NỘI
DUNG :
.
.
.
==================================================
.
DÙ MUỘN CHÚNG TÔI
VẪN LÊN TIẾNG
Hà Nội, ngày 07 tháng 5
năm 2020.
ĐƠN KIẾN NGHỊ
KHẨN CẤP
(Về việc: Tạo điều kiện
cho Luật sư tiếp tục tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo quy
định tại điều 386 Bộ luật TTHS).
Kính gửi: Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao
Chúng tôi, những Luật sư
tham gia bản kiến nghị này, xin trình bày và có ý kiến như sau:
Trước việc Viện KSND tối
cao ban hành kháng nghị để yêu cầu xem xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp
luật đối với Hồ Duy Hải theo thủ tục Giám đốc thẩm, các Luật sư chúng tôi rất
quan tâm, đồng thời hy vọng phiên tòa do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao được mở
ra để xét kháng nghị này được thực hiện công khai, dân chủ và tranh tụng bình đẳng,
nhằm tìm ra sự thật của vụ án một cách khách quan và đúng quy định của Bộ luật
Tố tụng Hình sự.
Thế nhưng, ngay từ ngày đầu
tiên (06/5/2020) của phiên tòa Giám đốc thẩm, các Luật sư chúng tôi hết sức bất
ngờ và thất vọng trước sự kiện: Luật sư Trần Hồng Phong – người được gia đình Hồ
Duy Hải tin cậy và yêu cầu bảo vệ cho bị án trong giai đoạn giám đốc thẩm của vụ
án – chỉ được có mặt trong phần thủ tục đầu tiên của phiên tòa là nghe ý kiến của
đại diện Viện KSND tối cao trình bày về kháng nghị, và trình bày ý kiến của
mình trước Hội đồng Thẩm phán trong khoảng thời gian 20 phút.
Đến cuối buổi làm việc
sáng ngày 06/5/2020, theo thông báo của Chủ tọa phiên tòa, thì Luật sư Trần Hồng
Phong đã hoàn thành việc trình bày các ý kiến và chứng cứ mới và đã được ghi nhận,
do vậy Hội đồng Thẩm phán xét thấy Luật sư không cần thiết phải có mặt tại
phiên tòa nữa, nên từ buổi làm việc chiều ngày 06/5/2020 trở đi, Luật sư Trần Hồng
Phong không cần tiếp tục có mặt tại phiên tòa này nữa. Sau khi có thông báo
này, Luật sư và đại diện Viện KSND tối cao cùng có đề nghị Luật sư tiếp tục
tham gia đầy đủ tại phiên tòa theo như nội dung giấy mời của TAND tối cao (Từ
ngày 06/5/2020 đến ngày 08/5/2020) nhưng không được Chủ tọa phiên tòa chấp thuận.
Sự kiện vừa nêu trên cho
thấy, ngay tại phiên tòa giám đốc thẩm được dư luận trong và ngoài nước quan
tâm, các thủ tục tố tụng hình sự, vốn được quy định rõ ràng và chặt chẽ đã bị
vi phạm một cách nghiêm trọng và công khai, làm mất đi cơ hội và điều kiện giúp
cho phiên tòa tìm ra sự thật khách quan của vụ án, đặc biệt là tước bỏ quyền của
Luật sư.
Tại khoản 2 điều 386 Bộ
luật Tố tụng Hình sự quy định: “Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên
tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ
án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng
trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án”.
Hội đồng Thẩm phán TAND tối
cao đã xét thấy sự có mặt của người bào chữa là cần thiết, nên đã có giấy mời
(Triệu tập) Luật sư Trần Hồng Phong tới phiên tòa. Điều đó mặc định rằng, vị Luật
sư này có nghĩa vụ và có quyền của người tham gia tố tụng được Tranh Tụng dân
chủ, bình đẳng trong phiên tòa giám đốc thẩm.
Đáng lẽ, Luật sư Trần Hồng
Phong phải được nghe đầy đủ ý kiến và trình bày của những người tham gia phiên
tòa giám đốc thẩm này, ví dụ như ý kiến, trình bày của một số Điều tra viên, Kiểm
sát viên, Thẩm phán đã tiến hành tố tụng ở cấp Sơ thẩm, Phúc thẩm đang tham gia
phiên tòa. Nếu Luật sư Trần Hồng Phong không đồng ý với những ý kiến trình bày
đó, hoặc phát hiện những vấn đề cần làm rõ thì có quyền và nghĩa vụ tranh tụng
đến cùng và Chủ tọa có nghĩa vụ tạo điều kiện cho Luật sư trình bày hết ý kiến,
tranh luận dân chủ, bình đẳng với những người tham gia phiên tòa khác. Tuy
nhiên, việc ông Chủ tọa không cho Luật sư tiếp tục phiên tòa là vi phạm nghiêm
trọng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự mà chúng tôi vừa trích dẫn trên.
Khi Luật sư Trần Hồng
Phong mất đi quyền có mặt và thực hiện nghĩa vụ, quyền tranh tụng của mình tại
phần tiếp theo của phiên tòa, có nghĩa là bị án Hồ Duy Hải đã bị tước đi cơ hội
cuối cùng, hy vọng cuối cùng được xem xét công bằng theo quy định.
Chúng tôi được biết,
phiên tòa này vẫn đang tiếp tục, vẫn còn cơ hội để khắc phục vi phạm đặc biệt
nghiêm trọng đã nêu trên. Vì vậy, chúng tôi trân trọng đề nghị:
Ông Chánh án TAND tối cao
– Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm mời Luật sư Trần Hồng Phong tiếp tục tham gia
phiên tòa, nếu cần thiết có thể kéo dài thêm thời gian để tạo điều kiện cho Luật
sư thực hiện việc tranh tụng, trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng
theo đúng quy định tại khoản 2 điều 386 Bộ luật Tố tụng Hình sự đã nêu trên.
Chúng tôi rất mong ông
Chánh án TAND tối cao, các cơ quan, đoàn thể liên quan xem xét khẩn cấp kiến
nghị này của chúng tôi, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân và giới Luật sư đối
với cơ quan Tư pháp tối cao của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn.
***
NGUYÊN VĂN ĐƠN KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP
------------------------------------------
Thật khó để hy vọng pháp
luật được thượng tôn, nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng, và càng khó có
khả năng những người nắm quyền định đoạt sinh mệnh một con người chịu thừa nhận
đã có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra và truy tố bị can Hồ Duy Hải,
với cáo buộc giết người ở vụ án Bưu điện Cầu Voi (Long An).
Ông Nguyễn Hoà Bình, chánh án Toà án nhân dân Tối
cao, nói trong phiên giám đốc thẩm hôm qua rằng, các cơ quan viện kiểm sát và cơ quan điều tra thống nhất Hồ Duy Hải giết
người theo lời khai của Hải, nhưng chưa thống nhất giết người như thế nào,
phương tiện gì...
Đây là một phát ngôn có vấn
đề nghiêm trọng.
Thứ nhất, giám đốc thẩm mở ra để xem xét quá trình điều tra, truy tố có vi phạm
quy định tố tụng hay không, chứ không phải để xem xét Hồ Duy Hải giết người hay
không. Với tình tiết như cơ quan điều tra tự đi mua dao, thớt ngoài chợ về biến
thành hung khí, cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng Hình sự.
Và như vậy, đương nhiên phải huỷ bản án trước đây với Hồ Duy Hải.
Thứ hai, ngay cả xem xét có phạm tội hay không thì trong phiên giám đốc thẩm
hôm qua, chính các cơ quan điều tra và kiểm sát còn chưa nắm được phương thức
giết người. Khi chưa biết giết người như thế nào, phương tiện gì, thì lấy gì để
kết luận Hồ Duy Hải giết người?
Việc giết người bằng phương
tiện gì, cách thức thực hiện ra sao phải là sự thật khách quan đã diễn ra,
không theo ý chí hay bất cứ sự thống nhất nào. Việc các bên còn chưa thống nhất
phương thức giết người, đó là biểu hiện muốn áp đặt ý chí chủ quan vào vụ việc.
Như vậy, làm sao tìm thấy sự thật khách quan như nó vốn có?
Cũng dễ hiểu,
khi ông Nguyễn Hoà Bình đã quyết định không kháng nghị vụ án khi là Viện
trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nay lại ngồi trên ghế Chánh án Toà án
Nhân dân tối cao, xử phiên giám đốc thẩm.
Thừa nhận vi phạm tố tụng
chẳng khác nào thừa nhận mình đã sai và để một công dân phải chịu kiếp tù đày với
án tử treo trên đầu cả chục năm dằng dặc.
Thương cho một phận người,
thương cho một người mẹ suốt 12 năm trời tìm kiếm công lý cho con.
Và, càng thương hơn cho
cái gọi là công lý trên đất nước này. Công lý xa vời.
--------------------------------------------
.
Một số bạn đã hỏi tôi:
“Liệu Hồ Duy Hải có oan thật không?”. Dĩ nhiên, câu hỏi của các bạn ấy bao hàm
ý “Hồ Duy Hải có giết các 02 cô gái ấy không?”. Thoạt nghe, hai câu hỏi chỉ là
một, nhưng thật ra, chúng khác biệt nhau lắm. Rất dễ dàng để trả lời câu hỏi
trước, nhưng trả lời câu hỏi sau là điều không hề đơn giản.
Với câu hỏi trước, Hồ Duy
Hải có oan hay không? Tất nhiên, Hồ Duy Hải oan! Vì lẽ, hồ sơ kết tội của Hồ
Duy Hải đầy rẫy những điều phi lý. Theo thống kê, đã có khoảng hơn 40 điều phi
lý, mà lẽ ra, chỉ cần có 01 hay 02 trong số hơn 40 điều phi lý ấy tồn tại, thì
hồ sơ kết tội ấy đã phải hủy, Hồ Duy Hải đã được tự do rồi chứ không thể dùng để
kết án tử hình một công dân. Cho nên, đánh giá về phương diện pháp lý với hồ sơ
kết tội như thế, thì Hồ Duy Hải bị oan là điều không cần phải bàn cãi quá nhiều.
Nhưng với câu hỏi sau, “Hồ
Duy Hải có giết 02 cô gái ấy không?”, thì câu trả lời không đơn giản. Vì lẽ,
ngoài những người có liên quan, như: 02 cô gái nạn nhân đã chết, Hồ Duy Hải hoặc
thủ phạm nào đó đã ra tay thủ ác, thì không có ai tận mắt chứng kiến thấy diễn
biến sự việc để mà có thể khẳng định sự việc.
Thực tế, như phần lớn các
vụ sát nhân, thì không mấy ai có thể cho rằng mình biết rõ tội phạm là ai được
cả, ngoại trừ có nhân chứng tận mắt thấy rõ diễn biến sát nhân, hoặc clip ghi
âm, ghi hình giúp xác định tội phạm thì không kể. Đôi khi, trong một số trường
hợp, chính nạn nhân cũng chưa hẳn biết rõ ai là người đã ra tay thủ ác tước đoạt
sinh mạng của mình? Vì thế, các điều tra viên, giám định viên tư pháp, kiểm sát
viên, thẩm phán và các luật sư lại càng không thể biết. Cái “biết” được tranh
cãi trong phiên tòa, cũng như cái “biết” ghi trong bản án tử hình chỉ là cái
“biết” từ sự xét đoán mà thôi.
Việc điều tra tội phạm
sau án mạng là việc ráp nối lại các kết quả điều tra để giúp xác định tội phạm.
Việc điều tra là do con người thực hiện, con người thì không hoàn hảo, cho nên,
kết quả điều tra không phải lúc nào cũng bảo đảm đúng đắn, chuẩn xác. Sự đúng
sai tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu trong vụ án phân công được điều tra viên giỏi
nghiệp vụ, công tâm và thận trọng… thì kết quả điều tra sẽ hiệu quả, mức độ khả
tín cao. Nhưng nếu điều tra viên kém, nghiệp vụ chuyên môn chỉ bao gồm sự lạm dụng
quyền hạn, bức cung, nhục hình. Bên cạnh đó, bị áp lực vì thành tích thi đua,
vì chỉ đạo của cấp trên hay những lý do kém minh bạch khác để đổi trắng thay
đen… buộc “gấu chắp tay nhận là thỏ”, thì hậu quả gây ra án oan sai cho công
dân là điều có thấy trước.
Cho nên, trong vụ án Hồ
Duy Hải, với những chứng cứ phi lý tồn tại trong hồ sơ, thì về phương diện pháp
lý, Hồ Duy Hải bị oan. Nhưng Hồ Duy Hải có ra tay tước đoạt 02 mạng người hay
không, thì công chúng chỉ có thể xét đoán bằng niềm tin, rằng Hồ Duy Hải không
phải là kẻ thủ ác.
Theo đó, bất luận như thế
nào, thì vụ án Hồ Duy Hải cũng cần phải hủy.
Hôm qua, ngày 06/05/2020,
vụ án Hồ Duy Hải được Tòa án tối cao đưa ra xét xử trong một phiên tòa giám đốc
thẩm khá rình rang, với hình ảnh 17 vị thẩm phán mặc áo thụng đỏ đẹp mắt, trong
khung cảnh phòng xử ốp toàn gỗ nguy nga được truyền đi cả nước, kể cả sự kiện lần
đầu một luật sư được mời dự phiên tòa như vậy, thì đã giúp thu hút sự quan tâm
rộng rãi chưa từng có của công chúng. Đây quả là một cơ hội lớn để pháp đình Việt
Nam gỡ gạc lại chút niềm tin của công chúng sau khá nhiều các vụ án oan tày trời
như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh…
Bóng đã ở trong chân, liệu
họ sẽ bỏ lỡ hay tận dụng cơ hội sút vào một khung thành trống để ghi điểm? Cân
nhắc lợi hại, chắc hẳn công chúng sẽ nhanh chóng chọn lựa giải pháp “sút ghi điểm”.
Nhưng với tư cách là người hiểu biết nhiều về các sinh hoạt pháp đình của xứ sở
này trong một phần tư thế kỷ qua, tôi vẫn đang phân vân chọn câu trả lời.
------------------------------------------
.
Lần đầu tiên trong lịch sử
xét xử của nước Việt Nam, ông Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình, chủ tọa một
phiên tòa đỉnh cao, xét xử đồng loại, nhân danh đồng loại, quyết định mạng sống
đồng loại là con người Hồ Duy Hải.
Trong thế giới của muôn
loài thì chỉ có loài người là có cơ chế xét xử đồng loại, nghĩa là, nhân danh đồng
loại, ra quyết định tước tự do hoặc mạng sống của đồng loại.
Đối với loài vật thì hành
xử theo luật rừng, luật biển. Khi có mâu thuẫn thì cứ xô vào cấu xé nhau, giành
đực cái, giành thức ăn, mạnh được – yếu thua, có khi tước mạng sống của nhau.
Con người thì khác. Con
người có cơ chế xét xử đồng loại. Cho nên, nghề thẩm phán là nghề thiêng liêng,
liên quan đến tự do, mạng sống con người. Từ cơ chế xét xử thô sơ, mông muội xa
xưa của các tộc trưởng, tù trường, của các vua quan phong kiến; loài người đã
tiến xa, đi đến tổ chức ra một hệ thống xét xử văn minh bằng một hội đồng – bồi
thẩm đoàn độc lập, xét xử hai cấp hoặc 3 cấp, để khâu sau kiểm tra khâu trước,
trên tinh thần khách quan, toàn diện và đầy đủ, để sao cho, không bỏ lọt tội phạm
và không làm oan người vô tội. Trong đó, không tước đi mạng sống người vô tội
là chân lý mang tính tuyệt đối của mọi nền tư pháp văn minh.
Bởi vậy, ở các nước văn
minh, các thẩm phán được chọn lựa rất kỹ và được bảo vệ rất nghiêm ngặt để họ độc
lập, khách quan vô tư khi làm nhiệm vụ. Người ta có thể tranh cãi nảy lửa khi
chưa có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng khi bản án đã có hiệu lực pháp luật
thì mọi người tin rằng đó là chân lý. Cưỡng chế thi hành án, có thể tước đi tài
sản, tự do hoặc tính mạng của con người nhưng không gây oán thù cá nhân vì đó
là chân lý, là ý chí của luật pháp.
Các thẩm phán của nước
Anh đều do Nữ Hoàng Anh bổ nhiệm và được hưởng qui chế rất đặc biệt. Gần 200
năm qua, nước Anh chưa một lần bãi nhiệm thẩm phán vì lý do nghiệp vụ pháp luật
hoặc nhận hối lộ để làm lệch cán cân công lý.
Singapore thì nghiệm ngặt,
không để những phụ nữ đang mang thai tham gia xét xử những vụ án có khung hình
phạt tử hình vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Người phụ nữ đang mang thai thường
có xu hướng làm phúc cho con, rất ngại tuyên những bản án nghiêm khắc.
Những người theo đạo Phật
thì trước khi xử án đại hình sẽ tìm hiểu rất kỹ vụ án, sẽ ăn chay niệm Phật cầu
nguyện cho mình được sáng suốt, sao cho, không làm oan người vô tội.
Còn những người thật sự
tin Chúa thì đọc rất kỹ bản án, hỏi han những chỗ còn chưa rõ, cầu Chúa cho
mình được sáng suốt – thiện lành để không giết người vô tội. Đêm trước ngày mở
phiên tòa, họ tắm gội sạch sẽ, cầu nguyện đấng tối cao ban cho họ sáng suốt và
thiện lành để không làm oan người vô tội. Đối với họ, giết người vô tội là quá
khủng khiếp.
Trong lúc thi hành công vụ,
dù đã tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì họ vẫn day dứt khi phải tước
đi mạng sống con người. Nhiều người đã không ăn nổi bữa vì đã từng tham gia vào
các khâu tuyên án, thi hành án tử hình. Đó là lý do lớn nhất mà thế giới văn
minh yêu cầu Việt Nam phải bỏ án tử hình.
Nhưng nền tư pháp của
chúng ta thì khác. Mấy chục năm nay, các thẩm phán của ta theo chủ nghĩa vô thần,
xét xử tùy tiện. Nói khách quan vô tư “không bỏ lọt tội phạm và không làm
oan người vô tội“, nhưng sai sót thì không kể xiết. Có những vụ án kéo dài
hàng chục năm, phải xét xử đến hơn 11 lần mà vẫn sai.
Không ít người vô tội phải
ở tù. Thậm chí, người vô tội, có bằng chứng ngoại phạm, vẫn bị kết án giết người
nhưng không thể minh oan, cho đến khi, người bị giết đã không chết, trở về hoặc
kẻ thủ ác bỗng dưng khai ra sự thật.
Một số vụ án đại hình, họ
không những không đọc kỹ, mà sau khi xử họ cũng không quan tâm đến số phận con
người. Có một thẩm phán mà tôi có quen biết, sau khi tuyên án tử hình, ra quán
ngồi uống bia với tôi, nói rằng “em mới tuyên chặt 2 cái đầu” – nghĩa là, anh
ta đã tuyên hai bản án tử hình. Tôi nghe mà đắng họng.
Và tôi cũng đã chứng kiến
không ít thẩm phán nữ, sau khi tuyên án đại hình nghiêm khắc, họ đánh phấn thoa
son, mang giỏ đi chợ như không có chuyện gì vừa xảy ra. Họ không trăn trở,
không buồn cho thân phận con người.
Mạng sống của đồng loại
đã bị coi thường như thế thì tự do và tài sản là cái thá gì?
Trong bối cảnh mở cửa, hội
nhập với thế giới văn minh Âu – Mỹ đã gần 30 năm mà hệ thống xét xử của chúng
ta vẫn như ngày xưa. Sợ thật!
Hy vọng rằng tình trạng
này sẽ sớm chấm dứt trên đất nước Việt Nam yêu dấu!
No comments:
Post a Comment