Wednesday, September 8, 2021

MỸ CÓ THỂ TĂNG CƯỜNG HIỆN DIỆN Ở BIỂN ĐÔNG SAU KHI RỜI AFGHANISTAN (Trọng Nghĩa - RFI)

 


Mỹ có thể tăng cường hiện diện ở Biển Đông sau khi rời Afghanistan

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 06/09/2021 - 15:52

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210906-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-th%E1%BB%83-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-hi....BB%9Di-afghanistan

 

Từ giữa tháng 8/2021, báo chí và cả các nhà ngoại giao Trung Quốc, đều không không che giấu thái độ vui mừng trước điều bị cho là “thất bại” của Mỹ ở Afghanistan. Truyền thông Trung Quốc không ngần ngại nêu bật việc Hoa Kỳ “bỏ rơi” đồng minh 20 năm của mình như là một bài học cho nhiều nước, đặc biệt là ở châu Á, là không nên tin tưởng vào Mỹ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0e2064f8-0f13-11ec-9bb0-005056a97e36/w:900/p:16x9/AP20237138217370-1.webp

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68, phía xa) tại Biển Đông, ngày 06/07/2020. AP - Petty Officer 3rd Class Jason Tarleton

 

Thế nhưng, ngày càng có nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh không nên mừng vội, vì sau khi thoát ra được khỏi vũng lầy Afghanistan, Hoa Kỳ sẽ rảnh tay hơn để đối phó với Trung Quốc, và cụ thể là sẽ có điều kiện dấn thân sâu hơn vào Biển Đông.

 

Chỉ một tuần sau ngày Kabul thất thủ, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 22/08 đã nhắc lại tuyên bố của tổng thống Mỹ Joe Biden, tái khẳng định quyết tâm triệt thoái khỏi Afghanistan để có thể tập trung đối phó với Trung Quốc (và Nga).

 

Một cách cụ thể hơn, báo mạng Philippines Business World vào hôm nay, 06/09, đã trích dẫn nhiều nhà phân tích cho rằng quân đội Mỹ có thể sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông sau khi rút khỏi Afghanistan, trong một hành động nhằm chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển tranh chấp.

 

Theo giáo sư chuyên ngành quốc tế học Renato C. de Castro, thuộc Đại Học De La Salle ở Philippines, động thái triệt thoái khỏi  Afghanistan chỉ là một động tác “rút lui” chiến lược, nhằm giúp Mỹ có thêm nguồn lực cạnh tranh với các đối thủ như Trung Quốc và Nga. Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện qua mạng xã hội Zoom, giáo sư de Castro giải thích: “Mỹ đã nhận ra rằng việc ở lại Afghanistan không mang lại bất kỳ lợi ích nào… Đó không phải là một vùng biển và họ đã bỏ vào rất nhiều tiền mà chẳng được ích lợi gì… Quý vị sẽ làm gì khi nhận ra rằng khoản đầu tư của mình không thu được lợi nhuận? Quý vị phải cắt bỏ nó đi. Đây là điều gọi là rút lui chiến lược”.

 

Theo chuyên gia Philippines, Mỹ đã dồn quá nhiều nguồn lực cho Afghanistan, và những nguồn lực đó phải được cắt giảm, vì Hoa Kỳ đã có những ưu tiên khác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, và giờ đây có thể tập trung vào các vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách hơn, bao gồm cả tranh chấp Biển Đông, trọng tâm chú ý hiện nay.

 

Cùng một nhận định, ông Victor Andres Manhit, chủ tịch một tổ chức tư vấn chính sách địa phương, cho rằng trước đây, việc Mỹ dồn sức vào việc ngăn chặn các nhóm cực đoan ở Afghanistan đã “cho phép Trung Quốc rảnh tay vươn lên ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, tạo điều kiện cho Nga tung hoành ở Đông Âu và Trung Đông, đồng thời cho phép Iran và Bắc Triều Tiên thúc đẩy tham vọng hạt nhân.

 

Do vậy, chủ trương ra khỏi Afghanistan là nằm trong một nỗ lực lớn hơn nhằm tập trung vào những thách thức chiến lược cốt lõi, đặc biệt là những thách thức ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, mà chính quyền Biden coi là quan trọng hơn.

 

Đối với các chuyên gia phân tích, những lời cảnh báo về nguy cơ bị bỏ rơi như Afghanistan mà Bắc Kinh gởi đến các nước châu Á đang muốn dựa vào Mỹ để chống lại các hành vi bắt nạt của Trung Quốc, đều thiếu cơ sở vì không thể nào so sánh giữa hai khu vực.

 

Theo Business World, ông Robin Michael Garcia, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại Học Châu Á và Thái Bình Dương, nhận thấy là Philippines khó có thể trở thành Afghanistan tiếp theo trong trường hợp bị Trung Quốc hoặc các lực lượng cực đoan trong nước tấn công, vì lợi ích của Philippines “rất phù hợp với lợi ích của Mỹ”.

 

Theo giáo sư Garcia: “Lợi ích vật chất của Hoa Kỳ sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu. Đó là một thực tế trong chính trị quốc tế.” Trong tình hình đó, Philippines vẫn có thể dựa vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ trong trường hợp xảy ra tấn công ở Biển Đông vì đó là tuyến đường thủy thương mại thiết yếu trên thế giới. Cũng theo giáo sư này, Hoa Kỳ luôn kêu gọi duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và đặc biệt bảo vệ quyền tự do hàng hải vì sự kìm hãm thương mại ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến số tiền mà họ kiếm được. Rõ ràng là ở Biển Đông, lợi ích của Mỹ là rất lớn vì thương mại.

 

Theo ông Garcia không thể so sánh hành động của Mỹ ở Trung Đông hoặc ở Afghanistan với những gì họ làm tại châu Á, bởi vì “lợi ích của Mỹ hoàn toàn phù hợp với lợi ích của các nước Đông Á và Đông Nam Á”.

 

Riêng giáo sư khoa học chính trị Antonio P. Contreras tại Đại Học De La Salle tin tưởng rằng vì lợi ích của mình, Mỹ sẽ không thể bỏ rơi Philippines và Biển Đông. Đối với nhà phân tích Philippines: “Tranh chấp ở Biển Đông không phải là vấn đề khủng bố, mà là vấn đề tự do thông thương. Afghanistan là một quốc gia không giáp biển. Tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ không là gì, ngoại trừ việc nước này là nơi sinh sôi của chủ nghĩa khủng bố”.

 

                                                      ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Sau Afghanistan, Bắc Kinh phải dè chừng Mỹ ở Thái Bình Dương

 

Rút khỏi Afghanistan, Mỹ rảnh tay đối phó với Trung Quốc




No comments: