Marie
Le Pen có thể thắng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022?
Vũ Ngọc Yên
11/04/2022
https://baotiengdan.com/2022/04/11/marie-le-pen-co-the-thang-cuoc-bau-cu-tong-thong-phap-2022/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/04/1-18-747x420.jpg
Năm ứng viên về nhất
trong cuộc đua đầu tiên ở Pháp hôm 10-4-2022. Nguồn: Washington Post
Hơn 48 triệu cử tri Pháp được yêu cầu
tham gia bỏ phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống 2022 (French Élection
présidentielle française) vào ngày 10-4-2022. Đây là cuộc bầu cử Tổng
thống thứ mười hai của nền Cộng hòa Pháp thứ năm.
Trước đó, các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp
ở ngoài khơi bờ biển Canada gồm Saint Pierre và Miquelon, các vùng lãnh thổ ở
Caribe và các vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương đã đi bỏ phiếu trong ngày 9-4.
Kết quả bầu cử tạm thời được công bố
cùng ngày ngay sau khi cuộc bỏ phiếu chấm dứt vào lúc 20 giờ. Theo
đó, không có ai trong số 12 ứng cử viên đạt được trên 50% trong cuộc bầu
cử tổng thống vòng 1. Đương kim tổng thống Emmanuel Macron của Phong
trào Cộng hòa – Tiến lên (La République en Marche!) đạt được 27,6 số phiếu bầu. Bà
Marie Le Pen thuộc Tập hợp Quốc gia (Rassemblement national) đứng thứ
hai với 23%. Jean-luc
Melenchon của đảng cực tả La France Insoumise (Pháp quốc Bất khuất), được
22,2%. Eric
Zemmour, một nhà báo cực hữu chiếm được 7,2%. Valerie Pecresse, Cộng hoà
“Les Républicains” nhận được 4,8%. Theo thể thức bầu cử, ứng cử viên trúng cử là
người đạt được đa số tuyệt đối phiếu bầu số (trên 50%) trong cuộc bầu
cử. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số tuyệt đối ở cuộc bỏ
phiếu vòng đầu, một cuộc đua thứ hai giữa hai ứng cử viên nhận được
nhiều phiếu nhất ở vòng đầu tiên, sẽ diễn ra sau hai tuần. Trong cụộc
bỏ phiếu thứ hai này, ứng viên được bầu làm Tổng thống là người nhận
được nhiều phiếu hơn. Trong tất cả các cuộc bầu cử Tổng thống kể từ năm
1965, ứng cử viên Tổng thống thường được bầu ở vòng hai. Như vậy, cuộc tranh hùng giữa Macron
và Le Pen sẽ quyết định tương lai chính trị của Pháp trong cuộc bầu
vòng 2 vào ngày 24-4-2022.
Một cuộc tranh
cử kỳ lạ
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 đã diễn ra trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt. Một chiến dịch tranh cử
kỳ lạ “drôle de campagne”, như người Pháp nhận xét, bị lu mờ bởi đại dịch
Corona-19, cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cuối cùng là cuộc chiến xâm lược của
Vladimir Putin.
Đại dịch Covid-19 hạn chế rất nhiều cơ hội tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri bởi
các cuộc tụ tập đông người bị cấm hoặc hạn chế số lượng rất ít. Rất nhiều ứng cử
viên đã phải tiến hành tranh cử qua hình thức trực tuyến. Trong một thời gian
dài, các vấn đề về Covid-19, về y tế đã chi phối quá nhiều chương trình tranh cử
của các ứng cử viên.
Rồi cuộc chiến tại
Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2 thu hút mối quan tâm của dân chúng. Cũng chính cuộc
chiến này và hệ lụy trực tiếp mà nó mang lại, đó là sự gia tăng vật giá, nguy
cơ khủng hoảng năng lượng.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Kantar vài tuần
trước, 32% người Pháp cho biết, họ không quan tâm đến cuộc bầu cử lần này. Vấn
đề quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là sức mua hay
mãi lực, một thuật ngữ ám chỉ cho một cuộc sống xứng đáng, chứ không
chỉ có ý nghĩa đơn giản là số lượng hàng hóa/ dịch vụ có thể mua được bằng
lương bổng hạn hẹp.
So với năm 2017, khi ứng cử viên 39 tuổi
Emmanuel Macron hứa với người Pháp về một sự đột phá chính trị và phát biểu
trong những hội trường đông đúc cử tri mang tâm trạng phấn chấn, hồ hởi. Vào
năm 2022, đất nước lộ nét mệt mỏi. Mệt mỏi vì dân chủ, mệt mỏi vì đại dịch, mệt
mỏi vì chiến tranh. Và cả một Macron cũng mệt mỏi.
Người Pháp đang bất an và lo ngại vào lúc này.
Họ không sẵn sàng tham gia vào các cuộc thử nghiệm chính trị một lần nữa. Năm
năm trước, Macron đã phá hủy sự đa dạng chính trị truyền thống của Pháp.
Năm 2012, Đảng Xã hội và Đảng Gaullists cùng nhau vẫn giành được 55% số
phiếu bầu trong vòng đầu tiên của các cuộc bầu cử tổng thống. Cả hai đảng đều
là trụ cột vững chắc của nền Cộng hòa thứ năm này.
Trong nhiều thập kỷ, những người theo chủ
nghĩa Gaullists đã xây dựng được một giai tầng tinh hoa chính trị bao gồm
các tổng thống như Charles de Gaulle, Valéry Giscard d’Estaing và Jacques
Chirac. Những người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội đã đưa François Mitterrand
và François Hollande vào Điện Élysée. Theo các cuộc thăm dò, cả hai đảng hiện
nay chỉ còn nhận được khoảng 10% số phiếu bầu.
Năm ứng cử viên
hàng đầu trong cuộc bầu cử vòng đầu tiên
Emmanuel
Macron của Phong trào Cộng hoà – Tiến lên
(La République en Marche!). Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Macron, đã cắt giảm
thuế cho các tập đoàn và những người giàu có, giúp việc thuê và sa thải nhân
công trở nên dễ dàng hơn và chi tiêu nhiều hơn hầu hết các nước châu Âu khác để
giữ cho nền kinh tế phát triển trong đại dịch Covid-19.
Ông luôn thúc đẩy một Liên minh châu Âu quyết
đoán hơn và đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao của châu Âu nhằm chấm dứt xung đột
ở Ukraine. Trong một bài phát biểu trên truyền hình đầu tiên sau khi bắt đầu
cuộc chiến tại Ukraine, Macron đã nói về một “bước ngoặt lịch sử của châu
Âu”.
Tổng thống đã tự định vị mình là một nhà hòa
giải quốc tế . Ông đã gọi điện cho nhiều nguyên thủ quốc gia và chính phủ, thường
xuyên trao đổi quan điểm với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, và cũng đã
tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Pháp đã giữ chức Chủ tịch Hội đồng
EU kể từ ngày 1 tháng Giêng. Một châu Âu độc lập, tự chủ về mặt quốc phòng, từ
lâu đã là chủ đề của ông. Trong cương lĩnh tranh cử, Macron nhấn mạnh mục
tiêu của mình là “một nước Pháp độc lập hơn ở một châu Âu mạnh hơn”. Vì điều
này, chính quyền của ông sẽ đầu tư nhiều hơn vào quân đội Pháp. Tăng tài
trợ vào nông nghiệp để giảm bớt sự phụ thuộc vào việc sản xuất lương thực. Và
để trở nên có chủ quyền hơn trong sản xuất năng lượng, Macron muốn mở rộng năng
lượng hạt nhân. Nếu tái đắc cử, Macron sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65
tuổi. Macron cũng hứa hẹn sẽ tập trung vào cải cách hệ thống y tế và giáo dục
. Ông muốn tiếp tục cải cách thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giảm
bớt gánh nặng thuế cho các công ty và người dân.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của ông đã sa lầy
vào làn sóng bất ổn xã hội, bắt nguồn từ nhận thức rằng ông lạnh nhạt với những
người dân bình thường và thờ ơ với những khó khăn hàng ngày của họ.
Marie Le Pen của chính đảng cực hữu Tập hợp quốc gia ( Rassemblement
National, RN), trước đây là Mặt trận Quốc gia. Bà Le Pen ra tranh cử tổng thống
lần thứ ba. Năm 2012, bà đứng thứ ba sau ông Francois Hollande và ông Sarkozy.
Vào năm 2017, bà đã thua ông Macron trong cuộc bầu cử vòng hai.
Le Pen đã tìm cách xoá bỏ danh tiếng phân biệt
chủng tộc và bài ngoại của đảng mình. Bà đã làm dịu lập trường chống Liên minh
EU, không đòi hỏi rút lui khỏi khối tiền tệ EURO.
Sự gần gũi trước đây với Nga và sự ngưỡng mộ đối
với Tổng thống Putin đã khiến Le Pen bị nhiều chỉ trích. Nhưng trong
cuộc tranh cử bà đã lên án sự xâm lược của Nga ở Ukraine và thậm chí còn ủng
hộ việc Pháp tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine vì đây là người châu Âu. Mặt
khác, nhà dân túy cánh hữu Le Pen cố gắng ghi điểm với giọng điệu ôn hòa hơn
trước, đồng thời thể hiện mình là người bênh vực những người đang bị khó khăn
trong cuộc sống vì lạm phát và tăng giá điện, nhiên liệu và thực phẩm.
Marine Le Pen hứa sẽ giảm thuế nhiên liệu. Le Pen kêu gọi cử tri hãy bỏ
phiếu cho bà và cho rằng sự chọn lưạ giữa Macron và bà là sự lựa chọn
giữa sức mua và sức mạnh của đồng tiền.
Jean-luc
Melenchon, ứng cử viên của đảng cực tả La France
Insoumise (Pháp quốc Bất khuất), là một chính trị gia nhiều kinh nghiệm
đã trở thành người duy nhất nổi bật so với các ứng cử viên cánh tả khác.Ông
nói rằng sẽ đóng băng giá cả, tăng lương và tăng cường các dịch vụ công để tăng
sức mua của người Pháp.
Mélenchon đại diện cho các lập trường cực tả.
Chủ trương tăng lương tối thiểu, áp dụng 32 giờ lảm việc cho mỗi tuần, nghỉ
hưu ở tuổi 60, giới hạn mức lương của những người có thu nhập cao nhất lên khoảng
400.000 euro một năm, rút khỏi NATO và đàm phán lại hoàn toàn các hiệp ước châu
Âu. Ông tuyên truyền loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, đến năm 2050 chỉ nên có
năng lượng tái tạo ở Pháp. Ông còn muốn tranh đấu cho một nền cộng hòa thứ
sáu với hiến pháp mới được thông qua bằng trưng cầu dân ý.Ông kêu gọi cử
tri cực hữu đừng tiếp tay cho các đảng cực đoan với khẩu hiệu “fâché,
mais pas facho” (“tức giận, nhưng không phải phát xít”).
Valerie
Pecresse, đại diện phe tư sản
khuynh hữu nay được gọi là nhửng người Cộng hoà “Les Républicains”. Trước
đó, các đảng bảo thủ của Pháp mang tên viết tắt là UMP, UNR hoặc UDR. Trong nhiều
thập kỷ, cùng với những người xã hội, họ đã tạo nên hai phe chính trị lớn ở
Pháp. Nhưng những tranh chấp nội bộ đảng đã gây khó khăn cho phe bảo thủ trong
nhiều năm. Sau đó, Macron, với tư cách là một người mới, với phong trào “La
République En Marche!” (Cộng hòa Tiến lên) đã phá vỡ bối cảnh chính đảng
truyền thống của các đảng phái trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.Bà
Percresse là chủ tịch khu vực Île de France và là cựu bộ trưởng dưới thời Tổng
thống Nicolas Sarkozy. Pecresse tự phong cho mình là “người đàn bà thép” của
nước Pháp với tuyên bố bà là 1/3 Margaret Thatcher và 2/3 Angela Merkel.
Bà chủ trương sẽ giảm giờ làm việc xuống 35 giờ/mỗi tuần và nâng tuổi nghỉ
hưu từ 62 lên 65 tuổi.Pécresse hứa sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn tình trạng
di cư bất hợp pháp, “dẹp loạn” các khu ổ chuột và khôi phục an ninh.
Eric Zemmour, con trai của người Do Thái Algeria , là một nhà báo, bình luận cực
hữu ủng hộ lý thuyết quốc gia cực đoan, cho rằng tiến trình “hoán đổi dân số”
– từ người châu Âu da trắng sang người nhập cư không phải da trắng, chủ yếu là
người Ả Rập và châu Phi – đang được tiến hành. Zemmour cho rằng Pháp là một quốc
gia vĩ đại một thời đang trong giai đoạn suy tàn mạnh mẽ, nền văn minh cơ đốc
giáo bị biến mất bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Hồi giáo vì tình trạng nhập
cư không kiểm soát.
Trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine, thiện chí
trước đây của ông đối với Nga và Vladimir Putin cũng đã gây tổn hại cho ông. Mặc
dù Zemmour chỉ đích danh Tổng thống Nga là kẻ xâm lược, nhưng ông cũng quy kết
NATO phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến Ukraine.
Những gì sẽ xảy
ra, nếu Macron không tái đắc cử
Macron và Le Pen đã tranh giành chức tổng thống
trong cuộc bầu cử 2017. Macron và Le Pen bây giờ lại đối đầu vào ngày 24
tháng 4 – một sự lặp lại của cuộc đọ sức năm 2017, mà Le Pen cuối cùng đã thua
Macron.Tuy nhiên các cuộc thăm dò mới nhất đã dự đoán một kết quả rất khít
khao cho lần này và Ứng cử viên đứng thứ hai trong vòng đầu tiên có khả
năng thắng vòng chung kết.
Pháp là đối tác quốc tế quan trọng nhất của Đức
và đang đứng trước sự lựa chọn hướng đi. Ứng cử viên Emmanuel Macron có lập
trường ủng hộ châu Âu rõ ràng, luôn muốn giải quyết các vấn đề của châu Âu cùng
với Đức.Vì vậy, nếu Macron không thắng cử, chính phủ Cộng hoà liên bang Đức
sẽ gặp khó khăn lớn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện tại như cuộc
chiến ở Ukraine, cũng như các vấn đề năng lượng và kinh tế.
Một chiến thắng dành cho nữ chính trị gia
dân túy hữu khuynh Le Pen sẽ là một cú sốc để lại hậu quả đáng kể cho Đức và
châu Âu. Le Pen sẽ xét lại những vấn đề hợp tác hàng thập niên với
Berlin và gia tăng nỗ lực cộng tác với các thanh phần hoài nghi chủ
trương kết hợp Âu châu (Eurosceptics). Trong Liên minh châu Âu, Pháp dưới
sự lãnh đạo của Le Pen có thể thay đổi từ vai trò người thúc đẩy thành
người kìm hãm sự phát triển so với Macron thân châu Âu. Trong cuộc khủng hoảng
leo thang giữa phương Tây và Nga, châu Âu và Mỹ lo ngại rằng mặt trận thân
Ukraine có lẽ sẽ sụp đổ.
No comments:
Post a Comment