Freedom House: Việt Nam vẫn không có tự do Internet
Nguyên Sa dịch thuật
22 Sep 2021
https://www.luatkhoa.com/2021/09/freedom-house-viet-nam-van-khong-co-tu-do-internet/
Điểm số giữ nguyên, tình
hình tệ hơn.
Bài viết “New Research: Vietnam Remains “Not Free” On Internet
Freedom, Freedom House Says” của tác giả Aerolyne Reed được đăng
trên The Vietnamese vào ngày 21/9/2021. [1] Bản dịch tiếng Việt do Nguyên Sa thực
hiện.
---
Ở Việt Nam, tự do Internet vẫn luôn nằm trong
quyền kiểm soát của nhà nước. Nhà báo, blogger, nhà hoạt động đối mặt với rủi
ro cao bị chính quyền quấy rối, thậm chí là bỏ tù. Vào tháng 9/2021, Freedom
House, một tổ chức ra đời tại Mỹ nhằm ủng hộ và bảo vệ dân chủ trên toàn cầu đã
công bố báo cáo thường niên mang tựa đề Freedom on the Net 2021 (Tự do trên mạng 2021). [2] Tự do
Internet ở Việt Nam tiếp tục được
đánh giá thấp theo thang đo và phân tích của báo cáo này. [3] Cùng với đó,
bối cảnh chung của đất nước cũng tiếp tục tồi tệ đi theo từng năm.
Phương pháp đo lường
của Freedom House
Trong báo cáo, Freedom House đánh giá mỗi nước
theo thang điểm từ 100 đến 0, với 100 đại diện cho mức tự do cao nhất, và 0 là
mức thấp nhất. Mức điểm tối đa 100 được chia thành ba hạng mục, gồm: Rào cản tiếp
cận (25 điểm), Giới hạn nội dung (35 điểm), và Xâm phạm quyền của người sử dụng
(40 điểm). Ba hạng mục này lại được chia tiếp thành nhiều câu hỏi để Freedom
House xác định thứ hạng tương thích của một quốc gia.
Những nước đạt mức 70-100 điểm thuộc nhóm Tự
do (Free), mức điểm 40-69 được đánh giá là Tự do một phần (Partly Free),
và những quốc gia đạt mức điểm từ 0-39 thuộc nhóm Không tự do (Not Free).
Độc giả có thể đọc chi tiết về phương pháp
đánh giá của Freedom House tại đây. [4]
Những vụ việc
chính
Trong
báo cáo của Freedom House năm nay, Việt Nam được chấm 22 điểm, thuộc nhóm Không
tự do. Mức điểm này bằng với đánh giá năm 2020 (22)
và thấp hơn 2 điểm so với năm 2019 (24). Tuy nhiên, điểm số giữ nguyên so với
năm ngoái không có nghĩa là tình hình không thay đổi. Chẳng hạn, vào năm 2020,
vụ gián đoạn kết nối tại Đồng Tâm cùng với việc mạng xã hội Facebook không truy
cập được trên toàn Việt Nam vào tháng 2/2020 là căn cứ để Freedom House hạ mức
điểm của Việt Nam trong hạng mục tiếp cận Internet. Trong năm 2021, không có vụ
việc tương tự nào được ghi nhận cho đến thời điểm này, vì vậy, Việt Nam được
đánh giá tốt hơn. Ngoài ra, nhiều vấn đề trong quá khứ không còn tồn tại, và
nhiều vấn đề hiện nay không đáng lo ngại như ở thời điểm 1-2 năm trước.
Báo cáo Tự do trên mạng 2021 bắt đầu bằng việc
liệt kê một số vụ việc chính ảnh hưởng đến tổng điểm của Việt Nam.
Đầu tiên, báo cáo chỉ ra rằng
chính quyền đã đe dọa buộc Facebook ngừng hoạt động tại Việt Nam nếu như công
ty này không chấp thuận yêu cầu hạn chế những nội dung mà chính quyền cho là
“nhạy cảm” hoặc “mang tính chỉ trích”.
Thứ hai, báo cáo nhắc đến cuộc tổng
tuyển cử diễn ra vào tháng 5/2021 cùng với chiến dịch kiểm duyệt, bắt bớ và bôi
nhọ liên quan đến các ứng cử viên độc lập. Song song đó, các vụ bắt giữ nhà hoạt
động và blogger vẫn tiếp tục xảy ra.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2021/01/Reuters.jpg
Từ trái qua: nhà
báo Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Phạm Chí Dũng trong phiên tòa
ngày 5/1/2021. Các nhà báo bị tuyên phạt tổng cộng 37 năm tù. Ảnh: Reuters.
Cuối cùng, báo cáo đề cập đến dự thảo nghị định
bảo vệ dữ liệu cá nhân được công bố vào tháng 2/2021. Nếu được thông qua, dự thảo
này sẽ yêu cầu các nền tảng trực tuyến thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân của
người dùng Việt Nam nhằm mục đích cung cấp cho chính quyền khi có yêu cầu.
Những vụ việc này cung cấp cho chúng ta bối cảnh
cần thiết để hiểu cách mà Freedom House “cho điểm” Việt Nam trong báo cáo vừa
công bố.
Tự do Internet ở
Việt Nam
Ở hạng mục Rào
cản tiếp cận, Việt Nam đạt 12/25 điểm (48%).
Báo cáo chỉ ra rằng độ phủ Internet tại Việt
Nam đạt mức 68,7% dân số, còn tỷ lệ người dân sử dụng smartphone là 61,37%. Giá
cước Internet rẻ đi, kể cả với người dân nông thôn. Dù vậy, kết nối mạng vẫn là
một vấn đề đối với những người nghèo cùng cực và người dân tộc thiểu số tại các
vùng núi.
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành
nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam, tuy vậy, họ gặp nhiều rào cản. Hiện tại,
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Viettel thống trị thị trường với
thị phần lần lượt là 40% và 38%. Thị trường mạng di động cũng không có khác biệt,
với ba cái tên nắm giữ phần lớn các thuê bao lần lượt là Viettel (50,5%),
VinaPhone (24,6%) và MobiFone (21,1%). Với tình hình này, các công ty nhỏ hơn
trong ngành Internet và mạng di động không thể có cửa cạnh tranh với những công
ty đã có thâm niên.
Chính quyền Việt Nam vẫn giữ quyền ngắt kết nối
khi họ muốn. Nhiều cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ điều tiết và kiểm soát
công nghệ số vẫn được phép hoạt động bí mật, tránh khỏi sự giám sát của công
chúng.
Về Giới hạn
nội dung, Việt Nam đạt 6/35 điểm
(17%).
Chính quyền Việt Nam tiếp tục chủ động chặn hoặc
lọc bất kỳ nội dung nào mà họ cho là thách thức sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam (ĐCSVN). Mục tiêu kiểm duyệt bao gồm những trang blog nổi tiếng, những
nhân vật nhiều người theo dõi, những nội dung quảng bá các tổ chức tôn giáo, và
những trang báo trong nước và quốc tế có tinh thần phản biện chế độ cầm quyền.
Báo cáo của Freedom House năm 2021 chỉ ra rằng Cục An ninh mạng và Phòng chống
Tội phạm công nghệ cao đã “giám sát và chặn 3.400 trang web nước ngoài có đăng
tải ‘thông tin xấu độc’ trong năm 2020”. Chính quyền cũng đã đe dọa bắt
Facebook ngừng hoạt động, vì thế, mạng xã hội này buộc phải chấp thuận xóa các
nội dung mà ĐCSVN cho là “chống phá nhà nước”.
Luật An ninh mạng được thông qua vào tháng
1/2019 cũng đã dẫn đến những vụ gỡ bỏ nội dung hàng loạt. Chính quyền đã áp dụng
những hình phạt nặng và đình bản các tờ báo mạng vì đăng tải những quan điểm chỉ
trích. Ngoài ra, áp lực ngày càng gia tăng từ chính quyền đã khiến các nền tảng
mạng xã hội tuân phục yêu cầu hạn chế các nội dung mà ĐCS cho là không phù hợp.
Tài khoản mạng xã hội của các nhà hoạt động và
nhà bất đồng chính kiến cũng luôn nằm trong mối đe dọa bị tạm ngưng vì “vi phạm
tiêu chuẩn cộng đồng” của nền tảng đó. Vì thế, từ nhà báo, những người chuyên
bình luận, cho đến những người dùng Internet bình thường đều phải thực hành tự
kiểm duyệt ở một mức độ nào đó hoặc sẽ đối mặt với nguy cơ bị chính quyền bắt
giữ hoặc tra hỏi.
Bối cảnh kiểm duyệt và kiểm soát diện rộng này
tạo cho chính quyền Việt Nam một nền tảng hoàn hảo để ảnh hưởng, thay đổi, và
điều khiển dư luận. Báo cáo trích dẫn Viện Internet Oxford (Oxford Internet Institute – OII) rằng
“Việt Nam vận hành một mạng lưới khoảng 10.000 người để thao túng thông tin
trên Facebook và Youtube [và] ít nhất một cơ quan nhà nước có liên đới.” [5]
Về hạng mục Vi
phạm quyền của người sử dụng, Việt Nam đạt 4/40 điểm
(10%).
Mặc dù Hiến pháp khẳng định quyền tự do biểu đạt,
quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí và những quyền tương tự, chính
quyền Việt Nam không bảo vệ những quyền cơ bản này. Báo cáo Tự do trên mạng
2021 chỉ ra rằng “cảnh sát thường xuyên bỏ qua thủ tục, bắt bớ blogger và những
nhà hoạt động online mà không có lệnh bắt, hoặc tạm giữ họ trong thời gian vượt
mức thời hạn mà luật cho phép”. Báo cáo còn nói thêm là Luật An ninh mạng cũng
“ngăn cấm một loạt hoạt động trên mạng” bên cạnh việc tăng cường áp lực lên người
dùng Internet và các nhà mạng xã hội.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2021/04/activists-1024x536.jpg
Từ trái qua: Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy,
Nguyễn Thúy Hạnh, Cấn Thị Thêu, Phạm Chí Dũng, Trịnh Bá Phương, sáu trong
số những nhà hoạt động bị chính quyền bắt giữ trong thời gian gần đây. Đồ họa:
Luật Khoa. Ảnh: Thịnh Nguyễn, RFI, Facebook nhân vật.
Tính đến tháng 6/2021, theo báo cáo, 235 nhà hoạt động
đang bị giam giữ trong trại tạm giam vì thực hiện quyền tự do biểu đạt. Nhiều nhà báo, nhà hoạt động, và cả những người dùng mạng xã hội bình
thường cũng đã phải chịu những án tù hà khắc hoặc các mức phạt nặng nề từ hoạt
động trên mạng vì bị cho là vi phạm các điều khoản 117 và 331 của Bộ luật Hình
sự. Nhà báo kỳ cựu Phạm Thị Đoan Trang, đồng sáng lập viên kiêm biên tập viên
của Luật Khoa Tạp chí, cũng đã bị bắt tạm giam từ tháng 10/2020 và bị kết tội
“làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117. [6]
Báo cáo cũng đề cập đến các vụ việc xoay quanh
Bluezone, một ứng dụng truy vết COVID-19. Người dân không được biết ứng dụng
này tiết lộ thông tin riêng tư của người dùng cho chính quyền; vào tháng
6/2021, chính quyền thông báo sẽ xử phạt những người không cài đặt ứng dụng này
vào điện thoại di động khi họ đến một số khu vực công cộng. Đây là một sự vi phạm
trắng trợn đến quyền riêng tư của người dân.
Những vụ đe dọa và bạo lực thể xác mà nhà cầm
quyền gây ra cũng được nêu trong báo cáo, cùng với tên của các blogger và nhà
hoạt động nổi bật đã bị theo dõi hoặc giam lỏng tại nhà. Một vụ việc nổi cộm được
trích dẫn là trường hợp của Lê Anh Hùng, một blogger và nhà hoạt động vì dân chủ.
Anh đã bị “đánh bằng ghế gập kim loại, trói vào giường, và bị ép uống thuốc khi
bị giữ lại tại một bệnh viện tâm thần mà không có sự đồng thuận của anh” vào
tháng 7/2020. Hùng bị bắt vào tháng 7/2018 vì chỉ trích nhà nước cộng sản độc đảng
trong các bài đăng trên mạng.
Kết luận
Tự do Internet ở Việt Nam tiếp tục ở trong
tình trạng tồi tệ và gây thất vọng. Không có bất kỳ sự cải thiện nào được ghi
nhận trong việc bảo vệ quyền của người sử dụng mạng. Tình hình kiểm soát hà khắc
vẫn được duy trì ngay cả trong những thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Nhà nước
Việt Nam tiếp tục siết chặt gọng kìm đối với các luồng thông tin bằng cách áp đặt
kiểm duyệt mạng xã hội, nhà báo, và các tờ báo, cũng như đè nén các cuộc thảo
luận hàng ngày của người dân trên mạng.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng “ngày càng có
nhiều người Việt Nam trẻ, có giáo dục chuyển sang tiếp nhận thông tin từ các
trang blog, mạng xã hội và các trang tin trên mạng thay vì các đài truyền hình
và phát thanh quốc gia”, đồng thời, “các công cụ tránh kiểm duyệt” khá phổ biến
và dễ tìm. Vì thế, dù chính quyền có tiếp tục thực hiện mục tiêu độc quyền kiểm
soát luồng thông tin, những nỗ lực của họ đang thất bại. Sự thật vẫn đang được
lan truyền và người Việt Nam vẫn luôn tìm cách để tránh những bức tường mà
chính quyền dựng lên.
Trong báo cáo Freedom on the Net 2021 của Freedom
House, chương về Việt Nam do Trịnh Hữu Long, sáng lập viên - tổng biên tập của
Luật Khoa tạp chí, thực hiện.
Chú thích
2. Freedom House. (2021). The Global
Drive to Control Big Tech. https://freedomhouse.org/report/freedom-net/2021/global-drive-control-big-tech
3. Freedom House. (2021b). Vietnam.
https://freedomhouse.org/country/vietnam/freedom-net/2021
4. Freedom House. (2021). Methodology
Questions. https://freedomhouse.org/sites/default/files/2021-09/FOTN_2021_Methodology_Download.pdf
5. Homepage. (2021). Oxford
Internet Institute.
6. Vietnam, L. I. F. (2021, June 5). LIV’s
statement on the arrest of Pham Doan Trang, our co-founder. Legal
Initiatives for Vietnam.
https://www.liv.ngo/livs-statement-on-the-arrest-of-our-co-founder/
No comments:
Post a Comment