25/09/2021
https://baotiengdan.com/2021/09/25/lan-man-lam-chuyen-phan-9/
Tiếp theo Phần
1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8
Đã có những dấu hiệu từ Thủ tướng cho tới các
lãnh đạo thành phố cho thấy đầu tháng 10, Sài Gòn sẽ mở cửa, giảm giãn cách,
“bình thường mới”. Đó là kế hoạch không thể không thực hiện. Thủ tướng nêu mục
tiêu cố gắng từ nay đến 30.9 từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để
khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên cũng theo kiểu nói của nhà chức
trách, thành phố dù chỉ còn vỏn vẹn 5 ngày nhưng mọi chuyện vẫn còn rối rắm.
Con số nhiễm bệnh ngày hôm qua tuy có giảm so với trước đây nhưng vẫn còn 3.786
ca và số người tử vong là 140 người. Hiện tượng shipper giảm vì chuyện ngoáy
mũi hàng ngày chiếm nhiều thời gian lại tốn kém. Họ bị nhiều áp lực như chịu
phí xét nghiệm cao, số lượng điểm test ít, phải thường di chuyển gấp đôi quãng
đường vì chốt chặn, do vậy nhiều shipper đã tính chuyện ngưng chạy vì tiền thu
vào không đủ bù chi ra.
Đã qua quá nhiều thử nghiệm ở thành phố này về
việc lưu thông hàng hoá như đi chợ hộ, chạy trong quận, shipper tình nguyện, xe
bán hàng lưu động. Nhưng rồi cuối cùng, phương án tốt nhất vẫn là đội ngũ
shipper có sẵn từ các công ty.
Tại họp báo chiều 24.9, Phó giám đốc Sở Công
Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thành phố có chỉ đạo giao cho
shipper tự xét nghiệm. Mục đích là để giải quyết tình trạng các shipper xét
nghiệm tại các trạm vẫn còn tập trung đông người. Shipper sẽ được phát kit test
miễn phí, sau đó tự xét nghiệm và chụp hình gửi về công ty để tải lên kho dữ liệu
dùng chung. Sở Công Thương và các sở ngành sẽ kiểm tra, kiểm soát, nếu có vi phạm
sẽ tắt app không cho hoạt động.
Nhiều shipper không biết sắp tới sẽ xét nghiệm
thế nào, ở đâu. Họ cũng nghe nói rằng tài xế được phát bộ kit test nhanh để xét
nghiệm tại nhà, nhưng vẫn chưa nhận được thông báo từ ứng dụng và cũng không biết
nhận kit ấy ở đâu? Cũng có người rủ nhau test mẫu gộp nhưng rất khó kiếm điểm
xét nghiệm, khi test được rồi thì được tin các chốt kiểm dịch chỉ chấp nhận mã
QR từ phía doanh nghiệp cập nhật lên Sở Công Thương, kết quả tự xét nghiệm của
các tài xế có thể không được thông qua. Thành ra tốn tiền vô ích.
Đến khi được phép chạy thì vì thành phố còn
quá nhiều chốt chặn, còn nhiều nơi giăng dây, phong toả nên phải chạy vòng vòng
tốn thời gian, hao xăng mà số đơn thực hiện được cũng giảm nhiều. Chưa kể khi
F0 ẩn khuất trong cộng đồng thì shipper là đối tượng dễ lây nhiễm nhất. Nếu
không giải quyết hợp lý cho đội ngũ này, khi giảm giãn cách, huyết mạch lưu
thông hàng hoá đến tay người tiêu dùng cũng sẽ bị nghẽn mạch như thời kỳ phong
toả. Mở cửa dự định sẽ cho phép hàng quán bán mang về và online. Cách thức này
mà không có shipper thì phá sản vì hàng không có phương tiện đến với người tiêu
dùng.
Một băn khoăn nữa của người dân là, cho đến
nay chỉ còn thời gian rất ngắn, mô hình thẻ xanh vẫn mơ hồ ở thành phố, nhiều
người dân vẫn chưa rõ làm sao có được thẻ xanh để trở lại cuộc sống thường nhật.
Trong cuộc họp báo chiều 21.9, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông vẫn chưa
trả lời các câu hỏi xoay quanh thẻ xanh và hẹn có một “chuyên đề” riêng để giải
đáp. Như vậy, chỉ còn 5 ngày trước khi thành phố hoàn thành cam kết kiểm soát dịch
vào cuối tháng 9, mô hình này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Người dân vẫn
không biết sẽ ra đường đi làm kiếm cơm theo kiểu nào? Chắc chắn là sẽ có hạn chế
và kiểm soát.
Nhưng theo cách thức gì thì cho đến giờ vẫn chưa
có gì cụ thể cả. Chính quyền muốn kiểm tra bằng thẻ, bằng app, bằng mã code
nhưng cho đến nay chưa có cái nào ra hồn, cứ hẹn mốt mai. Có người bảo nôn chi,
rồi cũng xong thôi mà. Ừ thì cũng có người không nôn nhưng những người đang
nóng ruột kiếm đường sinh nhai cũng muốn biết rõ mình có phải là đối tượng được
đi không vì đó là cơm áo, là thuốc men cho người già, là tập vở, thiết bị cho
con trẻ học hành. Họ cần biết để họ tính chứ. Mấy tháng tù treo ở nhà, vốn liếng
đã cạn, tiền để dành đã hết, không nôn sao được.
Có một nỗi buồn rất lớn trong lòng người dân
thành phố khi nghe Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu trong cuộc họp
ngày 23.9 của Đoàn đại biểu thành phố. Ông Ngân nói rằng: TP.HCM nộp ngân sách
330.000 tỷ, xin hỗ trợ 28.000 tỷ nhưng mới được cho 2.000 tỷ đồng. Điều đó cho
thấy, khó khăn về tài chính của thành phố rất lớn. Dân buồn là lúc bình thường
thành phố nộp vào ngân sách rất lớn, diễn ra mấy chục năm nay, trong đó có tiền
thuế của dân, là sức lao động của dân, là mồ hôi, nước mắt của dân.
Thế mà khi thành phố gặp khó khăn, muối mặt ngửa
tay ra xin một ít để giải quyết cho dân lại bị khước từ và chỉ ban cho một tý
là 2.000 tỷ, chẳng tới đâu, như muối bỏ biển. Dân buồn thói đời thôi, dân chẳng
dám trách ai. Bài báo hôm qua nay cũng đã sửa tít rồi, bỏ bớt chi tiết nữa,
nhưng có dấu bài đã đăng cũng có người ghi lại và chuyện này dân cũng dễ thấy
thôi. Dấu mần chi. Cứ minh bạch cho dân rõ.
Nhà nước thông báo tiêu chí đánh giá an toàn tại
các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố. Theo đó, một
người được xác định có thẻ xanh khi đáp ứng 3 yếu tố: Kết quả xét nghiệm bằng
test nhanh hoặc RT-PCR âm tính; đã tiêm 2 mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc từng nhiễm
dịch và đã khỏi bệnh; không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.
Như vậy, để có đủ yếu tố cho thẻ xanh cần ít
nhất 3 dữ liệu: kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã khỏi
bệnh và truy vết không tiếp xúc gần với F0. Vấn đề là để có những xác nhận đấy,
người dân liên lạc ở đâu để có. Ngoáy mũi thì dễ rồi, ngửa mặt lên, ngoáy tận
óc một cái thì sẽ có kết quả. Thế chứng nhận tiêm chủng thì kẻ có người không,
làm ăn sai sót kéo dài. Chích rồi không thấy báo, chích đủ 2 mũi báo chỉ một
mũi, liên hệ, bổ sung, cập nhật mãi mà chẳng thấy thay đổi gì. Rồi còn những
người F0 tự chữa ở nhà nữa, ai ký giấy xác minh? Phát biểu rồi ký văn bản thì
quá dễ, nhưng mà có tiến hành được không? Thực tế đang chứng minh là cả hệ thống
đang bế tắc, làm mãi không xong.
Đối với chứng nhận F0 đã khỏi bệnh, theo văn bản,
người từng nhiễm phải có xác nhận bằng giấy chứng nhận như giấy xuất viện, hoặc
giấy xác nhận hoàn thành cách ly của ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương.
Các trường hợp không thể xác nhận thì phải tiêm vaccine. Như vậy, hiện tại
thành phố vẫn chưa có phương án số hóa giấy chứng nhận khỏi bệnh F0, chứng nhận
tiêm chủng vẫn còn sai sót và kết quả xét nghiệm vẫn khó khăn khi nhập liệu.
Đối với yếu tố không tiếp xúc gần F0, văn bản
của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố không nêu rõ tiêu chí xác định như
thế nào, có dùng giấy chứng nhận hay không, và do đơn vị nào cấp. Tóm lại, tất
cả đang ở tình trạng rối ren vì nhiều đơn vị, nhiều cấp quản lý quá, cuối cùng
hỏng cả.
Chỉ mới hai chuyện lưu thông hàng hoá với thẻ
xanh không thôi đã thấy việc mở cửa sắp tới chưa ổn rồi. Chưa kể đến việc các
doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại như thế nào? Việc giao
thương hàng hoá với các tỉnh thành khác ra sao? Việc đi lại của người dân đến
các địa phương khác? Khi nào thì gỡ dây giăng, cuốn dây kẽm và chấm dứt các chốt
chặn cho thành phố được quang đãng hơn, lòng người nhẹ nhõm hơn. Không thể giảm
giãn cách khi thành phố còn giăng dây và lô cốt. Không thể trở lại bình thường
khi con phố, ngõ xóm vẫn còn những chốt chặn và những chú dân phòng hách dịch
kiểm soát giấy của dân.
Trên báo nhà nước vừa có đăng những tấm hình
dù bị rào chắn, người dân vẫn tìm cách vượt qua bằng cách luồn mình xuống khoảng
trống nhỏ, bò hẳn dưới đất như du kích, hoặc trèo lên hẳn để vượt rào. Báo lên
án những người này và cho rằng đây là một bộ phận người dân ý thức kém. Đó là một
lối quy chụp đầy ác ý. Phải hiểu tại sao những người dân đó phải leo trèo, bò
như con vật để vượt qua chướng ngại.
Họ không đi chơi, cũng không như những người
tìm cách ra đường để tập thể dục hay đi như thói quen. Họ chịu khổ sở như thế để
mua hay nhận một món đồ thiết yếu cho gia đình đang cần. Họ cần giải quyết một
việc quan trọng đối với họ hay gia đình họ. Nhưng xóm ngõ đã rào, không còn lối
đi thì họ phải đành bò lê hay trèo qua tường, ba ri e kẽm gai hay luồn lách qua
chốt chặn. Nhốt dân một thời gian quá dài, không nên trách dân mà phải thông cảm
cho dân.
Và điều dân băn khoăn nữa là khi nào chấm dứt
việc chọc ngoáy xét nghiệm. Sáng nay, khu phố tui ở, lại tiếp tục dàn ra cảnh
chọc ngoáy. Làm nhiều lần quá rồi nên dân thờ ơ. Nhân viên y tế đập cửa từng
căn nhà, nhưng chẳng có mấy người lên tiếng. Đành làm mấy mạng xong thì rút.
Nhiều bác sĩ và các nhà chuyên môn đã nhiều lần lên tiếng rằng
“Khoang mũi là nơi cực kỳ nhạy cảm có chức
năng sưởi ấm không khí, bắt lấy mầm bệnh, tiết chất nhày bao phủ bụi bặm để bảo
đám không khí thật sạch trước khi vào phổi. Khi hít trúng bụi bặm, hệ thần kinh
vùng mũi sẽ bị kích thích tạo nên phản xạ hắt hơi để tống khứ chất lạ ra khỏi
mũi.
Việc chọc ngoáy bằng que xét nghiệm sẽ làm tổn
thương niêm mạc mũi, chảy máu do rách niêm mạc hoặc chọc trúng mạch máu, nhiễm
trùng mũi xoang...” (BS Phan Xuân Trung).
Cách tốt nhất của việc xét nghiệm như thế giới
thường làm là chỉ test để bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao. Càng test thần
tốc càng gây lãng phí và gây hại cho sức khoẻ của người dân. Chuyện này nói
hoài, nói mãi mà sao Bộ Y tế cứ chọc ngoáy mãi thế? Dân nghĩ bậy là có phải
test nhiều để tiêu thụ kit, mà xài nhiều thì người cung cấp kit thu lợi nhiều.
Không biết có đúng vậy không? Nghèo mà lại tiêu hoang!
Và cũng vì những quy định ngặt nghèo về xét
nghiệm, về thẻ xanh vàng đỏ, cho nên đến thời điểm này, cả 3 chợ đầu mối tại
thành phố đã cho phép mở để trung chuyển hàng. Nhưng nhiều thương lái do ngại
những quy định nghiêm ngặt đã không vào điểm trung chuyển mà tự lập điểm bỏ
hàng ngay trên tuyến đường chính gần khu vực chợ. Tình trạng này khiến bộ phận
chức trách rất khó kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh khi những điểm
này trước đây là những ổ dịch lớn của thành phố. Muốn giải quyết việc này, thiết
nghĩ thành phố cũng xem lại các quy định trong việc mở lại chợ, nếu không lại tạo
ra một tiền lệ không tốt, rất khó đưa vào quy củ về sau.
***
Bữa nay lại tám thêm một chuyện chẳng dính líu
gì đến virus, đến giãn cách. Đó là chuyện một cậu bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh quyết
tâm đọc toàn bộ Lê Nin toàn tập. Ham đọc sách, thích đọc sách là một điều đáng
khen và nên cổ vũ. Tuy nhiên, tuổi nào đọc sách đó, không nên đọc những vấn đề
chưa phù hợp với trí não của các cháu nhỏ. Nói thật, già như tui, cũng có chút
chữ rồi mà đọc Toàn tập Lê Nin cũng chỉ hiểu lờ mờ sương khói.
Tui nghĩ cán bộ từ trên xuống dưới của nhà nước
ta cũng thế thôi, mấy ai hiểu và làm theo ông Lê Nin? Sau 75, đi học mấy lớp bồi
dưỡng chính trị mà có hiểu được bao nhiêu đâu. Tui nghĩ mấy ông giảng bài cũng
thế, nói như vẹt thế thôi. Thế mà cậu bé này quyết tâm đọc hết toàn tập. Đọc
thì phải hiểu, đọc không hiểu gì mà khoe đã đọc hết toàn tập mấy chục cuốn của
Lê Nin thì có ích gì, chỉ thêm loạn chữ. Bố mẹ cháu bé này cũng đừng lấy đó làm
điều hay.
Cứ cho cháu đọc truyện tranh, truyện cổ tích,
truyện thần tiên, các sách khoa học thường thức, những cuốn sách trang bị thêm
kiến thức phổ thông hoặc các loại sách học làm người, nếu cần đọc sách dạy nấu
ăn hay mẹo vặt trong đời sống cũng tốt. Làm người tử tế mới khó chứ đọc như máy
quét những loại sách triết lý, kinh tế, tư tưởng Lê Nin đó chỉ hại mắt, mà trí
não của đứa bé lên mười chẳng thu nạp được chi ngoài chuyện nổ cho đã miệng.
Tội nghiệp thằng nhỏ bị cha mẹ và báo chí thổi
phồng rồi lại đi vào ngõ cụt chẳng thấy lối ra bởi hàng vạn chữ đọc mà chẳng hiểu.
Đôi khi chỉ vì một chút danh hão mà giết cả tương lai của một con người. Rõ khổ!
No comments:
Post a Comment