Friday, September 10, 2021

VỤ KHỦNG BỐ 11/9 : "HOA KỲ KHÔNG CÒN ĐƯỢC COI LÀ BẤT KHẢ CHIẾN BẠI" (Minh Anh - RFI)

 


Vụ khủng bố 11/9: "Hoa Kỳ không còn được coi là bất khả chiến bại"

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 10/09/2021 - 14:38

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210910-khung-bo-11-thang-chin-hoa-ky-bat-kha-chien-bai

 

Ngày 11/09/2001, nước Mỹ bị tấn công bởi một loạt vụ khủng bố chưa từng có ngay trên chính lãnh thổ của mình. Và tấn thảm kịch này đã dẫn Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử tại Afghanistan với tham vọng đánh bại quân khủng bố quốc tế. Hai mươi năm sau, mối đe dọa thánh chiến vẫn còn lâu mới bị tiêu diệt, Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây tiếp tục là những mục tiêu tấn công của nhiều nhóm khủng bố quốc tế.

 

https://s.rfi.fr/media/display/93346488-1232-11ec-b70b-005056a97e36/w:900/p:16x9/AP21244553740752.webp

Trên đống đổ nát của tòa tháp đôi World Trade Center sau khi bị khủng bố Al Qaida tấn công bằng máy bay dân dụng Mỹ, ngày 11/09/2021. AP - SHAWN BALDWIN

 

« Cuộc chiến của chúng ta bắt đầu với Al Qaida, nhưng cuộc chiến này sẽ không chấm dứt chừng nào tất cả các nhóm khủng bố lớn trên thế giới vẫn chưa được ngăn chặn và đánh bại ». Tổng thống Mỹ George W. Bush trước Quốc Hội đã có cam kết như thế chín ngày sau loạt khủng bố 11/9 nhắm vào tòa tháp đôi của World Trade Center, bộ Quốc Phòng và ở Shanksville tại Pennsylvania. 

 

Vào ngày 11/9 định mệnh đó, người dân Mỹ, chợt ngỡ ngàng nhận ra rằng họ cũng dễ bị tấn công như bao nước khác. Chống khủng bố vào thời điểm đó chỉ là ưu tiên thứ yếu trong ngành an ninh tình báo, đứng sau cả cuộc chiến bài trừ ma túy.

 

Theo giới chuyên gia, ngày 11/9/2001, gần như là một cột mốc « lịch sử » quan trọng, đánh dấu một sự chuyển hướng lớn trong chính sách chống khủng bố của Mỹ và phương Tây. Marc Hecker, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về An ninh, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trên đài RTS của Thụy Sĩ, giải thích vì sao ngày 11/9 là một bước ngoặt.  « Từ thời điểm này, khủng bố đã được xem như là một mối đe dọa chiến lược, một mối họa tiềm tàng cho sự tồn vong. Những cuộc tấn công khủng bố này từng là một sự bất ngờ về chiến lược cho nước Mỹ, vốn chẳng ngờ đến có một kiểu tấn công như vậy và có quy mô lớn trên lãnh thổ của mình. »

 

Đương nhiên, loạt tấn công đó trên lãnh thổ Hoa Kỳ cách nay 20 năm, đối với những phần tử Hồi Giáo cực đoan là một thắng lợi chưa từng thấy, « một điều không tưởng, vượt xa cả những ý đồ của Al Qaida », theo như nhận định của Mohamed Mohamedou, giáo sư sử học và quan hệ quốc tế, Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Phát Triển Geneve, cũng trên đài RTS.


Vẫn theo nhà sử học này, điều đáng chú ý sau ngày 11/9, là sự trỗi dậy của một chuỗi tiêu chí về an ninh, được thiết lập một cách « vô tận », được tiến hành và đi kèm theo với việc quân sự hóa bằng những cuộc chiến tại Afghanistan, Irak, cho đến tận cả Yemen, Syria hay là vùng Sahel ở châu Phi.

 

Trong tầm nhìn mới này về an ninh, Hoa Kỳ đặc biệt tiến hành một cuộc chiến quy mô nhất và tốn kém nhất (2.000 tỷ đô la đã được chi ra), kéo dài trong vòng 20 năm tại Afghanistan. Cuộc chiến huy động quân đội hùng mạnh nhất thế giới cũng như là từ nhiều nước đồng minh phương Tây. Mục tiêu là để tiêu diệt Al Qaida, và đánh đuổi Taliban cầm quyền thời bấy giờ, bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã dung dưỡng Al Qaida, thủ phạm chính trong loạt tấn công khủng bố thảm khốc đó.

 

Nhưng trớ trêu thay, hai mươi năm sau, Taliban trở lại cầm quyền. Chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan kết thúc với cuộc rút lui trong hỗn loạn. Mục tiêu « diệt trừ » hoàn toàn quân thánh chiến cũng như những nước chứa chấp khủng bố xem như thất bại. Al Qaida không những không bị dập tắt, mà khủng bố trỗi dậy khắp nơi và xuất hiện nhiều phe nhóm mới, có những hành động còn tàn bạo hơn như tổ chức nhà nước Daech ở Trung Đông, hay nhóm Boko Haram ở châu Phi.

 

Và Hoa Kỳ cùng với phương Tây vẫn là những đích ngắm chính. Nếu như người ta có thể ngăn chặn các cuộc tấn công kiểu 11/9, thì thế giới giờ có nguy cơ đối mặt với những chiến thuật tấn công mới mà nhà địa chính trị Cyrille Bret gọi là « khủng bố đường phố ». Đó chính là những gì đã xảy ra tại châu Âu những năm gần đây. Và vụ tấn công khủng bố do Daech thực hiện tại sân bay Kabul, làm thiệt mạng 13 lính Mỹ là một ví dụ mới nhất.

 

Đương nhiên, việc Hoa Kỳ và phương Tây rút quân khỏi Afghanistan là một thất bại chính trị và địa chính trị to lớn. Tuy uy lực quân sự của Mỹ vẫn còn đó, nhưng trên bình diện tâm lý, « sự rút lui tán loạn » ở Afghanistan của Mỹ, khiến người ta không khỏi nghĩ rằng « nước Mỹ không còn được xem như là bất khả chiến bại. Hoa Kỳ còn là một nước đang trong thế co cụm, không còn muốn hy sinh các binh sĩ của mình cho những lý lẽ xa xôi ». Đây chính là kết luận của vị chuyên gia về quốc phòng, nghị sĩ châu Âu, ông Arnaud Danjean trên đài RTS nhân nói về 20 năm ngày 11/9.

 

                                                    ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

CIA cho giải mật tài liệu về trùm khủng bố Ben Laden

.

Vụ khủng bố 11/09/2001: Thất bại to lớn của tình báo Mỹ





No comments: