Lenin và giấc mơ thần đồng của người Việt
Jackhammer
Nguyễn
27/09/2021
https://baotiengdan.com/2021/09/27/lenin-va-giac-mo-than-dong-cua-nguoi-viet/
Lâu lắm rồi, có thể hơn 25 năm trước, tôi có đọc
một bài trên báo An ninh Thế giới của nhà nước Cộng sản Việt Nam, nói về ông tổ
cộng sản Nga là Lenin. Bài này nói về việc ướp xác ông ta, cũng như mổ sọ để
tách bộ não ra mà nghiên cứu. Có một câu trong bài báo mà tôi nhớ như in “Về
nguyên tắc thì bộ não của Lenin là bộ não thông minh nhất” (sic).
Giữa đại dịch Covid ở thế kỷ 21, báo chí nhà
nước Việt Nam đưa tin một em bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh “quyết tâm” đọc trọn bộ
“Lenin toàn tập” gồm 52 quyển.
Lần đầu tiên đọc được điều này trên mạng xã hội,
tôi cữ ngỡ ai đó có ác ý với nhà nước Việt Nam của đảng Cộng sản Việt Nam, nên
đặt điều để bôi bác. Nhưng báo chí Việt Nam quả là có đưa tin đó thật, bắt đầu
bằng báo mạng VnExpress, rồi sau đó chủ đề này tiếp tục được “nâng cao quan điểm”,
khen ngợi em bé và gia đình em trên các tờ báo khác, trong đó có báo Tuổi Trẻ của
thành Hồ.
Một phần tư thế kỷ trôi qua, những niềm tin
huyễn hoặc vô căn cứ tưởng đâu đã kết thúc với cuộc sống sôi động của kinh tế
thị trường, của đầu óc thực dụng,… nhưng tôi đã nghĩ sai. Nếu những gì cha mẹ
em bé, cũng như những người có liên quan đến câu chuyện, được báo chí đưa ra,
cũng như những lời bình luận “vỡ òa” dưới các trang báo ấy, là thật, thì thật
là đáng ngại cho dân tộc Việt Nam.
Lenin là người đặt nền móng cho mô hình
“chuyên chính vô sản”, dựa trên lý thuyết ý thức hệ về đấu tranh giai cấp của
Karl Marx. Chuyên chính là một cách nói trại đi của những người cộng sản của cụm
từ “chuyên chế”, hay nói trắng ra là độc tài. Nếu không kể đến những lạm dụng về
nhân quyền của mô hình này, thì cho tới nay nó cũng đã thất bại, và thật sự
không còn tồn tại nữa.
Mô hình của Lenin được xem như là một phản ứng
bạo lực, rất phản động, chống lại sự phát triển tiệm tiến của xã hội. Đã có những
phân tích khái quát cho rằng, các tư tưởng cộng sản phản động ấy, thường xuất
phát, hoặc được thực hiện từ những kẻ bị mất gốc về văn hóa, như Karl Marx,
Lenin, Hồ Chí Minh, Fidel Castro,… và họ thường có những hoang tưởng, những ảo
vọng hoang đường.
Nhưng hãy trở lại các bài báo về “em bé Lenin
toàn tập”. Đã khá lâu, báo chí nhà nước cộng sản mới có kiểu bài về thần đồng
cách mạng như thế này. Phải chăng đây là nỗ lực khôi phục hình ảnh ý thức hệ bằng
con đường kích thích ước mơ thầm kín của hàng triệu người Việt bằng biểu tượng
thần đồng?
Lenin toàn tập, cũng như các loại tương tự như
Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh,… toàn tập khác, là một đống chữ nghĩa trừu tượng
ghép nối với nhau, đưa ra những điều “siêu thực”, mà lại mong muốn thực hiện
cho được trên cuộc đời thực này.
Tại Việt Nam (mà tôi nghĩ là tại bất cứ quốc
gia cộng sản nào khác), các pho sách dày cộp này được lưu giữ ở ba hình thức.
Thứ nhất là bám đầy bụi ở các thư viện nhà nước, vì không ai đọc cả. Thứ hai là
trên kệ sách quan chức cộng sản, các “trí thức” cộng sản (như trường hợp bố mẹ
em bé trong câu chuyện) để trang trí, ra oai.
Cả hai trường hợp trên đều là những biểu tượng
kính nhi viễn chi của chế độ, gây ra một sự kính cẩn kinh viện, một sự sợ hãi của
tầng lớp bình dân, bị tầng lớp kinh viện trí thức cộng sản ấy cai trị.
Cách lưu giữ thứ ba các toàn tập này là ở các
bà ve chai đồng nát, dính chặt vào cuộc sống thường nhật, không màng tới những
điều khó hiểu của đám lãnh đạo (của đáng tội là các lãnh đạo ấy chưa chắc đã hiểu).
Bộ Lenin toàn tập đầu tiên tôi thấy, chính là trong đống giấy vụn của bà dì tôi
sau năm 1975, ở miền Nam Việt Nam.
Nhưng dù là tầng lớp kinh viện lãnh đạo, hay
bình dân, thì không ít người Việt, xuyên suốt lịch sử Khổng Nho khổ ải của họ,
đều mơ mộng đến những hình ảnh “bán thần”, như Khổng tử chẳng hạn, hay những
“chân mạng đế vương”, là “thiên tử”. Một lối thoát tinh thần, thụ động, ít rủi
ro. Đó chính là ước mơ thần đồng của nhiều người Việt Nam, đã bắt đầu từ hàng
ngàn năm trước với thần đồng Thánh Gióng, và mới nhất là thần đồng Lenin toàn tập
10 tuổi.
Cả hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay được
xây dựng trên ý thức hệ thần đồng ấy, từ chuyện trường chuyên lớp chọn, “chương
trình quá tải” của nhà nước, cho đến việc chạy vạy học ngoài giờ của phụ huynh
học sinh. Ai cũng nghĩ rằng con em mình là thần đồng cả. Mà của đáng tội, cái ý
thức hệ thần đồng này được người Việt mang sang cả hải ngoại. Hãy đến các khu
người Việt ở Mỹ mà đếm bao nhiêu em bé bị cha mẹ bắt học trước hàng chục môn, học
ngoại khóa piano, học các môn AP (Advanced Placement) nặng chình chịch,… cứ như
là hễ con em họ mà sinh ra ở Mỹ thì em nào cũng có thể thành tổng thống Mỹ được.
Thần đồng là những hiện tượng có thật nhưng hiếm
hoi của xã hội loài người từ xưa đến nay, nhưng thường nó xuất hiện và lớn lên ở
những môi trường xã hội thuận tiện, tạo nên những đột phá về âm nhạc, phát minh
khoa học lớn.
Phải nói rằng, có thể là ước mơ thần đồng của
người Việt rất lớn, nhưng cho đến giờ phút này dân tộc Việt chưa đóng góp gì
đáng kể cho sáng tạo của loài người cả.
Còn Lenin toàn tập ư? Đó có phải là thiên tài
đâu, mà chỉ là một mô hình phản động đã thất bại.
No comments:
Post a Comment