Friday, April 8, 2022

AFGHANISTAN : CUỐN PHIM TƯ LIỆU 30/4 CỦA NGƯỜI VIỆT NAM? (Trần Khánh Ân)

 



Afghanistan : Cuốn phim tư liệu ngày 30/4 của người Viêt Nam ?

Trần Khánh Ân

6/04/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/24603-afghanistan-cu-n-phim-tu-li-u-nga-y-30-4-c-a-ngu-i-viet-nam

 

Phải chăng cuộc xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine khiến thế giới không còn quan tâm tới Afghanistan ?

 

Đó là câu hỏi của rất nhiều người Việt Nam, nhất là những người còn phiền muộn về quá khứ, còn ưu tư với thực tại và còn khắc khoải với tương lai đất nước.

 

Không hẳn vậy, Afghanistan không bị thế giới bỏ rơi dù Mỹ đã rũ áo ra đi, mà ngược lại thế giới đang thực hiện một cuộc tấn công tổng lực vào những chế độ độc tài, trong đó có Afghanistan. Việc Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraine nghiêm trọng hơn nhiều vụ Mỹ tháo chạy bỏ rơi nền dân chủ non trẻ ở Afghanistan. Nhưng vùng Trung Á nói chung, và đặc biệt là Afghanistan nói riêng, là nơi mà hạt giống dân chủ rất khó nảy mầm vì những lý do lịch sử, tôn giáo và chủng tộc, do đó cần một cố gắng lâu dài và bền bỉ hơn. Nếu tìm sự liên quan giữa hai sự kiện này với nhau thì chính Mỹ mới là tác nhân bỏ lỡ cơ hội. Vào lúc thắng lợi đang gần kề, mục tiêu xây dựng sinh hoạt dân chủ trên lãnh thổ Afghanistan sắp thành công thì Mỹ lại bỏ chạy. 20 năm gầy dựng dân chủ trên vùng đất cằn cỗi này mất trắng, giống như lúa đang chín nhà nông bỏ lại đi không gặt.

 

Một lần cho tất cả, đây cũng là dịp chúng ta cùng nhìn lại sự kiện này khi tháng tư về. 

 

https://live.staticflickr.com/65535/51989199675_c208fe0227.jpg

Sài Gòn 30/04/1975 – Kabul 30/08/2021

 

Cùng chung số phận

 

Có nhiều người cho rằng sự kiện Afghanistan khác sự kiện Việt Nam Cộng Hòa. Thực ra không phải là vậy, nhận định như vậy là đã để chi tiết che khuất tổng thể. Nét đậm trong hai sự kiện này là Mỹ : yếu tố lịch sử và chính trị trong những diễn biến thời sự cực kỳ giống nhau.

 

Cả hai nước đều đã hợp tác với Mỹ trong một thời gian là 20 năm, Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến 1975, Afghanistan từ 2001 đến 2021. Và tiến trình bỏ rơi đều diễn ra như nhau.

Khi Obama ra tranh cử tổng thống, ông đã tuyên bố là sẽ rút quân ở cả Iraq lẫn Afghanistan nếu đắc cử. Tại Iraq, lịch trình rút quân đội Mỹ về nước bắt đầu từ năm 2011, nhưng cũng từ đó lực lượng kháng chiến quân Hồi giáo cực đoan nổi lên chống lại cả Damascus lẫn Baghdad, dưới tên gọi Nhà nước Hồi giáo (Islamic State of Iraq and Syria – ISIS). Quyết định rút quân vội vã của Mỹ đã tạo ra một cuộc nội chiến giữa những người theo đạo Hồi giáo với nhau (Shia vs Sunni). Khi Obama nhận thấy sự sai lầm của mình, ông liền vội vã đem quân vào trở lại nhưng đã muộn, cuộc chiến nồi da xáo thịt đã kéo dài trong hơn 15 năm, giết hơn 500.000 người và hơn 4 triệu người khác phải di tản ngay trên đất nước của mình hay sang các quốc gia khác. Giải Nobel của Obama không đủ để giúp ông ta khỏa lấp hậu quả của quyết định rút quân của mình. Obama có thể là một người được "đánh giá là hiền lành và tử tế" nhưng không có tầm nhìn chiến lược cao và rộng, quyết định sai lầm của ông đã khiến nửa triệu người chết nhưng Obama chưa bao giờ tỏ ra hối tiếc.

 

Có lẽ bị ám ảnh bởi quyết định sai lầm tại Iraq, Obama không còn nhắc tới quyết định rút quân khỏi Afghanistan và dành việc này cho người kế nhiệm. Dưới thời Donald Trump, vị tổng thống dân túy này đã thôi thúc tìm một giải pháp rút lui nhanh và an toàn nhất cho quân đội Mỹ còn trú đóng tại Afghanistan. Một cách ước lệ, Trump đã dàn xếp những cuộc gặp gỡ giữa Mỹ và Taliban về một thỏa ước đình chiến và rút quân trong trật tự, mà không qua Kabul, một chính quyền hợp pháp do dân bầu và đang cai quản Afghanistan. Hành động này không khác gì bản án tử hình đối với chế độ Kabul và nhìn nhận lực lượng kháng chiến Hồi giáo cực đoan Taliban là đối tác hợp pháp. Tất cả chỉ vì một lời hứa : Taliban đồng ý lịch trình rút quân của Mỹ từ tháng 29/02/2020 đến 30/08/2021, và hứa không đụng tới quân Mỹ trong quá trình rút quân và sẽ không dung túng cho các tổ chức khủng bố trên đất Afghanistan. Trong vụ này, Donald Trump là người kí bản án tử hình và Joe Biden là người hủy bỏ đơn xin ân xá của Kabul.

 

Những diễn biến của vụ việc này không khác một chút nào với chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Mỹ đã đơn phương thương thuyết với chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc về một cuộc ngừng bắn và rút quân của Hoa Kỳ. Lúc đó Kissinger và Lê Đức Thọ thảo luận riêng với nhau về lịch trình và phương thức thi hành ngừng bắn và rút quân. Hai phe trực chiến thời đó là Việt Nam Cộng Hòa, một chính quyền hợp pháp do dân bầu, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một tổ chức vệ tinh do chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc dựng lên năm 1960.

 

Chỉ sau khi hoàn tất những điều kiện và thủ tục đình chiến, hai phe Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mới được mời tham gia để ký tên đồng ý. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là Nguyễn Văn Thiệu tỏ ra chần chừ không chịu ký liền bị phía Mỹ làm áp lực : nếu ông không ký thì chúng tôi ký một mình. Và vụ việc đã xảy ra như thế nào có lẽ mọi người trong chúng ta đều biết. Người Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam ngày 30/4/1975 và toàn bộ lãnh thổ miền Nam lọt vào tay phe cộng sản miền Bắc, với những hậu quả như thế nào có lẽ mọi người trong chúng ta cũng đều biết.

 

Bình tâm nhìn lại

 

Mặc dù hai nước Việt Nam và Afghanistan rất khác nhau về vị trị địa lý, lịch sử, văn hóa, và bối cảnh quốc tế cũng khác nhau, nhưng lại có những điểm giống nhau mang tính định luật. Cả hai chính quyền Afghanistan và Việt Nam Cộng Hòa đều có phương tiện dồi dào hơn, có quân đội đông đảo hơn, có số người có học thức có kiến thức đông đảo hơn... nhưng đều thua một cách nhanh chóng.

 

Chỉ có một lý do để giải thích. Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và Afghanistan trước 2021 đều có một đặc tính nổi bật là không có một truyện thuyết lập quốc, không có một lý tưởng kiến tạo quốc gia, không có cả một truyền thống dựng quốc để tồn tại. Không có một ý niệm rõ ràng về quốc gia nên cả quân đội và guồng máy chính quyền chỉ tồn tại nhờ được bơm hơi tiếp sức. Nó giống như là một chiếc xe không có động cơ và chỉ di chuyển được nếu có một sức mạnh bên ngoài kéo đi. Trong khi đó, trước mặt chính quyền Kabul là lực lượng Taliban với truyện thuyết Hồi giáo, lý tưởng xây dựng chế độ thần quyền dựa trên luật Sharia và truyền thống gắn bó trọn đời trong ước mơ được sống vĩnh hằng bên kia thế giới với gái đồng trinh và rượu thịt ê hề... Và cũng như vậy, trước mặt chính quyền Sài Gòn là một đội quân thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng có truyện thuyết cộng sản, giấc mơ xây dựng một thế giới đại đồng, lý tưởng xây dựng một xã hội bình đẳng, dựa trên sự gắn bó và tình đồng chí để chiến đấu.

 

Nhà sử học Do Thái Harari cho rằng chỉ có những gì trừu tượng mới có thể đoàn kết được một chủng tộc, để chủng tộc đó có lý do tồn tại. Bởi mỗi vấn đề cụ thể có rất nhiều giải đáp khác nhau và nó chia rẽ chứ không đoàn kết. Ngày hôm nay người ta có thể đồng ý với nhau trên một số vấn đề cụ thể và làm việc nhưng mà ngày mai người ta có thể sẽ không đồng ý với nhau trên một vấn đề cụ thể khác, để rồi chia tay trong vui vẻ hay trong thù hận. Chỉ có những tư tưởng bao dung, những giấc mơ đẹp (truyện thuyết) mới giúp con người gắn kết với nhau lâu dài trong hòa bình.  

 

Nhắc lại Afghanistan là nhắc tới một sự đau nhức khôn nguôi trong lòng một số người Việt Nam, nhất là trong tháng 4 này, một tháng vui và cũng là một tháng buồn cho rất nhiều người. Nhưng không thể vì muốn vui hay buồn mà buộc lịch sử phải thay đổi, lịch sử là lịch sử, lịch sử rất khách quan. Chỉ những người mê muội mới tìm cách viết lại lịch sử để ca tụng mình.

 

Ngay trong lúc này, tại Ukraine, cuộc chiến bảo vệ tự do dân chủ và lẽ phải đang tới hồi quyết liệt. Đây cũng là lúc để chúng ta khép lại một trang sử đau buồn của tự do dân chủ bị dập tắt trên đất nước để cùng nhau xây dựng một truyện thuyết mới cho Việt Nam, một chế độ dân chủ đa nguyên, trong đó mọi người và mỗi người đều có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau trong một xã hội của tình anh em nhìn lại.

 

Trần Khánh Ân

(06/04/2022)





No comments: