Đại
dịch và những chủ trương mời gọi chi dụng công quỹ
20/09/2021
https://www.voatiengviet.com/a/dai-dich-am-tinh-duong-tinh-covid/6235687.html
https://gdb.voanews.com/913EE189-E66C-482E-A164-8DC2C0FEB260_w650_r1_s.png
Điều trị bệnh nhân
Covid-19 ở Tp. HCM. Hình minh họa. Photo VTV1 via Reuters.
Tin Cà Mau - địa phương chỉ có 283 ca nhiễm
COVID 19 – quyết định sẽ tổ chức xét nghiệm trên toàn tỉnh (dân số khoảng 1,5
triệu người) làm nhiều người thêm sốt ruột, đặc biệt là sau khi ông Hồ Đức Phớc
(Bộ trưởng Tài chính) báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng công quỹ khiếm
hụt.
Không chỉ người dùng mạng xã hội mà báo chí
cũng đã bắt đầu lên tiếng phân tích về sự phí phạm tiền bạc khi thực hiện chỉ đạo... xét
nghiệm thần tốc trên diện rộng do ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng Việt
Nam) khởi xướng: Trong chín ngày (từ 8/9/2021 đến 16/9/2021), Hà Nội đã
lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 4.120.000 người cả bằng test nhanh (1.920.000
người), lẫn RT-PCR (2.960.000 người). Kết quả, chỉ có 21 trong số hơn 4,1 triệu
người dương tính. Nếu đem tổng chi phí cho đợt xét nghiệm thần tốc trên diện rộng
này chia cho 21 ca dương tính, số tiền đổ vào để tìm một ca dương tính với
COVID-19 là... hơn 20 tỉ đồng (1).
Chưa rõ đến bao giờ khuyến cáo của các chuyên
gia y tế, dịch tễ về... xét nghiệm thần tốc trên diện rộng mới
được lắng nghe và thực thi cho dù trên thực tế, có nơi như Tiền Giang, chỉ cần
điều chỉnh quy mô, cách thức triển khai xét nghiệm để điều chỉnh kế hoạch ngăn
ngừa đại dịch đã giúp tiết kiệm được 100 tỉ đồng.
***
Khi hiệu quả không cao, chi phí lại quá lớn,
theo lẽ tự nhiên, công chúng buộc phải thắc mắc tại sao... xét nghiệm
thần tốc trên diện rộng vẫn là... kim chỉ nam cho... công
cuộc phòng chống đại dịch COVID-19? Những ai, nơi nào được hưởng lợi nhờ...
đại dịch để tiếp tục đu bám, duy trì... xét nghiệm thần tốc trên diện rộng?
Chẳng riêng công chúng. Đầu tuần trước, trong
một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận để định hướng cho hoạt
động kiểm toán của năm tới, ông Vương Đình Huệ (Chủ tịch Quốc hội) yêu cầu phải
lưu tâm tới... việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng,
chống dịch COVID-19.
Song song với kiểm tra thực hiện các
gói hỗ trợ dân chúng và doanh giới có hợp lý và đúng mục đích hay không,
ông Huệ nhắc kiểm toán phải chú ý cả tổ chức xét nghiệm (mẫu đơn – test
nhanh, mẫu gộp – RT PCR) và chi phí, vì chi phí cho mẫu gộp hơn chi phí cho
vaccine rất nhiều (2).
Người ta chưa hiểu tại sao đến giờ này, bất kể
các cảnh báo, các khuyến cáo của chuyên gia, Thủ tướng Việt Nam vẫn rất mặn mà
với... xét nghiệm thần tốc trên diện rộng. Thậm chí ông Chính
còn có một số động tác giống như thúc ép chính quyền các địa phương phải triển
khai... xét nghiệm thần tốc trên diện rộng!
Ba ngày sau khi bị Thủ tướng dùng đài truyền
hình quốc gia bày ra cho toàn đảng, toàn dân thấy tập thể lãnh đạo Kiên
Giang yếu kém, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo (3) thế nào,
những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tỉnh Kiên
Giang đã quyết định chi 158 tỉ để tiến hành... xét nghiệm thần tốc
trên diện rộng (4).
Chưa đầy một ngày sau khi mắng mỏ các viên chức
hữu trách ở Kiên Giang (13/9/2021), rạng sáng 14 tháng 9, Thủ tướng Việt Nam trực
tiếp gọi điện thoại cho Bí thư kiêm Chủ tịch thị trấn Long Bình và Chủ tịch huyện
An Phú ở An Giang để cật vấn và để nhắc nhở ba việc phải làm, trong đó có phải tổ
chức xét nghiệm hai ngày/ lần (5).
Sáng 15 tháng 9, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Bộ
Y tế phải gửi công điện nhắc các tỉnh, thành đang thực hiện phong tỏa phải thực
hiện năm yêu cầu mà 3/5 liên quan đến... xét nghiệm thần tốc trên diện
rộng. Quyết định tổ chức xét nghiệm trong toàn tỉnh dù chỉ có 283 ca
nhiễm của Cà Mau được công bố sau chỉ đạo này.
***
Vào lúc này, chưa rõ Việt Nam đã chi bao nhiêu
ngàn tỉ cho... xét nghiệm thần tốc trên diện rộng. Chẳng cần
là chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ, thường dân cũng có thể thấy hiệu quả của... xét
nghiệm thần tốc trên diện rộng ra sao đối với ngăn ngừa đại dịch, giúp
kinh tế - xã hội hồi phục.
Tuy chưa rõ Việt Nam đã chi bao nhiêu ngàn tỉ
cho xét nghiệm thần tốc trên diện rộng nhưng có thể thấy, Thủ
tướng Việt Nam si mê... xét nghiệm thần tốc trên diện rộng đến
mức dù không có chuyên môn về y tế, không có kinh nghiệm về dịch tễ nhưng ông
ta dứt khoát không thèm nghe chuyên gia trong những lĩnh vực này can gián!
Trước đây, chính phủ của ông thủ tướng cũng đã
từng cho phun khử khuẩn. Giống như... xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, chính
phủ đã chi hàng ngàn tỉ cho... phun khử khuẩn, bất kể cảnh
báo, khuyến cáo.
Chỉ đến khi quân đội đã hoàn tất thêm một đợt
phun khử khuẩn, tiêu độc trên toàn bộ TP.HCM vào hạ tuần tháng 7 vừa
qua (6), Bộ Y tế mới thỏ thẻ, chẳng riêng Tổ chức Y tế Thế giới mà các cơ quan
phòng chống dịch bệnh của thiên hạ đều cho rằng, không nên phun hóa chất diệt
khuẩn ngoài trời vì kém hiệu quả, nguy hại cả cho người phun, khu vực được phun
lẫn khu vực xung quanh, lãng phí hóa chất phòng chống dịch và có thể gây hại
môi trường (7).
Nhiều người dùng mạng xã hội đã cũng như đang
truyền cho nhau xem đoạn hội thoại khái quát thực trạng... si mê mới. Si mê...
xét nghiệm thần tốc trên diện rộng như thế này:
- Sao đè tụi tui ra ngoáy mũi hoài vậy?
- Để tìm dương tính!
- Cả xóm âm tính, vùng xanh lâu rồi còn tìm chi nữa?
- Phải tìm cho ra dương tính!
- Lần này vẫn âm tính thì còn ngoáy nữa không?
- Còn! Phải ngoáy cho lòi dương tính ra chớ!
- Nếu lòi ra dương tính rồi còn ngoáy nữa không?
- Sao không? Phải ngoáy coi lúc nào thì âm tính trở lại!
- Lúc đó mới ngưng ngoáy hả?
- Dễ gì! Vẫn phải ngoáy đều!
- Sao vậy?
- Phải ngoáy lại cho đến khi lòi ra dương tính!
- Trời!..
- Trất đất gì. Đưa mũi đây (8)!
***
Về bản chất, chính phủ chỉ là một tập thể được
ủy nhiệm để quản trị, điều hành quốc gia. Công sản, công quỹ là tài sản của một
dân tộc, không phải của chính phủ nên việc sử dụng phải được tập thể dân cử (Quốc
hội) xem xét kỹ lưỡng, phê duyệt, giám sát cẩn thận nhưng vì Việt Nam có đảng
lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối thành ra... không phải như vậy!
Không phải như vậy cho nên Thủ tướng, rộng hơn
là chính phủ có quyền... si mê... gì đó bất kể hậu quả ra sao, tốn kém thế nào.
Thậm chí trong giai đoạn nghiệt ngã như đại dịch, dẫu thảm họa có thể tạo ra biển
nước mắt nhưng vẫn là cơ hội chi dụng thoải mái cho những... si mê mới. Vì sao
lại thế? Ngay vào lúc này chưa thể xác định đó là do... quá tự tin vì công quỹ
không phải của mình, chi dụng thế nào cũng không cần lo về trách nhiệm hay...
còn những nguyên nhân khác!
-----------------
Chú thích
(4) https://vnexpress.net/kien-giang-chi-128-ty-dong-xet-nghiem-dien-rong-4357331.html
(5) https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm
(6) https://cand.com.vn/y-te/Quan-doi-trien-khai-khu-khuan-tieu-doc-toan-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh-i621319/
(8) https://www.facebook.com/bdtvn2019/posts/6130721743667668
No comments:
Post a Comment