Wednesday, September 8, 2021

TRUNG QUỐC và THAM VỌNG SIÊU CƯỜNG (Phan Thế Hải - Đàn Chim Việt)

 


Trung Quốc và tham vọng siêu cường

Phan Thế Hải  -  Đàn Chim Việt 

06/09/2021

http://www.danchimviet.info/trung-quoc-va-tham-vong-sieu-cuong/09/2021/23810/

 

Trên thế giới có nhiều nước lớn nhưng chỉ được gọi là “Siêu cường” khi quốc gia đó có sức mạnh đặc biệt, xứng đáng đứng hàng đầu trong cộng đồng quốc tế, có khả năng gây ảnh hưởng tới toàn bộ sự kiện cũng như phô trương sức mạnh trên phạm vi toàn cầu.

 

Thuật ngữ “Siêu cường” được sử dụng lần đầu tiên năm 1943 để chỉ Liên Xô, Hoa Kỳ và Đế quốc Anh. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống thuộc địa từng bước tan rã khiến cho nước Anh mất dần tầm ảnh hưởng, chỉ còn Liên Xô cùng Hoa Kỳ được coi là 2 siêu cường trong thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh.

 

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc cùng với sự tan rã và sụp đổ của Liên Xô thì chỉ còn có Hoa Kỳ được coi là nước hội tụ đầy đủ tất cả những yếu tố sức mạnh, phẩm chất cùng điều kiện để được coi là Siêu cường số 1 thế giới.

 

Tuy nhiên, ngôi vị này không phải là vĩnh viễn. Trên thế giới có nhiều quốc gia có tiềm năng phát triển và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với Mỹ để soán ngôi vương. Cũng như ngôi vị tổng thống, dẫu tài giỏi đến mấy ông cũng khó giữ ngôi đến trọn đời.

 

Ấn Độ, Nga, Brasil đều là những quốc gia có lãnh thổ rộng lớn, dân số đông và đang phát triển với tốc độ nhanh và ngày càng có ảnh hưởng lớn đến khu vực và thế giới. Tuy nhiên ba nước này chưa thể sánh với Trung Quốc, ngôi sao đang lên với nhiều tham vọng.

 

Những thành tựu to lớn trong hơn 40 năm cải cách mở cửa khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ cao. Cùng với tăng trưởng kinh tế, ngân sách rủng rỉnh tiền, Trung quốc đầu tư vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tài trợ cho đàn em và hiện đại hóa quân đội khiến TQ liên tục thăng hạng.

 

Trung Quốc lần lượt vượt qua Nga, Ấn Độ, Pháp, Đức, Nhật Bản để áp sát Mỹ về GDP quốc gia. Giờ đây theo cách tính về sức mua của IMF, năm 2020, GDP của Trung Quốc là 24.162.435 k USD, so với GDP của Mỹ là 20.807.269 k USD, Trung Quốc đang chiếm ngôi vị số 1 thế giới về GDP.

 

Như đã nói ở bài trước, khi trở nên giàu có, việc trỗi dậy trở thành siêu cường thay thế Mỹ dẫn dắt thế giới đang là khát vọng cháy bỏng của Trung Quốc. Tuy nhiên, GDP mới chỉ là một chỉ tiêu về kinh tế, để trở thành siêu cường, còn có hàng loạt các chỉ tiêu khác.

 

Xin được điểm qua một trong số các chỉ tiêu quan trọng để trở thành số 1 thế giới:

 

Thứ nhất là về quân sự: lực lượng quân đội mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại là cái nhiều nước có, nhưng khả năng can thiệp toàn cầu mới là điều quan trọng. Để làm được điều đó, siêu cường cần phải có lực lượng hải quân với hệ thống căn cứ quân sự và chiến hạm có mặt ở 4 đại dương, có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển đường biển, đường hàng không để triển khai và cung cấp hậu cần cho lực lượng quân đội khi có biến.

 

Hải quân Trung Quốc có 327 tàu chiến, nhiều hơn so với 285 chiếc của Mỹ. Số lượng tàu chiến TQ nhiều hơn Mỹ nhưng Washington vẫn chiếm ưu thế về số lượng tàu chiến cỡ lớn. Hải quân Mỹ hiện có 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz, gấp 5 lần số tàu sân bay trong biên chế Trung Quốc. Không những thế, hàng không mẫu hạm Mỹ còn được trang bị lò phản ứng hạt nhân và lượng lớn máy bay chiến đấu hiện đại, bao gồm cả một số tiêm kích tàng hình F-35C. Trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc chỉ mang được số lượng nhỏ tiêm kích J-15.

 

Thực tế này cho thấy Mỹ vẫn chiếm ưu thế trước Trung Quốc trên các đại dương, ngay cả khi chưa tính đến uy lực của lực lượng không quân trên chiến hạm. Hải quân Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và năng lực tác chiến.

 

Căng thẳng trên eo biển Đài Loan gần đây cho thấy, chỉ cần Mỹ hoặc đồng minh cho tàu tuần dương đi qua đã khiến cho Bắc Kinh “nóng mặt” với những phát ngôn rất đanh đá của bà Hoa Xuân Oánh trên truyền hình.

 

Thứ hai là văn hoá và thiết chế nhà nước: Đây chính là “quyền lực mềm” nhưng có sức lan tỏa rất lớn. Ảnh hưởng văn hóa còn bao gồm một lĩnh vực triết học và ý thức hệ phát triển. Gần trăm năm qua, nước Mỹ được coi là xứ sở của tự do, nơi nhân quyền được thực thi tốt nhất, là điểm đến của nhân tài và những người có khát vọng tự do. Quan chức cộng sản dẫu tự sướng, tự cho mình là ưu việt nhưng đều gửi con cái sang Mỹ du học, thậm chí học xong không chịu về nước và tìm cách định cư ở đó.

 

New York là thành phố lớn nhất và được coi là biểu tượng của Hoa Kỳ. Với vai trò là thành phố toàn cầu tiên phong, New York có một tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thương mại, tài chính, văn hóa, thời trang và giải trí toàn cầu. Là nơi Liên Hợp Quốc đặt tổng hành dinh nên thành phố này cũng là một trung tâm quan trọng về các vấn đề quốc tế.

 

Trung Quốc có Thượng Hải là siêu đô thị, dân số không kém gì New York nhưng để đảm nhiệm các vai trò tiên phong như New York thì còn phải rất lâu mới đạt được.

 

Siêu cường phải chứng tỏ được ưu thế trong cuộc cạnh tranh về thiết chế nhà nước, mô hình phát triển và hệ giá trị. Những yếu tố trên sẽ quyết định sức mạnh cứng kinh tế và quân sự, tính bền vững cũng như sức mạnh mềm toàn cầu của nhà nước siêu cường. Trải qua hai cuộc đại chiến thế giới, Mỹ nhiều lúc bị Liên Xô vượt mặt, phải liên tục trả giá nhưng Mỹ đã chứng tỏ bản lĩnh thích ứng qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, và giành được vị thế lãnh đạo, thiết lập trật tự thế giới.

 

Quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã tăng cả chục lần kể từ khi Đặng Tiểu Bình phát động cải cách mở cửa. Là nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc chưa cống hiến cho thế giới mô hình phát triển nào mới. Cái gọi là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” chẳng qua chỉ là giữ nguyên bình cũ và thay bằng “rượu” mới. Giờ đây dù giàu có hơn, nhưng Trung Quốc đang phát triển tựa một cơ thể chứa đầy mầm bệnh nguy hiểm, dồn nén bất mãn xã hội, tham nhũng, đấu đá nội bộ, nạn khủng bố, ô nhiễm….

 

Thứ ba là về địa lý: Lãnh thổ cho phép một quốc gia khai thác tài nguyên và trồng cấy nông nghiệp, tăng khả năng tự cung tự cấp. Đây là một yếu tố quan trọng trong chiến tranh, bởi nó cho phép các khả năng phòng thủ. Mỹ nằm giữa hai đại dương lớn, rất thuận tiện cho việc phòng thủ. Trong khi đó, vị trí địa chiến lược của Trung Quốc không thuận lợi cho việc hình thành siêu cường. Đài Loan dẫu bé nhỏ nhưng đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa có thể câu thẳng vào đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.

 

Trung Quốc dẫu rộng lớn nhưng không có điều kiện tự nhiên và địa chính trị siêu cường độc nhất như Mỹ. Phía bắc Trung Quốc đã có người khổng lồ Nga án ngữ, phía đông bị chặn bởi các đồng minh Mỹ gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, phía tây vướng Ấn Độ cũng đầy duyên nợ và đang vươn dậy. Duy chỉ hướng nam Trung Quốc có vẻ dễ thở đôi chút với các nước ASEAN nhỏ yếu hơn, song không có nghĩa dễ ức hiếp, bắt nạt.

 

Thứ tư là hệ giá trị và năng lực sáng tạo: Mỹ không chỉ giàu có mà còn dẫn đầu ở nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Với những thương hiệu lớn như Hollywood, Apple, Facebook, Google, Microsoft… lan tỏa khắp toàn cầu và luôn biết làm mới mình và sáng tạo không ngừng. Người Mỹ luôn tạo sự khác biệt để duy trì vị thế dẫn đầu. Chính người Trung Quốc từng thừa nhận, nếu không may bị phương Tây cấm vận, chỉ sau vài năm, từ chiếc thang máy, tàu cao tốc đến máy bay của Trung Quốc đều phải “đắp chiếu” vì thiếu công nghệ nguồn. Hiện Trung Quốc đang là siêu cường hàng nhái, hàng giả mà không có nhiều sản phẩm do tự mình nghĩ ra.

 

Thứ năm là đồng minh: Nhiều học giả và chính khách đang tự hỏi Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường kiểu gì nếu không có những đồng minh và bạn bè thực sự? Myanmar, Campuchia, Triều Tiên, Pakistan từng tiếp nhận đầu tư nhiều từ TQ và có vẻ thân thiết với Trung Quốc, nhưng dấu hiệu muốn thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc ngày càng rõ.

 

Taliban, thế lực mới nắm quyền ở Afghanistan hiện đang ngả về Trung Quốc để tận dụng cơ hội phát triển kinh tế từ vốn đầu tư của Trung Quốc, nhưng tất cả đều dị ứng với tư tưởng áp đặt theo kiểu thiên triều – chư hầu cổ xưa. Lối hành xử hung hãn, ngang ngược nước lớn khiến Trung Quốc cô độc.

 

Một yếu tố nữa có thể nói thêm: dân tộc Trung Hoa lâu đời, già cỗi, chịu sự chi phối nặng nề của quá khứ. Tập Cận Bình là người sớm nhận thức được nhược điểm này nên thường xuyên kêu gọi trẻ hóa đất nước. Việc lựa chọn “nhân sự” đứng đầu thế giới trong thời toàn cầu hóa thường hướng về các quốc gia trẻ tuổi. Người Trung Quốc chỉ muốn đồng hóa chứ không đủ khả năng dung nạp văn minh như Mỹ. Với các nước láng giềng, Trung Quốc đều có tranh chấp về lãnh thổ, lấn đất, lấn biển. Phần lớn các quốc gia đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Ngay cả VN, được coi là cùng ý thức hệ nhưng nếu bỏ phiếu, người Việt vẫn muốn nước Mỹ lãnh đạo thế giới, chứ không chấp nhận Trung Quốc.

 

Trung Quốc giàu có, có thể vung tiền mua chuộc đệ tử nhưng nếu muốn làm “đại ca” theo kiểu giang hồ, liệu Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, đặc biệt là Mỹ có chịu khoanh tay đứng nhìn!?

 

Để thu phục nhân tâm phải tu thân tích đức, trước khi anh có đủ nguồn lực tài chính để chi phối. Hiện tại Trung Quốc chưa làm được điều đó, ít nhất là trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bà con nông hộ đọc xong hãy “Tập luận Bình” nhé!

 

(6/9/2021)

Phan Thế Hải

 

Tham khảo: https://www.bloomberg.com/graphics/2018-china-superpower/





No comments: