Saturday, September 25, 2021

BỘ TỨ QUAD LÚNG TÚNG VÌ LIÊN MINH QUÂN SỰ BA BÊN AUKUS? (Thanh Hà - RFI)

 


Bộ Tứ QUAD lúng túng vì liên minh quân sự ba bên AUKUS ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 24/09/2021 - 14:43

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210924-bo-tu-quad-lien-minh-quan-su-aukus

 

Lãnh đạo Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ họp trực tiếp lần đầu tiên hôm nay 24/09/2021 tại thủ đô Washington. Nhưng tâm điểm của thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD không phải là hợp tác quân sự, cho dù Trung Quốc là một mối quan ngại chung. Một chục ngày sau thông báo thành lập liên minh quân sự AUKUS với Anh và Úc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, Washington muốn xoa dịu tình hình, hay đây là một dấu hiệu rạn nứt trong nhóm QUAD ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/5e14d48e-1d33-11ec-b04f-005056a97e36/w:900/p:16x9/000_94U4YZ.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp Bộ Tứ QUAD trực tuyến với thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ tướng Úc Scott Morrison hồi tháng 3/2021. AFP - OLIVIER DOULIERY

 

Vài giờ trước thượng đỉnh rất được chờ đợi của bốn quốc gia, một quan chức Hoa Kỳ cho biết đối thoại tập trung vào những “sáng kiến phi quân sự”, vào chính sách chung, sản xuất và cung cấp vac-xin ngừa Covid-19, vào những hợp tác chống tin tặc, vào những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông. 

 

Bộ Tứ được hình thành từ năm 2007, nhưng mãi đến gần một chục năm sau, chính quyền Trump mới khởi động lại các hoạt động của nhóm này. Đó cũng là thời điểm Mỹ-Trung đối đầu về nhiều mặt, thái độ hung hăng của Bắc Kinh đe dọa đến an ninh của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Năm 2017 cũng là thời điểm chính quyền Trump cho là bộ tứ Tokyo, New Delhi, Canberra và Washington là một phương tiện để đương đầu với Trung Quốc trên mọi mặt. 

 

Thế nhưng, hôm 15/09/2021, Hoa Kỳ thông báo khai sinh liên minh quân sự AUKUS với Anh và Úc. Một trong những điểm nổi bật của liên minh là Washington sẽ cung cấp tàu ngầm nguyên tử cho Canberra. AUKUS khiến hai trong số bốn thành viên của nhóm QUAD là Ấn Độ và Nhật Bản cùng khó xử.  

 

Trên báo Financial Times, giáo sư Maria Rost Rublee, đại học Úc Monash, đặt câu hỏi Hoa Kỳ “dành vị trí nào cho nhóm QUAD trong chính sách đối ngoại, chiến lược và an ninh?”. Ấn Độ là một thành viên đắc lực của Bộ Tứ và đang có tranh chấp ở đường biên giới trên bộ với Trung Quốc - một đối thủ của New Delhi - nhưng theo giới quan sát, Ấn Độ luôn cố gắng để ngỏ cánh cửa đối thoại với Trung Quốc. 

 

Tờ báo tự do của Ấn Độ, Free Press Journal nhìn nhận “đành rằng an ninh quốc tế là một trong những lý do giải thích cho sự hình thành của nhóm QUAD”, nhưng New Delhi lúng túng trước viễn cảnh tàu ngầm nguyên tử Úc tuần tra trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

 

Theo tờ báo này, liên minh quân sự AUKUS có thể giúp cho Ấn Độ “xây dựng một liên minh chiến lược vững chắc hơn với các cường quốc khác để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, (…) giúp New Dehli giải tỏa bớt áp lực tăng cường khả năng quân sự trên biển” trong vùng Ấn Độ Dương. 

 

Tuy nhiên, thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD ở Washington lần này cũng là dịp để Washington trấn an New Delhi rằng Hoa Kỳ tìm kiếm các đồng minh vì “lợi ích chung của các bên, nhưng không lôi kéo Ấn Độ vào một liên minh quân sự với những tác động ảnh hưởng lâu dài đến hòa bình của khu vực”. 

 

Còn về phía Nhật Bản, Tokyo đã hoan nghênh liên minh AUKUS, xem đây là một công cụ tăng cường an ninh khu vực, nhưng đồng thời Nhật Bản cần được trấn an rằng QUAD cũng là một phương tiện bảo đảm an ninh trong vùng, mà không nhất thiết phải dùng đến sức mạnh quân sự.

 

Cựu thứ trưởng Ngoại Giao Nhật, Mitoji Yabunaka, được Financial Times trích dẫn, phân tích : Tokyo tham gia Bộ Tứ là nhằm cưỡng lại thái độ hung hăng của Trung Quốc, nhưng QUAD là một “định chế ngoại giao và đó là một khác biệt rất lớn so với AUKUS”.

 

Nói cách khác, ảnh hưởng và những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc khiến các quốc gia trong vùng lo ngại và phần lớn đều muốn tìm một điểm tựa, nhưng điểm tựa đó “không nhất thiết phải là một giải pháp quân sự”. 

 

Nhiều quốc gia trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương mong muốn Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác trên thế giới quan tâm nhiều hơn đến khu vực này, thế nhưng “những sáng kiến thuần túy quân sự không cho phép làm hạ nhiệt tình hình” hay khiến Bắc Kinh trở nên tử tế hơn với các nước láng giềng. 

 

Tờ báo tài chính của Anh do vậy cho rằng sự thận trọng đó của Ấn Độ và cả Nhật Bản cũng như một số quốc gia Á châu khác có thể giải thích vì sao thượng đỉnh QUAD tại Washignton lần này tập trung vào những hợp tác “phi quân sự”.

 

Martijn Rasser, chuyên gia về công nghệ và an ninh quốc gia tại trung tâm nghiên cứu của Mỹ Center for a New American Security, trả lời báo Financial Times, cho rằng, nếu như nhóm QUAD đẩy mạnh hợp tác về “công nghệ mang tính chiến lược toàn diện”, thì đó sẽ là giải pháp tối ưu. Bởi lẽ, đẩy mạnh “hợp tác, và phối hợp chặt chẽ sẽ đem lại những hiệu quả cao hơn, cho phép các bên nâng cao khả năng cạnh tranh về mặt kinh tế và an ninh quốc gia của mỗi bên”.

 

Vẫn theo chuyên gia này, nếu biết khai thác những giá trị chung được các thành viên QUAD chia sẻ, Bộ Tứ sẽ kiến tạo một mô hình mới mà trong đó công nghệ phục vụ cho các nền dân chủ. Bà Hayley Channer, một cựu quan chức quốc phòng của Úc, đánh giá chính vì mục tiêu đó mà các bên tập trung vào những vấn đề như y tế, công nghệ và tính tự chủ trong dây chuyền sản xuất.   

 

                                                               ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Trung Quốc, trọng tâm của thượng đỉnh QUAD

 

Nhật Bản và Ấn Độ phản đối Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng trên biển




No comments: