Friday, September 10, 2021

CHUYỆN VỀ "RANH GIỚI" (Lê Nguyễn Duy Hậu)

 


CHUYỆN VỀ "RANH GIỚI" 

Lê Nguyễn Duy Hậu

09/09/2021   13:32    

https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/10159651786394532

 

Ngày hôm qua, khi vừa xem xong bộ phim trên VTV, mình đã thấy rất tiếc. Tiếc vì một bộ phim có thiện ý, đoàn làm phim vất vả, can đảm, và kể một câu chuyện đáng kể... lại chứa những hạt sạn mà lẽ ra đã có thể tránh được. Tuy nhiên, mình đoán rằng với làn sóng ủng hộ bộ phim ngay lập tức như vậy thì mọi góp ý đều có thể bị xem là tấn công bộ phim, hay tệ hơn là tấn công các nhân vật trong phim (mà ở đây là y bác sĩ), vì thế cần một khoảng lùi phù hợp để có thể góp ý. Ngày hôm nay thì các mặt báo cũng đã bắt đầu nói về hạt sạn đó, và mình thấy rất đáng mừng.

 

Mình đồng ý với những gì bạn mình nói trong link ở cuối bài và mình muốn lặp lại một vài ý. Đồng thuận là thứ mà hôm nay nhiều người bàn đến và chính đạo diễn cũng khẳng định đã lấy đồng thuận của những bệnh nhân. Điều này là rất tốt và hy vọng nó được cố gắng làm một cách chuẩn nhất có thể. Một quy trình đồng thuận chuẩn không chỉ là một quy trình tìm cách lấy chữ ký vào một tờ giấy rồi thôi. Nó là một quá trình thảo luận, bàn bạc, giải thích kĩ lưỡng về quyền, về hậu quả, về tác động với một người đồng thuận minh mẩn, tỉnh táo (không chỉ về mặt thể xác - còn tỉnh, còn nói được - mà cả về tinh thần và trí tuệ). Nó không khác gì một quy trình làm di chúc cả vì có khi hình ảnh đó là hình ảnh cuối cùng của họ. Chính vì vậy, trong một số dự án nghiên cứu phải đi thu thập thông tin từ cộng đồng, mình được yêu cầu khi lấy đồng thuận phải thu âm từng lời giải thích và từng lời xác nhận của người cho đồng thuận. Với những dự án có tính nhạy cảm hơn, người cho đồng thuận còn tham gia vào các hoạt động hậu kì để đảm bảo rằng họ hiểu được hệ quả có thể đến với họ. Bản thân mình sẽ không chọn lấy đồng thuận của một người đang nằm trên giường bệnh. Tuy nhiên đó chỉ là lựa chọn cá nhân. Quan trọng hơn cả là quy trình lấy đồng thuận chính là một sự thừa nhận rằng cá nhân có quyền. Tuy có hơi mất công, nhưng quyền của người khác khó có thể qua loa được nếu bản thân cũng không muốn người khác qua loa với quyền của mình.

 

Tất nhiên, đôi khi một mục đích lớn lao nào đó (ví dụ như răn đe, tuyên truyền - mà ta hay gọi là lợi ích công cộng) cũng có thể được đưa ra để làm căn cứ cho việc không tuân theo quy trình chuẩn. Ở đây, một lý do được đưa ra đó là "để những người thân không được gặp nạn nhân lần cuối có thể lưu giữ lại kỉ niêm". Giải thích này nghe qua thì hợp lý, nhưng suy xét kỹ thì lại có vấn đề. Một nguyên tắc hướng dẫn mọi người khi phải lựa chọn quyết định thay người khác, hoặc tạm xâm hại quyền của người khác cho một mục đích lớn hơn đó là đặt câu hỏi "liệu có cách nào khác không?". Thật ra nếu muốn nghĩ cho người nhà của nạn nhân, thì việc gửi footage gốc cho gia đình, trong khi vẫn biên tập để bảo vệ quyền của nạn nhân khi đưa lên sóng không phải là cách làm vừa trực diện, vừa hay hơn sao? Nếu câu trả lời là có, thì cách giải thích trên lại không thoả đáng.

 

Đối với những cảnh phim ở trong vùng xám, mình thường đánh giá nó bằng cách đặt một câu hỏi: "nếu hình ảnh này xảy ra ngoài đời thực và mình phải tận mắt chứng kiến, mình có muốn khuyến khích mọi người cùng xem và bình luận về nó không?" Truyền hình có một tác động vô hình đó là bảo vệ người xem thông qua một lăng kính. Nhưng nó lại không bảo vệ được các nhân vật trên truyền hình. Với cảnh phim của người hấp hối, hay của người cha vừa mất con được quay cận mặt, liệu bạn có muốn là người đứng xem cùng hàng triệu người khác khung cảnh đó, cùng nhau bình luận, trầm trồ, thương xót không? Với mình thì câu trả lời đó là tình huống ngoài đời thế nào cũng nên là cách hành xử khi thấy tình huống đó trên truyền hình.

 

Nói tóm lại, mình thấy rất tiếc cho bộ phim. Lẽ ra nó đã có thể hoàn hảo hơn. Tất nhiên, thành công của bộ phim đang quá lớn và những góp ý khó có thể sẽ được lắng nghe, nhưng ở một không gian khác, có thể nó vẫn có tác dụng nào đó. Mình biết có nhiều bạn sẽ không vui khi thấy những lời góp ý này. Nhìn chung thì có nhiều phản biện lại đối với các góp ý cho bộ phim đơn giản chỉ là "phim hay như vậy, phim cảm động như vậy, phim lay động như vậy... xin đừng chỉ trích". Nhưng một bộ phim hay thì cũng không tránh khỏi thiếu sót và góp ý là cần thiết. Góp ý mà được tiếp thu thì càng không khiến đoàn làm phim mất mặt, bộ phim mất hiệu ứng, hay y bác sĩ mất đi sự trân trọng... mà càng khiến nó tăng lên. Có rất nhiều lý do để thích bộ phim này (vì nó lay động, vì nó hay, vì người nhà bạn là bác sĩ trong bộ phim...). Nhưng chuyện thích một bộ phim, tôn trọng người trong phim, nhưng không thích một cảnh phim là chuyện rất bình thường. Chân thành mà nói, "thần thánh" một bộ phim đến mức lên án các góp ý và đưa ra hoặc chấp nhận những giải thích thiếu thuyết phục thì theo mình là điều không nên.

 

Link bài của Huy: https://www.facebook.com/huylt88/posts/10158472567087616

 

 

20 BÌNH LUẬN

 

.

=====================================================

.

.

MỘT SỐ BĂN KHOĂN VỀ “RANH GIỚI”   

Lương Thế Huy

08/09/2021  lúc 13:14  

https://www.facebook.com/huylt88/posts/10158472567087616

 

Mình từng xem phóng sự 3 phút về khu K1 BV Hùng Vương trên thời sự 19h, lúc xem rất xúc động. https://www.youtube.com/watch?v=FiNS5uRyPgU

 

Nên khi biết có một bộ phim tài liệu 50 phút kể về nơi này, mình đã xem ngay.

 

Nửa đầu phim rất ổn, chân thật, xúc động, gần như đã toát ra hết được những áp lực, khó khăn, lẫn sự kiên cường trong thiếu thốn của đội ngũ y bác sĩ K1 Hùng Vương. Sau đó, từ giữa phim có một đoạn cận cảnh về hành trình cận tử của một sản phụ, từ lúc chuyển nặng, cấp cứu và không qua khỏi, cho tới cảnh người nhà của bệnh nhân tới làm thủ tục hậu sự.

 

Đây là đoạn rất không ổn với mình. Bỏ qua chuyện đưa máy quay vào phòng mổ, phòng cấp cứu mà mình đã nói vài lần, gần nhất là vụ cầu thủ Đan Mạch đột quỵ được đồng đội che chắn để tránh máy quay, thì mình không hiểu việc cố gắng khắc họa chân thực cái chết của một con người sẽ mang lại sự ủi an, hàn gắn như thế nào với bệnh nhân và gia đình họ? Hình ảnh của bệnh nhân lẫn người nhà hiện lên màn hình cho hàng chục triệu người xem và sẽ ở đó mãi mãi, trong một tình trạng đau khổ tột bậc mà chắc không ai muốn thấy mình trong cảnh đó. Khắc họa nỗi đau là một lựa chọn khó.

 

Đầu phim không hề có cảnh báo rằng phim chứa những hình ảnh mạnh về cái chết. Thực sự đến đoạn giữa phim mình bị shock với cảnh cấp cứu. Mình shock không phải vì mình sợ, mà vì mình không muốn ghé mắt vào nhìn cuộc đời của một con người đang chiến đấu với tử thần. Câu chuyện có thể/nên/cần được kể để chúng ta không thờ ơ, không lãng quên về những gì đã xảy ra, nhưng nên dưới những hình thức khác, không phải phơi bày những thước phim hết sức riêng tư như vậy.

 

Phim chắc chắn có sự đồng ý của nạn nhân, người nhà trước khi phát sóng, mặc dù mình chưa biết rõ quá trình đấy diễn ra thế nào. Nếu là mình, mình sẽ giải thích rằng phim này chứa cảnh gì, những ai có thể xem, rủi ro là gì, nêu ra luôn ví dụ, như là có thể gia đình sẽ rất đau lòng mỗi khi xem lại, nó có thể được lưu và chia sẻ khắp nơi và gia đình cũng có thể nhận được phản ứng khác nhau từ người chung quanh thế nào, những giải pháp làm giảm nhẹ có thể là gì, bao gồm cả việc làm nhòe, xem bản dựng, hay đổi ý bất kỳ lúc nào… Lấy consent form là một quá trình thảo luận, chứ không chỉ là một thủ tục ký giấy.

 

Nếu phim này để tưởng nhớ những nạn nhân của COVID-19, thì cảnh cận tử này là không phù hợp. Nếu phim này để tri ân công lao, hy sinh của các y bác sĩ, thì cảnh này lại càng không phù hợp. Mình thấy rất nhiều người share, nhưng chưa có y bác sĩ nào mình biết share, nếu có thì mình cũng muốn nghe quan điểm của họ.

 

Sự chân thật, khốc liệt, nỗi đau không nên trở thành vô ích, nó nên trở thành động lực chúng ta quý trọng cuộc sống của mình và người khác hơn, và mang lại sự chữa lành, hàn gắn, chứ không phải là sự sợ hãi, hay “ám ảnh.” (chữ dùng để giới thiệu bộ phim của VTV)

 

152 BÌNH LUẬN





No comments: