20/09/2021
https://baotiengdan.com/2021/09/20/lan-man-lam-chuyen-phan-4/
Tiếp theo Phần
1 — Phần 2 — Phần 3
*
Buổi sáng còn ngủ nướng thì nghe chó sủa rần rần,
chạy ra balcon nhìn xuống thấy một đoàn y tế đang đến phố chọc mũi. Xế trưa thì
nghe khách sạn cách nhà ba căn đã phát hiện một F0, dây đã giăng cách ly tại chỗ.
Xem như chọc mũi cả dãy phố chỉ bóc được một
con F0, không biết tốn bao nhiêu tiền cho bữa chọc ngoáy này. Khu này từ hổm
rày được xem như là khu xanh mà, hai đầu vẫn giăng dây và kẽm gai, gọi là bảo vệ
vùng xanh, người ngoài không được vào, người ra phải có giấy.
Đọc báo thấy có tin Doanh nghiệp tự mua kit
test của Việt Nam được Bộ Y tế công nhận có giá từ 120.000 – 150.000 đồng một
kit. Theo ghi nhận của báo giá test nhanh tại các cơ sở y tế tư nhân trên dao động
từ 180.000 – 350.000 đồng/người, tùy thuộc vào loại kit test. Trong đó kit test
của từng nước sản xuất, chẳng hạn Việt Nam: 180.000 đồng, Hàn Quốc: 280.000 –
300.000 đồng, Nhật Bản: 350.000 đồng.
Tính ra thì mỗi nơi mỗi giá, chẳng có một giá
thống nhất nào cả. Hiện nay, giá dịch vụ thường khi xét nghiệm test nhanh theo
yêu cầu từ 238.000 – 350.000 đồng/mẫu và 734.000 đồng/mẫu đối với xét nghiệm
PCR. Còn tại các bệnh viện tư nhân, xét nghiệm sinh học phân tử PCR có giá từ
1.500.000 – 4.000.000 đồng/mẫu tùy bệnh viện.
Với giá lung tung như vậy, nhưng ngồi tính giá
thấp nhất đi nữa thì một bữa ngoáy mũi ở khu phố tui ở như hôm nay tốn cũng khá
bộn, nhưng rồi chỉ phát hiện có một F0. Tính ra như thế thì phí tiền quá! Tính ra cả nước chọc ngoáy liền
tù tì lâu nay tốn tiền biết bao nhiêu mà kể. Vài chục ngàn tỷ đồng chứ không ít.
À, mà nghe mấy lãnh đạo từ trung ương đến địa
phương đã bảo là sống chung với virus rồi, mà sao cứ xét nghiệm tùm lum mãi thế.
Tui không phải dân chuyên môn về y khoa nhưng tui nghĩ chỉ nên tập trung xét
nghiệm những khu vực có nguy cơ hoặc các đối tượng lớn tuổi có bệnh nền vì những
người này nếu nhiễm bệnh dễ đưa đến tình trạng nặng. Còn lại, thành phố đã báo
cáo chích mũi 1 gần như 100% và 80% người nhiễm đều là ít nguy hiểm, có thể tự
chữa ở nhà. Thế thì sao cứ xét nghiệm trên diện rộng làm chi cho tốn tiền mất
công vậy?
Nói “sống
chung với virus”, sao vẫn tung cả đống tiền tìm diệt F0? Khó hiểu thật. Phen này công ty nào chuyên cung cấp kit tha hồ mà kiếm
bạc. Ông Vương Đình Huệ đã từng phát biểu là một kit test tương đương tiền mua
một liều vaccine. Thế dùng tiền đấy mà mua vaccine không tốt hơn sao? Việt Nam
đang cần vaccine lắm mà.
Mới đây, lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ
phân bổ thêm vaccine. Theo đó, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và từng bước
mở cửa lại nền kinh tế, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch TPHCM kiến nghị Chính phủ
quan tâm phân bổ kịp thời và đầy đủ vaccine, thuốc điều trị cho thành phố và
toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi muốn giảm giãn cách, sớm mở cửa thì yếu tố hàng đầu là phải tiêm
đủ vaccine trong cộng đồng.
Hiện nay số người tiêm đủ 2 mũi ở thành phố mới
chỉ được 2.006.981 người, tức 20%. Con số còn thấp quá mà hết thuốc rồi, có muốn
tiêm cũng chẳng có thuốc, kể cả thuốc Sinopharm. Oái ăm thế chứ. Giờ nhiều người
quan niệm thôi thì có gì chích nấy, nhưng lỡ mũi 1 là thuốc Mỹ, thuốc Anh rồi,
không thể mũi 2 chích thuốc Tàu. Mà lắm khi chuyện này cũng có thể lắm à nghen.
Đến lúc cần thì lãnh đạo bảo được, báo chí cũng được lệnh bảo được thì dân cũng
phải chịu thôi, biết làm sao?
Trong khi các nước nghèo, trong đó có Việt Nam
đang thiếu vaccine thì cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo, hơn 100 triệu
liều vaccine có thể sẽ hết hạn và bị vứt bỏ vào tháng 12 tới đây nếu chúng
không được chia sẻ cho các nước nghèo.
“Chúng ta cần một kế hoạch phân phối
vaccine ‘sử dụng ngay bây giờ’ để ngăn ngừa thảm họa lãng phí vaccine vì hết hạn
sử dụng. Thật không thể tưởng tượng được và đó là vô lương tâm khi 100 triệu liều
vaccine sẽ bị các nước giàu vứt bỏ trong khi người dân các nước nghèo lại phải
trả giá cho sự lãng phí vaccine này bằng mạng sống“, ông Brown cho biết hôm
19/9.
Cựu Thủ tướng Anh cho biết, việc Thủ tướng Anh
Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo EU không có kế hoạch
về phân phối liều vaccine dự phòng sẽ đồng nghĩa với việc thế giới đang phải đối
mặt với “thảm họa lãng phí vaccine”.
WHO cũng cảnh báo, nếu không cung cấp vaccine
cho các nước chậm phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi, thế giới sẽ trở về
vạch xuất phát của đại dịch. Thành phố ta cũng thế thôi, nếu mở cửa mà thiếu
vaccine, chúng ta cũng sẽ trở về vạch xuất phát.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: “Đến lúc
TP phải tính đến mức độ giãn cách đảm bảo độ an toàn. ‘TP không thể không mở cửa
lúc này’,” ông Nên đã khẳng định như thế. Bởi không sớm mở cửa thì doanh nghiệp
chết, kinh tế sụp đổ, dân đói. Theo tính toán GDP của thành phố, ước tính sẽ âm
2,8%, trong khi những năm trước đó là tăng khoảng 7 đến 8%. Nếu tiếp tục chống
dịch kiểu này thì tốc độ tăng trưởng GDP so với GDP tiềm năng của thành phố giảm
khoảng 80-90%.
Mở
cửa là giải pháp sống còn của thành phố, nhưng khổ thay lại chưa đạt những tiêu
chí quy định của Bộ Y tế, lại chưa mạnh dạn và còn lắm điều khiến lãnh đạo rụt
rè. Nếu đã mở thì mở hẳn chứ mở ra rồi đóng lại là sụp luôn, không cách gì cứu
vãn. Kiểu đó giết chết cả nền kinh tế lẫn lòng tin của nhân dân.
Giãn cách quá lâu, dân đang đói. Đã có biết
bao tiếng kêu than gián tiếp hay trực tiếp trên livestream với lãnh đạo thành
phố. Các tổ chức từ thiện và thiện nguyện đang vắng dần, các gói an sinh và trợ
cấp cũng đã dùng hết. Thành phố dự kiến chi hơn 7.000 tỷ để hỗ trợ 7,3 triệu
dân gặp khó khăn đợt 3. Theo Phó chủ tịch Võ Văn Hoan, số lượng hỗ trợ dự kiến
là hơn 7,3 triệu người, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Mức hỗ trợ
dự kiến là 1 triệu đồng/người.
Ông Hoan cũng lưu ý về nguyên tắc mới của gói
hỗ trợ này là cả cán bộ nhà nước cũng như người dân không được lợi dụng gói này
để trục lợi. Nhắc là nên nhắc cán bộ thôi, cái đám này mới có cơ hội để kiếm lợi
chứ dân đen có quyền chi mà trục ông ơi!
Nhưng qua hết đợt này rồi sao nữa? Chắc ngân
sách thành phố cũng sẽ cạn mà người nghèo, người thất nghiệp, người thiếu đói vẫn
còn đó, cuộc sống của họ sẽ tiếp tục thế nào khi nền kinh tế chắc còn lâu mới
phục hồi và khởi sắc.
Người bán hàng rong thì cụt vốn rồi, người
buôn bán nhỏ, các cửa hàng, quán tiệm thì đã bị lấy lại mặt bằng hoặc trả mặt bằng,
dựng lại cũng không dễ. Người lao động thì kiếm việc làm lại cũng lắm khó khăn.
An ninh, trật tự xã hội rồi đây sẽ lắm chuyện vì trộm cướp, lừa đảo, ăn xin sẽ nhiều
hơn.
Vừa rồi khi cho phép mở lại chợ Bình Điền,
hàng tấn thủy hải sản được thương nhân trữ tại chợ bị hư hỏng phải đổ bỏ do tủ
đông trữ hàng bị mất điện. Thương nhân cho rằng, chợ không làm hết trách nhiệm
trong việc bảo vệ, giám sát hàng hóa nên yêu cầu bồi thường. Hư hỏng hàng trăm
triệu đồng, buôn bán lại cũng không biết kiếm vốn ở đâu. Nhiều tiểu thương ở
các chợ cũng phát hiện hàng hoá hư hỏng, ẩm mốc rất nhiều.
Lại có tin, Trung Quốc thông báo tạm dừng
thông quan nhập khẩu quả thanh long từ Việt Nam trong thời gian 7 ngày do phát
hiện virus trên bao bì mặt hàng này. Lắm chuyện để lo. Việc có virus trên bao
bì cũng là điều đáng sợ. Hiện nay người tiêu dùng toàn mua hàng online, qua bao
nhiêu người mới được đến tay, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Vì vậy, để bảo vệ sức
khoẻ bản thân, nhiều người đã không ngừng nâng cao cảnh giác, nhận hàng là khử
khuẩn ngay.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp, việc
phun khử khuẩn lên đồ ăn, thức uống ngay khi vừa nhận đồ từ bên ngoài không
đúng lại gây hại cho sức khoẻ. Theo hướng dẫn chăm sóc người mắc virus tại nhà
của Bộ Y tế, trong đó khuyến cáo mọi người khi mở gói hàng tại nhà, tuyệt đối
không phun chất khử trùng dùng cho khử khuẩn quần áo lên thực phẩm, kể cả là ở
mặt ngoài. Thậm chí, việc sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hoặc khử khuẩn cho thực
phẩm cũng là điều không nên.
Thay vào đó, để đảm bảo an toàn, mọi người nên
làm theo những cách do trang UNICEF Việt Nam đăng tải dưới đây:
– Loại bỏ mọi bao bì không cần thiết và bỏ vào
thùng rác có nắp đậy.
– Lấy thực phẩm ra khỏi hộp đựng mang đi, đặt
lên đĩa sạch và vứt bỏ hộp đựng.
– Bao bì như lon có thể được lau sạch bằng chất
khử trùng trước khi mở hoặc cất giữ.
– Rửa kỹ các sản phẩm không đóng gói, chẳng hạn
như trái cây và rau quả dưới vòi nước.
– Rửa tay bằng xà phòng và nước, hoặc sử dụng
chất tẩy rửa tay có cồn ngay sau đó.
– Rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước
trong ít nhất 20 giây trước khi chế biến bất kỳ loại thực phẩm nào. Lặp lại điều
này trước khi ăn.
– Nấu thức ăn ở nhiệt độ sao cho đúng tiêu chí
“ăn chín uống sôi”.
Hôm nay là 14.8 âm lịch, một mùa Trung thu hiu
hắt và lặng lẽ. Phố lồng đèn ở Quận 5 đóng cửa, phố xá vắng không một quầy bán
bánh. Người ta lại nhìn thấy những chiếc lồng đèn bằng lon bia, lon sữa bò do
các ông bố rảnh việc ngồi làm cho con, cho cháu. Những chiếc lồng đèn của một
thời xa xưa, lâu lắm mới nhìn thấy lại chạy rổn rảng trên những con ngõ nhỏ vẫn
còn giăng dây, quấn kẽm. Một Tết Trung thu khó mà quên.
20.9.2021
DODUYNGOC
_______
Một số hình ảnh:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/2-22.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/3-16.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/4-5.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/5-2-208x420.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/2-696x903.png
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/7-2.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/09/8-2.jpg
No comments:
Post a Comment