Roger Cohen -
The
New York Times
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2022/04/20/chan-dung-vladimir-putin-p2/
Cuộc đụng độ với phương Tây
Từ năm
2004 trở đi, ngày càng có thể thấy rõ nước Nga của Putin đã trở nên cứng rắn
hơn – điều mà cựu Ngoại trưởng Rice gọi là “một cuộc đàn áp, nơi người ta bắt đầu
thêu dệt những câu chuyện về tính dễ bị tổn thương và sự lây lan của căn bệnh
dân chủ.”
Tổng thống
Nga đã loại bỏ các cuộc bầu cử thống đốc khu vực vào cuối năm 2004, biến chức vụ
này trở thành một chức vụ được bổ nhiệm bởi Điện Kremlin. Truyền hình Nga ngày
càng trở nên giống với truyền hình Liên Xô, vì nội dung tuyên truyền ‘không pha
loãng’ của nó.
Năm 2006,
Anna Politkovskaya, một nhà báo điều tra từng chỉ trích các hành vi vi phạm
nhân quyền ở Chechnya, đã bị sát hại tại Moscow, vào đúng ngày sinh nhật của
Putin. Một nhà phê bình Điện Kremlin khác, Alexander Litvinenko, cựu sĩ quan
tình báo, người từng gọi Nga là “đất nước mafia,” đã thiệt mạng tại London, sau
khi bị gián điệp Nga đầu độc bằng chất phóng xạ.
Một
lễ tưởng niệm ngày giỗ đầu của nhà báo người Nga bị sát hại Anna Politkovskaya
(Alexander Zemlianichenko/Associated Press Image)
Lễ
tang Alexander Litvinenko, một cựu nhân viên tình báo bị đầu độc bởi các điệp
viên Nga, tại London năm 2006 (Cathal McNaughton/Reuters)
Đối với
Putin, việc NATO mở rộng sang các quốc gia từng là một phần của Liên Xô hoặc
thuộc vùng ảnh hưởng sau Thế chiến II của nước này ở Đông Âu, là bằng chứng cho
thấy sự phản bội của Mỹ. Nhưng mối đe dọa về một nền dân chủ phương Tây thành
công ngay trước cửa nhà dường như đã biến thành mối đe dọa khẩn cấp hơn đối với
hệ thống ngày càng đàn áp của ông.
“Cơn ác mộng
của Putin không phải là NATO, mà là nền dân chủ.” Joschka Fischer, cựu Ngoại
trưởng Đức, người từng gặp Putin nhiều lần, cho biết. “Đó là các cuộc cách mạng
màu, là hàng nghìn người đổ xuống các đường phố của Kyiv. Một khi ông ấy đã chấp
nhận hệ tư tưởng đế quốc, quân sự làm nền tảng cho Nga với tư cách là một cường
quốc thế giới, thì ông ấy không thể dung thứ cho điều này.”
Putin gọi
một Ukraine ngả về phương Tây là mối đe dọa an ninh đối với nước Nga, nhưng
đúng hơn, đó là mối đe dọa đối với hệ thống độc tài của chính ông. Radek
Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan, nói: “Putin đã đúng khi cho rằng một Ukraine
dân chủ hòa nhập với châu Âu và thành công là mối đe dọa mang tính sống còn đối
với chủ nghĩa Putin. Vấn đề nằm ở chỗ đó, chứ không đơn thuần chỉ là tư cách
thành viên NATO.”
Tổng thống
Nga không dễ bề chấp nhận những mối đe dọa sinh tử, dù là thực tế hay tưởng tượng.
Nếu có ai đó nghi ngờ sự tàn nhẫn của Putin, họ được sáng mắt vào năm 2006. Sự
ghê tởm tính yếu đuối của ông đã hình thành nên xu hướng bạo lực. Thế nhưng,
các nền dân chủ phương Tây lại chậm tiếp thu bài học cơ bản này.
Họ cần
Nga, không chỉ vì dầu mỏ và khí đốt. Tổng thống Nga, người đầu tiên gọi điện
cho Tổng thống Bush sau vụ 11/9, là một đồng minh tiềm năng quan trọng trong
cái gọi là Cuộc chiến Chống Khủng bố Toàn cầu. Nó cũng phù hợp với cuộc chiến của
chính Putin ở Chechnya và xu hướng coi mình là một phần trong cuộc chiến văn
minh nhân danh Thiên Chúa giáo.
Putin
và Tổng thống George W. Bush tại Ljubljana, Slovenia, tháng 6/2001. Bên trái là
Condoleezza Rice, lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia của Bush (Larry
Downing/Reuters)
Nhưng
Putin không mấy thoải mái với “chương trình nghị sự về tự do” của Bush, được
công bố trong lần tái đắc cử vào tháng 01/2005, một cam kết thúc đẩy dân chủ
trên toàn thế giới trong nỗ lực theo đuổi tầm nhìn tân bảo thủ. Putin giờ đây
đã nhìn thấy bàn tay của Mỹ đằng sau những vụ ‘khuấy động’ tự do. Và tại sao
Bush sẽ không đưa Nga vào chương trình đầy tham vọng của mình?
Đến Moscow
năm 2005 với tư cách Đại sứ Mỹ, William Burns, hiện là Giám đốc CIA, đã gửi về
một bức điện tỉnh táo, xua tan mọi lạc quan thời hậu Chiến tranh Lạnh. “Nước
Nga quá lớn, quá tự hào, và quá tự ý thức về lịch sử của mình để có thể nằm gọn
trong một ‘châu Âu toàn vẹn và tự do’”, ông viết. Khi kể lại trong cuốn hồi ký
của mình, The Back Channel, Burns nói thêm rằng “sở thích đóng vai Cường
quốc đặc biệt” của người Nga “đôi khi sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng”.
Khi
François Hollande, cựu Tổng thống Pháp, gặp Putin vài năm sau đó, ông đã rất ngạc
nhiên khi thấy Tổng thống Nga gọi người Mỹ là “Yankees” (“bọn Mẽo”) – một cách
gay gắt. Bọn Yankees này đã “sỉ nhục chúng ta, đẩy chúng ta xuống hàng thứ
hai,” Putin nói. NATO là một tổ chức “tự bản chất là hiếu chiến,” được Mỹ sử dụng
để gây áp lực với Nga, thậm chí là để khơi mào các phong trào dân chủ.
“Ông ấy thể
hiện bản thân một cách lạnh lùng và đầy toan tính,” Hollande nói. “Ông ta là một
người đàn ông luôn muốn thể hiện một loại quyết tâm không gì lay chuyển được,
nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự quyến rũ, dịu dàng. Một giọng điệu dễ chịu xen kẽ
với những lúc bộc phát tàn bạo, theo đó mang lại hiệu quả cao hơn.”
Càng được
đảm bảo về quyền lực, Putin càng quay lại thái độ thù địch với nước Mỹ mà ông
giúp tạo nên. Việc NATO không kích Belgrade năm 1999 trong Chiến tranh Kosovo
và cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003, đã khiến ông mất lòng tin vào những
lời viện dẫn Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế của Mỹ. Tin tưởng
vào chủ nghĩa biệt lệ Nga, vào số phận không thể tránh khỏi là trở thành một cường
quốc, ông không thể chấp nhận chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ – nhận thức rằng Mỹ thể
hiện quyền lực của mình ở mọi nơi nhân danh một định mệnh duy nhất, một sứ mệnh
cố hữu, là truyền bá tự do trong một thế giới nơi Mỹ là bá chủ duy nhất.
Hận thù cuối
cùng đã xuất hiện trong bài phát biểu dữ dội của Putin vào năm 2007, tại Hội
nghị An ninh Munich. “Một quốc gia, tất nhiên đó là Mỹ, đã vượt quá biên giới
quốc gia của mình theo mọi cách,” ông tuyên bố trước nhóm khán giả còn đang sửng
sốt. Một “thế giới đơn cực” đã được áp đặt sau Chiến tranh Lạnh với chỉ “một thẩm
quyền trung tâm, một trung tâm sức mạnh, một trung tâm ra quyết định.”
Kết quả là
hình thành một thế giới “trong đó chỉ có một ông chủ, một chủ quyền, và điều đó
quả thật độc ác.” Nhưng hơn cả sự độc ác, nó còn “cực kỳ nguy hiểm”, dẫn đến
“thực tế là không ai cảm thấy an toàn.”
Putin
mang theo một con chó tới một cuộc họp năm 2007 với thủ tướng Đức Angela
Merkel, người nổi tiếng là sợ chó (Axel Schmidt/Agence France-Presse — Getty
Images)
Mối đe dọa từ việc NATO mở rộng
Sau bài
phát biểu tại Munich, người Đức vẫn còn hy vọng vào Putin. Merkel, người lớn
lên ở Đông Đức, biết nói tiếng Nga, đã nỗ lực xây dựng quan hệ với ông. Putin
cho hai con theo học trường tiếng Đức ở Moscow sau khi trở về từ Dresden. Ông
cũng thích trích dẫn những bài thơ của các tác giả người Đức. Heusgen, cố vấn
ngoại giao hàng đầu của Merkel, tiết lộ: “Có một sự đồng cảm. Một sự thấu hiểu.”
Tuy nhiên,
làm việc cùng Putin không có nghĩa là chỉ huy ông ấy. “Chúng tôi tin tưởng sâu
sắc rằng việc đưa Gruzia và Ukraine vào NATO là không hay,” Heusgen nói: “Họ sẽ
mang đến bất ổn.” Điều 10 của Hiệp ước NATO, như Heusgen lưu ý, nói rằng bất kỳ
thành viên mới nào cũng phải có khả năng “đóng góp cho an ninh của khu vực Bắc
Đại Tây Dương.” Hai nước này sẽ làm điều đó như thế nào là điều mà Merkel chưa
rõ.
Về phía Mỹ,
khi nhiệm kỳ tổng thống của Bush bước sang năm cuối cùng, nước này không có tâm
trạng để thỏa hiệp. Bush muốn có một “Kế hoạch Hành động về Tư cách Thành viên”
(Membership Action Plan, MAP), cho Ukraine và Gruzia, một cam kết cụ thể để đưa
hai nước vào liên minh, được công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO tháng
04/2008 ở Bucharest. Sự mở rộng của NATO đã đảm bảo an ninh và tự do cho 100
triệu người châu Âu được giải phóng khỏi ách toàn trị của Liên Xô; nó không nên
bị dừng lại.
Burns, với
tư cách là đại sứ, đã phản đối. Trong một bức điện mật gửi cho Rice, ông viết:
“Việc Ukraine gia nhập NATO là lằn ranh đỏ nhất trong các lằn ranh đỏ của giới
tinh hoa Nga (chứ không chỉ riêng Putin). Trong hơn hai năm rưỡi trò chuyện với
những nhân vật chủ chốt của Nga, từ những kẻ đầu đất ngồi trong góc khuất của
Điện Kremlin, đến những người chỉ trích theo chủ nghĩa tự do có đầu óc sắc bén
nhất của Putin, tôi vẫn chưa tìm thấy ai xem việc Ukraine tham gia NATO là một
thứ gì khác, ngoài một đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Nga.”
Tháng
02/2008, Mỹ và nhiều đồng minh đã công nhận nền độc lập của Kosovo đối với
Serbia, một tuyên bố đơn phương bị Nga cho là bất hợp pháp, và bị coi là hành động
sỉ nhục một quốc gia Slav. Bermann, cựu Đại sứ Pháp tại Moscow, hồi tưởng lại
những lời cảnh báo khi đó của Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov: “Cẩn thận đấy,
việc này là tiền lệ, nó sẽ được sử dụng để chống lại các người.”
Tại
Bucharest, Pháp cùng Đức đã phản đối kế hoạch MAP cho Gruzia và Ukraine. “Người
Đức không muốn gì cả.” Rice hồi tưởng, “Họ nói rằng, bà không thể chấp nhận một
quốc gia có xung đột còn đang đóng băng như Gruzia” – ám chỉ bế tắc căng thẳng
giữa Gruzia và hai nước cộng hòa ly khai tự xưng, do Nga hậu thuẫn, là Nam
Ossetia và Abkhazia.
Sikorski,
Ngoại trưởng Ba Lan, đã vặn lại: “Các người cũng đã là một cuộc xung đột đóng
băng suốt 45 năm còn gì!”
Thỏa hiệp
sau cùng là một mớ hỗn độn. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo NATO cho biết Ukraine
và Gruzia “sẽ trở thành thành viên của NATO.” Nhưng tổ chức này lại không chịu
thông qua bản kế hoạch hành động có thể làm cho tư cách thành viên đó trở thành
hiện thực. Ukraine và Gruzia bị bỏ lại cùng một lời hứa suông, bị gắn chặt vào
một vùng đất không người chiến lược, còn Nga thì tức giận nhưng cũng nhận ra sự
chia rẽ mà sau này họ có thể khai thác.
Thomas
Bagger, cố vấn ngoại giao cấp cao của Tổng thống Đức, chia sẻ, “Ngày nay, chúng
ta nhìn lại tuyên bố ấy và nghĩ rằng đó là điều tồi tệ nhất ở mọi thế giới”.
Một
xe bọc thép chở quân của Nga băng qua Senaki, Gruzia, tháng 8/2008 (Joseph
Sywenkyj, New York Times)
Putin đã đến
Bucharest và trình bày điều mà Rice mô tả là “một bài phát biểu đầy cảm xúc,” rằng
Ukraine là một quốc gia được dựng lên, rằng có sự hiện diện của 17 triệu người
Nga tại đây, và rằng Kyiv là mẹ của tất cả các thành phố Nga – một tuyên bố sẽ
dần phát triển thành một nỗi ám ảnh.
Đối với
Sikorski, bài phát biểu của Putin không phải chuyện gì đáng ngạc nhiên. Năm đó,
ông đã nhận được một lá thư từ Vladimir V. Zhirinovsky, một người Nga theo chủ
nghĩa dân tộc, khi ấy đang là Chủ tịch Duma Quốc gia, đề nghị rằng Ba Lan và
Nga đơn giản là nên chia nhau Ukraine. “Tôi đã không hồi đáp,” Sikorski nói.
“Chúng tôi không làm trong ‘ngành’ thay đổi biên giới.”
Bất chấp
những khác biệt này, Putin vẫn chưa chuyển sang thái độ thù địch hoàn toàn. Tổng
thống Bush và Ngoại trưởng Rice vẫn tới thăm khu nghỉ dưỡng Sochi nằm trên Bờ
Biển Đen mà Putin ưa thích.
Tổng thống
Nga khoe với cả hai về những địa điểm được lên kế hoạch cho Thế vận hội Mùa
đông 2014. Ông cũng giới thiệu họ với Dmitri A. Medvedev, một cộng sự lâu năm,
người sẽ trở thành tổng thống vào tháng 5, như một phần của chiến dịch được dàn
xếp kỹ càng, nhằm tôn trọng giới hạn về nhiệm kỳ trong hiến pháp của Nga, nhưng
cho phép Putin trở lại Điện Kremlin vào năm 2012 sau thời gian làm thủ tướng.
Ở đó còn
có những vũ công Cossack. Một vài người Mỹ đã bước lên sàn nhảy và bầu không
khí thật tuyệt.
Ba tháng
sau, một cuộc chiến kéo dài 5 ngày nổ ra ở Gruzia. Người Nga gọi đây là hoạt động
“thực thi hòa bình.” Sau khi kích động để quân Gruzia tấn công các lực lượng ủy
nhiệm của họ ở Nam Ossetia, Nga chính thức xâm lược Gruzia. Mục tiêu chiến lược
của họ là vô hiệu hóa mọi tham vọng trở thành thành viên NATO của Gruzia, và họ
đã làm được điều đó. Moscow công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia,
rồi sáp nhập cả hai vào Nga.
Một cách cố
ý, Putin đã vạch ra ranh giới đầu tiên trên cát, nhưng không có phản ứng có ý
nghĩa nào từ phương Tây.
Chúng ta và Bọn họ
Ngày
07/05/2012, trong lúc 30 phát súng chào mừng vang lên khắp Moscow và các sĩ
quan cảnh sát chống bạo động trong trang phục rằn ri vây bắt những người biểu
tình, Putin đã trở lại cương vị Tổng thống Nga. Cực kỳ căng thẳng và ngày càng
tin vào thói bội tín và suy đồi của phương Tây, ông là một người đã hoàn toàn
thay đổi, xét về nhiều mặt.
Cảnh
sát chống bạo động giải tán người biểu tình ở trung tâm Moscow đang phản đối việc
Putin quay lại ghế tổng thống, tháng 5/ 2012 (Sergey Ponomarev/Associated
Press)
Làn sóng
biểu tình đường phố bùng phát 5 tháng trước đó, với hình ảnh những người tuần
hành mang theo khẩu hiệu “Putin là một tên trộm”, đã củng cố niềm tin của ông rằng
người Mỹ đang quyết tâm mang lại một cuộc cách mạng màu cho nước Nga. Biểu tình
nổ ra sau khi cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12/2011 bị giới quan sát trong nước
và quốc tế coi là gian lận. Nhưng tình trạng bất ổn cuối cùng đã bị dẹp tan.
Putin cáo
buộc Ngoại trưởng Hillary Clinton là người chủ mưu chính. “Bà ta đã mớm lời cho
một vài người ở đất nước chúng tôi và cho họ một tín hiệu,” ông nói. Clinton
đáp trả, theo tinh thần các giá trị của Mỹ, rằng “chúng tôi bày tỏ lo ngại mà
chúng tôi cho là có cơ sở vững chắc về quá trình tiến hành cuộc bầu cử.”
Thật là một
đòn chí mạng lên những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm “cài đặt lại” quan hệ
với Nga suốt 4 năm qua cầm quyền của Medvedev – một người tuy ôn hòa hơn, nhưng
lại luôn hàm ơn Putin.
Tuy nhiên,
ý kiến cho rằng Putin có thể là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của
Mỹ phần lớn đã bị bác bỏ, vì Washington còn bận tâm với việc đánh bại Al Qaeda.
Khi Thống đốc Mitt Romney nói rằng mối đe dọa địa chính trị lớn nhất mà Mỹ phải
đối mặt là Nga, ông đã bị Tổng thống Obama chế nhạo.
“Chiến
tranh Lạnh đã qua 20 năm rồi,” Obama nói với vẻ khinh thường trong một cuộc
tranh luận tổng thống năm 2012.
Dưới áp lực
từ Mỹ, Nga đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc vào năm 2011 về việc can thiệp quân sự vào Libya, vốn cho phép “thực
hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường. Khi nhiệm vụ này
chuyển thành kế hoạch lật đổ Đại tá Muammar el-Qaddafi, người sau cùng bị các lực
lượng Libya giết hại, Tổng thống Nga đã nổi giận. Lại một bằng chứng khác cho
thấy sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của Mỹ.
Một điều
gì đó khác cũng đang diễn ra. “Ông ấy bị ám ảnh bởi vụ hạ sát tàn bạo Qaddafi,”
Mark Medish, quản lý cấp cao phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine, và Á-Âu tại Hội
đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Clinton, nói. “Tôi được thông tin rằng
ông đã phát lại video hết lần này đến lần khác.” Hành động loại bỏ một nhà độc
tài là một điều liên quan gần gũi với cá nhân ông.
Michel
Duclos, cựu Đại sứ Pháp tại Syria và hiện là cố vấn đặc biệt của viện chính
sách Montaigne ở Paris, cho rằng “lựa chọn tái phân cực” dứt khoát của Putin đã
đến vào năm 2012. Trung Quốc đã trỗi dậy và đem đến các lựa chọn chiến lược mới.
“Ông ấy tin rằng phương Tây đã suy tàn sau khủng hoảng tài chính năm 2008,”
Duclos nói. “Con đường phía trước sẽ là đối đầu.”
Trong cuộc
đụng độ này, Putin đã trang bị cho mình đội quân tiếp viện về văn hóa và tôn
giáo. Ông khẳng định mình là hiện thân cho những giá trị bảo thủ của Chính thống
giáo, chống lại chủ trương phi tôn giáo của phương Tây về hôn nhân đồng giới, nữ
quyền cấp tiến, đồng tính luyến ái, nhập cư ồ ạt, cùng các biểu hiện khác của
“sự suy đồi.”
Putin
đánh bóng hình ảnh của mình như là một tín đồ Chính thống giáo (Alexei
Nikolsky)
Theo lời
Putin, Mỹ và các đồng minh đang nuôi dưỡng ý định toàn cầu hóa những giá trị
mang tính lật đổ này, dưới vỏ bọc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Nước Nga
Thánh thiêng sẽ chống lại sự đồng nhất hóa nguy hiểm này. Chủ nghĩa Putin, lúc
này đã thành hình, sẽ kiên quyết chống lại một phương Tây vô thần và giả tạo. Một
lần nữa, Moscow lại có một ý thức hệ cho riêng mình. Nó là một kiểu phản kháng
bảo thủ, và đã thu hút các nhà lãnh đạo cực hữu trên khắp châu Âu và xa hơn thế.
Có vẻ như
nó cũng phản ánh một điều gì đó khác nữa. Trong bộ phim tài liệu của Oliver
Stone, Putin được hỏi liệu ông có bao giờ có “những ngày tồi tệ” hay không, câu
trả lời của ông là: “Tôi đâu phải phụ nữ, nên tôi chẳng có ngày tồi tệ nào cả.”
Bị Stone hỏi dồn thêm chút nữa, Tổng thống Nga đáp, “Đơn giản là bản chất sự việc
như thế mà thôi.”
Tiếp đến,
Stone hỏi về những người đồng tính và quân đội. “Giả sử ông phải tắm trong một
chiếc tàu ngầm cùng với một người đàn ông khác, và ông biết rõ anh ấy là người
đồng tính, vậy ông có vấn đề gì với chuyện đó không?” Putin trả lời, “Chà, tôi
sẽ không đi tắm cùng anh ta đâu. Sao phải khiêu khích anh ta chứ? Nhưng mà ông
biết đấy, tôi là một cao thủ judo.”
Câu này,
rõ ràng, là một câu nói đùa.
Nhưng
Putin không nói đùa về thách thức bảo thủ ông dành cho văn hóa phương Tây. Nó
cho phép ông phát triển nhóm ủng hộ của riêng mình tại châu Âu, giữa các đảng cực
hữu như Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (French National Rally/National Front), vốn
đã nhận một khoản vay từ một ngân hàng Nga. Chủ nghĩa dân tộc chuyên chế đã hồi
sinh sức hấp dẫn của nó, thách thức chủ nghĩa tự do dân chủ mà nhà lãnh đạo Nga
tuyên bố là “lỗi thời” vào năm 2019.
Một số nhà
văn và nhà sử học theo chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa dân tộc với những tư
tưởng thần bí về vận mệnh và số phận của nước Nga, nổi bật trong số đó là Ivan
Ilyin, ngày càng ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của Putin. Ilyin coi người lính Nga
là “ý chí, sức mạnh, và danh dự của nhà nước Nga,” và đã viết, “Lời cầu nguyện
của tôi giống như một thanh gươm. Và thanh gươm của tôi giống như một lời cầu
nguyện.” Putin thường xuyên trích dẫn lời ông ta.
“Vào thời
điểm Putin trở lại Điện Kremlin, ông ấy đã tạo ra một ý thức hệ, một vỏ bọc
tinh thần cho chế độ đạo tặc của mình,” theo lời sử gia Snyder. “Nga hiện đã mở
rộng phạm vi mà nhà lãnh đạo của họ được quyền quyết định. Tất cả đều là vì nước
Nga vĩnh cửu, một phiên bản tổng hợp của 1.000 năm qua. Ukraine là của chúng
ta, luôn luôn là của chúng ta, vì Chúa đã nói như vậy, còn đừng bận tâm đến sự
thật.”
Trong chuyến
công du đến Kyiv vào tháng 07/2013, chuyến thăm nhân kỷ niệm 1.025 năm ngày
Hoàng tử Vladimir của Kyivan Rus cải đạo sang Thiên Chúa giáo, Putin thề sẽ bảo
vệ “Tổ quốc chung của chúng ta, Đại Rus.” Sau đó, ông cho dựng một bức tượng của
Vladimir ngay trước Điện Kremlin.
Tuy nhiên,
đối với Ukraine, một sự “bảo vệ” như vậy từ Nga chẳng khác nào một mối đe dọa
được che đậy sơ sài, bất chấp những liên hệ sâu rộng về văn hóa, ngôn ngữ, và
máu mủ giữa hai quốc gia.
Sikorski,
cựu Ngoại trưởng Ba Lan, nói rằng “Ba Lan đã bị Nga xâm lược nhiều lần. Nhưng
hãy nhớ, người Nga không bao giờ xâm lược. Họ chỉ đến hỗ trợ các nhóm thiểu số
nói tiếng Nga đang gặp nguy hiểm mà thôi.”
(Còn tiếp
1 phần)
No comments:
Post a Comment