Wednesday, September 8, 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 08/09/2021 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 08/09/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

08/09/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/09/08/the-gioi-hom-nay-08-09-2021/

 

Boris Johnson công bố một loại thuế mới để tài trợ cho NHS (Hệ thống Y tế Quốc gia) và tăng cường các dịch vụ chăm sóc xã hội cho người già và người khuyết tật ở Anh. Động thái này rất mạo hiểm về mặt chính trị đối với ông, vì ông từng hứa sẽ không đánh bất kỳ loại thuế nào như vậy khi được bầu vào năm 2019. Cụ thể,  thuế bảo hiểm quốc gia sẽ tăng 1,25% từ tháng 4 tới cho đến khi mức thuế mới được áp dụng vào năm 2023; ngoài ra thuế cổ tức cũng tăng.

 

Taliban công bố một chính phủ lâm thời cho Afghanistan, với Mullah Mohammad Hassan Akhund làm thủ tướng lâm thời. Ông này hiện là người đứng đầu hội đồng lãnh đạo của nhóm. Nhà đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar sẽ là một trong các phó thủ tướng. Mullah Yaqoob giữ chức bộ trưởng quốc phòng.

 

Tòa án tối cao Mexico bỏ phiếu nhất trí chấm dứt hình phạt hình sự đối với hành vi phá thai. Tòa đã hủy bỏ một đạo luật ở bang Coahuila miền bắc vốn quy định bỏ tù phụ nữ nếu phá thai trái phép. Phán quyết này buộc tất cả các bang của Mexico ngừng trừng phạt việc phá thai — một động thái bất ngờ ở quốc gia chủ yếu Công giáo này.

 

Những người Brazil ủng hộ Jair Bolsonaro đã nghe theo lời kêu gọi của ông và xuống đường biểu dương lực lượng. Tỉ lệ ủng hộ của tổng thống đã sụt giảm vì bê bối tham nhũng và đại dịch. Một số người lo ông Bolsonaro sẽ xúi giục người ủng hộ xông vào tòa án tối cao Brazil như vụ bạo loạn Điện Capitol ở Washington, D.C.

 

Ủy ban châu Âu cho biết tòa án cao nhất của EU nên phạt Ba Lan vì đã bỏ qua các phán quyết của tòa cho rằng chế độ kỷ luật mới của họ đối với các thẩm phán là không phù hợp với luật của Liên minh Châu Âu. Ủy ban đang yêu cầu áp dụng hình phạt tiền hàng ngày cho đến khi Ba Lan đồng ý ngừng thanh trừng các thẩm phán độc lập, những người bị Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền coi là vụ lợi cá nhân.

 

Toyota cho biết sẽ chi hơn 1,5 nghìn tỷ yên (13,6 tỷ USD) để phát triển và sản xuất pin xe điện cho tới năm 2030. Nhà sản xuất ô tô này sẽ xây dựng một số lượng không tiết lộ các nhà máy sản xuất pin trên khắp thế giới, với 70 dây chuyền sản xuất. Vốn chậm chân trong việc đầu tư vào các mẫu xe chạy điện vì ỷ lại vào thế mạnh xe hybrid, Toyota hiện đặt ra kế hoạch bán 2 triệu xe ô tô điện mỗi năm vào cuối thập niên này.

 

Hơn 1.500 tổ chức phi chính phủ về môi trường đã yêu cầu hoãn COP26, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow vào tháng 11. Các nhóm nói việc vắc-xin không được phân phối bình đẳng khiến các nước nghèo nhất – cũng là bên bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu –không thể đến tham dự. Họ rõ ràng không đồng ý với lời hứa tiêm chủng cho mọi đại biểu tham dự cũng như tài trợ chi phí cách ly của chính phủ Anh.

 

Con số trong ngày: 18,6% là mức tăng trung bình theo năm của  giá nhà ở Mỹ vào tháng 6, mức tăng kỷ lục lần thứ 3 trong thời gian ngắn.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tình hình GameStop sau làn sóng tăng giá cổ phiếu hồi tháng 1

GameStop sẽ công bố thu nhập quý hai sau khi thị trường chứng khoán New York đóng cửa hôm nay. Là một công ty bán lẻ game với các cửa hàng truyền thống, hãng này báo lỗ trong quý trước và trong ba quý năm ngoái. Thật ra họ đã bị thiệt hại do làn sóng chuyển dịch sang thương mại điện tử từ trước đại dịch. Nhưng giá cổ phiếu của hãng vẫn tăng hơn 1.000% trong năm nay.

 

Nguyên nhân là sự điên cuồng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các nhà đầu tư bán lẻ online đã cùng mua vào và đẩy giá cổ phiếu lên vào ngày 27 tháng 1. Hơn bảy tháng sau, GME (GameStop) vẫn là một trong những mã được nhắc đến nhiều nhất trên r/WallStreetBets, một diễn đàn cổ phiếu của Reddit từng giúp đẩy giá cổ phiếu AMC Entertainment và Virgin Galactic. Kết quả của GameStop sẽ vẫn được các nhà đầu tư truyền thống theo dõi sít sao, vì họ phân bổ vốn dựa trên hiệu suất. Nhưng bản thân “cổ phiếu meme” lại dựa trên ý tưởng xem thường các yếu tố định lượng tài chính hơn bao giờ hết.

 

Pháp bắt đầu xử loạt vụ khủng bố hồi tháng 11 năm 2015

Hôm nay, trong một phòng xử án được xây dựng đặc biệt ở Paris, phiên tòa hình sự lớn nhất lịch sử nước Pháp bắt đầu. Vào ngày 13 tháng 11 năm 2015, các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết đã sát hại 130 người và làm bị thương hơn 350 người khi tấn công vào địa điểm hòa nhạc Bataclan, một số quán cà phê và sân vận động Stade de France. Đó là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nước Pháp.

 

Trong số 20 bị cáo, chỉ có một người trong nhóm thủ phạm, Salah Abdeslam, còn sống (những người khác hầu hết bị buộc tội hỗ trợ). Cho đến nay trong suốt thời gian dài ngồi tù trước khi xét xử, anh ta luôn từ chối nói chuyện với các nhà điều tra. Trong tám tháng tới, tòa án sẽ nghe lời khai của một vài trong số 1.800 nguyên đơn dân sự cũng như của tổng thống khi đó, François Hollande. Phiên tòa sẽ rất đau đớn khi người Pháp sống lại nỗi kinh hoàng của sự kiện. Các cơ quan an ninh cũng đang cảnh giác cao độ trước nguy cơ tấn công tiếp theo khi tiến trình tố tụng bắt đầu.

 

Argentina chủ trì một hội nghị khí hậu của Mỹ Latinh

Tổng thống Argentina Alberto Fernández sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khu vực về biến đổi khí hậu vào hôm nay ngay trước thềm COP26, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tháng 11 này. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và các đại diện của chính phủ Mỹ sẽ dự online. Vào phút cuối, Brazil và Mexico – hai nước phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Mỹ Latinh – cũng ghi danh.

 

Argentina là lựa chọn cho vị trí chủ nhà đầy bất ngờ. Họ là nhà phát thải lớn thứ ba trong khu vực, còn ông Fernández không phải là người quá nổi bật trong vấn đề khí hậu. Ông đã rót hàng tỷ đô la trợ cấp của chính phủ vào các dự án dầu khí, đặc biệt là khai thác khí đá phiến, mặc dù hứa hẹn giảm 19% lượng khí thải so với mức năm 2007 cho tới 2030. Nhưng các cố vấn của ông vạch ra một chương trình nghị sự khác. John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, đã kêu gọi Argentina có lập trường mạnh mẽ hơn về các vấn đề môi trường. Ở chiều ngược lại, ông Fernández rất muốn xây dựng quan hệ với chính quyền Biden, giữa lúc chính phủ Argentina nỗ lực đàm phán khoản vay 45 tỷ đô la của IMF.

 

Cựu thủ tướng Berlusconi lại xin hoãn ra tòa

Phiên tòa mới nhất liên quan đến các bữa tiệc “Bunga Bunga” của Silvio Berlusconi theo lịch sẽ diễn ra vào hôm nay – nhưng vẫn chưa chắc chắn. Vào hôm thứ Ba, luật sư của cựu thủ tướng Ý đã xin hoãn phiên tòa với lý do thân chủ không khỏe. Ông Berlusconi, 84 tuổi, đang mắc các triệu chứng hậu covid và đã đến bệnh viện ba lần trong hai tuần qua, với một lần ở lại qua đêm.

 

Song các thẩm phán đã cho ông hoãn suốt từ tháng 5. Vì các luật sư của Berlusconi từng trì hoãn các phiên tòa trước cho đến khi cáo buộc mất hiệu lực, nên tòa án có thể muốn thấy bằng chứng độc lập về tình trạng sức khỏe của ông. Ông trùm truyền hình bị cáo buộc hối lộ các vị khách tại các bữa tiệc của ông ta, bao gồm nhiều phụ nữ trẻ, để nói họ chỉ đến dự “bữa tối thanh lịch”, chứ không phải thác loạn. Ngày nay, đảng Forza Italia của ông Berlusconi cũng chỉ còn tỉ lệ ủng hộ ở mức một con số. Song đừng xem thường, vì họ vẫn có thể giúp cánh hữu chiếm đa số sau cuộc bầu cử tiếp theo của Ý.




No comments: