Sunday, September 12, 2021

LEON QUANG LÊ : ‘MỐI TÌNH’ VỚI CẢI LƯƠNG GẦN 40 NĂM (Thu Thủy)

 


Leon Quang Lê : ‘Mối tình’ với cải lương gần 40 năm    

Thu Thủy 

11/09/2021 10:48

https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/leon-quang-le-2018moi-tinh2019-voi-cai-luong-gan-40-nam

Phỏng vân đạo diễn phim SONG LANG (câu lạc bộ YDA sẽ chiếu lần đầu tiên ở Paris ngày 9.10.2021)

                                   Leon Quang Lê :

                    ‘Mối tình’ với cải lương gần 40 năm

Một người trẻ, sống và làm việc ở Mỹ nhưng mê cải lương, đưa cải lương lên màn ảnh rộng, Leon Quang Lê đã tạo nên “vị lạ” cho điện ảnh từ Song Lang. Đầu tháng 10 này, đạo diễn Leon Lê sẽ từ New York sang Paris giới thiệu bộ phim truyện dài đầu tay Song Lang và trao đổi với khán giả tại rạp Grand Action ngày thứ bảy 9.10.2021 (xuất 16g-19g).

Nhân dịp ra mắt phim ở Việt Nam, Leon Lê đã trả lời phỏng vấn sau đây của báo Thanh Niên (2.6.2019), do Thu Thủy thực hiện.

Ở đạo diễn trẻ này, dường như tình yêu với cải lương là “mối tình” say đắm dù anh là diễn viên nhạc kịch.

Chân dung Leon Quang Lê

                                                        *

Không thể lừa… khán giả Việt

Sau vai trò đạo diễn phim Song Lang, anh có đang tiếp tục cho ra đời “đứa con” điện ảnh khác?

–  Hiện tại tôi đã bắt đầu cho một dự án điện ảnh kế tiếp. Nhưng cũng như Song Lang, tôi sẽ chỉ công bố thông tin dự án khi bộ phim đã hoàn tất và chuẩn bị ra mắt.

Song Lang không hẳn quá thành công ở thị trường phim Việt nhưng lại được vinh danh ở nhiều liên hoan phim quốc tế, anh có biết vì sao?

–  Tôi không tham lam để đòi hỏi với bộ phim đầu tay vừa đạt doanh thu cao mà vẫn trung thành đúng với hướng đi nghệ thuật mà mình theo đuổi, nhất là khi nó ngược lại với số đông thị hiếu khán giả hiện nay. Nên với tôi, Song Lang đã thành công ở thị trường VN hơn sự mong đợi ban đầu.

Giải thưởng quốc tế đối với nhiều người thường được xem có giá trị hơn. Nhưng với một phim như Song Lang thì những ghi nhận của khán giả Việt mới là quan trọng. Chỉ khán giả Việt mới biết thế nào là cải lương, là tiếng Việt, người Việt, cư xử Việt, tâm lý Việt, thời cuộc Việt và nhất là cuộc sống Việt. Nên với tôi, một phản hồi tích cực từ họ có ý nghĩa gấp mười, gấp trăm lần khán giả quốc tế. Khán giả quốc tế cho dù tinh tế, am hiểu cách mấy thì việc đầu tiên là họ không hiểu tiếng Việt. Do đó, họ chỉ có thể cảm nhận bộ phim từ góc nhìn của người ngoài. Để có những giải thưởng quốc tế mà Song Lang nhận được, tôi nghĩ do tôi đã gửi đến họ một món ăn lạ miệng (của VN), một bộ phim đẹp, chỉn chu và ít nhiều chạm được đến người xem. Và tôi rất trân trọng những giải thưởng này. Nó cho tôi sự tự tin để tiếp tục dấn bước vào điện ảnh, và nhất là tôi đã không phụ lòng những người đã cùng tôi tạo ra Song Lang. Nhưng còn để thật sự hiểu được Song Lang, tôi vẫn tin rằng chỉ có khán giả Việt.

Hình :  Leon Quang Lê trên phim trường Song Lang

Có thể nói đây là sản phẩm điện ảnh “chính kịch” nói về nghệ thuật cải lương, những con người ở một sân khấu đã hết thời vàng son. Vậy một người trẻ, một đạo diễn trẻ như anh đã khơi gợi và xử lý “chất liệu” ấy như thế nào, có gặp khó khăn gì không?

–  Dù là một kẻ ngoại đạo, nhưng tôi đã đam mê bộ môn này từ bé, đến giờ đã gần 40 năm. Tôi tự tin mình hiểu cải lương, cũng như đã vô tình thu nạp những kiến thức về cải lương suốt mấy chục năm qua. Nên với tôi, sự chuẩn bị về mảng này cho dự án Song Lang đã bắt đầu từ những ngày tôi thơ thẩn nhìn những đoàn hát dọn về rạp Minh Châu. Hay những đêm say mê xem Chuyện cổ Bát Tràng trên ti vi trắng đen qua song cửa sổ nhà hàng xóm. Hơn nữa, khi thực hiện dự án, tôi còn có sự hỗ trợ hết lòng từ những nghệ sĩ, nghệ nhân trong nghề. Đến lúc cần “chất liệu” để đưa vào phim thì việc khó khăn nhất là sàng lọc, chọn lựa lấy gì, bỏ gì vì có quá nhiều chứ không lo bị thiếu.

Anh từng bỏ dở ước mơ thành một kép hát cải lương để sang Mỹ học và làm việc. Nhưng một người trẻ như anh vì sao vẫn “dính chặt” và mê cải lương như thế?

–  Khi đã nói là mê thì khó mà có thể phân tích lý lẽ vì sao. Chỉ đơn giản là những giai điệu, bài bản cải lương, những lời ca, giọng ngâm vẫn có một cái gì đó làm tôi thổn thức. Cho dù tôi có yêu thích opera, nhạc kịch, điện ảnh, thì tôi vẫn không ngừng yêu thích cải lương. Cũng như tôi có thích spaghetti, sushi hay bánh kem Pháp hảo hạng, thì tôi sẽ không bao giờ hết thèm bún riêu, bánh cuốn và xôi vò ăn với chè hoa cau (cười).

Tôi thuộc loại “ăn tạp”

Được biết, anh học về nhạc kịch và hiện là một trong số rất ít nghệ sĩ gốc Việt trình diễn nhạc kịch Broadway tại Mỹ. Với bộ môn này anh tìm thấy sự thú vị nào?

– Tôi thích âm nhạc, ca hát, nhảy múa, diễn xuất và nhất là kể chuyện. Nhưng lại không thích chỉ chuyên về làm ca sĩ, vũ công hoặc diễn viên. Chỉ một trong những điều trên đều không đủ cho tôi cảm hứng với sân khấu. Nhạc kịch là bộ môn nghệ thuật sân khấu duy nhất cùng lúc hội tụ và đòi hỏi đủ những yếu tố này. Tôi thích qua âm nhạc, diễn xuất, vũ đạo, cảnh trí, ánh sáng, ta có thể truyền tải một câu chuyện hoàn chỉnh 3 hồi, đưa khán giả trải nghiệm đủ các cung bậc cảm xúc trong vòng 2 tiếng rưỡi. Đây cũng là một trong những lý do mà tôi thích cải lương, chèo hay hát bội mà lại không đam mê thoại kịch.

Cải lương, nhạc kịch và điện ảnh với anh tương đồng với cái mới và cũ, hiện đại và truyền thống, vậy tất cả đang “chảy” trong con người anh như thế nào?

–  Tôi không phân biệt mới cũ, hiện đại hay truyền thống, sến hay sang. Tùy thời điểm trạng thái tâm lý, không gian và thời gian tôi sẽ có những cảm hứng khác nhau. Mỗi khi nghe hoặc xem mỗi thể loại nghệ thuật nào, thì tâm hồn, tư tưởng, cách cảm nhận của tôi lại tự động “chuyển” sang một “kênh” thích hợp riêng cho thể loại đó. Với tôi, mỗi cái đều có cái hay, đặc sắc riêng có thể làm cho tôi rung động.

Nếu hình dung ra có vẻ rối và không hòa hợp lắm thì phải?

–  Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có bản sắc riêng. Nhưng điện ảnh, cải lương hay nhạc kịch thì chẳng qua cũng chỉ là những cách trình bày khác nhau để phục vụ một mục đích giống nhau đó là kể chuyện và truyền tải cảm xúc. Tất cả đều là những món ăn tinh thần phong phú. Hợp và ngon miệng hay không thì tùy thuộc vào việc bạn có phải là người kén ăn hay không. Tôi thuộc loại “ăn tạp” (cười).

Không đủ kiên nhẫn bỏ thời gian học làm phim

Còn điện ảnh, anh học làm phim từ khi nào?

–  Tôi là một người làm phim không trường lớp. Đam mê đầu tiên của tôi là sân khấu. Từ nhỏ tôi đã tự soạn kịch bản, chia vai, đạo diễn và dựng vở cùng các bạn bè. Sau này đi Mỹ, khi tham gia vào nhóm Cinema Pictures qua bộ phim Thời Hùng Vương 18 của anh Charlie Nguyễn thì tôi mới bắt đầu chú ý đến điện ảnh. Nên có thể nói chính Charlie Nguyễn là người đã khơi gợi hứng khởi với điện ảnh trong tôi. Anh là người khuyến khích tôi viết kịch bản đầu tiên cho Trung tâm Vân Sơn. Còn về kỹ thuật làm phim từ viết kịch bản, đạo diễn, dựng phim, cắt nhạc đều do tôi mày mò đọc sách, tự học, tự rút kinh nghiệm qua những lần làm phim ngắn, video clip, music video. Cái gì không biết thì lên YouTube. Tôi không đủ kiên nhẫn để bỏ thời gian đi học làm phim. Hơn thế, từ 20 tuổi tôi đã bận rộn với nghề chính của mình là diễn viên nhạc kịch. Một nghề mà để tồn tại và phát triển cũng đã ngốn hết thời gian và tâm trí của tôi rồi.

Nhạc kịch ở VN dường như là môn nghệ thuật khó “ăn khách”. Còn ở Mỹ, làm diễn viên nhạc kịch có đủ sống không?

–  Nhạc kịch không thuộc văn hóa Việt, đương nhiên là khó ăn khách. Còn đối với Mỹ, đất nước “đẻ” ra nhạc kịch, thì đương nhiên sẽ khác. Nhất là hiện nay, nhạc kịch không chỉ thịnh hành ở các nước phương Tây, mà những nước châu Á như Trung Quốc, Singapore và nhất là Nhật Bản thì nhạc kịch đã trở thành quen thuộc và được yêu chuộng. Là một nghệ sĩ nhạc kịch, nếu bạn đủ tài năng, quyết tâm và may mắn để có thể luôn có công việc thì cuộc sống khá ổn định, sung túc. Diễn viên chuyên nghiệp ở Mỹ được bảo vệ bởi công đoàn nên thu nhập, bảo hiểm, môi trường làm việc đều được quan tâm rất chu đáo.

20 năm làm diễn viên nhạc kịch ở nước ngoài, anh có từng nghĩ sẽ đem môn nghệ thuật này về VN hoặc thậm chí “tái chế” nó trong điện ảnh như đã làm với cải lương?

–  Có thể tương lai, tôi sẽ đưa nhạc kịch vào trong phim ảnh. Một bộ phim nhạc kịch cần rất nhiều thời gian và sự đầu tư đúng đắn chứ không thể chụp giật, nửa vời. Tôi sẽ 

thực hiện nếu thấy dự án bảo đảm được những điều này.

Trên Instagram, anh hay chia sẻ những hình ảnh đi du lịch, chụp ảnh thời trang với nhiều sở thích, thể hiện một cuộc sống hoang dại và yêu tự do. Vậy bản thân anh thực chất là kiểu mẫu đàn ông thế nào?

–  Tôi không thích nói về bản chất mình “là ai”. Không có gì ngán ngẩm bằng phải đọc những câu tuyên bố sáo rỗng về bản thân của một ai đó. Những người thân quen, bạn bè có lẽ đều đã biết tôi là người như thế nào. Những người chưa quen, hãy cứ để họ phỏng đoán, tìm hiểu, thêu dệt càng vui. Nếu có dịp thì họ sẽ tự khám phá cho riêng họ. Tôi thấy điều đó thú vị hơn (cười).

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện !

Thu Thủy

NGUỒN :Thanh Niên, 2.6.2019

                                                         *

Leon Quang Lê :

– Leon Quang Lê, sinh năm 1977 tại TP.HCM

– Năm 13 tuổi sang Mỹ định cư, nhận học bổng về nhạc kịch và diễn xuất ở trường Step on Broadway và Broadway Dance Center tại New York (Mỹ).

– Từng tham gia với vai trò diễn viên trong phim Những nụ hôn rực rỡ, Để Mai tính và phim ca nhạc Cho một tình yêu.

– Hiện là diễn viên nhạc kịch tại Mỹ.

– Đạo diễn phim ngắn Dawn giành hai giải thưởng quan trọng: Best Editing (dàn dựng) và Best Ensemble Cast (dàn diễn viên phụ xuất sắc) tại Asians on Film Festival ở Los Angeles (Mỹ) năm 2014.

– Dawn giành 3 hạng mục quan trọng: Phim hay nhất và Đạo diễn phim xuất sắc nhất hạng mục Phim tranh giải quốc tế; Phim hay nhất về đề tài đồng tính, song tính và chuyển giới tại LHP ngắn trực tuyến VN – quốc tế YxineFF năm 2013.

– Năm 2018: Đạo diễn phim Song Lang giành giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP châu Á Sharm El – Sheikh lần 3 tổ chức tại Ai Cập.

– Hội Điện ảnh TP.HCM trao giải A cho Song Lang vào ngày 25.1.2019.

Một đạo diễn giỏi, có tài quyến rũ khán giả :

Làm việc với Leon Quang Lê qua Song Lang tôi thấy những xốc vác, quyết liệt của cậu ấy đã làm tôi bị cuốn theo. Tôi nghĩ cậu ấy là một đạo diễn giỏi, có tài quyến rũ khán giả, biết khơi gợi cái chất “sến sến” ở trong mỗi người ra, và đãi đằng nó rất hậu hĩnh. Ngoài đời chúng tôi không thân nhau lắm, nhưng với điện ảnh thì lúc nào cũng “hẹn hò” thắm thiết. Đây là người rất trọng chữ tín, biết mình biết người, có tài năng và rất cuốn hút. Với tôi cậu ấy là một thằng cha… rất buồn cười. Bởi lúc thì rất bạch mã hoàng tử, bay bổng lượn lờ, lúc thì lại du đãng, thậm chí giang hồ lắm. Trò chuyện với Leon rất vui. Nên cậu ấy là một đạo diễn nhiều mánh lới theo kiểu chân thành, thông minh pha trộn với cái sến sến… tạo nên sự cuốn hút rất riêng ấy. Với tôi, Leon không có hạn chế, mà cần cơ hội nhiều hơn để bung tỏa.

Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Anh thuộc nhiều bài cải lương, ca cũng rất hay…

Với tôi, Leon Quang Lê là một người thầy giúp tôi biết rõ thế nào là diễn xuất. Một người rất nghiêm khắc trong công việc, thận trọng, tỉ mỉ trong từng chi tiết nên vì sao sản phẩm của anh ở mức mà mọi người bảo là chỉn chu. Đặc biệt anh làm việc với tính kỷ luật rất cao, nên khiến cho người làm cùng sẽ rất áp lực. Như anh thay đổi kịch bản, lời thoại liên tục buộc diễn viên phải hiểu mình đang nói cái gì chứ không phải chỉ thuộc lòng đoạn thoại đó. Điều nữa khiến tôi ấn tượng với anh chính là anh thuộc rất nhiều bài cải lương, ca cũng rất hay, thậm chí còn hướng dẫn cách ra bộ trên sân khấu cho Issaac và nghệ sĩ Tú Quyên trong quá trình diễn.

Diễn viên Liên Bỉnh Phát




No comments: