Saturday, April 16, 2022

NGA CẢNH CÁO MỸ "HẬU QUẢ KHÓ LƯỜNG" NẾU TIẾP TỤC CẤP VŨ KHÍ CHO UKRAINE (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ)

 



Nga cảnh cáo Mỹ “hậu quả khó lường” nếu tiếp tục cấp vũ khí cho Ukraine

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ
15 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/nga-canh-cao-my-hau-qua-kho-luong-neu-tiep-tuc-cap-vu-khi-cho-ukraine/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1238951682-1-1024x683.jpg

Vũ khí vác vai phòng không và chống xe tăng mà NATO và Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine có hiệu quả cao đến mức Moscow phải cảnh cáo Washington đừng “đổ dầu vào lửa”. Ảnh minh họa: Wolfgang Schwan/Anadolu Agency via Getty Images.

 

Nga đã gửi một công hàm chính thức tới Hoa Kỳ cảnh báo rằng việc Hoa Kỳ và NATO chuyển tới Ukraine các hệ thống vũ khí “nhạy cảm nhất” đang “đổ thêm dầu” vào cuộc xung đột ở đó và có thể mang lại “những hậu quả khó lường”.

 

Công hàm phản đối về ngoại giao, gọi là démarche, đã được Đại sứ quán Nga tại Washington D.C. trao cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm Thứ Ba 12 Tháng Tư, khi có tin Tổng thống Biden đã ký gói viện trợ quân sự bổ sung $800 triệu cho Ukraine, trong đó có cả bích kích pháo 155 ly đủ sức đương đầu với pháo tầm xa của Nga, máy bay không người lái và xe bọc thép phòng thủ bờ biển, cũng như các loại vũ khí phòng không vác vai, vũ khí chống xe tăng cùng hàng triệu viên đạn.

 

Hoa Kỳ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ukraine có các hệ thống phòng không tầm xa, trong đó có việc Cộng hòa Slovakia giao cho Ukraine các bệ phóng hỏa tiễn S-300 thời Liên Xô do Nga sản xuất mà lực lượng Ukraine đã được huấn luyện sử dụng. Đổi lại, chính quyền Mỹ vào tuần trước thông báo đang triển khai tới Slovakia hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

 

Các quan chức Mỹ cho biết lô hàng vũ khí sẽ đến Ukraine trong vài ngày tới, sau lời kêu gọi khẩn cấp mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden vào lúc các lực lượng Nga được cho là đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào khu vực Donbas, miền Đông Ukraine và dọc theo dải bờ biển nối vùng Donbas với bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng ở phía Nam. Quân đội Nga đã rút phần lớn khỏi miền Bắc Ukraine, bao gồm cả vùng xung quanh thủ đô Kyiv, sau những thất bại nhục nhã trước quân đội Ukraine và lực lượng kháng chiến địa phương.

 

Công hàm của Nga dài hai trang, nhưng không có chữ ký của Tổng thống Vladimir V. Putin hay các quan chức cấp cao khác của Nga, có tiêu đề “Về những lo ngại của Nga trong bối cảnh nguồn cung cấp lớn về vũ khí và thiết bị quân sự cho chế độ Kiev”, cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh vi phạm “các nguyên tắc nghiêm ngặt” về việc chuyển vũ khí tới các khu vực xung đột và không biết tới “mối đe dọa vũ khí có độ chính xác cao rơi vào tay các phần tử dân tộc cực đoan và lực lượng ăn cướp ở Ukraine.” Trong số các hạng mục vũ khí mà Nga xác định là “nhạy cảm nhất”“hệ thống phóng hỏa tiễn nhiều nòng”, mặc dù Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã không cung cấp loại vũ khí đó cho Ukraine. 

 

Công hàm cũng cáo buộc NATO gây áp lực buộc Ukraine phải “từ bỏ” các cuộc đàm phán với Nga, đến nay vẫn không thành công, “để tiếp tục gây đổ máu”. Công hàm nói Washington đang gây áp lực buộc các quốc gia khác phải ngừng hợp tác quân sự và kỹ thuật với Nga, và những nước có vũ khí từ thời Liên Xô cũ phải chuyển chúng cho Ukraine.

 

“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ và các đồng minh ngừng việc quân sự hóa Ukraine một cách vô trách nhiệm, gây ra những hậu quả khó lường đối với an ninh khu vực và quốc tế,” công hàm viết.

 

                                                             ***

Theo một quan chức Mỹ, sự phản đối mạnh mẽ của Nga chứng tỏ số vũ khí mà Mỹ và NATO cung cấp cho quân kháng chiến Ukraine có hiệu quả rất lớn trên chiến trường.

 

Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố các đoàn xe chở vũ khí đến Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp, nghĩa là Nga có quyền tấn công tiêu diệt chúng, nhưng cho đến nay phía Nga vẫn chưa hành động, có thể đang chuẩn bị làm như vậy.

 

Ông George Beebe, Cựu giám đốc phân tích về Nga tại Cục Tình báo Trung ương CIA và là Cố vấn về Nga cho cựu phó tổng thống Dick Cheney nhận định: “Họ [quân Nga] đã nhắm mục tiêu vào các kho tiếp liệu ở chính Ukraine, nơi lưu trữ một số nguồn cung cấp vũ khí. Câu hỏi thực sự là họ có vượt ra khỏi các mục tiêu [vũ khí] trên lãnh thổ Ukraine, để tấn công các đoàn xe tiếp tế và các nước NATO giáp biên với Ukraine hay không”. Các nước Ba Lan, Slovakia, Lithuania hiện là những nơi đóng vai trò trung chuyển nguồn vũ khí tiếp tế của Hoa Kỳ và NATO.

Nếu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, quân Nga các lực lượng Nga vấp ngã tiếp tục thất bại như trong giai đoạn đầu tiên, “thì tôi nghĩ khả năng Nga nhắm vào các nguồn đoàn vận chuyển vũ khí của NATO trên lãnh thổ NATO sẽ tăng lên đáng kể”, ông Beebe nói với The Washington Post. 

 

Ông Andrew Weiss, Cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine và Á-Âu, và hiện là Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Carnegie Endowment for International Peace, cho rằng, một cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO như vậy sẽ là “một hành động leo thang rất quan trọng,”. Ông Weiss nói không nên coi thường rủi ro đó, đồng thời lưu ý có nguy cơ nỗ lực của Nga tấn công một đoàn xe bên trong Ukraine có thể trở nên tồi tệ khi bom đạn vượt qua biên giới vào lãnh thổ NATO.

 

Các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ vẫn lo ngại về các cuộc tấn công như vậy. Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói: “Chúng tôi không coi việc di chuyển vũ khí vào Ukraine là chuyện dễ dàng.” Quân đội Ukraine có trách nhiệm mang vũ khí vào Ukraine sau khi Hoa Kỳ đưa chúng tới khu vực và “chúng tôi càng ít nói về chuyện đó càng tốt”, ông Kirby nói.

 

--------------

Đọc thêm:

·         Cuộc chiến của Putin

 

 




No comments: