Monday, September 6, 2021

AFGHANISTAN : QUAN HỆ MỸ và TALIBAN SẼ NHƯ THẾ NÀO? (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Afghanistan: Quan hệ Mỹ và Taliban sẽ như thế nào?

Hiếu Chân/Người Việt

September 3, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/afghanistan-quan-he-my-va-taliban-se-nhu-the-nao/

 

Nửa đêm 30 rạng ngày 31 tháng Tám, chiếc phi cơ vận tải khổng lồ C-17 của không lực Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường Kabul, đưa các binh sĩ cuối cùng rời khỏi Afghanistan, chính thức kết thúc cuộc tham chiến của Hoa Kỳ tại quốc gia Nam Á này.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/A1-Afghanistan-My-Taliban-1068x712.jpg

Phụ nữ Afghanistan tuần hành yêu cầu quyền của họ dưới sự cai trị của Taliban ở khu vực trung tâm thành phố Kabul vào ngày 3 Tháng Chín. (Hình: Hoshang Hashimi/AFP via Getty Images)

 

Từ Chủ Nhật, 15 Tháng Tám, lực lượng Taliban đã kiểm soát được Afghanistan, trừ một tỉnh nhỏ Panjshir, đã bắt đầu thành lập chính phủ mới, chính thức điều hành một quốc gia với tư cách một chính phủ thay cho chính phủ của Tổng Thống Ashraf Ghani đã sụp đổ.

 

Sự thay đổi quyền lực ở Kabul sẽ tác động lớn đến tình hình thế giới trong nhiều năm tháng sắp tới. Một vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ sẽ làm gì để hóa giải những tác động xấu, tái lập sự ổn định và bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trong khu vực? Có thể Hoa Kỳ chẳng những nên mà còn cần phải hợp tác với Taliban sau khi tổ chức này đã chuyển vị trí từ một nhóm thánh chiến thành một chính phủ điều hành một tiểu vương quốc Hồi Giáo – cho dù chính phủ đó không do người dân bầu lên và có một quá khứ bất hảo khi nắm quyền trong thời kỳ 1996-2001.

 

Có một điều chắc chắn là trong tương lai gần, Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây sẽ không công nhận chính phủ Afghanistan mà Taliban lập ra, với thành phần lãnh đạo đều là các chức sắc tôn giáo cao cấp của tổ chức này và không có đại diện các thành phần sắc tộc thiểu số, phụ nữ và các xu hướng chính trị khác.

 

 

Taliban cần hợp tác

 

Trong khi đó, Taliban thừa hiểu, giành quyền lực bằng nòng súng khác hẳn với cai trị một đất nước. Ngay sau khi chiếm được thủ đô Kabul, lực lượng Taliban đã bắt đầu đổi giọng, cam kết duy trì hòa bình, bao dung và quyền của phụ nữ, trấn an các mối lo ngại cả trong nước và quốc tế. Các giáo sĩ cao cấp nhất biết rằng, để duy trì được quyền lực, họ cần có tính chính danh (legitimacy), cần người dân ủng hộ và cộng đồng quốc tế công nhận. Tất nhiên, từ tuyên bố mềm mỏng đến hành động thực tế là một khoảng cách rất xa và thế giới chưa vội tin vào những lời đường mật của họ.

 

Nhưng trước mắt, Taliban đang đối mặt với một xã hội hỗn loạn, guồng máy hành chính sụp đổ, thiếu cả những hàng hóa thiết yếu nhất cho cuộc sống người dân, đại dịch COVID-19 lan tràn và ngân khố trống rỗng. Taliban không có con đường nào khác hơn là phải tìm cách hòa giải với phương Tây, với Hoa Kỳ để “rã băng” các khoản dự trữ ngoại tệ và viện trợ đang bị phong tỏa, để được viện trợ các nhu yếu phẩm và thuốc men cần thiết hiện nay và để phục hồi các hệ thống điện, nước, viễn thông sau này.

 

Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đặt ra ba điều kiện mà Taliban phải theo để được công nhận là thành viên của cộng đồng quốc tế. Dù những điều kiện này trái ngược với những tín điều Hồi Giáo khắc nghiệt, nhưng họ không thể không tuân theo. Một trong những yêu cầu mà lãnh tụ chính trị của Taliban Abdul Ghani Baradar đưa ra với Giám Đốc CIA William J. Burns khi hai bên bí mật gặp nhau hôm 23 Tháng Tám là người Mỹ hãy tiếp tục mở cửa tòa đại sứ ở Kabul (và bị ông Burns từ chối).

 

Nếu lấy sự kiện miền Nam Việt Nam năm 1975 làm một “tiền lệ lịch sử” thì có thể nhận định, Taliban sẽ sớm phải thay đổi và “gác lại quá khứ,” sẽ phải “cầu hòa” với người Mỹ để có thể duy trì quyền lực, phát triển đất nước và hội nhập với cộng đồng thế giới.

 

 

Mỹ cũng cần Taliban

 

Trong khi đó, để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ cũng phải làm việc với Taliban, không phải với tư cách một tổ chức khủng bố mà với một chính phủ nắm quyền cai trị thực tế một quốc gia có 40 triệu dân. Có ba lĩnh vực thiết yếu mà người Mỹ cần sự hợp tác của Taliban, là cuộc chiến chống khủng bố, thảm họa nhân đạo ở Afghanistan và cơ cấu địa chính trị khu vực.

 

Về chống khủng bố, mặc dù trong thỏa thuận hòa bình Doha vào Tháng Hai, 2020, Taliban đã cam kết sẽ không tiếp tục hỗ trợ các tổ chức khủng bố và không để cho các tổ chức khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan để khủng bố Hoa Kỳ và các nước đồng minh nhưng cam kết đó còn lâu mới trở thành hiện thực.

 

Trong thời kỳ cai trị Afghanistan 1996-2001, Taliban đã dung dưỡng tổ chức Al Qaeda và ông trùm Osama Bin Laden cả trước và sau vụ khủng bố 11 Tháng Chín, dẫn tới cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ. Taliban ngày nay có bộ mặt ôn hòa hơn Taliban cuối thế kỷ trước, nhưng mối quan hệ Taliban-Al Qaeda vẫn chưa bị cắt đứt.

 

Một tổ chức khủng bố khét tiếng khác là Nhà Nước Hồi Giáo ISIS mà chi nhánh tại Afghanistan có tên là ISIS-Khorasan (ISIS-K). Tổ chức này thù địch với Hoa Kỳ và vụ tấn công liều chết tại phi trường Kabul hôm 26 Tháng Tám làm 170 người Afghanistan và 13 binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng cho thấy ISIS-K vẫn là một thế lực đáng sợ mà Taliban chưa thể kiểm soát được.

 

Việc rút quân của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan có nguy cơ làm cho các tổ chức khủng bố cực đoan này tập hợp lại, củng cố lực lượng và một lần nữa Afghanistan có thể trở thành một lò ấp, một căn cứ bí mật cho những kẻ cực đoan, nơi xuất phát những cuộc tấn công liều lĩnh và đẫm máu vào thường dân các đô thị phương Tây, kể cả Hoa Kỳ.

 

Các chỉ huy quân đội Mỹ cho rằng, công cuộc chống khủng bố của Hoa Kỳ sẽ chuyển sang chiến thuật tấn công từ xa, từ bên kia đường chân trời (out of horizon), nhưng không có lực lượng quân đội và tình báo tại chỗ, không có sự phối hợp của chính quyền địa phương thì những cuộc tấn công từ bên ngoài khó đạt được hiệu quả mong muốn, nhất là khi những kẻ khủng bố luôn mặc áo thường dân, sống chung với thường dân mà không có doanh trại hay căn cứ cố định. Để tiêu diệt tận gốc các tổ chức khủng bố ở Afghanistan thì hợp tác với Taliban là điều kiện bắt buộc.

 

Sự ra đi của quân đội Mỹ và đồng minh để lại đằng sau hàng chục ngàn người Afghanistan có nguy cơ bị bức hại – có thể họ là binh lính và công chức của chế độ cũ hoặc những người cộng tác với người Mỹ và đồng minh. Bài học Việt Nam cho thấy, sau khi giành được chính quyền, các thế lực nổi loạn thường mạnh tay đàn áp thành viên của “bên thua cuộc” bằng những chính sách trả thù tàn bạo.

 

Thêm vào đó, đất nước Afghanistan tan hoang sau hơn bốn thập niên chiến tranh đang đẩy người dân tới tận cùng của sự nghèo khó. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ghi nhận khoảng 18 triệu người – gần một nửa tổng dân số – cần được trợ giúp và một nửa trong số năm triệu trẻ em Afghanistan bị suy dinh dưỡng. Một làn sóng di cư, tị nạn chính trị và kinh tế từ Afghanistan chắc chắn sẽ bùng phát trong thời gian tới, mà đích đến của họ chắc chắn là các nước châu Âu, Ấn Độ và Úc và xa hơn là Hoa Kỳ.

 

Việc xử lý thảm họa nhân đạo khổng lồ này đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải có sự hiện diện tại khu vực và phải làm việc với nhà cầm quyền Taliban để điều hành những chương trình “ra đi trong trật tự” (ODP) như đã từng làm ở Việt Nam.

 

 

Hợp tác là cần thiết dù muốn hay không

 

Taliban trở lại Kabul làm đảo ngược bàn cờ địa chính trị khu vực. Các nước láng giềng của Afghanistan như Trung Quốc, Iran và Pakistan đã nhanh chóng gây ảnh hưởng với các quan chức Taliban để lôi kéo đồng minh. Trung Quốc chẳng hạn, đã mời các đại diện cao cấp của Taliban đến Thiên Tân bàn luận từ trước khi tổ chức này chiếm được Afghanistan, hiện vẫn mở cửa đại sứ quán ở Kabul và không che giấu tham vọng đầu tư vào công cuộc tái thiết quốc gia này.

 

Đi xa hơn, Trung Quốc muốn dùng chính quyền Taliban để ngăn chặn, tiêu diệt tổ chức phản kháng của người Uyghur theo Hồi Giáo ở Tân Cương – một lực lượng được cho là đã sát cánh cùng Taliban nhiều năm qua. Dự trữ khoáng sản khổng lồ có giá trị hơn $3,000 tỷ của Afghanistan, gồm các mỏ vàng, mỏ đồng và mỏ lithium, cũng là món lợi mà Bắc Kinh không thể bỏ qua.

 

Với lề lối ngoại giao dựa vào đồng tiền, vào thủ đoạn mua chuộc và cưỡng bức, Trung Quốc sẽ không khó lôi kéo đám giáo sĩ chóp bu của Taliban vào các dự án Vành đai và Con đường, và trở thành một quân cờ trong quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Mỹ sẽ ứng phó với sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc như thế nào nếu không duy trì sự hiện diện ở Afghanistan? Ngoại Trưởng Antony Blinken đã xác định Hoa Kỳ sẽ can dự. “Ngay cả khi chúng tôi rút hết lực lượng ra khỏi Afghanistan, chúng tôi vẫn tiếp tục can dự với đất nước này. Chúng tôi không có một tòa đại sứ mạnh ở đó, nhưng có những chương trình quan trọng nhằm giúp Afghanistan về kinh tế thông qua viện trợ phát triển và an ninh,” ông Blinken nói sau cuộc họp hôm Thứ Tư, 1 Tháng Chín, với Ngoại Trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar tại Hyderabad. Mối lo của Hoa Kỳ phần nào cũng là mối lo trong tâm can của Ấn Độ và chắc chắn Washington sẽ cùng với New Delhi hợp tác để giải quyết.

 

Nói vắn tắt, sau rút quân, Hoa Kỳ vẫn cần hiện diện ở Afghanistan và vẫn nên hợp tác với Taliban – đối thủ mà Washington đã đánh đuổi 20 năm trước – vì lợi ích của chính Hoa Kỳ, lợi ích của người dân Afghanistan, của khu vực và thế giới. Hai mươi năm qua đã có bao nhiêu thay đổi nên không thể kiên trì đi theo một chiến lược đã không còn phù hợp.

 

Nhưng sự hợp tác Mỹ-Taliban sẽ diễn ra chậm và với sự thận trọng cần thiết. Cho đến nay, Taliban vẫn bị Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây đặt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế. Tại cuộc họp báo cách đây vài hôm, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin nói rằng mặc dù Hoa Kỳ đã làm việc với Taliban về một loạt các ưu tiên hạn hẹp nhưng “Thật khó để dự đoán sự hợp tác với Taliban sẽ đi đến đâu trong tương lai.”

 

Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, vẫn nói Taliban là “một tổ chức tàn bạo” (a ruthless group). Nhưng ông cũng cho biết: “Trong chiến tranh, nhiều khi bạn phải làm những việc bạn phải làm,” ám chỉ việc quân đội Mỹ đã hợp tác với Taliban trong cuộc di tản công dân Mỹ và thường dân Afghanistan ra khỏi Kabul trong hai tuần vừa qua. Và đó cũng có thể là tiền lệ cho một sự hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai; có những việc phải làm thì phải làm dù muốn hay không muốn. [qd]




No comments: