN) giới thiệu tự sự của ông Lê Doãn Hợp (cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương - BCH TƯ - đảng CSVN, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông – TTTT) để khẳng
định nhân vật này... “trưởng thành nhờ công tác cán bộ chuẩn”, qua đó “mong
đảng kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước” (1).
Trước đó một ngày (3/4/2022), tờ Tuổi Trẻ giới
thiệu nhận định của ba nhân vật từng là cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc
phòng của Quốc hội Việt Nam (ông Lê Việt Trường), cựu Tư lệnh Quân đoàn 3
(Trung tướng Khuất Duy Tiến), cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ
Công an (Thiếu tướng Lê Văn Cương), cùng đề cập đến... “chất lượng cán bộ”,
sự... “sơ hở của cơ chế, chính sách” nên cho rằng cần... “suy ngẫm và
báo động về lựa chọn cán bộ, nên kiểm tra, giám sát chặt chẽ” (2)...
Nếu dành thời gian đọc kỹ hai bài vừa đề cập,
có thể thấy những nhận định, đề nghị vẫn xoay quanh hai điểm chính vốn dĩ không
mới: Thứ nhất, “qui hoạch nhân sự” tiếp tục thiếu... “chặt chẽ và
khách quan” trong lựa chọn, sắp đặt cá nhân lãnh đạo các cơ quan thuộc hệ
thống chính trị, hệ thống công quyền. Thứ hai, dù không hài lòng về “công
tác cán bộ” hiện nay nhưng những cựu viên chức thuộc loại có thế giá – vốn
từng là sản phẩm của “qui hoạch nhân sự” – tiếp tục biện minh cho... “qui
hoạch nhân sự”!
***
Scandal
Việt Á chỉ là một trong những ví dụ mới nhất cho thấy, hệ thống chính trị, hệ
thống công quyền tại Việt Nam không chỉ mục ruỗng từ trong ra ngoài, từ trên xuống
dưới. Nếu không tin rằng các “đồng chí”
trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền “cùng một giuộc”, các viên
chức hữu trách vừa được xác định là... “dính chàm” sẽ không dám hành xử
táo tợn như vậy. Không “cùng một giuộc” sẽ không thể xảy ra tình trạng
nhiều cá nhân trong các cơ quan hữu trách khác nhau tung hứng nhịp nhàng, ăn ý
như vậy.
Với những gì đã biết, rõ ràng, Công ty Việt Á
chỉ là một quân cờ trên bàn cờ mà nhiều cá nhân trong hệ thống chính trị, hệ thống
công quyền tại Việt Nam... “nhất trí” sử dụng để tạo ra ván cờ nhằm trục
lợi, bất kể quốc gia, dân chúng đang lâm nguy trong đại dịch. Chắc chắn không
phải ngẫu nhiên mà Bộ Khoa học – Công nghệ (KHCN) chọn Học viện Quân y (HVQY)
thực hiện “đề tài khoa học cấp quốc gia” là nghiên cứu để sản xuất bộ
xét nghiệm COVID-19 và Bộ Tài chính rót ngay 19 tỉ không cần thẩm tra.
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Bộ Y tế làm
ngơ khi Bộ KHCN công bố tin giả: Bộ xét nghiệm COVID-19 do Học viện
Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới)
công nhận đạt chất lượng có thể sử dụng, thậm chí... có thể xuất cảng và
sau đó, Bộ Y tế vừa cấp số đăng ký, vừa đưa vào danh mục những bộ xét nghiệm
COVID-19 mà cơ quan phòng chống dịch bệnh các tỉnh, thành (CDC) có thể sử dụng
kèm... giá tham khảo, nếu các CDC dựa theo đó đặt mua hàng sẽ có... hoa hồng!.
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Bộ Quốc
phòng im lặng khi HVQY công khai tuyên bố về việc phối hợp với Công ty Việt Á
nghiên cứu bộ xét nghiệm COVID-19 bằng... công quỹ, rồi giao... kết quả nghiên
cứu ấy cho Công ty Việt Á kinh doanh. Cũng không phải là ngẫu nhiên khi Bộ Nội
vụ sắp xếp để Công ty Việt Á sớm nhận... Huân chương Lao động hạng Ba để Công
ty Việt Á có thêm công cụ nâng mức độ tín nhiệm, nâng giá trị bộ xét nghiệm
COVID-19 do doanh nghiệp này sản xuất lên.
Rộng
hơn, lẽ nào chỉ đạo “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng” trong ứng
phó với đại dịch của Thủ tướng Việt Nam (3) - bất chấp khuyến cáo của nhiều
chuyên gia (4) và sự can gián của một số viên chức hữu trách về việc không nên thực thi chủ trương này bởi làm như thế vừa lãng
phí cả về nhân lực lẫn tài lực, vừa khiến COVID 19 lây lan nhanh hơn, rộng hơn
(5) - cũng là... ngẫu nhiên? Sự ngẫu nhiên giúp Công ty Việt Á thu về khoảng
4.000 tỉ đồng nhờ bán các bộ xét nghiệm COVID-19!
Hoàn toàn ngẫu nhiên sau khi một doanh nghiệp
như Việt Á điều chỉnh vốn đăng ký từ... 80 triệu đồng lên... 1.000 tỉ đồng là
liên tục được chọn làm nhà thầu cho các gói thầu lớn của nhiều cơ sở y tế qui
mô cực lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quân y viện 175 (TP.HCM) và chỉ
trong vòng chưa đầy bốn năm đã có tới 3.000 khách hàng, trở thành nhà thầu được
chọn thực hiện 1.500 dự án? Bao giờ thì công chúng được biết những ai đã góp
800 tỉ vào Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (6)?
Vì sao tập đoàn Vingroup lại chọn ông
Phan Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Việt Á làm cổ
đông nắm giữ 30% vốn cùa “Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Vinbiocare”
– doanh nghiệp được Vingroup thành lập để sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu
(7)? Vingroup bất cẩn khi chọn lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới
cả ngàn tỉ nhưng chỉ... mượn địa chỉ một căn nhà ở TP.HCM để... đăng ký trụ sở
chính chứ không đặt văn phòng, hay vì những cổ đông của Việt Á?
***
Giống như nhiều scandal trong vài năm gần đây
xảy ra ở Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Chỉ huy Biên phòng của
nhiều tỉnh, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao,... hệ thống chính trị, hệ thống công quyền
tại Việt Nam tiếp tục giải thích những cá nhân bị đề nghị tổ chức đảng xử lý kỷ
luật, hoặc bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, hoặc bị khởi tố để xem xét
trách nhiệm hình sự trong vụ Việt Á chỉ là do đương sự... “tha hóa, biến chất”.
Chưa có viên chức hữu trách nào thừa nhận đó là do “qui hoạch nhân sự”.
Chẳng lẽ tổ chức đảng từ trên xuống dưới vẫn
không có ai bị buộc phải lãnh nhận trách nhiệm khi điều động ông Nguyễn
Thanh Long – Phó ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN làm Bộ trưởng Y tế,
hay sắp đặt ông Chu Ngọc Anh làm Bộ trưởng KHCN, sau đó tiếp tục điều động
ông Anh làm Chủ tịch Hà Nội, bất kể dân chúng nghĩ gì và muốn gì? Làm sao “qui
hoạch nhân sự” có thể... “chặt chẽ, khách quan” khi theo sau việc xử
lý các cá nhân phải... “xử lý” luôn có tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy đồng
hành như đồng phạm?
Chưa kể làm sao bảo đảm sự nghiêm minh khi Bộ
Công an cũng chẳng đủ sạch để điều tra hàng loạt scandal trong lúc một số lãnh
đạo của bộ này như ông Tô Lâm dính vào hàng loạt vụ tai tiếng cả ở trong
lẫn ngoài Việt Nam và chưa bao giờ được xem xét. Chẳng hạn vụ xác định toàn bộ
thông tin liên quan đến việc Mobifone mua lại AVG là “MẬT” nên thương vụ này mới
trở thành scandal. Ví dụ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Vụ tấn công làng Đồng
Tâm. Vụ dẫn nhau đi thưởng thức “bò dát vàng” ở London,...
Thủ tiêu quyền
lựa chọn người đại diện của dân chúng, dựng lên... “qui hoạch nhân sự” để
nắm giữ, duy trì quyền lực mới là chính phạm. Thực
tế đã cũng như đang chứng minh, “qui hoạch nhân sự” đã tạo điều kiện cho
những kẻ gian tham qui về một mối để đục khoét đủ kiểu. Nếu cấu trúc từ hạ tầng
đến thượng tầng vẫn theo kiểu đó – tổ chức đảng các cấp tiếp tục giành, giữ quyền
lựa chọn, sắp đặt nhân sự từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và không có cá
nhân nào phải chịu trách nhiệm thì sẽ còn vô số... scandal khác!
----------
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/vu-viet-a-co-su-lien-ket-bai-ban-20220403075322828.htm
(6) https://tuoitre.vn/bi-an-dong-tien-ngan-ti-o-cong-ty-viet-a-20211220080348561.htm
(8) https://thanhnien.vn/xem-xet-ky-luat-nhieu-can-bo-lanh-dao-lien-quan-vu-viet-a-post1444214.html
(9) https://baotiengdan.com/2020/09/26/noi-so-hai-tranh-cu/
No comments:
Post a Comment