Friday, April 22, 2022

LIỆU PHƯƠNG TÂY CÓ THỂ TRỪNG PHẠT TRUNG QUỐC THEO CÁCH ĐÃ LÀM VỚI NGA? (Minh Anh - RFI)

 



Liệu Phương Tây có thể trừng phạt Trung Quốc theo cách đã làm với Nga ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 22/04/2022 - 16:19

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220422-li%E1%BB%87u-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-c%C3%B3-th%E1%....A0m-v%E1%BB%9Bi-nga

 

Ngay sau khi Nga phát động cuộc xâm lăng Ukraina, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Ngân hàng Trung ương và nhiều ngân hàng lớn của Nga hay cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga. Giả như Trung Quốc cũng làm điều gì đó tương tự trên bình diện địa chính trị như xâm chiếm Đài Loan, « liệu Hoa Kỳ có dám phong tỏa hay tịch biên tài sản dự trữ của Trung Quốc hay không ? » 

 

https://s.rfi.fr/media/display/2470129e-37ab-11ea-8c96-005056a917b9/w:1024/p:16x9/2019-05-29t224751z_351159752_rc155a048aa0_rtrmadp_3_usa-trade-china-duties.webp

Cờ Mỹ và Trung Quốc cùng đồng nhân dân tệ và đô la. Ảnh minh họa. REUTERS/Jason Lee/Illustration/File Photo

 

Trung Quốc hiện nắm giữ một khối lượng lớn tài sản, 2/3 trong số 3,2 nghìn tỷ dự trữ ngoại hối thông qua các trái phiếu của các chính phủ phương Tây. Do vậy, nếu Hoa Kỳ và châu Âu ra lệnh cho các định chế tài chính ngưng giao dịch với các ngân hàng Trung Quốc, thì những cơ sở này của Bắc Kinh sẽ mất nguồn tiếp cận đô la, euro và đồng bảng Anh.   

 

Liệu phương Tây có thật sự dám làm hay không ? Đây chính là câu hỏi do ông Vương Vĩnh Lợi  (Wang Yongli), cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc nêu lên trong một bài đăng trong tháng 3/2022. Theo lý thuyết, phong tỏa nguồn dự trữ của Trung Quốc, có lẽ sẽ không gây ra bất ổn. Bắc Kinh khó thể bán hạ giá các trái phiếu, không mua được nhiều chứng khoán của phương Tây hơn… Nhưng thị trường trái phiếu không thiếu, và nước này gần đây cũng không phải là nhà đầu tư lớn nhất. Khi xâm chiếm Đài Loan, Trung Quốc chỉ gây ra hỗn loạn đối với các trái phiếu được định giá cao từ các nhà đầu tư tư nhân.   

 

Ngược lại, ông khổng lồ châu Á này có thể phản đòn, như cho tịch biên các khối tài sản mà phương Tây đang nắm giữ tại Trung Quốc. Ông Gerard DiPippo, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) lưu ý, tính đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư phương Tây nắm giữ đến 3,6 nghìn tỷ đô la trong đầu tư trực tiếp, bao gồm cả các nhà xưởng không thể di dời và 2,2 nghìn tỷ cổ phiếu, trái phiếu và nhiều khoản tiền đầu tư khác. Nếu gộp hết tất cả, tổng trị giá tài sản mà phương Tây nắm giữ tại Trung Quốc cao hơn gấp 6 lần so với tại Nga.  

 

Ngoài Ngân hàng Trung ương ra, nếu trừng phạt các định chế tài chính, phương Tây có nguy cơ bị « gậy ông đập lưng ông ». Theo Financial Stability Board, một cơ quan điều phối tài chính, trong số 30 ngân hàng « quan trọng về hệ thống », có đến bốn ngân hàng là của Trung Quốc. Việc làm tê liệt các ngân hàng này có thể sẽ gây ra những thiệt hại cho nhiều định chế phương Tây có cho họ vay tiền hay nắm giữ các tài khoản của họ.  

 

Các biện pháp như vậy cũng sẽ tàn phá nền thương mại. Phần lớn các khoản thanh toán mậu dịch đều được thực hiện bằng đồng đô la. Martin Chorzempa, thuộc Peterson Institute for International Economics, cảnh báo « nếu không có được các khoản bảo hiểm và tín dụng thương mại, nhiều hoạt động kinh tế sẽ bị cạn kiệt ». Hơn nữa, Trung Quốc còn là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia, sự gián đoạn này có nguy cơ dẫn đến phần còn lại của thế giới chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ.  

 

Nhưng phương Tây cũng bị ảnh hưởng. Hoa Kỳ và châu Âu lần lượt nhập khẩu 18% và 22% hàng hóa Trung Quốc, kể cả các linh kiện rời và thiết bị được sử dụng trong sản xuất quốc gia. Nếu ngưng giao thương với Trung Quốc, nghĩa là giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc đến 90% thì xuất khẩu của Mỹ và châu Âu cũng bị thiệt hại đến 10%.   

 

The Economist nhắc lại, đòn bẩy lớn nhất của Trung Quốc chính là thị trường rộng lớn của nước này. Hoa Kỳ muốn tước nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghệ cao như chất bán dẫn, nhưng nếu cấm vận hoàn toàn thì các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể bị thất thu đến 37%, gây nguy hiểm cho 120 ngàn việc làm.   

 

Để trả đũa, Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm được sử dụng trong nhiều sản phẩm điện tử. Hệ quả là dây chuyền cung ứng bị gián đoạn cho một số mặt hàng trọng điểm như pin xe điện và nhiều sản phẩm khác. Và nhất là Trung Quốc có thể trục xuất các đối thủ ra khỏi thị trường mà không một ai muốn bị mất.   

 

Phương Tây có thể tiếp tục giáng những đòn mạnh hơn mỗi khi Nga tìm cách đáp trả, nhưng với Trung Quốc, điều đó là không thể. Trung Quốc có đủ công cụ để đáp trả mạnh mẽ. Mỹ và đồng minh sẽ phải gánh chịu những đòn đau nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự mà họ đang áp dụng với Nga. Theo một số chuyên gia, vì lý do này mà Mỹ và phương Tây sẽ không dám đi xa hơn ! 





No comments: