Sunday, April 24, 2022

CUỘC CHIẾN UKRAINE LIỆU CÓ DẪN TỚI CHIẾN TRANH HẠT NHÂN? (Seth Baum - BBC Future)

 



Cuộc chiến Ukraine liệu có dẫn tới chiến tranh hạt nhân?

Seth Baum

BBC Future

24/4/2022

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-61078902

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1449F/production/_124130138_71f72ad1-56c1-469a-b0ff-98dfe0f34591.jpg.webp

 

Một ngày tuần trước, tôi thức giấc vào buổi sáng và đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, tôi thấy mặt trời đang tỏa sáng. Khu phố nơi tôi ở, tại Thành phố New York, vẫn yên bình, không có gì xáo trộn.

 

"Ổn rồi," tôi tự nhủ, "chúng ta đã qua được cả một đêm mà không xảy ra chiến tranh hạt nhân."

 

Tôi làm việc cho Viện nghiên cứu Rủi ro Thảm họa Toàn cầu, một trung tâm tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nhiệm vụ nơi đây của tôi là nghiên cứu và suy đoán về những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nhân loại có thể xảy đến trong tương lai.

 

Cuộc tập trận suýt dẫn tới Thế Chiến III

Mười bước để trở thành cường quốc hạt nhân

Đường dẫn tới quyền lực hạt nhân

 

Tuy nhiên, thật hiếm khi tôi đi ngủ với nỗi băn khoăn liệu ngay ngày hôm sau có xảy ra sự kiện hạt nhân hay không như những ngày này.

 

Trong những ngày đầu tiên Nga xâm lược Ukraine, xung đột đã leo thang nhanh chóng đến mức có thể hình dung rằng nó đã chạm ngưỡng hoàn tất hành trình dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

 

Hoa Kỳ, đất nước của tôi, ủng hộ Ukraine, khiến cho nơi đây trở thành mục tiêu tiềm tàng của một cuộc tấn công hạt nhân của Nga. May mắn thay, điều đó chưa xảy ra.

 

Liệu cuộc xâm lược Ukraine hay bất kỳ sự kiện nào khác có dẫn đến chiến tranh hạt nhân hay không đang đặt ra những vấn đề hết sức quan trọng.

 

Đối với cá nhân: mình có nên chạy đi trú ẩn ở một nơi nào đó tương đối an toàn hay không? Đối với xã hội loài người: các hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu có nên chuẩn bị cho tình huống mùa đông hạt nhân không?

 

Khi nào chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra?

 

Theo kịch bản tồi tệ nhất, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể kéo theo sự sụp đổ của nền văn minh toàn cầu, có khả năng gây ra những tổn hại to lớn trong tương lai.

 

Tuy nhiên, liệu một sự kiện có dẫn đến chiến tranh hạt nhân hay không là điều không chắc chắn, và hậu quả của nó cũng vô cùng khó đoán.

 

Giải quyết mối căng thẳng này giữa tầm quan trọng của việc đo lường nguy cơ chiến tranh hạt nhân và khó khăn khi thực hiện đánh giá là trọng tâm chính trong nghiên cứu của tôi. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta tiếp cận những điều không chắc chắn này, và việc tiếp cận có thể cho chúng ta biết điều gì về cách giải thích các sự kiện đang diễn ra?

 

Rủi ro thường được đo lường bằng khả năng có thể xảy ra một số sự kiện bất lợi, nhân với mức độ nghiêm trọng nếu sự kiện đó xảy ra.

 

Các rủi ro chung có thể được định lượng bằng cách sử dụng dữ liệu sự kiện trong quá khứ. Ví dụ, để định lượng rủi ro bạn sẽ chết do tai nạn xe hơi, người ta có thể sử dụng lượng dữ liệu rất lớn về các vụ tai nạn xe hơi trong quá khứ và phân đoạn chúng theo nhiều tiêu chí khác nhau, chẳng hạn nơi cư trú và tuổi tác của bạn.

 

Cá nhân bạn chưa bao giờ chết trong một vụ tai nạn xe hơi, nhưng nhiều người khác thì đã chết, và những dữ liệu đó giúp cho việc định lượng rủi ro trở nên đáng tin cậy. Nếu không có dữ liệu này và thông tin tương tự, ngành bảo hiểm không thể vận hành hoạt động kinh doanh của họ.

 

Nguy cơ bạn sẽ chết trong một cuộc chiến tranh hạt nhân thì lại không thể được tính toán theo cách tương tự. Bởi cho đến nay, chỉ có một cuộc chiến tranh hạt nhân đã xảy ra mà thôi - vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai - và chỉ có một thời điểm dữ liệu thôi thì không đủ.

 

Hơn nữa, các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã xảy ra cách đây 77 năm, trong những hoàn cảnh khác hẳn so với hiện tại.

 

Khi Thế Chiến II bắt đầu, vũ khí hạt nhân vẫn chưa được phát minh, và vào thời điểm xảy ra hai vụ đánh bom ở Nhật Bản thì Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có vũ khí hạt nhân.

 

Khi đó không có sự răn đe hạt nhân, không có mối đe dọa hủy diệt được đảm bảo từ các bên đối nghịch. Cũng không có điều cấm kỵ nào đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và không có bất kỳ hiệp ước quốc tế nào điều chỉnh việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1007/production/_124130140_91fb006b-49b3-447d-ba0f-2991e2aa566b.jpg.webp

Một phụ nữ ở Nagasaki đang chăm chú xem tác động của cuộc chiến tranh hạt nhân duy nhất trên thế giới cho đến nay

 

Nếu Thế Chiến II là tất cả những gì chúng ta phải xem xét để đánh giá nguy cơ chiến tranh hạt nhân, thì sự hiểu biết của chúng ta đương nhiên rất hạn chế. Tuy vậy, bên cạnh việc chúng ta chỉ có thể có một phần dữ liệu để dựa vào, còn có rất nhiều thông tin liên quan - là những nguồn thông tin chi tiết có thể giúp chúng ta nắm bắt được rủi ro này.

 

Andrei Sakharov và trái bom 'thần thánh' của Liên Xô

Vào hầm chống bom hạt nhân ở Albania

Chiến tranh hạt nhân: Nhân loại đã sẵn sàng tới đâu?

 

Các sự kiện xảy 'trên đà' dẫn tới nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, là một ví dụ.

 

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang diễn ra được hy vọng sẽ biến đổi sang một loại hình xung đột khác - theo bất kể cách nào trừ việc bị leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự.

 

Tôi biết tới 74 sự kiện 'trên đà' như vậy: 59 sự kiện được tổng hợp trong một nghiên cứu mà nhóm của tôi đã thực hiện về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân và trong một nghiên cứu riêng biệt, và 15 sự kiện mà tác động của các tiểu hành tinh đã tạo ra những vụ nổ khiến lầm tưởng là do một cuộc tấn công hạt nhân gây ra.

 

Gần như chắc chắn là đã có nhiều hơn những sự kiện như vậy, bao gồm cả một số sự kiện không được công bố công khai.

 

Một nguồn thông tin quan trọng khác là đồ thị khái niệm về các kịch bản khác nhau theo đó chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.

 

Nói một cách khái quát thì có hai loại kịch bản: chiến tranh hạt nhân có chủ đích, trong đó một bên quyết định phát động cuộc tấn công hạt nhân trước khi đối phương có thể hành động tương tự, chẳng hạn như trong Thế Chiến II; và chiến tranh hạt nhân không chủ đích, trong đó một bên phóng vũ khí hạt nhân do lầm tưởng rằng mình đang bị tấn công hạt nhân.

 

Sự cố Able Archer năm 1983, khi Liên Xô ban đầu hiểu sai về các cuộc tập trận quân sự của NATO, và vụ thử tên lửa Na Uy năm 1995, khi một vụ phóng tên lửa đẩy phục vụ nghiên cứu khoa học bị nhầm là tên lửa tấn công, là những ví dụ về chiến tranh hạt nhân không chủ đích.

 

Cuối cùng, thông tin về các sự kiện cụ thể cũng có thể cung cấp cho chúng ta những chỉ dẫn.

 

Chẳng hạn, trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang diễn ra, một thông số quan trọng là trạng thái tinh thần của Vladimir Putin.

 

Chiến tranh hạt nhân có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu như ông ta tức giận, tính khí thất thường, bị sỉ nhục hoặc thậm chí có tư tưởng tự sát.

 

Các yếu tố khác là việc liệu Ukraine có thành công trong việc chống lại quân đội Nga hay không, NATO có tham gia sâu hơn vào các hoạt động quân sự trực tiếp hay không, có bất kỳ báo động nhầm đáng kể nào xảy ra hay không.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5E27/production/_124130142_e6534664-6650-4f72-8292-578cfdedf725.jpg.webp

Một tàu ngầm hạt nhân của Nga hoạt động ở vùng Biển Đen vào ngày 19/2

 

Tất cả những điều trên, nếu như ta có thể nghiên cứu được chúng, đều vô cùng giá trị giúp ta đánh giá được liệu có khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân hay không.

 

Mức độ tàn khốc

 

Để đánh giá rủi ro, chúng ta cũng cần xác định được mức độ khốc liệt của thảm họa nếu xảy ra.

 

Điều này gồm hai phần.

 

Thứ nhất là tìm hiểu các chi tiết của chính cuộc chiến tranh. Có bao nhiêu vũ khí hạt nhân được kích nổ? Với hiệu suất công phá ở mức nào? Ở những vị trí và tọa độ ra sao? Các cuộc tấn công nào khác, phi hạt nhân, xảy ra trong quá trình tiến hành chiến tranh? Những chi tiết này sẽ xác định tổn hại ban đầu.

 

Thứ hai là tìm hiểu những gì xảy ra tiếp theo. Những người sống sót có thể duy trì các nhu cầu cơ bản - thức ăn, quần áo, chỗ ở hay không? Các tác động thứ cấp ví dụ mùa đông hạt nhân sẽ nghiêm trọng như thế nào? Với tất cả các yếu tố gây căng thẳng khác nhau, liệu những người sống sót có thể duy trì bất kỳ biểu hiện nào của nền văn minh hiện đại, hay thế giới sẽ tận diệt? Nếu sự sụp đổ xảy ra, những người sống sót hoặc con cháu của họ có khi nào xây dựng lại như cũ được không? Những yếu tố này xác định tác hại tổng thể, lâu dài do chiến tranh hạt nhân gây ra.

 

Bất kỳ cuộc chiến tranh hạt nhân nào, dù là cuộc chiến tranh "nhỏ" cũng sẽ là thảm họa đối với các khu vực bị ảnh hưởng.

 

Tuy nhiên, điều khiến cho vũ khí hạt nhân trở nên đáng lo ngại không phải là thiệt hại do một vụ nổ duy nhất có thể gây ra. Tổn thất đó có thể là lớn theo đúng nghĩa của vụ nổ hạt nhân, tuy nhiên vẫn có thể so sánh với thiệt hại mà chất nổ thông thường, phi hạt nhân có thể gây ra.

 

Lấy ví dụ về Thế Chiến II để minh họa: trong số khoảng 75 triệu người đã chết trong cuộc xung đột này, chỉ khoảng 200.000 người tử vong bởi vũ khí hạt nhân. Con số thiệt mạng có thể so sánh được, là số nạn nhân của các vụ ném bom rải thảm tại các thành phố như Berlin, Hamburg và Dresden. Vũ khí hạt nhân là khủng khiếp, nhưng vũ khí quy ước khi đem ra sử dụng ở mức cao thì cũng gây thảm khốc không kém.

 

Điều khiến cho vũ khí hạt nhân trở nên đáng lo ngại là do chúng dễ dàng gây ra sự tàn phá cực kỳ lớn.

 

Với một lệnh phóng duy nhất, một quốc gia có thể gây ra thiệt hại gấp nhiều lần so với những gì đã xảy ra trong toàn bộ Thế Chiến II, và họ có thể làm điều đó mà không cần đưa bất kỳ người lính nào ra nước ngoài tham chiến.

 

Thay vào đó, họ chỉ cần chuyển giao đầu đạn hạt nhân với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Việc phá hủy hàng loạt từ lâu đã có thể xảy ra, nhưng chưa bao giờ có thể được thực hiện dễ dàng đến thế.

 

Đây là lý do việc sử dụng vũ khí hạt nhân trở thành điều cấm kỵ vô cùng quan trọng.

Việc cấm kỵ là nhằm kiềm chế các quốc gia kiềm chế cám dỗ họ có thể có trong việc dùng vũ khí hạt nhân. Nếu vũ khí hạt nhân có thể chấp nhận cho sử dụng một lần, thì cũng có thể sẽ xảy ra lần thứ hai, hoặc ba, bốn, hoặc nhiều hơn nữa, cho đến khi nó gây ra hủy diệt hàng loạt trên toàn cầu.

 

Về việc đánh giá độ rủi ro, cần phải phân biệt giữa chiến tranh hạt nhân "nhỏ" và "lớn".

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có xác suất tử vong cao hơn trong một cuộc chiến tranh hạt nhân có dùng tới 1.000 vũ khí hạt nhân, so với một cuộc chiến tranh hạt nhân chỉ dùng một vũ khí hạt nhân.

 

Hơn nữa, toàn bộ nền văn minh nhân loại có thể chống chọi lại được cuộc chiến có sử dụng một vũ khí hạt nhân hoặc một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân, giống như trong Thế Chiến II.

Đối với cuộc chiến tranh hạt nhân dùng đến nhiều vũ khí nguyên tử hơn, nhiều khả năng nhân loại sẽ phải đối mặt với những tác động tàn khốc khôn lường.

 

Nếu nền văn minh toàn cầu thất bại, thì các tác động sẽ có mức độ nghiêm trọng hơn nhiều, đe dọa tới bức tranh toàn cảnh về khả năng sinh tồn dài hạn của nhân loại.

 

Như vậy, có thể nói rằng số lượng vũ khí hạt nhân cần thiết để tạo tác động đến mức tàn khốc này là một điều hoàn toàn khó lường hơn nữa đối với nhân loại.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/AC47/production/_124130144_27575ece-81d8-4bcd-be72-ea4d25061c42.jpg.webp

Một người đàn ông đi ngang qua gian "Lịch sử của các loại bom" của nghệ sĩ Ai Weiwei tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia ở London

 

Với tất cả sự không chắc chắn nêu trên, sẽ là công bằng khi cân nhắc xem việc phân tích rủi ro đem lại những tác dụng gì.

 

Trong bối cảnh này, nghiên cứu của nhóm tôi về nguy cơ chiến tranh hạt nhân nhận được hai loại chỉ trích phổ biến.

 

Một số người cho rằng nghiên cứu đó quá thiên về định lượng, trong khi những người khác lại cho rằng nghiên cứu không hội đủ yếu tố định lượng.

 

Những người với quan điểm "quá thiên về định lượng" cho rằng chiến tranh hạt nhân là một rủi ro vốn dĩ không thể định lượng được, hoặc ít nhất là không thể định lượng được với bất kỳ mức độ chặt chẽ một cách thỏa đáng nào, và do đó, dù chỉ là thử phân tích rủi ro thôi cũng là chuyện hoang đường.

 

Những người có quan điểm "không đủ định lượng" cho rằng ước tính rủi ro là cần thiết cho việc ra quyết định đúng đắn và một số dự tính, tuy rằng có thiếu sót và không chắc chắn, vẫn tốt hơn là không làm gì.

 

Theo nhận định của tôi, cả hai quan điểm đều có sự hợp lý nhất định.

 

Có những quyết định quan trọng phụ thuộc vào nguy cơ chiến tranh hạt nhân, chẳng hạn như về cách các quốc gia có vũ khí hạt nhân nên quản lý vũ khí của mình và tiến hành giải trừ quân bị ra sao. Điều này mang lại cho chúng tôi lý do chính đáng để cố gắng lượng hóa rủi ro.

 

Tuy nhiên, khi cố gắng thực hiện việc này, điều quan trọng là phải cẩn trọng và không tuyên bố rằng chúng ta nắm chắc rủi ro trong tay hơn mức chúng ta thực sự biết về nó.

 

Việc định lượng sai rủi ro tạo ra nhận thức không đúng dẫn đến quyết định đối phó rủi ro không phù hợp với tình hình thực tế. Do phải đặt cược ở mức độ đặc biệt cao như vậy, điều quan trọng là chúng ta cần định lượng một cách đúng đắn.

 

Vậy, đối với tình hình hiện tại, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang ở mức độ nào? Nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân có cao không?

 

Tôi không thể nêu ra cho quý vị một con số chính xác do còn có rất nhiều điều không chắc chắn và tình hình chiến sự liên tục thay đổi.

 

Những gì tôi có thể nói, đó là cuộc chiến này có viễn cảnh đáng được coi là hết sức nghiêm trọng.

 

--------------------

* Seth Baum là Giám đốc Điều hành của Viện Rủi ro Thảm họa Toàn cầu, một trung tâm nghiên cứu chuyên về rủi ro hiện hữu.

 

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

 




No comments: