Thursday, September 9, 2021

CHUYỂN BIẾN TƯ DUY, VÀ THỜI CỦA CÔNG NGHỆ ĐÃ ĐẾN (Nguyễn Đắc Kiên)

 


CHUYỂN BIẾN TƯ DUY, VÀ THỜI CỦA CÔNG NGHỆ ĐÃ ĐẾN  

Nguyễn Đắc Kiên

7 tháng 9 lúc 11:53  · 

https://www.facebook.com/nguyendackien/posts/10219541726046119

 

Theo dõi tường thuật của các báo về hội nghị Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều 6/9 và buổi livestream của Chủ tịch TP tối cùng ngày, điều tôi chú ý nhất là dấu hiệu của một sự chuyển biến trong tư duy của lãnh đạo thành phố.

 

Không một lời hô hào, không một câu khẩu hiệu, tất cả các lãnh đạo thành phố đều nhất quán một cách đáng ngạc nhiên trong ngôn từ sử dụng, điềm tĩnh, chừng mực, nhưng có thể nói là đúng và trúng.

 

Nếu xem ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy, thì sự thay đổi ngôn ngữ sử dụng này chính là biểu hiện của những chuyển biến ở bên trong tư duy của lãnh đạo thành phố, và đó nên là điều đáng mừng.

 

Nhưng không chỉ ngôn từ, hãy để ý đến một thay đổi nhỏ mà tôi cho rằng rất có ý nghĩa, đó là việc thành phố sẽ hỗ trợ 5,3 triệu người khó khăn bằng chuyển khoản.

 

Cụ thể, theo chủ tịch TP Phan Văn Mãi trên địa bàn có khoảng 2 triệu hộ với 5,3 triệu nhân khẩu gặp khó khăn cần hỗ trợ an sinh. UBND TP đề xuất mức hỗ trợ 750.000 đồng/người/tháng. TP sẽ chuyển tiền hỗ trợ trực tiếp đến số tài khoản người nhận. Sau ngày 15/9, bắt đầu triển khai thực hiện, trước mắt trong hai tháng 9 và 10 rồi tính tiếp, tùy theo tình hình dịch. (Nguồn: https://bit.ly/3yVmAOK).

 

Nếu ngay từ đầu thành phố nghĩ đến giải pháp này thì có phải đỡ tốn biết bao nhiêu nhân lực, bao nhiêu công sức của biết bao nhiêu con người thời gian qua?

 

Chỉ cần đơn giản chuyển tiền vào tài khoản của bà con, còn thực phẩm, hàng hóa hãy để cho thị trường, cho các nhà thiện nguyện, hoặc cùng lắm TP chỉ cần tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt nữa, là xong.

 

Nhìn những gói quà, những túi an sinh đơn giản vậy thôi, nhưng tôi hiểu, để mang được đến với hàng trăm nghìn, hàng triệu hộ dân, nó cực khổ, vất vả và cả hiểm nguy lắm.

 

Tuy nhiên, điều cốt yếu là ở chỗ, có thực sự phải cực khổ, phải vất vả, phải hiểm nguy, phải hao tổn biết bao nhiêu nhân tài vật lực cho công việc như vậy không?

 

Đặt câu hỏi như vậy không phải để phủ nhận, để bác bỏ công sức của biết bao nhiêu con người thành phố bỏ ra cho hoạt động an sinh này, nhưng là để đặt vấn đề: sao ta không nghĩ khác đi, và làm khác đi?

 

Có lẽ lãnh đạo thành phố cũng đã đặt ra câu hỏi đó, và họ đã vượt qua được những cách làm, thói quen truyền thống, họ đã nghĩ khác đi và đã tìm đến một giải pháp rất nhanh gọn và hợp thời hơn: "hỗ trợ bằng chuyển khoản".

 

Chưa hết, ông Mãi còn yêu cầu, các sở, ngành phải "quản lý" việc thực hiện an sinh xã hội này "bằng công nghệ".

 

Vâng, "CÔNG NGHỆ" chính là điều tôi muốn nhấn mạnh.

 

Trước mắt tôi nhìn thấy thành phố có 4 thứ có thể ứng dụng quản lý bằng công nghệ, đó là: an sinh xã hội (mã an sinh); thẻ xanh vắc xin (mã an toàn Covid); giấy đi đường (mã thông hành) và quản lý, truy vết F0 (mã nguy cơ lây nhiễm).

 

Với diễn biến dịch bệnh của thành phố, cũng như những gì đang diễn ra trên thế giới, khả năng phải sống chung với dịch bệnh, với tình trạng giãn cách lâu dài trong 1 năm, thậm chí vài năm tới là không thể loại trừ. Vì thế, việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thật bài bản để có thể đáp ứng yêu cầu quản lý, tổ chức đời sống, sản xuất an toàn, hiệu quả trong dịch bệnh là hết sức cần thiết, và có lẽ không chỉ cho riêng TP.HCM.

 

Tuy nhiên, để tránh việc các apps (ứng dụng) manh mún, tràn lan từ đủ các sở, ngành như thời gian qua, tôi nghĩ rằng thành phố cần sớm lập một "Tổ tư vấn công nghệ"* độc lập, giống như "Tổ tư vấn kinh tế" mà thành phố đã lập. (Tôi khá ngạc nhiên là cho đến giờ thành phố vẫn chưa nghĩ đến việc này).

 

Tổ tư vấn với những chuyên gia có chuyên môn sâu về công nghệ sẽ hiểu rõ các vấn đề về hạ tầng công nghệ, hiểu rõ cách đặt đề bài... sẽ giúp thành phố đặt đúng đề bài cho các nhà phát triển ứng dụng.

 

Và quan trọng hơn, họ sẽ vừa giữ vai trò điều phối, kiến trúc, vừa giữ vai trò giám sát và phản biện nghiệm thu, giúp thành phố tránh lệ thuộc và phải chạy theo các nhóm lợi ích manh mún như thời gian qua. (Việc khoán trắng cho các nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng (app) từ A->Z cũng giống như việc giao trắng cho các doanh nghiệp bất động sản vẽ quy hoạch thành phố rồi xây luôn vậy).

 

Và điều cuối cùng, cũng không kém phần quan trọng, tổ tư vấn công nghệ sẽ là nguồn bổ sung, hỗ trợ trực tiếp tri thức công nghệ (tri thức tối quan trọng ở thời đại này) cho lãnh đạo thành phố, không chỉ cho việc ứng phó với khủng hoảng Covid-19 trước mắt, mà có thể còn cho tương lai lâu dài của thành phố.

 

NĐK

 

(*) Ngay khi nghĩ về Tổ tư vấn công nghệ cho thành phố, tôi nghĩ ngay đến một người bạn FB, người tôi cho là rất phù hợp để có một vị trí trong tổ này. (Tiếc là tôi không đủ thân thiết để có thể tag hay nhắc đến tên anh công khai ở đây).

 

8 BÌNH LUẬN  




No comments: