Sunday, April 17, 2022

NHÂN CHUYỆN NGA-UKRAINE, NGHĨ NỖI MAI NÀY. . . (Đông Sa)

 



Nhân chuyện Nga – Ukraine, nghĩ nỗi mai này…

Đông Sa

17/04/2022

https://baotiengdan.com/2022/04/17/nhan-chuyen-nga-ukraine-nghi-noi-mai-nay/

 

Lúc 9 giờ 2 phút ngày 2 tháng 9 năm 1945, Thống tướng MacArthur đã mở đầu cho lễ ký kết văn kiện đầu hàng của Nhật Bản với khối Đồng minh diễn ra trên Thiết giáp hạm Missouri đang đậu ở vịnh Tokyo, bằng những lời lẽ mang tính tự sự và hoài ước cá nhân chứ không phải là những diễn ngôn chính trị đại diện cho khối lực thắng cuộc. Những lời đó như sau:

 

Mong muốn tha thiết của tôi, mà thật ra là hy vọng của toàn thể nhân loại, là từ cảnh đổ máu và tàn sát của quá khứ, một thế giới sẽ được thiết lập dựa trên lòng tin và sự hiểu biết, một thế giới dành cho phẩm giá con người và đáp ứng nguyện vọng được ấp ủ nhất cho tự do, khoan dung và công bằng”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/04/1-34.jpg

Ảnh tổng hợp từ hai bức ảnh: Bên trái, Thống tướng Douglas MacArthur đọc diễn văn khai mạc nghi lễ đầu hàng của Nhật trên tàu USS Missouri, phía sau ông là đại diện các Quốc gia Đồng minh trong Thế chiến II quan sát. Bên phải là phái đoàn Nhật, gồm Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu của Nhật (chống gậy), tướng Yoshijirō Umezu, Tổng tham mưu trưởng Lục quân. Nguồn: US Army

 

Sau thời khắc lịch sử đó, khoảng bốn tiếng đồng hồ, cũng lại là một thời khắc lịch sử nữa; tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội; ông Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập cho nước Việt Nam, trong đó có đoạn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập” …

 

Từ đó đến nay, gần 77 năm, thời gian cho một đời người, những giá trị như Lòng Tin, Sự Hiểu Biết, Phẩm giá Con người, Khoan dung, Lẽ Công bằng, Tự Do và Độc lập, nhân loại ngày càng xiển dương hơn. Một số quốc gia đã đạt, một số khác vẫn còn trên đường truy tìm mỏi mệt kể cả phải xả thân vài ba thế hệ cũng chưa chắc thực sự có được.

 

Và cảnh đổ máu, tàn sát của chiến tranh trên khắp các châu lục thì vẫn tiếp diễn liên miên từ đó đến nay. Bởi chiến tranh có vẻ như là một phần định mệnh của nhân loại, là của gia truyền, là tai ương của lịch sử loài người.

 

Bởi thế, mọi quốc gia đều phải cư an tư nguy và ứng phó với mọi cuộc chiến tranh theo quyền lợi và vận mệnh của quốc gia và dân tộc mình.

 

Bỏ qua bốn cuộc chiến tranh mà đất nước Việt Nam trải qua từ năm 1945 đến nay. Các cuộc chiến còn lại ở khắp nơi trên mọi châu lục đều không ảnh hưởng gì đến quyền lợi và vận mệnh đến mức người Việt phải suy xét nghiêm cẩn về mối liên quan trên bình diện quyền lợi rạch ròi, phẩm hạnh văn minh và cả tình cảm bang giao truyền thống … cho đến ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tại sao?

 

Bởi các lẽ như sau:

 

1- Cuộc chiến tranh xâm lược của Putin vào quốc gia Ukraine dù kết cục thế nào, dù Nga thắng hay Nga thua, đất nước VN rồi sẽ đều gặp khó. Cái sự khó này nó như thế nào, nó to lớn bao nhiêu thì nhiều nhà quan sát thời cuộc chín chắn, những co-lum-nít thế giới ở nhiều vị thế khác nhau, bước đầu đã chỉ ra những “thông số kỹ thuật” nặng nề về kinh tế, năng lực quốc phòng, khả năng vay mượn vốn từ các định chế tài chánh quốc tế, và cả về bang giao trên thế giới mà chưa phỏng định vị thế của VN sẽ như thế nào dưới gầm trời mai này. Mà thực ra cũng chẳng cần vẽ thêm làm gì cái hình ảnh một con tàu dở chống vụng chèo, buồm mũi ủ rũ, buồm lái rách toang, bánh lái rệu rã đang trong cơn biển trời xám xịt báo chắc một trận cuồng phong sắp ập đến.

 

Lại nữa, người ta vẫn đoán chắc rằng thế giới hậu chiến tranh Nga – Ukraine sẽ thay đổi lớn lao nhưng chưa thể phác họa rằng nó sẽ như thế nào vì chưa đủ dữ kiện. (Dữ kiện đang còn phát sinh từng ngày hôm nay và ngay cả ở một khoảng thời gian nào đó sau khi cuộc chiến thật sự kết thúc). Trong thế giới với cục diện khác trước đó rồi VN sẽ như thế nào nhưng chẳng ai dám tiên liệu rằng VN sẽ dễ thở hơn trong thế cục hậu chiến tranh Ukraine – Nga, mà chỉ dự cảm điều ngược lại. Núp bóng Thành Đô năm 1990 nên “ta” đã “yên ổn để đại hội” được 7 lần kể từ lần thứ 7, ngày 1/7/1991 đến lần thứ 13, ngày 1/2/2021.

 

Nhưng với những khó khăn vừa nêu ở đoạn trên cùng với một nội lực bất túc dặt dẹo – (tài nguyên – là thứ lợi tức quyết định để bám sống – đã cạn kiệt, kỹ nghệ là vắt mồ hôi, khoa học kỹ thuật Việt-Á, sản phẩm nông nghiệp bán thô, không thương hiệu, nợ nần lãi mẹ đẻ lãi con – theo một nguồn khả tín thì nợ công VN đến năm 2022 đã vượt con số 4000 triệu tỷ đồng, nếu viết ra con số đến đơn vị VND thì phải là 4.000 rồi kéo theo 16 con số 0 nữa nhé) – thì người tỉnh trí cũng đủ hình dung cái sự khó của VN hậu chiến Ukraine – Nga bỏ xa cái đận 1986-1990 lắm lắm.

 

2- Người VN phải nghiêm cẩn, rạch ròi, cân nhắc khi ứng phó với cuộc chiến Nga – Ukraine, phải tuyệt đối đặt quyền lợi của quốc gia, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, và tầm ảnh hưởng của cuộc chiến với vận mệnh của đất nước mình, để dẫn dắt mọi quyết định. Bởi vì, khác hẳn mọi cuộc chiến cục bộ xảy ra trên thế giới sau Thế chiến II, đây là cuộc chiến tranh có nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất đến an ninh của toàn thế giớit, trong đó có VN, và VN lại là một trong số ít vùng có “sức nóng” cao hơn phần còn lại. Hơn thế nữa, đây là một cuộc chiến tranh bộc lộ một cách sỗ sàng, trắng trợn, tính bạo tàn rừng rú lạc hậu, chống lại xu thế tiến bộ của loài người.

 

Khi Putin cho tiến quân xâm lăng vào Ukraine cũng chính là lúc Putin tấn công vào công lý chung của loài người, đánh vào quyền Độc Lập của mọi quốc gia, tấn công để tiêu diệt quyền Dân Tộc Tự Quyết, quyền Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền của loài người. Những giá trị văn minh này loài người đã phải trải qua hàng ngàn năm trả giá bằng xương máu bao lớp người mới được nhìn nhận, không thể chối bỏ, đã, đang và sẽ được xiển dương mãi mãi theo dòng tiến hóa chung của nhân loại.

 

Ukraine là nạn nhân biểu trưng của cơn bạo hành đối với các giá trị tinh thần cao cả nêu trên và cũng là nạn nhân của cơn hoang tưởng lạc loài về một đại đế chế Nga-la-tư-Âu-Á với một nhúm vương quyền tập trung đè đầu cưỡi cổ vạn triệu nông nô… Việt Nam, với vị thế địa chính trị tương đồng với Ukraine, tuy dân số có gấp đôi nhưng nội lực chưa chắc đã sánh bằng, phải nghiêm cẩn soi xét về mọi hệ lụy, ảnh hưởng mà cuộc chiến tranh này có thể xảy đến cho quyền lợi cùng vận mệnh của VN trong tương lai ngắn, có thể rất ngắn như từ mai này. Ai, Ủy Ban nào cam đoan chắc chắn rằng nếu Nga thắng sẽ không có những phiên bản chiến tranh Nga – Ukraine kế tiếp và Ukraine một phẩy sẽ là Việt Nam?

 

3- Điều thứ ba này dường như chẳng liên quan gì với các dẫn luận trước nhưng nó vẫn nằm trong phạm trù tốt-xấu, hưng-suy cho đất nước VN trong và sau cuộc chiến Ukraine – Nga này. Cuộc chiến này là một cơ hội thấm thía để toàn thể người VN nhìn lại chính mình. Đã có một số ít người quyên góp cho Ukraine. Một số khác hoan hô Putin trên biển mạng xã hội và ngay trên các phương tiện truyền thông sống bằng ngân sách. Một số khác nữa lên án Putin trong chỗ riêng tư và cho rằng số pro-Nga chỉ là một nhóm – cùng lắm là vài ba vạn thôi – các đồng chí bê-đê-dê-lê-vê ba củ chuyên nghiệp, nhiệt tình cắt dán cho tiền mau vào túi. Không, tác giả chẳng có con số thống kê nào về các a, b, c này nọ nhưng lại tin rằng số pro-Nga này chẳng ít đâu. Họ là số đông, chí ít là đông hơn phần còn lại. Dễ hiểu thôi “bởi cái đất nước mình nó thế”.

 

Câu chuyện trật ề nhưng nó lại nhảy ra nằm chình ình, choáng tiêu các ý khác mất rồi. Thôi đành kể ra vậy. Nhà kia có cụ nội tuổi thất tuần dư. Ngày ngày tháng tháng cụ vẫn kiên trì giáo dục thằng cháu chập chững vào trường đại học: “Cháu cố gắng phấn đấu nhé, quyết kiên định xử dụng chiếc Volo Solex ông thương yêu để lại cho cháu đấy nhé. Hồi những năm 1960 ông đi học bằng chiếc volo-solex này là xịn lắm đấy, khối em mê ngẩn tò te đấy…”. Ông cháu thành kính tin rằng, hồi năm 1962 nó xịn thì bây giờ nó cũng xịn. Dự rằng nhà này hồng phúc trường lưu hay “tới số”, người viết xin dành cho quý độc giả, rồi nghĩ nỗi mai này…





No comments: