Friday, April 1, 2022

PUTIN DÙNG KHÍ ĐỐT LÀM VŨ KHÍ, MỸ XUẤT DẦU TỪ KHO DỰ TRỮ ĐỂ GIẢM GIÁ XĂNG (Saigon Nhỏ)




NỘI DUNG :

Putin dùng khí đốt làm vũ khí, châu Âu chật vật đối phó

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ
.

Mỹ xuất dầu từ kho dự trữ để giảm giá xăng

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

 

=============================================

.

.

Putin dùng khí đốt làm vũ khí, châu Âu chật vật đối phó

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ
31 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/putin-dung-khi-dot-lam-vu-khi-chau-au-chat-vat-doi-pho/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1387659779.jpg

Người dân Berlin Đức đi xe đạp với biểu ngữ: “Nói không với xăng dầu và khí đốt của Putin” để phản đối hành động bắt chẹt của nhà lãnh đạo Nga. Ảnh Sean Gallup/Getty Images)

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu người mua nước ngoài trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp từ ngày mai Thứ Sáu 1 Tháng Tư, nếu không thì nguồn cung sẽ bị cắt giảm. Quyết định của Nga bị các thủ đô châu Âu từ chối và bị Đức cho là “tống tiền”.

 

Sắc lệnh mà ông Putin ký ban hành hôm nay Thứ Năm 31 Tháng Ba khiến châu Âu đối mặt với viễn cảnh mất hơn một phần ba nguồn cung cấp khí đốt. 

 

Xuất cảng năng lượng, gồm dầu và khí đốt, là vũ khí mạnh nhất của Putin khi ông ta chống lại các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên các ngân hàng, công ty, doanh nhân và cộng sự của Điện Kremlin do hành động xâm lược Ukraine của Nga. 

 

Sắc lệnh mà ông Putin ban hành yêu cầu người mua khí đốt của Nga “phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng Nga. Từ các tài khoản này, các khoản tiền thanh toán sẽ được chuyển trả cho các lô khí đốt được giao từ ngày mai”, ngày 1 Tháng Tư. “Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là một hành vi vi phạm hợp đồng của người mua, và người mua phải chịu tất cả các hậu quả sau đó. Không ai bán cho chúng tôi bất cứ thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện – nghĩa là các hợp đồng hiện có sẽ bị đình chỉ,” ông Putin nói trong phát biểu trên truyền hình Nga.

 

Đáng chú ý là tất cả các hợp đồng hiện có về mua bán khí đốt giữa các nước châu Âu và Nga đều quy định đồng tiền thanh toán là đồng euro châu Âu. Nếu có một hành vi vi phạm hợp đồng thì đó là Nga – người bán – đã đơn phương thay đổi điều khoản về đồng tiền thanh toán mà không có sự bàn bạc hay đồng thuận của người mua. Các công ty và chính phủ phương Tây bác bỏ mọi hành động đơn phương thay đổi hợp đồng cung cấp khí đốt của họ sang một loại tiền thanh toán khác. Các nhà điều hành cho biết sẽ mất nhiều tháng hoặc lâu hơn để thương lượng lại các điều khoản.

 

Hiện vẫn chưa rõ liệu trên thực tế có cách nào để các công ty nước ngoài tiếp tục mua khí đốt của Nga mà không phải sử dụng đồng rúp để thanh toán hay không

 

                                                         ***

Tại các thủ đô châu Âu, các chính phủ và các công ty năng lượng đang thảo luận ráo riết với nhau tìm biện pháp đối phó với đòn năng lượng đột ngột của Putin.

 

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng phụ thuộc nhiều nhất vào Nga – đã khởi động một kế hoạch khẩn cấp, có thể dẫn đến việc phân bổ khí đốt theo đầu người trong thời gian tới. Khi cuộc xâm lược Ukraine bùng ra, chính phủ Đức đã bất ngờ quyết định dừng dự án đường ống Nord Stream II trị giá $11 tỷ dẫn khí đốt của Nga sang Đức để phản đối.

 

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói Pháp đang phối hợp với Đức chuẩn bị cho khả năng dòng khí đốt từ Nga sẽ bị ngưng lại trong những ngày tới, song ông không bình luận về quyết định của Tổng thống Nga Putin.

 

Ý đang liên hệ với các đồng minh châu Âu để đưa ra phản ứng cứng rắn với Nga. Chính phủ Ý cho biết nguồn dự trữ khí đốt của nước này cho phép các hoạt động kinh tế được tiếp tục ngay cả trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung cấp. 

 

Theo cơ chế do Putin chỉ định, người mua là công ty nước ngoài phải mở một tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank – nhánh tài chính của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom. Ngân hàng Gazprombank sẽ thay mặt người mua khí đốt để mua đồng rúp rồi chuyển đồng rúp sang tài khoản của bên bán, tức là tập đoàn Gazprom, khi đơn hàng được thực hiện.

 

Hãng tin Reuters cho biết việc thanh toán cho lượng khí đốt được giao trong Tháng Tư có thể bắt đầu vào nửa cuối Tháng Tư hoặc đầu Tháng Năm; điều đó có nghĩa là dòng khí đốt từ Nga có thể sẽ không bị tắt ngay lập tức. 

 

Quyết định của Putin về việc thanh toán bằng đồng rúp đã thúc đẩy giá của đồng tiền của Nga, vốn đã giảm xuống mức thấp lịch sử sau cuộc xâm lược ngày 24 Tháng Hai. Đồng rúp đã phục hồi phần lớn giá trị bị mất.

 

Thanh toán bằng đồng rúp cũng sẽ làm giảm tác động của các biện pháp cấm vận của phương Tây đối với khả năng tiếp cận dự trữ ngoại hối của Moscow.

 

                                                             ***

Một giải pháp được các nước châu Âu tính tới là tìm nguồn cung cấp khí đốt khác, ngoài Nga. Tuy nhiên, thị trường khí đốt toàn cầu đang rất chật vật, cung không đủ cầu nên việc tìm ra nguồn cung cấp thay thế sẽ không dễ dàng. Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ mét khối khí đốt trong năm nay, nhưng không đủ để thay thế Nga. Người ta hy vọng mùa Hè đang đến, nhu cầu sưởi ấm nhà cửa giảm mạnh, sẽ giúp làm dịu bớt sự căng thẳng về nguồn cung khí đốt.

 

“Điều quan trọng đối với chúng tôi là không đưa ra tín hiệu rằng chúng tôi để cho Putin tống tiền”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói và cho biết thêm rằng Nga đã không thể chia rẽ châu Âu. Đức cho biết các khoản thanh toán hợp đồng khí đốt sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro.

 

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt do căng thẳng với Nga gia tăng, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Các công ty, bao gồm cả các nhà sản xuất thép và hóa chất, đã buộc phải cắt giảm sản xuất. Giá khí đốt của Anh và Hà Lan, đã tăng 4% đến 5% sau tuyên bố của Putin.

 

-----------

Mỹ xuất dầu từ kho dự trữ để giảm giá xăng

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

30 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/my-xuat-dau-tu-kho-du-tru-de-giam-gia-xang/

 

Tổng thống Joe Biden đang xem xét kế hoạch cho xuất kho một triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược trong thời gian 180 ngày

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1369454878-1024x687.jpg

Bảng giá xăng tại một cây xăng Los Angeles ngày 8 Tháng Hai 2022: Giá xăng tăng lần thứ tư chỉ trong 5 ngày! (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

 

Tổng thống Joe Biden đang xem xét kế hoạch cho xuất kho một triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược trong thời gian 180 ngày để giúp giảm giá xăng dầu cho người tiêu dùng Mỹ và bổ sung một lượng lớn dầu vào thị trường toàn cầu.

 

Một quan chức Tòa Bạch Ốc cho New York Times biết, quyết định xả kho xăng dầu sẽ được tổng thống loan báo sớm nhất là vào chiều mai 31 Tháng Ba.

 

Lịch làm việc công khai của tổng thống cho biết ông sẽ đưa ra thông báo vào chiều mai Thứ Năm 31 Tháng Ba về “các hành động của chính phủ nhằm làm giảm tác động của việc Putin tăng giá năng lượng, và làm giảm giá xăng dầu tại các trạm xăng cho các gia đình Mỹ”, đề cập tới Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga.

 

Thị trường đã ngay lập tức có phản ứng tích cực. Giá dầu West Texas Intermediate (WTI), giá dầu thô tiêu chuẩn của Mỹ, đã giảm khoảng 4% vào cuối ngày Thứ Tư sau khi thông tin này được Bloomberg News đưa ra. Giá dầu thô Brent, giá tiêu chuẩn toàn cầu, cũng giảm tương tự, khoảng 3.5%.

 

Nếu được thực hiện đầy đủ, kế hoạch của tổng thống sẽ đưa ra thị trường 180 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ, giúp Hoa Kỳ giải quyết sự tăng đột ngột của nhu cầu tiêu thụ hoặc nguồn cung xăng dầu giảm. Kho dự trữ dầu thô chiến lược của Hoa Kỳ hiện có khoảng 550 triệu thùng dầu, và tổng sức chứa của kho được báo cáo là khoảng 714 triệu thùng.

 

Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Hoa Kỳ được thành lập sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973-1974 do lệnh cấm vận dầu mỏ của các thành viên Ả Rập trong OPEC. Một lượng dầu mỏ khổng lồ được cất giữ trong các hang ngầm ở Texas và Louisiana và đã được xuất kho trong các trường hợp khẩn cấp như sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991 và cơn bão Katrina năm 2005, khi phần lớn cơ sở hạ tầng dầu mỏ dọc theo vùng Vịnh Mexico bị hư hại.

 

Tổng thống Biden đã phải chịu áp lực chính trị ngày càng lớn khi giá xăng tăng đều đặn, một phần là do sự bất ổn gây ra bởi cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, hiện đã kéo sang tuần thứ sáu.

 

Trong tháng này, giá trung bình một gallon xăng đã đạt mức cao kỷ lục là $4.17, vượt qua mức cao nhất trước đây là $4.11 năm 2008. Chi phí xăng dầu tăng cao đã thúc đẩy chỉ số lạm phát ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến túi tiền của người Mỹ vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch kéo dài hai năm.

 

Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, Tổng thống Biden đã cho xuất kho 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ, nhưng các chuyên gia cho rằng, số lượng đó quá nhỏ, không đủ làm tăng nguồn cung dầu toàn cầu hoặc làm giảm giá dầu. Hôm 1 Tháng Ba, Tổng thống Biden thông báo xuất kho thêm 30 triệu thùng dầu, phối hợp với cung ứng thêm 30 triệu thùng dầu từ các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, giá xăng vẫn tiếp tục tăng và áp lực chính trị vẫn chưa giảm xuống.

 

Trong nhiều tuần qua, các đảng viên Cộng hòa đã liên tục tấn công ông Biden và nói rõ rằng họ có ý định sử dụng bóng ma lạm phát – bao gồm cả giá xăng tăng – như một đòn chính trị chống lại các đảng viên Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội vào mùa Thu năm nay.

 

Các quan chức Tòa Bạch Ốc nhiều lần nói đảng Cộng hòa đang ngăn chặn nỗ lực của tổng thống nhằm giảm chi phí cho người dân Mỹ bằng các biện pháp hỗ trợ chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các chi phí cốt lõi khác. Họ cũng đổ lỗi cho các công ty dầu trong nước đã không mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu và giúp giảm áp lực lên giá cả. Bà Jen Psaki, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc, đã đưa ra quan điểm đó trong một cuộc họp báo với các phóng viên cách đây hai tuần. “Ngành công nghiệp dầu khí hiện nay đang nhận được lợi nhuận đáng kể. Chúng ta đã thấy điều đó. Thay vì theo kịp nhu cầu hiện tại, nhiều công ty trong số này đang đưa ra quyết định có tính toán là trả lại tiền cho các nhà đầu tư và cổ đông thông qua mua lại cổ phiếu và cổ tức, thay vì mở rộng sản xuất đủ trong ngắn hạn, dù đó là những gì chúng ta cần”.

 

Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày. Giá dầu tăng đã góp phần đẩy lạm phát lên cao ở khắp thế giới và thúc đẩy OPEC Plus – nhóm các nhà sản xuất dầu mỏ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC, Nga và các tổ chức khác – phải bơm thêm dầu.

 

Thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày. Để có tác dụng bình ổn giá dầu trên toàn cầu, quyết định bơm thêm dầu từ kho dự trữ của Hoa Kỳ được thực hiện với sự phối hợp của các chính phủ khác, bao gồm Anh, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Hàn.

 

Đọc thêm:

·         Mỹ: Hạ giá xăng dầu, chuyện không đơn giản

·         Xăng dầu tăng vọt, giá thực phẩm thúc đẩy lạm phát của Mỹ; thị trường lao động thắt chặt







No comments: