Saturday, April 2, 2022

MỘT "DÒNG CHẢY" ĐANG TẮC NGHẼN! (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



Một “dòng chảy” đang tắc nghẽn!

Lê Huyền Ái Mỹ

02/04/2022

https://baotiengdan.com/2022/04/02/mot-dong-chay-dang-tac-nghen/

 

Tuổi trẻ hôm nay (2-4) đưa tin “Hàng loạt tiểu thương các chợ nổi tiếng ở TP HCM bỏ sạp vì ế”. Những cái tên quen thuộc như chợ Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu… luôn gắn liền với cảnh mua bán nhộn nhịp, nay vắng hoe, có mở thì đóng cửa sớm, hoặc lên tiếng nhượng quyền cả dãy sạp những vẫn im thin thít.

 

Đây là diễn biến… bình thường sau gần 2 năm bất thường bởi hầu hết tiểu thương đã cố gồng gánh, chịu đựng vì dịch. Những tưởng “bình thường mới” thì sẽ sớm trở lại nhịp mua bán, tiêu dùng cũ. Thì cú “bắn phá” từ phía Nga -Ukraina kéo theo cơ man hệ lụy nào nguồn cung năng lượng, nào cấm vận tứ phương tám hướng, Việt Nam không miễn trừ. Xăng dầu tăng, nguyên liệu hiếm, giá lại tăng, hàng xuất đi cũng gặp khó. Và cơn bão giá ngay lập tức đổ bộ.

 

Trong sự phục hồi kinh tế của TP HCM, riêng mảng thương mại dịch vụ lại giảm (5% so với cùng kỳ năm 2021), nhu cầu lưu trú, mua sắm, ăn uống vẫn trên đà… giảm. Cộng thêm, cú mở cửa hôm 15-3 với sự trễ nải về các quy định cách ly, cái gọi là chuyển động thật sự để tạo kích cầu du lịch nội địa – tại TP HCM – vẫn chưa đủ mạnh.

 

Dẫn tới bức tranh ảm đạm “bỏ sạp” là điều không tránh khỏi, đã được thấy từ trước.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/04/1-3.jpg

Ảnh: cảnh ế ẩm ở 1 góc chợ An Đông. Nguồn: báo Tuổi trẻ

 

Vậy, UBND quận tại các chợ trú đóng, sở Công thương mà ông giám đốc trước đây cũng từng là giám đốc sở Du lịch dưới sự phụ trách lĩnh vực của phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đã có kế hoạch ứng phó hay chưa?

 

Với hiện trạng sức mua giảm, chậm, ế ẩm, các bên liên quan đã ra biện pháp gì để tiến tới “giải phóng”, kích hoạt phía cầu? Tìm cho ra điểm gặp giữa hai nhánh cung – cầu, có chính sách tháo gỡ, hỗ trợ gì cho tiểu thương trong chính sách thay thế khách hàng, mặt hàng, nguồn hàng để kịp thích ứng với điều kiện “bất thường” mới?

 

Chúng ta cần làm gì để không gây – lây thêm hiệu ứng tiêu cực?

 

Ở tâm điểm dịch bệnh, theo báo cáo kinh tế số 2021 của Google thì lượng khách mới tăng vọt (trên 8,5 triệu khách hàng giao dịch mua bán online), đây cũng là một “đóng góp” cho sự ế ẩm của nhiều ngôi chợ truyền thống đầu mối, bán sỉ khi chợ online (kể cả bán số lượng lớn) nở rộ cùng với thói quen giao dịch đã có sự thay đổi mạnh mẽ.

 

Hổm rày, đi đâu cũng nghe nào “kinh tế số”, “chuyển đổi số”, nhưng với cơn bão giá đang hoành hành, viên chức người lao động, nhất là lao động thu nhập thấp, người nghèo, công nhân họ chỉ cần chuyển đổi… giá bó rau, miếng thịt sao cho vừa với mức thu nhập.

 

Trước khi và trong khi vươn xa, vươn cao, xin xích lại thật gần, cúi xuống thật thấp để vừa chăm lo cho những người nghèo khó bằng chính sách trợ giá, an sinh, vừa toan lo những “đứt gãy” đang bủa vây các ngôi chợ. Đằng sau nó là cả một “dòng chảy” kinh tế, giờ đang tắc nghẽn.

 

12 BÌNH LUẬN





No comments: