Tuesday, September 14, 2021

ĐỀ NGHỊ VIỆN SỬ HỌC VIỆT NAM LÊN TIẾNG! (Đông Sa)

 


Đề nghị Viện Sử học Việt Nam lên tiếng!

Đông Sa

14/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/14/de-nghi-vien-su-hoc-viet-nam-len-tieng/

 

Trước khi đi vào phần chính của bài viết, tôi xin nêu hai tiên đề: Một: Sự kiện lịch sử chỉ xảy ra có một lần; sử gia đời sau phải chép sao cho đúng hoặc gần đúng với sự thật nhất mới là lịch sử chân chính.

 

Thứ hai, tôi không dẫn lời một “thằng ngụy Nam Việt Nam” nào, hay một tác giả có sách báo chỉ phổ biến trong nước Việt Nam. Lời tôi dẫn là của Markus Wolf (19/1/1923 – 9/11/2006), nhân vật kiệt xuất của tình báo Đông Đức một thời, tướng hai sao, có 34 năm làm Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại, thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức.

 

Năm 1997, Wolf giao cho nhà xuất bản danh tiếng khắp toàn cầu là Random House xuất bản cuốn hồi ký nổi tiếng “Man Without a Face: The Autobiography of Communism’s Greatest” của mình. Wolf viết cuốn này với tư cách là một kẻ thua trận – Cộng hòa Dân chủ Đức đã tan hàng sau cái đêm 9/11/1989 – cuốn sách chứa đựng nhiều giải bày, cũng như tiết lộ bao thâm cung bí sử của ngành tình báo và nội tình chính sự Đông Đức.

 

Kết thúc phần “Lời Mở Đầu” của cuốn Hồi ký, Markus Wolf đã hạ bút viết: “Bất cứ lịch sử nào đích thực, có danh xưng là lịch sử không thể chỉ do kẻ thắng trận viết ra”.

 

                                                      ***

 

Viện Sử học Việt Nam hiện là cơ quan chủ quản của ngành lịch sử Việt Nam, kể từ 1953 cho đến nay. Mỗi một dòng lịch sử Việt Nam muốn được công bố từ đó đến nay, đều phải qua sự chuẩn nhận của Viện này.

 

Ông Trần Huy Liệu là một cây đại thụ của sử học Việt Nam kể từ 1953 và là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông cũng là vị Viện trưởng Viện Sử học đầu tiên cho đến khi ông mãn phần năm 1969. (Ấy là chưa kể hết hàng lô chức vụ quan trọng khác của ông trong thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ năm 1945 cho đến hết đời). Ông cũng là người được truyền tụng là đại sư đã đào tạo ra “tứ trụ” của ngành sử học Việt Nam đương đại là Lâm-Lê-Tấn-Vượng.

 

Và Ông-cố viện trưởng đầu tiên của Viện Sử Học Việt Nam cho đến mãn đời cũng là người Bịa ra nhân vật anh-hùng Lê-Văn-Tám.

 

Kể ra thì chuyện này cũng đã “cũ”. Thiên hạ đã xếp xong chuyện này từ năm 2009 khi GS Phan Huy Lê bộc bạch ra việc ông Trần Huy Liệu “dựng lên” Lê Văn Tám trên tạp chí Xưa và Nay số tháng 10 /2009.

 

Xếp lại là thiên hạ xếp qua xếp lại với nhau, còn chữ nghĩa của GS Phan Huy Lê với ông Trần Huy Liệu thì vẫn còn giữ đúng “đạo nghĩa thầy trò” lắm. Phần danh chánh thì Viện Sử học chưa bao giờ chính thức lên tiếng về việc này. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, hay là cứ “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Đừng có giỡn chơi, quý vị là khoa học lịch sử mà…

 

                                                     ***

 

Chuyện thứ hai cũng liên quan đến một nhân vật lịch sử mà là nhân vật thật nhưng cũng dính dáng đến chuyện Bịa và người dính tới vẫn là ông Trần Huy Liệu, cố viện trưởng đầu tiên và mãn đời của Viện Sử học Việt Nam. Chuyện “phản động” này xảy ra mới đây, giữa năm 2021 này.

 

Đó là cuốn “Phan Thanh Giản và Vụ Án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân”, của tác giả Winston Phan Đào Nguyên, nhà xuất bản Nhân Ảnh 2021, phát hành bản in giấy ở Mỹ tháng 7/2021 và bản PDF qua mạng tháng 8/2021. Tác giả được giới thiệu là Cử Nhân khoa Lịch Sử Bằng Danh Dự (B.A. cum laude, History Departmental Honors) tại UCLA, 1987 và Tiến Sĩ Luật khoa (JD), Boalt Hall School of Law, UC Berkeley, 1990.

 

Chuyện liên quan đến vị Tiến Sĩ khai khoa ở Nam bộ rồi trở thành quan Kinh Lược Sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản xảy ra ở trong nước, tôi chỉ biết từ sau tháng 4/1975.

 

Đầu tiên là việc quân ta chém đầu Phan Thanh Giản sau tháng 4/1975 tại Cần Thơ (dĩ nhiên là đầu tượng, nhưng cũng phải cho đầu rời khỏi cổ lăn xuống đất) và xém chút nữa là đào mồ Phan Thanh Giản ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, mà hốt cốt quăng sông.

 

Nhưng sau đó thì… thế cục xoay chiều. Dường như cuộc hội thảo đầu tiên xoay đổi cái sự “nhìn nhận” về Phan Thanh Giản là ở Vĩnh Long năm 1994, sau đó là cuộc “Tọa đàm về Phan Thanh Giản” năm 1996 ở số 43 Nguyễn Thông, Sài Gòn. Cũng khá lâu rồi, tôi không còn nhớ những kết luân cụ thể của hai cuộc hội thảo này nhưng ý chính là đã có cái nhìn khác về Phan Thanh Giản.

 

Năm 2002, một cuộc tọa đàm nặng ký hơn được tổ chức. Tọa đàm này có sự tham dự của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các giáo sư Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Trần Văn Tạo, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, cùng rất nhiều tên tuổi nổi danh khác trong lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Nam bộ, có cả Bí thư và Chủ tịch hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long tham dự. Và kết quả là “Tọa đàm đã có sự nhất trí cao về tinh thần thương dân, yêu nước của Phan Thanh Giản”.

 

Thú thật cái vụ “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” do ông Phan Huy Liệu chủ trì trước kia là tôi mù tịt. Tôi chỉ biết vụ “Phan Lâm…” này “thông qua” các cuộc tọa đàm vừa nêu.

 

Nay vớ được cuốn sách “Phan Thanh Giản và Vụ Án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” của tác giả Winston Phan Đào Nguyên như vừa nêu trên làm tôi… tá hỏa!

 

Không có chuyện “Đọc sách giùm độc giả” ở đây, nhưng tôi cũng nên có vài sơ lược về cấu trúc tác phẩm, cách khai triển lập luận, các luận điểm và cuối cùng là nhận ra ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm.

 

Đây là cuốn sách biên khảo với mục đích là khảo chứng, nhằm bác bỏ quan điểm do Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử (tcNCLS) dưới quyền chủ trì của ông Phan Huy Liệu đưa ra là:

“Nhất trí ở chỗ kết án tội nhân của lịch sử” và kết luận quan điểm này là sai trái, bịa đặt. (Và người viết bài này cũng xin nói thêm cho nhanh và gọn là tcNCLS thực chất là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Viên Sử Học. Quan điểm của tcNCLS cũng được xem như là quan điểm của Viện Sử Học

 

Sách dày 384 trang, nội dung chia làm 5 phần trong đó Phần Dẫn Nhập, gần như tóm lược các luận điểm của sách và phần cuối Thay Lời Kết là thông lệ. 18 chương còn lại là nội dung chính của tác phẩm chia làm 3 phần.

 

Phần 1: Từ chương I đến chương III: Tìm hiểu về câu “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” (PLMQ, TĐKD) ở Miền Bắc Việt Nam từ sau năm 1954.

 

Phần 2: Từ chương IV đến chương XI: Câu “PLMQ, TĐKD” và câu chuyện chung quanh nó đã được trình bày có đúng với lịch sử không?

 

Phần 3: Từ chương XII đến chương XVIII: Đi tìm nguồn gốc câu “PLMQ, TĐKD” và xác định tác giả đích thực của câu này.

 

Với cấu trúc nội dung như thế, tác giả Winston Phan Đào Nguyên đã lập luận, trưng dẫn các dữ liệu, sử liệu, bác bỏ các luận cứ đang xét và cuối cùng tác giả đi đến kết luận là:

 

Câu “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” không phải là một sự kiện lịch sử có thật ở Nam kỳ trong khoảng thời gian 1862-1864, là thời gian Trương Định còn sống và hành động dưới cờ Bình Tây Tướng Quân và rất, rất nhiều khả năng là nguyên câu này cũng không có trong văn thơ Quốc ngữ lẫn Hán – Nôm trong cả nước trước năm 1954 (riêng Miền Nam là tuyệt đối không rồi). Dùng cái câu bất khả bằng, vô xuất xứ này làm “bằng chứng lịch sử” để kết tội Phan Thanh Giản bán nước là sai; và hơn thế nữa, tác giả đi đến xác định, tác giả của câu “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” không ai khác hơn là ông Trần Huy Liệu.

 

Chúng tôi chỉ là người đọc sách, không đủ trình độ và cũng chẳng “rảnh” để “đập một phát” cái tay “phản động” Phan Đào Nguyên này, và hơn nữa, xem ra cũng “khó ăn” bởi lập luận chặt chẽ, dữ liệu, sử liệu dồi dào và công trình biên khảo cũng công phu lắm.

 

Chỉ còn đọng trong chúng tôi là: Bây giờ, lại có người cho rằng Trần Huy Liệu đã từng bịa thêm một chuyện nữa, thời gian xảy ra cơ sự là năm 1963, khi ông đang là Viện trưởng Viện Sử Học, với quyền sinh-sát-Sử trong tay ông, khi ông phán cũng phải hiểu là đồng nghĩa với Viện Sử phán. (chuyện bịa Lê Văn Tám là cuối năm 1945).

 

Và người cho rằng Trần viện trưởng đã bịa, chẳng phải ăn nói vu vơ, mà viết cả một cuốn sách ba bốn trăm trang hẳn hoi để lôi tóm ra điều này.

 

Làm sao đây hỡi… trời! Sách của Viện Sử Học, của các thành viên Viện Sử Học, xin lỗi , không nói dóc, chúng tôi đọc cũng khá … nhiều nhiều và con cháu chúng tôi thì đọc, học các loại lịch sử này … tràng giang đại hải và tin sái cổ.

 

Thế mà cứ lâu lâu lại xì ra một vụ bịa thế này thì biết làm sao?

 

Thôi thì phải đề nghị Viện Sử Học Việt Nam lên tiếng vậy.





No comments: