Friday, September 10, 2021

BI HÀI KỊCH AFGHANISTAN - CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ? (Tôn Thất Thông)

 


Bi hài kịch Afganistan – Chúng ta học được gì?

Tôn Thất Thông   -   Nghiên cứu lịch sử

Tháng Chín 8, 2021

https://nghiencuulichsu.com/2021/09/08/bi-hai-kich-afganistan-chung-ta-hoc-duoc-gi/

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2021/09/afganistan-map.jpg?w=551

Hình 1: Bản đồ A Phú Hãn và 7 nước láng giềng

 

Có độc giả yêu cầu chúng tôi viết một bài phân tích tường tận về lịch sử A Phú Hãn (Afganistan). Đề tài này rất hay nhưng cũng khá phức tạp, chúng tôi chưa phân công được người nào sẽ phụ trách. Thay vào đó, vì tính thời sự còn nóng hổi, xin ghi lại và thử phân tích vài mốc lịch sử quan trọng để quí độc giả tham khảo, hy vọng cũng lý giải được phần nào nguyên ủy của những biến động vừa qua. Một vài ý ở phần kết có thể tham khảo thêm để chiêm nghiệm về những chuyện liên quan đến Việt Nam.

 

                                                     ***

 

Ngày hôm nay, khi nói đến A Phú Hãn là chúng ta liên tưởng đến những từ quen thuộc như Taliban, Al Qaida, ISIS với hình ảnh người phụ nữ trùm đầu bằng Burqa khi ra đường. Nhìn đất nước A Phú Hãn tan hoang hiện nay, nhiều người còn nghĩ rằng, họ chỉ là giống dân lạc hậu với phong tục bộ lạc, khó lòng ngóc đầu lên. Có phải như thế chăng? Không hẳn là đúng! Nhìn đời sống xã hội an bình và hiện đại của A Phú Hãn trong những thập niên 1960, 1970 chúng ta sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

 

A Phú Hãn nằm ở một vị trí chiến lược của Trung Á, là đầu mối giao thông giữa Ấn Độ Dương với ba vùng Trung Á, Trung Đông và Tân Cương của Trung Quốc. Từ thời trung cổ sơ kỳ, A Phú Hãn đã là một đầu mối quan trọng trên con đường tơ lụa từ Đông sang Tây. Vì thế, nơi đây cũng là nơi giao lưu của nhiều nền văn hóa khác nhau rất đa dạng.

 

Về địa lý, A Phú Hãn không có đường biên giới ra biển, mà bị bao bọc bởi sáu quốc gia thuộc bốn đại cường của thời trung cổ. Với vị trí đó, tự ngàn xưa A Phú Hãn đã là vùng đất tranh chấp quyền lợi giữa các đế chế. Trong thời trung cổ là tranh chấp giữa Nga, Ba Tư, Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) và Ấn Độ. Trong thời cận đại kể từ thế kỷ 18 chủ yếu là tranh chấp giữa Nga và Anh. Trong thời kỳ đó, mặc dù Anh có vũ khí mạnh hơn nhiều, nhưng cũng đã nhiều lần thất trận trước sức kháng cự mãnh liệt của dân quân các bộ lạc, mà nhục nhã nhất là trận chiến đẫm máu đầu năm 1842 ở đường đèo Khurd-Kabul và Khaiber. Cả đoàn quân và dân hơn 16.000 người bao gồm 4.500 liên quân hỗn hợp Anh-Ấn Độ và 12.000 thân nhân liên hệ, chỉ còn 95 người sống sót chạy về Jalalabad, trong đó chỉ có một người Anh duy nhất, bác sĩ William Brydon [xem B. Seewald]. Sự kiện đó đã để lại chấn thương lâu dài trong ký ức ngoại giao của Anh, chi phối chính sách thuộc địa của họ ở vùng Trung Á.

 

Sau 40 năm giằng co với ba cuộc chiến tranh đẫm máu, cuối cùng Anh đã thắng và đặt nền thống trị tại đây kể từ 1880, thi hành những biện pháp trả thù vô cùng dã man, đốt luôn cả vài khu phố ở Kabul. Anh giữ nguyên chế độ quân chủ ở A Phú Hãn, lập hoàng thân Abdul Rahman lên làm vua, thực chất là một vị vua bù nhìn để thực thi chính sách thuộc địa của Anh. Đọc lại lịch sử Việt Nam dưới triều đại nhà Nguyễn, chúng ta cũng có thể thấy chút nào tương đồng với A Phú Hãn nhưng điều rất khác biệt là, trong lúc Việt Nam phải kinh qua những trận chiến khốc liệt mới có độc lập, thì người A Phú Hãn ở đầu thế kỷ 20 chọn chiến lược khác khôn ngoan hơn, ít tốn xương máu trong cuộc đấu tranh giải phóng.

 

Sau Thế chiến I, nhờ chiến thuật ngoại giao khôn khéo được lãnh đạo bởi Amanullah Khan (1892-1960), A Phú Hãn đã ép buộc Anh phải trao trả độc lập vào cuối năm 1919. Sau nửa thế kỷ cai trị, Anh đã để lại cho A Phú Hãn một đất nước tan hoang, dân trí đại đa số còn mù chữ, các bộ lạc sống rời rạc nhau, phân liệt vì chính sách chia để trị của Anh. Tuy nhiên kể từ ngày độc lập, Vua Amanullah Khan – vốn đã được giáo dục theo truyền thống dân chủ – cố gắng hiện đại hóa đất nước theo mô hình một xã hội tự do. Nhà vua tiến hành nhiều cải tổ về chính trị, xã hội và tôn giáo, ban hành hiến pháp mới năm 1923 qui định việc tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị và thiết lập nghị viện, cải tổ hệ thống hành chính, giáo dục cưỡng bách cho cả nam lẫn nữ, hiện đại hóa guồng máy nhà nước với nhiều biện pháp vô cùng tiến bộ như cấm đa thê, cấm phụ nữ che mặt, cấm nô lệ [xem S. Massing].

 

Những cải tổ đó tất nhiên gặp sự chống đối của những bộ lạc bảo thủ về mặt tôn giáo, nhưng A Phú Hãn đã từng bước thành công trong nỗ lực xây dựng đất nước của họ trên chính sức lực của mình. Cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng kể từ 1929 dưới triều đại Mohammed Nadir Schah đã đặt nền móng cho những phát triển nhanh chóng sau này. Dưới chế độ mới, A Phú Hãn một mặt mở rộng quan hệ ngoại giao, mặt khác cũng rất dè dặt với sự „giúp đỡ“ của các cường quốc, thường ngụy trang ý đồ thống trị bằng thuật ngữ „đồng minh“. Thái độ dè dặt này từ lâu đã trở thành truyền thống văn hóa mà các cường quốc sau này trước sau vẫn không chịu hiểu khi can thiệp vào quốc gia này, cho nên cuối cùng đều phải rút lui. A Phú Hãn bước vào giai đoạn độc lập hoàn toàn kể từ 1919. Sau 15 năm cải tổ hành chính và ổn định đời sống, họ bắt đầu phát triển phồn vinh kể từ 1933, năm lên ngôi của Vua Mohammed Zahir Schah, người con của Nadir Schah.

 

 

Nửa thế kỷ độc lập và phát triển phồn vinh

 

Mohammed Zahir Schah (1914-2007) ngay từ năm lên 10 tuổi đã tiếp cận với văn hóa phương Tây khi cha ông, Mohammed Nadir Schah, được cử làm đại diện A Phú Hãn tại Paris. Ở đó ông theo học chương trình Pháp suốt bốn năm cho đến 1929 thì trở về nước. Cùng năm đó, cha ông được lên làm vua kéo dài đến 1933, tức là năm ông bị ám sát. Mohammed Zahir Schah được hội đồng bộ tộc cử làm người kế vị ngai vàng lúc vừa 19 tuổi. Trong thời gian 20 năm đầu, quyền lực nhà nước chủ yếu vẫn nằm trong tay hai người cậu thay phiên nhau làm Thủ tướng A Phú Hãn [xem Wikipedia].

 

Ngay sau khi lên nắm quyền, nhà vua tiến hành chính sách củng cố quốc gia. Các cuộc cải tổ từ trước vẫn được tiếp tục triển khai và quan hệ ngoại giao được mở rộng. Đặc biệt đối với Đức, Ý và Nhật, A Phú Hãn xây dựng quan hệ kinh tế sâu rộng. Tuy nhiên, khi Thế chiến II bùng nổ, nhà vua chính thức chọn lựa thái độ trung lập cho A Phú Hãn [xem S. Massing].

 

Chỉ trong một thời gian ngắn vài thập niên, A Phú Hãn đã thay da đổi thịt, từ tình trạng lạc hậu do Anh để lại sang đời sống hiện đại phồn vinh, người dân được hưởng các quyền tự do, phụ nữ bình đẳng, tự do thành lập đảng phái, tự do bầu cử và ứng cử (về mặt này, Việt Nam trong thế kỷ 21 vẫn còn thua xa). Vài hình ảnh dưới đây từ truyền thông quốc tế là minh chứng cho một đời sống hiện đại, nam nữ bình quyền, cho dù các tiến bộ đó chỉ mới được thấy ở thành thị, chứ chưa thâm nhập được vào các vùng thôn quê núi non.

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2021/09/afganistan-1960-1970.jpg?w=551

Hình 2: Vài hình ảnh về nếp sống thành thị A Phú Hãn trong những thập niên 1960, 1970

 

Điều làm cho Vua Mohammed Zahir Schah có danh tiếng tốt xuyên suốt nhiều thế hệ có lẽ là, ông lên nắm quyền sau cái chết của cha mình vào năm 1933 với phong cách chín chắn và ôn hòa. Trong 40 năm kể từ khi nắm quyền, người dân A Phú Hãn không những được sống trong hòa bình, mà đất nước còn đạt được nhiều tiến bộ trên mặt trận ngoại giao, bảo vệ nhân quyền và quyền bình đẳng của phụ nữ. Vào năm 1964, nhà vua – vốn trước đó đã tiếp cận nền dân chủ ở Pháp – ban hành hiến pháp mới, thiết lập nền quân chủ lập hiến với cơ chế kiểm soát của nghị viện [xem FAZ], cấm hoàng thân quốc thích tham chính, thành lập Nghị viện Nhân dân (House of People) và Viện Bô lão (House of Elders), một cơ cấu dân chủ gần giống hạ viện và thượng viện trong các chế độ dân chủ. Ông thường được người dân gọi một cách trìu mến là „vị quân vương của hòa bình“, là „biểu tượng của đoàn kết quốc gia“, là „người cha của dân tộc“.

 

Một sai lầm lớn lao của Mohammed Zahir Schah là đã chần chờ không phê duyệt sớm đạo luật tự do thành lập đảng phái, cho nên các đảng chính trị vẫn phải hoạt động bất hợp pháp và họ cảm thấy không bị ràng buộc bởi hiến pháp. Từ đó, họ trở thành những tổ chức cực đoan vào cuối thập niên 1960, hoạt động nửa kín nửa công khai. Nổi bật hơn hết là các đảng cộng sản và các đảng Hồi giáo cực đoan, mà sử gia cho rằng đó là những tác nhân chính làm phát sinh nội chiến đẫm máu sau này [xem C. Schetter]. 

 

Vua Mohammed Zahir Shah thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế, bao gồm việc xây dựng hệ thống thủy lợi và đường cao tốc, được hỗ trợ bởi viện trợ nước ngoài, phần lớn từ Hoa Kỳ và Liên Xô. Ông có đủ khôn khéo để duy trì vị trí trung lập trên chính trường quốc tế [xem Britanica]. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1969, nhà vua phát biểu không úp mở: „Tôi không phải là nhà tư bản, cũng không muốn xã hội chủ nghĩa, vốn là một chế độ có thể mang lại điều tương tự như Tiệp Khắc [ND: cuộc đàn áp năm 1968]. Tôi không muốn đất nước này trở thành chư hầu của Liên Xô, Trung Quốc hay của một nước nào khác trên thế giới“ [xem Wikipedia]. Nhưng cũng vì chính sách trung lập này mà nhà vua đã mở rộng cửa cho phong trào thiên tả nảy nở trong giới thanh niên trí thức, nhất là kể từ thập niên 1950. Lúc đó, sự tranh chấp với Pakistan về vùng đất của bộ tộc Pashtun ở phía Đông Nam không được phương Tây giúp đỡ nhiệt tình, cho nên A Phú Hãn phải dựa nhiều hơn vào Liên Xô để có thêm liên minh trong Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Cuộc đấu tranh ý thức hệ bắt đầu nảy mầm trong giới thanh niên trí thức kể từ khi chiến tranh lạnh bắt đầu, với hai tác nhân chính đầy tham vọng là Mỹ và Liên Xô.

 

Dưới triều đại Mohammed Zahir Shah, kinh tế tăng trưởng không ngừng, khoa học kỹ thuật trở thành kỹ năng phổ biến trong giới trẻ, lợi tức đầu người tăng lên nhanh chóng. Trong thời gian 18 năm từ 1960 đến 1978, lợi tức đầu người A Phú Hãn tăng bình quân 9% mỗi năm. Đó là một sự tăng trưởng mà các nước thế giới thứ ba chỉ có thể thấy trong giấc mơ.

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2021/09/afganistan-gdp-per-capita-1960-2021-text.png?w=551

Hình 3: Mức tăng trưởng lợi tức đầu người 1960-2020

 

Để có một hình dung thực tế, chúng ta thử so sánh lợi tức đầu người của A Phú Hãn với Việt Nam năm 1970: Lúc ấy, A Phú Hãn đạt 160 US$, miền Bắc (VNDCCH) 59 US$, miền Nam (VNCH) 82 US$. Ở một thời điểm khác, năm 1967 khi chiến tranh Việt Nam chưa khốc liệt: A Phú Hãn 160 US$, miền Bắc 58 US$, miền Nam 90 US$. Nếu không có các đế quốc can thiệp và đất nước cứ tiếp tục phát triển với tốc độ như thế, thì hôm nay lợi tức đầu người A Phú Hãn có thể lên đến 9.000 US$, gần bằng Argentina, hơn hẳn Ba Tư và gấp ba lần Việt Nam. Tiếc cho A Phú Hãn, chữ „nếu“ không trở thành hiện thực.

 

Trong các thập niên 1950 và 1960, A Phú Hãn đã xây dựng được một nhà nước hiện đại với nền giáo dục cởi mở. Rõ ràng họ đang tiến dần đến một xã hội văn minh, tự do và phồn vinh. Một giới tinh hoa trẻ trung có nền học vấn cao được thành hình, một tầng lớp trên giàu có ngày càng đông, nhưng vì thế khoảng cách giữa họ với dân cư vùng núi và nông thôn ngày càng xa, tạo nên sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn. Bất mãn với tình trạng bất bình đẳng, giới tinh hoa thành thị tham gia ngày càng đông vào các tổ chức chính trị cực đoan đủ mọi màu sắc, từ ý thức hệ cộng sản đến trào lưu Hồi giáo chính thống cực đoan [xem S. Massing]. Đạo luật thành lập đảng phái và tự do báo chí tạo cơ hội cho các nhóm thiên tả, Marxist, Hồi giáo cực đoan có cơ hội cất cao tiếng nói, làm cho các trào lưu chính trị ngày càng bị phân cực, dần dần mất khả năng thỏa hiệp.

 

 

Chủ nghĩa cộng sản và sự xâm lược của Liên Xô

 

Đầu thập niên 1970, hạn hán xảy ra ở A Phú Hãn, mùa màng thất thu, thêm khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, khủng hoảng xã hội và hỗn loạn chính trị. Vào năm 1973, trong lúc nhà vua còn dưỡng bệnh tại Ý, với sự hỗ trợ chính trị bởi một phân nhánh của đảng cộng sản, Partcham, vị cựu Thủ tướng Mohammed Daoud (1909-1978) tiến hành một cuộc đảo chính để cướp chính quyền. Sau ba năm ổn định, Mohammed Daoud công bố nền cộng hòa và tự phong mình làm Tổng thống. Cũng bắt đầu từ đây, Mohammed Daoud sa thải dần dần các thành viên thiên tả trong nội các, xoay hướng quyền lực về phía bảo thủ Hồi giáo, đồng thời tìm cách thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của Liên Xô cũng như Mỹ để hướng về cộng đồng Hồi giáo Trung Đông.

 

Điều đó làm Liên Xô và đảng cộng sản A Phú Hãn lo ngại. Hai phân nhánh PartchamChalk vốn dĩ kình chống nhau, nay tạm thời đoàn kết và liên minh với nhau tiến hành cuộc đảo chính vào tháng 4 năm 1978, sau đó chia nhau quyền lực và công bố chương trình thực thi „chủ nghĩa xã hội khoa học“. Kể từ đây, đảng cộng sản, có tên là Đảng Dân chủ Nhân dân lên nắm quyền, thực thi các cải tổ nông nghiệp và giáo dục theo mô hình Marxist-Leninist, đồng thời thẳng tay đàn áp đối lập [xem BPB]. Liên Xô tăng cường viện trợ máy móc, vũ khí, tài chính và cố vấn quân sự. Tuy nhiên, ý thức hệ cộng sản chưa thể ăn sâu bám rễ trong dân, trong lúc chính quyền cộng sản vẫn quyết tâm đạt đến mục tiêu là, biến một quốc gia cực kỳ phân liệt về tôn giáo và bộ tộc, thành một quốc gia có cơ cấu chính trị trung ương tập quyền theo mô hình Liên Xô. Truyền thống văn hóa và cấu trúc xã hội A Phú Hãn có nguy cơ sẽ bị phá hủy, thêm vào đó chính sách tàn bạo và đàn áp hà khắc của nhà nước cộng sản làm cho các phong trào chống đối xảy ra khắp nơi chống lại chính quyền trung ương. Sắc tộc Paschtun ở vùng Đông Nam A Phú Hãn, vốn dĩ chiếm hơn 40% dân số, kêu gọi Thánh chiến (Jihad) chống lại Kabul và dần dần được các bộ tộc khác khắp nơi ủng hộ. Sự bất lực của quân đội đã dẫn đến một quyết định sai lầm lịch sử của Tổng thống Hafizullah Amin, là ông đã yêu cầu Liên Xô can thiệp bằng vũ lực kể từ cuối năm 1979, ngay trong thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh.

 

Với sự xâm lược của Liên Xô, lịch sử A Phú Hãn sang trang kể từ năm 1979, chấm dứt thời đại độc lập tự chủ kéo dài 60 năm, để bắt đầu thời kỳ xâu xé của các đại cường đi kèm với tranh giành quyền lực nội bộ, kéo dài 40 năm đến ngày nay. Các cuộc đảo chính đẫm máu, sự xâm lược của Liên Xô, rồi nội chiến và sự xâm lược của Mỹ năm 2001 đã làm đảo ngược hầu hết các thành quả mà A Phú Hãn đạt được từ quá trình hiện đại hóa trong các thập niên 1950 và 1960.

 

Ngay từ ngày đầu khi xua quân vào Kabul, quân đội Liên Xô đã giết luôn Tổng thống Amin, người đã chính thức yêu cầu Liên Xô can thiệp. Vị trí đó được thay bằng Babrak Karmals (cho đến 1986), rồi Mohammed Najibullah (cho đến 1992), thực chất là những Tổng thống bù nhìn. Liên Xô đã thực sự chi phối hoàn toàn nền chính trị A Phú Hãn, nhưng những cuộc chống đối liên tục của dân quân đã làm cho Liên Xô sa lầy ở đó gần 10 năm. Lúc cao điểm, quân đội Liên Xô có mặt ở A Phú Hãn đến hơn 100.000 binh lính. Cuộc chiến 10 năm đã làm 15.000 lính Liên Xô thiệt mạng (đó là con số chính thức từ Liên Xô, thực tế có thể cao hơn 25.000). Phía A Phú Hãn thì không có thống kê rõ rệt, có thể khoảng từ 100.000 đến một triệu dân quân tử vong, 7 triệu thường dân phải rời quê hương lánh nạn đến các nước chung quanh [xem BPB].

 

Ngày 15.2 năm 1989, Liên Xô rút người lính cuối cùng về nước, để lại cho A Phú Hãn một đất nước bị cày nát, hàng ngàn thôn xã bị thiêu rụi, cấu trúc xã hội truyền thống bị tan vỡ, các nhóm dân quân rời rạc khắp nơi trở thành hàng chục xu hướng chính trị khác nhau, đối địch cấu xé lẫn nhau. Cuộc nội chiến bắt đầu với sự tiếp tay của các đại cường, không riêng gì Mỹ và Liên Xô, mà cả Pakistan, Saudi Arabia và Ba Tư cũng muốn tranh giành ảnh hưởng ở A Phú Hãn.

 

 

Nội chiến và sự vươn dậy của Taliban

 

Trong thời gian Liên Xô chiếm đóng, sức kháng cự của người dân A Phú Hãn nổi lên mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo chủ yếu bởi các học giả tôn giáo (những Mullah) ở các địa phương. Họ kêu gọi „Thánh Chiến“ chống lại chính quyền Kabul và tự gọi phong trào này là Mudschahidin (có nghĩa là những người theo Thánh chiến). Lực lượng tác chiến nòng cốt của họ lúc đó được phỏng đoán là 40.000 người, bao gồm các bộ tộc ở biên giới A Phú Hãn – Pakistan cộng thêm quân tình nguyện từ các nước Ả Rập. Ở thế giới phương Tây, ít người có cảm tình với Muschahidin và có thành kiến rằng đó là những chiến binh khủng bố. Ít người biết rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, phong trào này đã chết từ lâu. Vũ khí và tiền bạc cho phong trào Mudschahidin do Mỹ, thông qua Pakistan và Saudi-Arabia, cung cấp ngay từ trong thời kỳ chưa bị Liên Xô xâm lược. Người ta phỏng đoán rằng, Mỹ đã bỏ ra hơn 3 tỷ US$ cho Mudschahidin vì dù sao, A Phú Hãn vẫn là một trong những địa đầu quan trọng nhất của chiến tranh lạnh [xem BPB]. Về mặt trang bị, Mudschahidin còn hưởng một kho vũ khí khổng lồ của Liên Xô để lại: 650 xe bọc thép trong đó có 100 xe tăng, 76 máy bay trong đó có 15 chiến đấu cơ, 5 trực thăng, súng phóng lựu, hỏa tiễn, cà-nông v.v… [xem S. Massing-2].

 

Điều nghịch lý trong câu chuyện A Phú Hãn là, trong thời kỳ Liên Xô còn chiếm đóng, chính Mỹ cùng Pakistan đã giúp cho Mudschahidin về trang bị, tin tức tình báo, huấn luyện tâm lý chiến và cả kỹ năng sử dụng bạo lực trong chiến tranh, trên chiến trường cũng như ở hậu phương. Mỹ đã đầu tư rất nhiều tiền để xuất bản hàng triệu sách giáo khoa cho học sinh trẻ, chứa đầy những hình ảnh bạo lực, ý thức hệ Hồi giáo cực đoan, đối thoại chung quanh Jihad với hình ảnh về súng ống, đạn dược, bom mìn v.v…, mục đích là gây cảm xúc hận thù chống Liên Xô để xây dựng tinh thần kháng chiến. Những sách giáo khoa đó được CIA tổ chức từ Pakistan để tuồn vào A Phú Hãn cũng như phục vụ cho trường học ở các trại tị nạn. Đến năm 2002, sau khi đánh bạt Taliban, Mỹ ra lệnh thu hồi các sách giáo khoa ấy, đếm được trên 4 triệu cuốn. Khi vụ tai tiếng này bị truyền thông phát hiện, Mỹ gấp rút in 10 triệu sách giáo khoa khác cho A Phú Hãn. Tổng thống Bush và phu nhân Laura phải nhiều lần lên truyền hình để đánh bóng trở lại bộ mặt nhân đạo của Mỹ bằng cách quảng cáo sách giáo khoa mới với nội dung mà như vợ chồng Tổng thống Bush nói là „tôn trọng phẩm giá con người, thay vì gây ý thức hệ trong học sinh bằng chủ nghĩa cực đoan và sự mù quáng“ [xem J. Stefens]. Tóm lại, Mudschahidin và Taliban đều từng được Mỹ đào tạo về kỹ năng quân sự và tâm lý chiến. Cả kỹ năng sử dụng ý thức hệ Hồi giáo cực đoan trong đấu tranh cũng được Mỹ và Pakistan huấn luyện cho dân quân từ lúc còn là học sinh nhỏ tuổi. Cũng không đến nổi bất công, khi nói rằng, Mỹ và Pakistan là những bà mụ đỡ đẻ cho đứa trẻ sơ sinh Taliban.

 

Sau khi Liên Xô rút quân năm 1989 và ngưng mọi viện trợ tài chính và quân sự vào năm 1992, chính phủ cộng sản Najibullah cũng nhanh chóng sụp đổ. Phong trào Mudschahidin nhanh chóng chiếm thượng phong, đồng thời mâu thuẫn nội bộ – trước đây bị ép xuống vì họ có kẻ thù chung là Liên Xô – nay bộc lộ ngày càng rõ. Taliban ra đời trong bối cảnh đó.

 

Thực ra, Taliban có nguồn gốc lâu đời hơn là nhóm thánh chiến của thập niên 1990: Cuộc xâm lược của Anh cuối thế kỷ 19 với những biện pháp đàn áp dân bản xứ vô cùng dã man đã để lại ý thức chống ngoại xâm rất cao trong dân chúng theo xu hướng cực đoan, được lãnh đạo bởi những trưởng lão Hồi giáo địa phương, tạo thành một cộng đồng trí thức Hồi giáo (viết tắt là JUI) và một mạng lưới các trường học giáo lý khắp nơi ở Pakistan và dày đặc nhất là khu vực thuộc sắc tộc Paschtun ở đông nam A Phú Hãn. Các trường học giáo lý vùng Paschtun chính là tiền thân của phong trào Taliban sau này [xem G. Steinberg]. Theo ngôn ngữ Paschtun, Taliban (Talib + an) là số nhiều của Talib, tiếng Ả Rập có nghĩa là người đi học.

 

Ngoài ra, sự thành lập Taliban cũng có bàn tay trực tiếp của Pakistan, lúc đó là đồng minh gần gũi của Mỹ. Họ muốn có một chính phủ thân Pakistan ở Kabul. Nhưng khi nội chiến xảy ra và những nhóm Mudschahidin có thế lực dường như không còn muốn làm vai trò đối tác, Pakistan phải tìm đồng minh mới. Vì thế, cơ quan tình báo Pakistan, ISI chiêu dụ những người di tản gốc Paschtun xuất thân từ những trường giáo lý để xây dựng những đội dân quân giỏi chiến đấu. Taliban trở thành một con cờ của chính sách ngoại giao Pakistan [xem Steinberg], và cũng là con cờ của Mỹ trong thập niên 1990. Cả hai nước này trước sau vẫn muốn sử dụng các thành phần cực đoan A Phú Hãn để thực hiện toan tính chính trị của mình trong khu vực.

 

Vào mùa thu năm 1994, một Mullah nổi tiếng vùng Kandahar và cũng là một vị chỉ huy của Mudschahidin tên là Mohammed Omar (1960-2013) tự nhận là mình đã nhận lệnh từ trong một giấc mơ, là phải phục hồi „trật tự nghiêm khắc của Hồi giáo“ ở A Phú Hãn. Dưới mắt nhìn của Omar, ông bất bình vì sự phản bội giáo lý Hồi giáo của những nhóm Mudschahidin khác, cho nên họp với 33 người cùng chí hướng, vốn đã từng theo những khóa học từ các trường giáo lý, họp nhau tại Maiwand gần Kandahar và thành lập nên „Phong trào Hồi giáo Taliban“ [xem S. Massing-2]. Tôn chỉ ưu tiên của phong trào này là trước hết chấm dứt tình trạng tùy tiện và bạo lực tàn ác của các lãnh chúa để sau đó thiết lập một quốc gia Hồi giáo nghiêm khắc. Chỉ trong vòng hai năm, Taliban đã tiến vào Kabul năm 1996, lên nắm chính quyền, đặt tên nước là Quốc gia Hồi giáo A Phú Hãn (Islamic Emirate of Afganistan) và lấy Kandahar làm thủ đô. Người ta so sánh sự thành công nhanh chóng của Omar cũng giống như sự thành công của đấng tiên tri Muhammad ở Mekka trong thế kỷ VII. Và thuộc hạ Taliban cũng xem như Omar đang mang trọng trách thiêng liêng đối với A Phú Hãn, không khác gì Muhammad đối với Hồi giáo.

 

Sau khi nắm quyền, Taliban xây dựng một quốc gia Hồi giáo cực kỳ hà khắc, phụ nữ bị ngược đãi, thành quả về các quyền tự do con người trước đây không còn tồn tại, đấy là chưa kể sự trả thù man rợ đối với những người thuộc chế độ cũ. Thế nhưng, Pakistan và Saudi Arabia vẫn tiếp tục ủng hộ Taliban về vật chất để gây ảnh hưởng. Ngay cả Mỹ cũng tuyên bố muốn liên hệ với Taliban, với ý định ủng hộ các công ty Mỹ và Saudi Arabia để thực hiện đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Turkmenistan, xuyên qua A Phú Hãn để dẫn vào Pakistan [xem C. Schetter]. Kế hoạch đó đã được thực hiện từ 1994, cho nên các nước liên hệ không thể cắt quan hệ với Taliban khi muốn tiếp tục. Ngoài ra, Mỹ vẫn còn các quyền lợi kinh tế khác, đặc biệt là nguồn khoáng sản phong phú nằm ở những vùng núi hẻo lánh của A Phú Hãn.

 

Trong vòng 22 năm, từ lúc Liên Xô xâm lược năm 1979 đến lúc Taliban sụp đổ năm 2001, lợi tức đầu người A Phú Hãn giảm xuống đều đặn mỗi năm 3%. Chế độ hà khắc của Taliban, việc dung dưỡng cho các hoạt động khủng bố và sự cô lập của hầu hết các nước trên thế giới đã làm cho A Phú Hãn mất khả năng phát triển.

 

Những chuyện xảy ra sau 2001 thì đã có nhiều sách báo nói đến, chắc mọi người đã biết, thiết tưởng khỏi cần nói thêm.

 

Giờ đây, Mỹ đã rút quân, Taliban lên nắm lại chính quyền. Chuyện gì sẽ xảy ra thời gian tới? Taliban có thay đổi chính sách cực đoan từ trước hay không? Không ai dám có một lời phỏng đoán, nhưng chính sách tự cô lập như trước đây thì có vẻ đang trên đường tiến đến một sự thay đổi. Dù vẫn còn ý thức hệ cực đoan, nhưng có lẽ Taliban đã học bài học ngoại giao trong quá khứ, cần dung hòa tư tưởng cực đoan với xu hướng Hồi giáo ôn hòa của các nước Trung Đông, cần thỏa hiệp giữa chủ nghĩa quốc gia và hợp tác quốc tế. Có lẽ Taliban sẽ tách rời A Phú Hãn khỏi ảnh hưởng của Mỹ, Nga và mở rộng quan hệ với cộng đồng Hồi giáo Trung Đông, như các vị vua trước đây đã có lần thử nghiệm trong thập niên 1970.

 

Nếu các đại cường không nhòm ngó cấu xé A Phú Hãn và nếu Taliban sẵn sàng xây dựng một chính quyền hòa hợp nhiều thành phần, thì khả năng phát triển phồn vinh sẽ nằm trong lòng bàn tay như The Diplomat đã viết đầu năm 2020: „Tài nguyên khoáng sản phong phú của Afghanistan, nếu được khai thác hiệu quả, có thể xem là nguồn thay thế tốt nhất cho viện trợ nước ngoài và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia tài trợ. Những tài nguyên này, nếu được quản lý đúng cách, sẽ tạo cơ hội cho Afghanistan tự mình viết nên lịch sử thành công kinh tế của riêng họ. Chính sách nhất quán, tổ chức thể chế vững mạnh cùng với phương hướng chính trị rõ ràng sẽ mở đường để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quản lý tốt các tài nguyên khoáng sản có thể mang đến kết cục của tăng trưởng kinh tế bền vững và mở đường cho một nền hòa bình lâu dài“ [xem Katawazai]. Chúng ta chỉ biết chúc cho hai chữ „nếu“ ở trên lần này có thể trở thành hiện thực.

 

 

Hoa kỳ muốn gì ở A Phú Hãn?

 

Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp vào A Phú Hãn sau vụ đánh bom ngày 11.9.2001 tại New York làm hơn 3.000 người Mỹ thiệt mạng. Thời gian đó, Tổng thống Hoa Kỳ là George W. Bush vốn nổi danh là người thích biểu dương quyền lực, được hỗ trợ bởi một Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld thuộc cánh diều hâu và thêm Phó tổng thống bảo thủ cực hữu Dick Cheney. Trong vòng vài tuần, bộ ba này nhanh chóng hoàn tất kế hoạch cho chiến dịch đổ bộ vào A Phú Hãn, có tên là Operation Enduring Freedom, đồng thời khởi động bộ máy truyền thông để thuyết phục đồng minh phương Tây cùng tham gia chiến dịch để „phá hủy căn cứ địa của quân khủng bố“, sau đó sẽ giao A Phú Hãn lại cho người A Phú Hãn. Sự thật có phải như thế hay không, hay việc chống khủng bố chỉ là bình phong che đậy những mưu đồ khác? Chúng ta thử xem hai vấn đề nổi bật nhất:

 

Bàn cờ chính trị Trung Đông: Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, hỏa lực không quân của Mỹ và đồng minh đã đẩy chính phủ và quân đội Taliban của A Phú Hãn ra khỏi ngoài biên giới, thiệt hại nhân mạng của đồng minh xem như không đáng kể. Đó là chiến thắng quân sự nhanh chóng có một không hai trong lịch sử cận đại. Chẳng thế mà hội nghị A Phú Hãn tại Petersberg ở Đức đầu tháng 12.2001 đã có thể dễ dàng đưa đến sự đồng thuận về một chính phủ lâm thời, và hội nghị viện trợ A Phú Hãn một tháng sau đó tại Tokyo đã dễ dàng thông qua 4,5 tỉ US$ để chính phủ lâm thời giải quyết các vấn đề trước mắt.

 

Say sưa với chiến thắng vừa đạt được, TT Bush ra lệnh Ngũ giác đài hoàn tất kế hoạch tấn công Iraq vốn đã được Nhà trắng thông qua từ tháng giêng 2001. Lý do Mỹ đưa ra để thuyết phục Liên Hiệp Quốc ủng hộ là để tìm và phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq, một bình phong được chứng minh sau đó là tin giả (Fake news) và thuyết âm mưu, vì mãi cho đến bây giờ, chưa ai tìm thấy một loại vũ khí như thế ở Iraq. Khác với chiến tranh A Phú Hãn, lần này chỉ có liên quân Mỹ-Anh và một vài đồng minh không đáng kể tấn công Iraq và chiếm Bagdah trong vòng vài tháng. Pháp phản đối Mỹ-Anh đã gây chiến một cách bất hợp pháp vì không được Liên Hiệp Quốc đồng ý, Đức thì từ chối tham gia với lời giải thích của bộ trưởng ngoại giao Joschka Fischer rằng, họ không đồng ý gây chiến chỉ để chiếm hữu các mỏ dầu, Ý và Tây Ban Nha cũng đứng ngoài. Cuộc tấn công vào Iraq có thể xem như màn độc diễn của hai cường quốc Mỹ-Anh. Năm 2011, Mỹ rút quân sau 8 năm chiếm đóng, tiêu tốn 700 tỉ US$, để lại cho Iraq một đất nước tan hoang, một nền chính trị bất ổn định và một phong trào khủng bố ISIS ngày càng mạnh.

 

Hai cuộc chiến A Phú Hãn và Iraq xảy ra trong vòng hai năm liên tục chứng tỏ một điều: Lý do khai chiến mà Mỹ đưa ra ở A Phú Hãn cũng như Iraq chỉ là những bình phong không đủ kín để che dấu mục đích thực sự, đó là việc Mỹ muốn củng cố quyền lực và ảnh hưởng chính trị ở Trung Đông vốn dĩ ngày càng bị xói mòn với tác động của Ba Tư và Nga. Chưa kể những quan tâm khác về kinh tế.

 

Nguồn khoáng sản phong phú của A Phú Hãn: Trước hết, chúng ta thử làm một tổng kết nhỏ về cuộc chiến 20 năm: “Tin chính thức của Ngũ giác đài cho biết, Mỹ đã chi 825 tỉ US$ cho cuộc chiến. Theo một nghiên cứu của Đại học Brown ở Rhode Island liên quan đến chi phí chiến tranh ở Afghanistan và Pakistan, Mỹ thậm chí đã chi 978 tỉ US$. Nếu kể thêm cả viện trợ dân sự cho khu vực đó, thì phí tổn tổng cộng có thể lên đến 2.000 tỉ US$” [xem Weimer]. Đó là một con số khổng lồ, tính ra đổ đồng mỗi người dân Mỹ đã trả 6.000 US$ cho cuộc chiến tranh. Làm sao cử tri Mỹ có thể chấp nhận sự hy sinh đó, nếu chính phủ không có một viễn tượng nào để lấy lại vốn? Viễn tượng đó có thể là đây, như Reuters đã viết: Afghanistan rất giàu tài nguyên như đồng, vàng, dầu, khí đốt, urani, bauxite, than đá, quặng sắt, đất hiếm, lithium, crom, chì, kẽm, đá quý, đá mịn, lưu huỳnh, đá hoa vôi, thạch cao và đá cẩm thạch. Trị giá khoáng sản đó có thể là 3.000 tỉ US$, như cựu bộ trưởng khoáng chất A Phú Hãn ước tính vào năm 2010. Đến bây giờ, trị giá đó còn tăng gấp bội vì còn nhiều khoáng sản mới tìm thêm, và giá cả khoáng sản trong 10 năm qua đã tăng lên nhiều lần, nhất là sau đại dịch Corona [xem Reuters].

 

Vậy thì để hợp pháp hóa việc khởi động chiến tranh, có phải việc „phá hủy căn cứ địa của quân khủng bố“ cũng chỉ là bình phong để che giấu mưu đồ kiếm lợi nhuận từ nguồn khoáng sản phong phú của A Phú Hãn?

 

 

Việt Nam nên nhìn bi hài kịch A Phú Hãn như thế nào?

 

Trong những ngày qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Việt Nam với thái độ vô cùng thân thiện. Điều đó làm dấy lên niềm hy vọng rất lớn vào sự hỗ trợ của Mỹ cho Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Tìm kiếm đồng minh bao giờ cũng cần thiết, nhưng nếu đặt cược vào sự trung thành lâu dài của đồng minh có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Với Mỹ, điều đó càng phải cẩn trọng hơn nhiều. Bi kịch A Phú Hãn cho chúng ta bài học gì?

 

Trước hết, Mỹ can thiệp vào một nước nào không vì có cảm tình với ai, mà việc can thiệp đó phải phù hợp với toan tính riêng của họ, hoặc là vì địa chính trị, hoặc vì quyền lợi kinh tế sau này, hoặc vì đó là một thị trường béo bở cho các công ty của họ, hoặc vì những điều tương tự. Cho nên khi những yếu tố đó không còn nữa, hoặc Mỹ thấy việc can thiệp đó là một phi vụ lỗ vốn, họ sẽ ra đi không chần chừ, bất chấp mọi thiệt hại có thể xảy đến cho dân bản địa và đồng minh. Đó là tính thực dụng quen thuộc của người Mỹ.

 

Thứ hai, cách đối xử với Mỹ như là một đối tác cần được xem xét lại, như nhận xét của Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg trong buổi họp báo mới đây về A Phú Hãn. Sự mất tin tưởng vào Mỹ trước kia chỉ có trong giới nghiên cứu hoặc ký giả khi quan sát cách hành xử của Donald Trump về các hiệp ước quốc tế. Bây giờ, người ta không giấu giếm nhận xét đó ngay trong các phát biểu của chính trị gia. Trong kế hoạch rút quân khỏi A Phú Hãn, TT Biden không hề tham vấn đồng minh về lịch trình và phương cách, tạo nên một cuộc tháo chạy hỗn loạn, điều đã làm cho các quốc gia châu Âu ê mặt và uy tín Mỹ giảm sút nặng nề. Năm 2001, châu Âu đã hăng hái ủng hộ Mỹ sau cú đánh bom ở New York, nhưng giờ đây, trước bi kịch A Phú Hãn, châu Âu đã hết tin vào Mỹ, và họ đang tìm lời giải cho câu hỏi, làm thế nào để có thể đứng vững trong tương lai mà không cần đến Mỹ?

 

Thứ ba, để giữ chân Mỹ hợp tác lâu dài, quốc gia đối tác phải có thực lực, phải có gì để cống hiến, trao đổi. Mỹ đã rời Nam Việt Nam năm 1975 cũng như tháo chạy khỏi A Phú Hãn năm 2021, cả hai trường hợp đều có một điểm giống nhau: vì đấy là những phi vụ lỗ vốn. Khác với châu Âu, quan hệ ngoại giao xuyên Đại Tây Dương dù đã sứt mẻ, nhưng không ai có thể bỏ ai mà cả hai bên phải tiếp tục hợp tác để cộng sinh. Nếu Việt Nam muốn làm đồng minh với Mỹ trong cuộc tranh đấu chống Trung Quốc, thì việc đầu tiên cần làm là tự mình phải vững mạnh. Nếu vũ khí quân sự có yếu thì Mỹ cũng có thể cung cấp, nhưng về kinh tế, chính trị, an ninh xã hội và ngoại giao thì phải vững mạnh để có gì trao đổi với Mỹ, như thế mới mong có hợp tác lâu dài.

 

Thứ tư, A Phú Hãn và Việt Nam có ít nhiều điểm tương đồng. A Phú Hãn là vị trí chiến lược ở Trung Á, Việt Nam thì ở địa đầu sóng gió của Biển Đông. Một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là thảm họa cho Việt Nam. Nếu có chiến tranh ở Biển Đông, Việt Nam sẽ trở thành bãi chiến trường dữ dội nhất với những thảm họa khó lường: nhân mạng, vật chất, xã hội, văn hóa. Mọi tiến bộ đạt được sẽ bị ném lùi vài thập niên. Vả lại, nếu chiến tranh xảy ra, đảng CSVN khó lòng huy động cuộc chiến tranh nhân dân như trong quá khứ, mất nước là điều có thể xảy ra. Sau 50 năm cầm quyền, niềm tin của dân chúng vào bản chất người cộng sản đã sứt mẻ trầm trọng. Cho nên vấn đề chính là làm sao để chiến tranh không xảy ra. Giải pháp ngoại giao luôn luôn là phương tiện tốt nhất để xử lý tranh chấp.

./.

Tôn Thất Thông, tháng chín 2021.

 

----------------------

Tham khảo:

 

BPB – Bundeszentrale für Politische Bildung: 1989 – Sowjetischer Abzug aus Afganistan (1989 – Liên Xô rút quân khỏi A Phú Hãn).

https://www.bpb.de/politik/hintergrund-aktuell/178868/1989-sowjetischer-abzug-aus-afghanistan-13-02-2014

 

Britanica Encyclopedia: Mohammad Zahir Schah – King of Afganistan (Vua của A Phú Hãn).

https://www.britannica.com/biography/Mohammad-Zahir-Shah

 

FAZ – Frankfurter Allgemeine Zeitung: Zahir Schah regiert 40 Jahre lang (Vua Zahir Schah trị vì 40 năm).

https://www.faz.net/aktuell/politik/afghanistan-zahir-schah-regierte-40-jahre-lang-157945.html

 

Hielscher, Hans: Sowjetische Invasion in Afganistan – Das Vietnam der Russen (Cuộc xâm lược của Liên Xô vào A Phú Hãn – Vietnam phiên bản Liên Xô. https://www.spiegel.de/geschichte/sowjetische-invasion-in-afghanistan-1979-das-vietnam-der-russen-a-1301765.html

 

Katawazai, Ahmad Shah – The Diplomat: Afghanistan’s Mineral Resources Are a Lost Opportunity and a Threat (Nguồn khoáng sản A Phú Hãn là cơ hội đã mất và cũng là sự đe dọa.

https://thediplomat.com/2020/02/afghanistans-mineral-resources-are-a-lost-opportunity-and-a-threat/

 

Massing, Stephan – Suedasien: Afganistan – Geschichte seit 1747 (Lịch sử A Phú Hãn từ 1747).
http://www.suedasien.info/laenderinfos/254.html

 

Massing-2, Stephan – Suedasien: Die Taliban. http://www.suedasien.info/laenderinfos/255.html

 

Reuters 19.8.2021: Factbox: What are Afghanistan’s untapped minerals and resources? (Dữ liệu: Những nguồn khoáng sản chưa được khai thác). https://www.reuters.com/world/asia-pacific/what-are-afghanistans-untapped-minerals-resources-2021-08-19/

 

Ruttig, Thomas – Bundeszentrale für Politische Bildung: Afghanistan. https://www.bpb.de/internationales/weltweit/innerstaatliche-konflikte/155323/afghanistan

 

Schetter, Conrad – Bundeszentrale für Politische Bildung: Afghanistan im 19. und 20. Jahrhundert (A Phú Hãn trong thế kỷ 19 và 20). https://www.bpb.de/internationales/asien/afghanistan/138381/afghanistan-im-19-und-20-jahrhundert

 

Seewald, Berthold: Nur einer überlebte. Englands schwerste Niederlage (Chỉ một người sống sót. Thất bại nặng nề nhất của nước Anh). https://www.welt.de/geschichte/article161130837/Nur-einer-ueberlebte-Englands-schwerste-Niederlage.html

 

Stephens, Joe & Ottaway, David B. – Global Issues: From US, ABC’s of Jihad (Từ Mỹ, nhập môn của thánh chiến).

https://www.globalissues.org/article/430/from-us-the-abcs-of-jihad (đăng lại từ Washington Post, March 23, 2002, Page A01)

 

Steinberg, Guido – Bundeszentrale für Politische Bildung: Taliban. https://www.bpb.de/politik/extremismus/islamismus/36377/taliban

 

Weimer, Wolfram – FOCUS Online 13.8.2021: 20 Jahre Afghanistan-Mission: Westliche Truppen ziehen ab wie gedemütigte Verlierer (20 năm sứ mệnh A Phú Hãn: Quân phương Tây rút lui như một người thua trận bị hạ nhục). https://www.focus.de/politik/ausland/kommentar-von-wolfram-weimer-20-jahre-afghanistan-mission-die-bilanz-ist-ein-desaster_id_14213913.html

 

Wikipedia: Mohammed Zahir Schah. https://en.wikipedia.org/wiki/Mohammed_Zahir_Shah

 

Wikipedia-2: Mudschahid.

https://de.wikipedia.org/wiki/Mudschahid




No comments: