Saturday, September 18, 2021

VỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN NÀY, VIỆT NAM CÓ HY VỌNG NÀO THOÁT TUNG? (Hồ Bá Kiện)

 


Với chế độ cộng sản này, Việt Nam có hy vọng nào thoát Trung ?

Hồ Bá Kiện

14/09/21

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/22642-v-i-ch-d-c-ng-s-n-nay-vi-t-nam-co-hy-v-ng-nao-thoat-trung

 

Việt Nam "nhún nhường" hay lệ thuộc Trung Quốc trong vấn đề thương mại ?

Hồ Bá Kiện, RFA, 14/09/2021

 

Ngôn ngữ quỵ lụy

 

Gần đây, trong những lần các lãnh đạo Việt Nam gặp lãnh đạo Trung Quốc thì báo chí đều đưa tin việc lãnh đạo Việt Nam có một "điệp khúc", đó là : "Đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thủ tục thông quan cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản qua các cửa khẩu biên giới, mở rộng các mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam, góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất của hai nước ; phối hợp thúc đẩy các dự án hợp tác như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và một số dự án về dân sinh do Trung Quốc viện trợ đạt tiến triển thực chất và sớm đưa vào sử dụng" (1).

 

https://live.staticflickr.com/65535/51477169022_42134d6cf9.jpg

Container hàng hóa xếp hàng ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn chờ sang Trung Quốc hôm 20/2/2020 – Reuters

 

Nhiều người sẽ biện minh rằng, Việt Nam là một nước nhỏ, lại là láng giềng của Trung Quốc nên việc Việt Nam nhún nhường trước Trung Quốc để đạt được lợi ích cho mình. Tuy nhiên, nhún nhường để giành lợi ích thì cần khuyến khích, nhưng lệ thuộc vào thương mại Trung Quốc thì lại là một vấn đề khác. Với các phát ngôn của lãnh đạo Việt Nam như trên cho thấy sự thật là Việt Nam đang rất lệ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

 

Vũ khí thương mại của Trung Quốc

 

Trung Quốc có truyền thống sử dụng thương mại như một vũ khí để trừng phạt các quốc gia có tranh chấp với họ. Ví dụ, năm 2010, Bắc Kinh đã áp lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi Tokyo bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp. Cuối năm đó, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội khi Ủy ban trao giải Nobel Hòa bình có trụ sở tại Oslo tiết lộ rằng họ sẽ vinh danh nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, dẫn tới việc Na Uy phải dừng xuất khẩu cá hồi đông lạnh sang Trung Quốc. Trong thời gian đối đầu ở bãi cạn Scarborough năm 2012, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với chuối từ Philippines. Sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) năm 2017, Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch trả đũa kinh tế mạnh mẽ, bao gồ m việc hạn chế khách du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc và hạn chế phân phối các sản phẩm của Hàn Quốc như thiết bị giải trí, mỹ phẩm và xe hơi trên thị trường nội địa. Sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 năm 2020, Trung Quốc liền áp đặt lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm từ Australia, ảnh hưởng đến 96% tổng lượng tôm hùm mà nước này xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc còn áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu than, thịt, bông, len, lúa mạch, lúa mì, gỗ, đồng, đường và rượu vang từ Australia.

 

Lá bài thương mại để kiềm chế Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

 

Việt Nam đã lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc trong một thời gian dài, kể từ khi quan hệ hai nước được bình thường hóa. Chỉ sau khi Sự kiện Giàn khoan HD 981, Việt Nam mới cảm nhận được tính cấp bách của việc đa dạng hóa quan hệ kinh tế để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc và có thể giảm thiểu rủi ro do Bắc Kinh tạo ra. Tháng 5/2014, Bắc Kinh đã đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, gây ra làn sóng biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. Trung Quốc đã ban hành cảnh báo du lịch và sơ tán nhiều công dân nước này. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đã giảm một nửa trong những tháng tiếp theo. Cuộc khủng hoảng đã làm dấy lên những thảo luận công khai chưa từng có về mức độ và hậu quả của những tổn thất kinh tế mà Việt Nam phải gánh chịu do lệ thuộc vào Trung Quốc.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51478666319_6ab43c8684.jpg

Biểu tình phản đối Trung Quốc ở môt khu công nghiệp tại Bình Dương hôm 14/5/2014. Reuters

 

Sự kiện Giàn khoan năm 2014 không chỉ là căng thẳng duy nhất trong quan hệ Việt - Trung về vấn đề Biển Đông. Hàng loạt các hành vi hung hăng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trên Biển Đông khiến Việt Nam lo ngại. Việt Nam đã nhiều lúc muốn đi theo con đường của Philippines đã làm, đó là khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế, nhưng các lãnh đạo Việt Nam vẫn luôn do dự bởi e ngại sự trừng phạt từ Bắc Kinh, trong đó có trừng phạt thương mại.

 

Về cơ bản, Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp vì thế, nông sản là mặt hàng xuất khẩu nổi trội trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thời gian qua. Những năm gần đây, nông sản Việt Nam mặc dù đã xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực và thế giới, nhưng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Mỗi khi thị trường hơn một tỷ dân này "hắt hơi, sổ mũi", hàng nông sản Việt lại bị ùn ứ tại các cửa khẩu.

 

Biện pháp để Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào Bắc Kinh

 

Việt Nam đang có cơ hội thoát ra khỏi sự lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc là đa dạng hóa thị trường. Chính vì vậy, kể từ năm 2014 trở lại đây, Hà Nội đã nỗ lực chủ động giảm phụ thuộc thương mại vào Bắc Kinh. Đặc biệt, Việt Nam đã ký một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia nhằm đa dạng hóa quan hệ kinh tế và giảm thiểu nguy cơ tổn thất về kinh tế trước ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Với quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, Mỹ đang thay thế Trung Quốc trở thành thị trường quan trọng cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của VN, trong khi trước đây vị trí này luôn thuộc về Trung Quốc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ đạt khoảng 2,04 tỉ USD, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước chỉ đạt 1,88 tỉ USD (2).

 

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây(3), tác giả Tran T Bich đã cho biết, những nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc thông qua các FTA vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Sau một năm thực hiện CPTPP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong năm 2019 tiếp tục tăng và đạt mức cao kỷ lục 32 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2018. Cũng trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 35,73 tỷ USD tư liệu sản xuất và 26,60 tỷ USD hàng hóa trung gian từ Trung Quốc, lần lượt chiếm 47,26% và 35,20% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

VIDEO :  Xuất nông sản sang Trung Quốc: bị o ép đủ điều…  

              https://www.youtube.com/watch?v=6MS88eNAvFs

 

Điều này được tác giả Tran T Bich lý giải là vì cả CPTPP và EVFTA mới chỉ có hiệu lực trong một thời gian ngắn, nên Việt Nam có thể cần nhiều thời gian hơn để khai thác một cách hợp lý lợi ích từ các hiệp định này. Trong khi đó, Việt Nam cần chủ động thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao mức độ khai thác lợi ích của hai hiệp định này. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải cách thể chế và kinh tế trong nước phù hợp với các cam kết nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế tổng thể của mình.

 

Kết luận

 

Trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không thể độc lập hoàn toàn với Trung Quốc và ngược lại. Tuy nhiên, để tránh rủi ro cho an ninh của chính mình, Việt Nam không thể lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trước mắt, Việt Nam cần phải cố gắng tự sản xuất những hàng hóa tiêu thụ hàng ngày, dần tạo nội lực tiến tới hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Để làm được điều này, cần có sự góp sức, quyết tâm của toàn xã hội. Cùng với sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt Nam, cần bỏ thói quen mua hàng rẻ, hàng kém chất lượng và không an toàn của Trung Quốc, hỗ trợ, dùng hàng Việt Nam nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang nhòm ngó, tranh giành vùng biển đảo của Việt Nam. Và quan trọng hơn hết là Việt Nam cần tái cơ cấu, cải c ách thể thế cho phù hợp với nhịp độ phát triển của thế giới. Chính phủ cần quyết tâm loại bỏ các"ung nhọt" ra khỏi cơ thể, chấp nhận khó khăn ban đầu để từng bước có thể đứng vững trên đôi chân của mình.

 

Hồ Bá Kiện

Nguồn : RFA, 14/09/2021

 

                                      **********************

 

Nông sản nội địa ùn ứ, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh

RFA, 14/09/2021

 

Hàng chục nghìn tấn nông sản trong nước ùn ứ do ảnh hưởng bởi giãn các xã hội đang cần hỗ trợ tiêu thụ gấp. Báo Nhà nước đưa tin ngày 13/9.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51478666314_6f2645205b.jpg

Cảnh buôn bán ở một chợ rau sỉ năm 2019. AFP

 

Tin cho biết, nhiều mặt hàng nông sản, rau, củ quả, gia cầm và thủy sản với khối lượng hàng chục nghìn tấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã thu hoạch nhưng không tiêu thụ được vì giãn cách xã hội. Cụ thể, mỗi ngày có trên 1.900 tấn hoa quả tươi ; trên 300 tấn khoai lang tím ; gần 70 ngàn con gia cầm ; hơn 2.000 tấn hải sản ; hơn 535 tấn gạo, thóc… cần tiêu thụ. Một số hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Bách hóa xanh, Big C… đã liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long để hỗ trợ tiêu thụ trung bình mỗi ngày 20 tấn nông sản khoai lang, nhãn, rau củ quả…

 

Trong khi đó, chỉ trong 8 tháng năm 2021, các mặt hàng nông lâm thuỷ sản nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn thứ 3, chiếm chiếm 7,3% tổng giá trị nhập khẩu nông sản 8 tháng qua với kim ngạch đạt 2,1 tỷ đô la.

 

Cụ thể, hàng rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 236 triệu USD tăng 34,4% ; thủy sản đạt gần 103 triệu USD, tăng 39%. Trên mạng, rau quả Trung Quốc như táo, nho, lựu, dưa đang được rao bán tràn lan, có loại giá chỉ vài ngàn đồng một ký như táo đá.

Với mức giá chỉ khoảng 10.000 đồng cho một ký táo này, người mua ồ ạt mua từng thùng về ăn. Số tiêu thụ qua dân buôn được nói hàng tấn, thậm chí cả gần chục tấn táo mỗi ngày.

 

Nguồn : RFA, 14/09/2021




No comments: