Friday, April 22, 2022

NHỮNG NGÀY TỒI TỆ CỦA TỔNG THỐNG BIDEN (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 



Những ngày tồi tệ của Tổng thống Biden  

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
21 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/nhung-ngay-toi-te-cua-tong-thong-biden/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1240139524.jpg

Tổng thống Joe Biden phát biểu về chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng – một chính sách ưu tiên của ông – tại Portland bang Oregon, mở đầu cho chuyến công du Bờ Tây nước Mỹ bắt đầu từ hôm nay 21 tháng Tư 2022. Ảnh Nathan Howard/Getty Images)

 

Vài ngày qua được đánh giá là rất tồi tệ đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tòa Bạch Ốc đã đưa ra những thông điệp khó hiểu về một số vấn đề quan trọng, từ lạm phát đến chiến tranh Ukraine, cho thấy hình ảnh một chính phủ không định hướng và được dẫn dắt bởi một tổng thống có xu hướng né tránh hay phản bác những vấn đề được dư luận quan tâm.

 

 

Lúng túng và mất phương hướng

 

Ngày thứ Hai 18 tháng Tư một thẩm phán liên bang ở Florida đã huỷ sắc lệnh liên bang bắt buộc mang khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Khi nghe phán quyết đó, thoạt đầu chính quyền Biden không nói rõ các bước tiếp theo sẽ là gì, có kháng cáo không. Nhưng vào cuối ngày thứ Ba, chính quyền cho biết sẽ kháng cáo, “nếu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) xác định lệnh buộc mang khẩu trang là cần thiết”. Sang ngày thứ Tư, Bộ Tư pháp (DOJ) quyết định đệ đơn kháng cáo sau khi CDC đánh giá dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và mang khẩu trang vẫn cần thiết trong không gian công cộng. Chưa hết, ông Biden còn gây bối rối khi ông nói với các phóng viên trong chuyến đi đến tiểu bang New Hampshire vào ngày thứ Ba 19 tháng Tư rằng mang khẩu trang hay không là “tùy họ”, ám chỉ những người mang khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

 

Chính quyền cũng gặp rắc rối khi đưa ra quyết định không kéo dài sắc lệnh Title 42 khi nó hết hạn vào ngày 23 tháng Năm sắp tới. Title 42 là một sắc lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump, áp dụng từ tháng Ba 2020 như một biện pháp y tế trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, cho phép biên phòng Hoa Kỳ từ chối những người xin nhập cư từ các quốc gia Trung và Nam Mỹ. Nhiều nghị sĩ đảng Dân Chủ ủng hộ việc bãi bỏ Title 42, trong khi các nghị sĩ Cộng Hòa muốn duy trì nó vì sợ sẽ gây ra một làn sóng nhập cư mới ở biên giới phía Nam.

 

Đầu tuần này, Thượng nghị sĩ Michigan Gary Peters, người điều hành ủy ban vận động tại Thượng viện của Đảng Dân chủ có ý kiến mang tính cảnh báo: “Trừ khi chúng ta có một kế hoạch được cân nhắc kỹ càng, tôi nghĩ nên xem xét lại hay trì hoãn việc ngưng áp dụng nó [Title 41]”. Ý kiến này được đưa ra sau khi một số đảng viên Dân Chủ liên quan đến cuộc bầu cử giữa kỳ dự báo sẽ rất khó khăn trong năm nay, nên lên mối lo ngại việc hủy bỏ Title 42 sẽ dẫn đến một làn sóng mới những di dân không có giấy tờ hợp pháp ở biên giới. Không chịu dược áp lực, chính quyền Biden hứa sẽ xem xét lại “quyết định đình hoãn hoặc bãi bỏ Title 42”. Điều đó có nghĩa là nó có thể được gia hạn.

 

Thượng nghị sĩ Massachusetts Elizabeth Warren, cựu ứng viên tổng thống 2020 và là một trong những tiếng nói tự do hàng đầu của Đảng Dân Chủ, đã viết một bài đăng (op-ed) trên tờ The New York Times gợi ý rằng Biden và đảng Dân Chủ cần phải bắt đầu làm nhiều hơn nữa ngay từ bây giờ, dĩ nhiên là trong khuôn khổ luật pháp. Warren viết: “Bất chấp những gì đã làm được như cứu trợ đại dịch, đầu tư cơ sở hạ tầng và bổ nhiệm có tính lịch sử, đưa bà Ketanji Brown Jackson, phụ nữ da den đầu tiên vào Tối cao Pháp viện, chúng ta còn hứa nhiều hơn nữa và cử tri không quên những lời hứa đó. Nói một cách thẳng thắn: nếu chúng ta không sử dụng những tháng còn lại trước cuộc bầu cử để làm được nhiều hơn theo chương trình nghị sự của mình, đảng Dân Chủ sẽ phải chịu những tổn thất lớn trong bầu cử giữa kỳ”.

 

Về Ukraine, cuối cùng chính quyền Biden cũng phải chấp nhận gửi cho lực lượng Ukaine những vũ khí hạng nặng và tấn công, tức là trái với mối lo trước đó của Toà Bạch Ốc là chúng sẽ kích động người Nga phản ứng mạnh, leo thang chiến tranh đến mức khó doán.

Tất cả những chuyện này xảy ra khi ông Biden đang ở gần mức thấp nhất tỷ lệ chấp thuận của cử tri những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ tổng thống. Trong cuộc thăm dò ý kiến ​​mới nhất của CNN, lấy mức trung bình của bốn cuộc thăm dò quốc gia gần đây nhất, tỷ lệ đồng ý với thành tích làm việc của ông Biden chỉ đạt 39%, trong khi tỷ lệ không đồng ý đến 55%! Rất đáng lo ngại, và cần nghiêm túc ngồi lại để phân tích tỉnh táo các nguyên nhân, nếu không hệ quả sẽ khó lường cho tương lai của Biden và Đảng Dân chủ.

 

Khó xoay chuyển tình thế

 

Nhưng thật đáng buồn, trong vài ngày qua, Biden có vẻ đã mất kiên nhẫn với dư luận và không còn nhiều thiện chí với những “tiếng nói khác”. Những thông điệp mâu thuẫn phát ra từ Toà Bạch Ốc và rộng hơn là Đảng Dân chủ là cho người ta có cảm giác Biden và đảng của ông không biết làm cách nào để chuyển ngược tình thế. Nhìn chung, vẫn không có kế hoạch nào đáng kể trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, hiện chỉ còn hơn 200 ngày.

 

Chỉ nội việc làm sao để hạ giá xăng dầu cũng để lộ các bất cập. Xả kho dự trữ không giúp được túi tiền của người dân, tạo cơ hội khai thác thêm dầu trên đất tư nhân cũng vướng. Nhưng mở lại đường ống dẫn đầu Keystone XL từ Canada theo đề nghị từ nhiều người dân và từ các bang Cộng hoà thì sợ mất tính đảng và phản lại lời hứa tranh cử.

 

Trong một nỗ lực để xoá tan cảm giác thiếu định hướng này, Biden đã đưa ra một loạt các tweet vào sáng thứ Tư, trong đó ông đổ lỗi lạm phát cho Covid-19 và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine (dù lạm phát đã xuất hiện trước đó) và thúc giục Quốc hội hành động. “Tôi kêu gọi Quốc hội hành động ngay lập tức để giảm chi phí hóa đơn điện nước, thuốc kê toa của các gia đình và hơn thế nữa, đồng thời giảm thâm hụt để xả áp lực lạm phát” – một tweet của Biden viết.

 

Nhưng nhiều người lại xem đây là “trò chơi đổ lỗi” và “không đi đến tận cùng sự thật” trong khi chính quyền có đủ nguồn lực để hạ nhiệt một số khó khăn của người dân Mỹ. Không rõ là các đảng viên Dân chủ có khát vọng hành động theo sự thúc đẩy của Biden không khi nhiều người đang háo hức trở về quê nhà và phải dành nhiều thời gian vận động tranh cử trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trên tình thần phải trả lời cử tri những câu hỏi hóc búa về các vấn đề đã làm Biden mất đi sự tín nhiệm. Thật khó cho họ khi cả ở mức cao nhất cũng không có định hướng.

 

Nhìn phía trước không thấy khả năng sẽ sớm có bất kỳ giải pháp rõ ràng hoặc dễ dàng nào để phục hồi uy tín của tổng thống.





No comments: