Lê Hữu
Huy(*) - Kinh Tế Saigon Online
29/03/2022 11:33
https://thesaigontimes.vn/nguoi-hoa-ho-la-ai/
(KTSG)
– Thế vận hội mùa đông 2022 kết thúc hồi trung tuần tháng 2 vừa rồi tại Bắc
Kinh có nhiều điều thú vị. Chẳng hạn như chuyện nữ vận động viên 19 tuổi sinh
ra và lớn lên ở Mỹ với tên khai sinh là Beverly Zhu nhưng nay đổi thành Zhu Yi
(dịch âm Hán Việt là Chu Dịch – 朱易) rồi lấy quốc tịch Trung Quốc để thi
đấu cho màu cờ sắc áo của mảnh đất mà bố mẹ của mình đã rời bỏ cách đây hơn hai
mươi năm.
Trong trận đấu ra mắt, do té ngã trong tiết mục
đơn nữ, cô đã kéo nước chủ nhà Trung Quốc từ vị trí thứ ba xuống thứ năm. Ngày
hôm sau, cô lại ngã thêm hai lần trong nội dung trượt băng tự do nữ. Hậu quả là
cô phải nhận lấy hàng loạt chỉ trích và miệt thị với những cụm từ như “nỗi ô nhục”
hay “sự xấu hổ” trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/03/Assimilated.jpg
https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/03/Untitled-1-1.jpg
Một chuyện khác liên quan đến nữ vận động viên
Eileen Gu, một thần đồng trượt tuyết tự do sinh ra và lớn lên trên đất cờ hoa
có cha là người Mỹ nhưng lại chuyển lòng trung thành về với quê mẹ Trung Quốc
vào năm 2019. Được người dân đại lục biết đến với cái tên đậm màu sắc Trung Hoa
là Gu Ailing (Cốc Ái Lăng – 谷爱凌), cô gái mười tám tuổi này đã chiếm được cảm tình của đồng bào trong
nước bằng khả năng nói tiếng Quan thoại giọng Bắc Kinh đặc trưng của mình. Truyền
thông nhà nước gọi cô này là “vận động viên trượt tuyết thiên tài”, và khi Ái
Lăng giành huy chương vàng, người dân Trung Quốc đã không tiếc lời khen ngợi.
Phản ứng trái chiều về hai nữ vận động viên
nói trên có thể khiến chúng ta xem lại những định nghĩa liên quan đến người
Trung Quốc nói riêng và người Hoa nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa với những
đan xen về chủ quyền quốc gia và sắc tộc trong đó Trung Quốc là một đất nước có
tầm ảnh hưởng rộng lớn trong khu vực và trên toàn thế giới.
Định nghĩa về người
Hoa
Theo Bách khoa toàn thư về người Hoa ở hải ngoại,
có nhiều cách để định nghĩa người Hoa nhưng cách dễ hiểu là phân chia những người
sống trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc với những người sống bên ngoài. Để dễ
hình dung, các tác giả đưa ra một vòng tròn đồng tâm trong đó các “biến thể”
mang thuộc tính Trung Hoa được trình bày trong bốn vùng khác nhau, với các đường
giới hạn bị đứt gãy ở một số nơi để gợi ý một mức độ thẩm thấu nhất định. Định
nghĩa về người Trung Quốc nói riêng và người Hoa nói chung thể hiện trong các
vùng trong vòng tròn cũng được diễn giải trong bảng dưới đây:
Trong các định nghĩa nói trên, “người Hoa hải
ngoại” hay “Hoa kiều” (Huaqiao trong văn bản tiếng Anh) là một khái niệm đáng
lưu ý. Xuất hiện từ thế kỷ 19, thuật ngữ “Hoa kiều” được Chính phủ Trung Quốc sử
dụng cho tất cả người Hoa ở nước ngoài từ những năm 1910 trở đi. Theo các tác
giả, điều làm phật ý là thuật ngữ này bao hàm tất cả người Hoa như một phần của
đất nước Trung Quốc, rằng người Hoa trong nước quan trọng và có một mối quan hệ
đặc biệt tồn tại giữa Trung Quốc và Hoa kiều. Hiến pháp năm 1957 và 1984 định
nghĩa Hoa kiều là công dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cư trú ở nước ngoài – những
người trong phân khúc B1 của vòng tròn đồng tâm nói trên.
Định nghĩa về người Hoa ở Đài Loan cũng không
kém phần thú vị. Mới đây, Chen Chuyin, người đã từng đóng thế cho các nữ diễn
viên nổi tiếng như Thư Kỳ, Trần Ý Hàm và Lạc Cơ Nhi và sống ở Trung Quốc trong nhiều
năm đã thông báo trên mạng xã hội Weibo rằng cô đang chuẩn bị bỏ hộ khẩu ở Đài
Loan và đang làm thủ tục đăng ký hộ khẩu ở Trung Quốc. Cô cho biết cũng từ bỏ
việc chăm sóc sức khỏe ở Đài Loan và mong nhận được chứng minh nhân dân của Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, theo truyền thông và báo
giới Đài Loan, tuyên bố này là một trường hợp hiếm hoi và cô Chen cũng là người
đầu tiên của làng giải trí công khai về ý định muốn nhập quốc tịch Trung Quốc.
Người Hoa ở
Singapore
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, không có nơi nào
trên thế giới mà người Hoa chiếm đa số tỷ lệ công dân của một quốc gia độc lập
và nắm giữ đa số các vị trí ở các cấp chính quyền cao nhất như ở Singapore.
Không có gì lạ khi người nước ngoài đặt chân lên đảo Sư tử sẽ nghĩ đây là một
xã hội Trung Hoa thu nhỏ, nơi cội nguồn sắc tộc và truyền thống của các bậc tiền
nhân Trung Hoa cũng như các giá trị Khổng giáo luôn được gìn giữ và đề cao.
Theo phân tích của nhà xã hội học Eddie Khoo,
đạo Khổng phù hợp với văn hóa chính trị ở Singapore như quan niệm gia trưởng,
tinh thần cộng đồng, óc thực dụng và chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên, Khổng giáo
không thể hình thành nền tảng tư tưởng dân tộc của một xã hội đa sắc tộc. Một
xã hội vững chắc cần dựa trên các “giá trị được chia sẻ” mà một Sách trắng
(White Paper) được Quốc hội Singapore thông qua vào năm 1991 đã định nghĩa là
“ưu tiên của quốc gia hoặc cộng đồng đối với cá nhân, tầm quan trọng của gia
đình, sự đồng thuận chính trị và hòa hợp sắc tộc và tôn giáo”. Trong khi chỉ
trích chế độ chuyên quyền (nepotism) và các mối quan hệ gia đình “có thứ bậc
nghiêm ngặt” gắn liền với thực hành Khổng giáo, Sách trắng này lại khẳng định rằng
nhiều ý tưởng của Khổng giáo vẫn còn phù hợp với Singapore và nhấn mạnh khái niệm
chính phủ phải gồm “những bậc quân tử, những người có nghĩa vụ làm điều tốt cho
xã hội, được nhân dân tín nhiệm, quý trọng”.
Trong một bài phát biểu trước Liên đoàn các
bang hội Hoa tộc Singapore và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều
Singapore vào năm 1991, Thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng ngoài những giá trị
chia sẻ như đã nói ở trên, trong một đất nước đa sắc tộc và văn hóa như
Singapore, người Hoa còn phải dựa trên các giá trị truyền thống của mình trong
đạo Khổng, đạo Lão và văn hóa dân gian Trung Quốc. Ông Lý cho rằng thành công của
Singapore là nhờ vào các giá trị văn hóa của thế hệ thập niên 50-70, bao gồm đức
hy sinh, làm việc chăm chỉ, tiết kiệm và ý thức về nghĩa vụ của mỗi người. Theo
nhiều nhà nghiên cứu, các giá trị này là một phần cốt lõi của văn hóa Trung Hoa.
Các thực hành văn hóa và ngôn ngữ cũng như hệ
thống giá trị chung đặc trưng cho các nhóm dân tộc người Hoa đã trở thành bản sắc
không thể thiếu của Singapore. Thật vậy, cho dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính
trong hành chính và giáo dục, người Singapore gốc Hoa vẫn thích nói chuyện với
nhau bằng các phương ngữ phát xuất từ nguồn gốc sắc tộc của gia đình như tiếng
Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu. Khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách
kinh tế với những triển vọng hợp tác kinh doanh với các nước trong khu vực và
trên thế giới vào những năm 1980, Singapore đã nhanh chóng đẩy mạnh hơn nữa những
nỗ lực trong việc bảo tồn bản sắc con người và ngôn ngữ Trung Hoa. Phong trào
nói tiếng Quan thoại (Speak Mandarin Campaign) được cổ động và tổ chức hàng năm
ngày càng nhấn mạnh giá trị kinh tế của tiếng Hoa.
Nhìn chung, không khác người Hoa ở nhiều khu vực
địa lý khác nhau trên thế giới, người Singapore gốc Hoa luôn quan tâm đến các
cơ hội kinh tế tại đây hay với Trung Quốc. Sự tương đồng về ngôn ngữ và truyền
thống văn hóa cũng như di sản văn hóa của một trong những nền văn minh liên tục
lâu đời nhất trên thế giới luôn là yếu tố hấp dẫn để tìm hiểu, khám phá, khai
thác và trải nghiệm không chỉ với người Hoa tại Singapore bất kể họ có là công
dân Singapore hay không mà còn cả với nhiều người nước ngoài có cơ hội đến học
tập, sinh sống và làm việc trên đảo quốc sư tử.
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam
Global Network, Singapore
No comments:
Post a Comment