Hôm qua mình đổi avatar
có khung hình “World Press Freedom Day” nhân ngày 3.5 là Ngày Tự do Báo chí Thế
giới, có bạn bình luận “ước mơ xa vời”. Thực ra, mình không có ý chào mừng một
ngày gì cả, chỉ là nhân dịp này bèn treo avatar để nhắc nhớ giá trị mà mình
theo đuổi, rộng lớn hơn là mình sống, làm việc ở trên đời này, để làm gì.
Ước mơ, dẫu có xa vời, vẫn
đáng mơ. Nhưng mình không nghĩ nó là ước mơ, mà là một mục tiêu sống. Mình nhớ
vài năm trước, anh Pichai Chuensuksawadi, trong cuộc nói chuyện one on one ở
Yangon ban đầu dè dặt hồi sau cởi mở, đã nói với mình: “Chúng ta phải bước tiếp
thôi. Ở Thái Lan cũng còn nhiều thách thức, còn có các điều luật hạn chế tự do,
nhưng là nhà báo, chúng ta phải tiếp tục bước tới.”
Nhưng để bước tiếp, cần
thiết phải hiểu vai trò của báo chí và giá trị của tự do báo chí. Một khi hiểu,
ta bèn có thể xây dựng những chuẩn mực, ít nhất là cho bản thân, tránh được hô
hào sáo rỗng, để rốt cuộc lại chợt nhận ra mình mắc kẹt trong một khối mâu thuẫn
thù lù.
Mình trình bày ở đây,
theo cách hiểu phổ quát, qua sự diễn dịch của mình, nên khiêm tốn coi nó là
quan điểm, là cách hiểu và hành của một cá nhân vậy.
Chống chỉ định: bài dài
Chỉ định: đọc từng phần!
1. TỰ DO BÁO CHÍ
LÀ GÌ?
Tự do báo chí (Freedom of
the press) là nguyên tắc cho rằng sự trao đổi (ý kiến, thông tin…) và biểu đạt
thông qua các loại hình phương tiện truyền thông, bao gồm cả phương tiện in ấn
hoặc điện tử, đặc biệt là bằng các phương tiện được xuất bản, cần được coi là
quyền được tự do thực hiện. Quyền tự do này đòi hỏi chính phủ không can thiệp
và sự đảm bảo quyền tự do ấy cần được bảo vệ bằng hiến pháp hoặc các phương tiện
luật pháp khác.
Tuyên ngôn nhân quyền năm
1948 của Liên Hiệp Quốc nêu: “Mọi người có quyền tự do biểu đạt ý kiến và suy
nghĩ; điều này bao gồm việc giữ ý kiến mà không bị can thiệp, và có thể tìm kiếm,
tiếp nhận và truyền tải thông tin và ý kiến lên bất kỳ phương tiện truyền thông
nào mà không có giới hạn nào.” Nghe đau đầu quá!
Diễn dịch ra, những điều
luật nào của nhà nước cấm các bạn những quyền trên đều đi ngược lại Tuyên ngôn
1948. Có thể dùng hệ quy chiếu như vậy để soi chiếu cho bản thân, xã hội, đất
nước.
Để đảm bảo tự do báo chí,
luôn luôn đòi hỏi phải có khế ước, luật lệ. Khi nói đến quyền tự do báo chí,
người ta hay nhắc tới Tu chính án 1 Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1791, trong
đó quy định “Quốc hội không được làm luật liên quan đến bất cứ tôn giáo nào, hoặc
ngăn cản tự do tín ngưỡng, hoặc ngăn cản tự do ngôn luận, hoặc báo chí, hoặc
ngăn cản hội họp ôn hòa…”. (1)
Về cơ bản, nó giữ được
tinh thần của đề xuất James Madison: “Và tự do báo chí, như một trong những bức
tường thành của tự do, sẽ là bất khả xâm phạm.” Đến tận hôm nay, tự do báo chí
vẫn là giá trị chủ đạo của nền tự do Mỹ.
Trước cả người Mỹ, nhiều
quốc gia khác đã đưa tự do báo chí vào luật. Thụy Điển từ năm 1766 đã có Đạo luật
Tự do Báo chí. Trước năm 1695, nước Anh có luật giấy phép báo chí, tức những ai
muốn ra báo, xuất bản đều phải xin giấy phép. Từ năm 1695, quy định về giấy
phép được bãi bỏ.
Cơ bản của việc bãi bỏ sẽ
dẫn đến hệ quả (chỉ là một ví dụ dễ hiểu): nếu bạn mang một tác phẩm tới tòa soạn
báo để đăng, tòa soạn báo từ chối đăng (từ chối cũng là quyền tự do báo chí của
họ), bạn sẽ về nhà và tự xuất bản nó (quyền này cũng được bảo vệ).
2. TỰ DO BÁO CHÍ
CÓ TỐT KHÔNG?
Hầu như câu trả lời sẽ
là: có, rất tốt. Nhưng có thể các bạn sẽ thay đổi quan điểm khi mình đưa ra một
số tình huống giả định để xem xét.
Tình huống 1: Chính phủ thu hồi đất của người dân để bán cho nhà phát triển bất động
sản, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng. Tòa soạn báo, với đầy đủ tư cách độc lập
và quyền tự do báo chí được luật pháp bảo vệ, đứng ra nêu vấn đề lên, đưa các dữ
liệu, con số, luật lệ… ra để chứng minh chính phủ sai. Quyền (sở hữu đất) của
người dân được bảo vệ.
Trong tình huống này, tự
do báo chí “rất tốt” phải không?
Nhưng hãy cảnh giác, niềm
tin của bạn có thể bị lung lay đấy!
Tình huống 2: Đất nước bạn đang có tranh cãi pháp lý về lãnh thổ với quốc gia láng
giềng. Báo chí nước bạn đưa hàng loạt chứng cứ ra cho thấy nước bạn có lý hơn
nước láng giềng. Chợt một tòa soạn báo phát hiện ra hàng loạt sự thật (tạm thời
giả định các phát hiện này đúng 100%), nếu công bố sự thật (báo chí thì phải
nói sự thật, telling the truth nhỉ) thì ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, mà hùa
theo các báo kia thì lại trở thành dối trá. Và bởi vì tờ báo này ý thức được
vai trò độc lập, tầm quan trọng của báo chí tự do, của phơi bày sự thật, nên nó
sẽ đưa các phát hiện mới (mà nhà nước chẳng thể phạt được nó).
Trong tình huống này, tự
do báo chí có "tốt" không?
Mình cho rằng sẽ có nhiều
bạn lưỡng lự trước câu trả lời.
Trên đây mình nêu hai ví
dụ theo kiểu trắng – đen, rất dễ phân biệt. Trong cuộc sống, hầu như không có
các ví dụ trắng – đen rõ ràng kiểu đó, mà chủ yếu là màu xám, nâu, tranh tối tranh
sáng, ranh giới đúng, sai, phải, trái rất khó phân biệt.
Khẳng định cái rụp tự do
báo chí “tốt” quá dễ dàng so với thực tế phức tạp. Và nếu bạn khẳng định như vậy
mà không có một cơ sở lý luận đi kèm, một ngày nọ, bạn sẽ tự thấy tự mâu thuẫn
với chính mình. Hoặc giả, bạn sẽ nói: Chỗ này tự do báo chí thì tốt, nhưng chỗ
kia thì cần kiểm soát. Vô hình trung, bạn sẽ ủng hộ quản lý xã hội theo kiểu
tùy nghi hành sự.
Quan điểm của mình trong
vấn đề này như thế nào?
Albert Camus từng nói: “Đương nhiên một nền báo chí tự do có thể tốt hoặc xấu,
nhưng, có một điều chắc chắn là, khi không có tự do thì báo chí chỉ có xấu mà
thôi.”
Mình cho rằng, “nói sự thật”
là quan trọng. Sự thật có thể có tác động xấu/tiêu cực trong ngắn hạn và trong
không gian hẹp. Về lâu về dài và xét trên hệ quy chiếu là văn minh nhân loại, sự
thật sẽ có tác động tích cực, tốt đẹp vững bền. Mình tin như vậy.
3. TỰ DO BÁO CHÍ
KHÁC GÌ VỚI TỰ DO NGÔN LUẬN?
Yoanni Sanchez, một blogger Cuba, là ví dụ sinh động về cách người ta có thể thực hành
báo chí tự do trong một xã hội nơi tự do báo chí không được phép. Từ hơn mười
năm qua, blog Generación Y (Thế hệ Y) của cô kể từ chuyện bó rau, kí thịt tới
chuyện dân chủ, tự do, giúp người đọc bên ngoài biết được cuộc sống thường nhật
trên hòn đảo hình cá trê như thế nào. (2)
Quan điểm về tự do của cô
được đúc kết trong một câu ngắn gọn: “Tự do là việc bạn có thể đứng trên phố và
hét toáng lên: ở đây làm quái gì có tự do!” Tất nhiên khi nói vậy, là Sanchez
nói về tự do biểu đạt theo cách thường thức nhất.
Tu chính án 1 của Mỹ viết:
“Quốc hội không được làm luật […] ngăn cản tự do ngôn luận (speech), hoặc [tự
do] báo chí (press)…”. (4)
Có thể thấy, hai quyền tự
do này được đề cập cạnh nhau, có nghĩa là chúng không hoàn toàn trùng nhau.
Tự do ngôn luận là nguyên
tắc ủng hộ một cá nhân hoặc một cộng đồng được tự do đưa ra, lan truyền ý kiến
và ý tưởng mà không bị trả đũa, kiểm duyệt hoặc bị trừng phạt bằng luật pháp. Tự
do báo chí thì như đã đề cập ở phần đầu. Tự do ngôn luận (speech) và tự do báo chí (press) thường
đứng chung dưới một mái nhà là tự do biểu đạt (expression).
Ở góc độ nghề báo, tự do
báo chí là đòi hỏi khắt khe nhất của tự do ngôn luận. Ví dụ tự do ngôn luận cho
phép một người hét toáng lên rằng “xã hội này không có tự do”, thì tự do báo
chí yêu cầu nhà báo phải chứng minh cho tuyên bố đó, bằng lập luận, dẫn chứng,
số liệu.
Bạn nói chính phủ này xấu,
đó là quyền tự do ngôn luận. Nhưng với một tòa báo, khi nói chính phủ này xấu,
họ không cho phép mình nói khan khan. Họ phải sử dụng nghiệp vụ báo chí để củng
cố lập luận đó.
4. BÁO CHÍ CÓ CẦN/NÊN/PHẢI
HỢP TÁC VỚI CHÍNH QUYỀN?
Có và không!
Câu trả lời thường thấy
nhất của những người ủng hộ tự do báo chí, cổ võ cho báo chí độc lập là: KHÔNG!
Báo chí sở dĩ được coi là
quyền lực thứ tư (bên cạnh ba nhánh quyền lực kinh điển) là bởi tính độc lập của
nó. Có độc lập, báo chí mới có thể giám sát chính phủ, giữ cho quyền lực được
kiểm soát.
Nguyên tắc là vậy, nhưng
trong thực tế, báo chí đôi khi cũng hợp tác với chính quyền, nếu tự thân các tòa
soạn báo thấy điều đó là cần thiết và phù hợp với đạo đức báo chí, phù hợp với
luật pháp và lợi ích công chúng (thế nào là lợi ích công chúng thì tùy vào nhìn
nhận của mỗi tòa soạn).
Mình xin dẫn ra đây một
case study để mọi người tham khảo. (3)
Ngày 18.1.2005, hai phạm
nhân đã dùng vũ khí tự tạo khống chế hai quản ngục tại nhà tù Lewis ở tiểu bang
Arizona. Văn phòng Thống đốc bang bèn gọi điện cho chủ bút các tờ báo trong
vùng, kêu gọi họ không đăng tải một số thông tin cơ bản. Thống đốc giải thích rằng
chính quyền tiểu bang sợ mấy kẻ cầm giữ con tin có thể đọc được, rồi nổi lên
làm càn, gây nguy hiểm đến tính mạng hai con tin và có thể khiến bạo lực lan rộng.
Câu hỏi đặt ra: Các tòa
soạn báo có nên hợp tác với chính quyền trong tình huống này?
Để trả lời câu hỏi trên,
các chủ bút ở Arizona cần đặt ra cho mình hàng loạt câu hỏi:
Sứ mệnh chủ yếu của báo
chí là nói lên sự thật vậy thì trong trường hợp này sứ mệnh đó có quan trọng
hơn tính mạng của hai con tin không?
Không đăng tải các thông
tin liệu có giúp tránh được tình huống xấu (con tin bị giết, xung đột lan rộng
trong nhà tù) hay không?
Có nên hợp tác với mấy
tay quan chức mà sự yếu kém năng lực có thể là nguyên nhân dẫn tới cơ sự này?
Một loạt câu hỏi kiểu như
thế.
Trên thực tế, có thư ký
tòa soạn đã cảnh báo rằng việc báo chí không đưa tin sẽ “tạo ra khoảng trống
cho tin đồn và sự nghi ngờ” nhưng đồng thời cũng “tin tưởng rằng chính quyền tiểu
bang đang đi theo lộ trình an toàn”.
Một giám đốc đài phát
thanh nói đối với ông thì “tính mạng hai con tin quan trọng hơn mấy mẩu tin
trên đài”. Tuy nhiên, nhiều phóng viên, biên tập viên, những người vốn đã quen
với tư cách độc lập, đã bày tỏ sự không hài lòng trước yêu cầu của chính quyền.
Sau rốt, nhiều cơ quan
báo chí đã chọn cách đợi đến khi kết thúc vụ việc (vốn kéo dài hai tuần) mới
đăng tải các thông tin mà họ đã chuẩn bị sẵn.
Trong trường hợp này, có
thể thấy các tòa báo đã thuận theo đề nghị của chính quyền nhưng bằng sự soi
xét độc lập của họ. Đó không phải là việc nhận được một chỉ đạo và tuân thủ. Họ
chỉ nhận được đề nghị từ chính quyền và họ thấy rằng đó là đề nghị hợp lý, xét
dưới góc độ đạo đức báo chí và các nguyên tắc cơ bản của báo chí độc lập.
Nguyên tắc cơ bản là báo
chí độc lập không chấp hành chỉ đạo đưa tin hoặc không đưa tin của chính quyền.
5. CHÍNH QUYỀN CÓ
PHẢI LÀ BẠN CỦA BÁO CHÍ?
Rất tiếc, không phải!
Báo chí được sinh ra để
làm quyền lực thứ tư, để giám sát chính quyền. Cho nên, cơ bản, chính quyền
không phải là bạn của báo chí, kể cả tại các xã hội dân chủ Phương Tây.
Sự khác biệt của các nước
dân chủ văn minh với phần còn lại đó là họ đã xây dựng một hệ thống pháp luật bảo
vệ quyền tự do báo chí, bảo vệ tính độc lập của báo chí, nên dù có không thích
báo chí thì chính phủ ở các nước đó vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Trường hợp
Tổng thống Mỹ Donald Trump là một ví dụ. Nếu Mỹ là một chính phủ chuyên quyền
(despotic), có lẽ ông Trump đã ký lệnh đóng cửa hầu hết “lũ báo chí fake news”
rồi.
Một khác biệt nữa ở các
nước dân chủ văn minh lâu đời, đó là nhận thức về tự do báo chí đã trở thành lẽ
thường (common sense), các nhà lãnh đạo thấm nhuần giá trị tự do báo chí từ
trong máu thịt, cho nên dù có thể không ưa, nhưng họ vẫn xem xét tới quyền tự
do báo chí đầu tiên mỗi khi xảy ra tranh chấp.
Khi bị các nước Ả Rập “gửi công hàm phản đối” việc báo Jyllands-Posten vẽ tranh biếm họa Muhammad vào năm 2005, phản ứng đầu tiên của Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen không phải là lo ngại quan hệ ngoại giao giữa Đan Mạch và các nước Hồi giáo bị đứt gãy. Phản ứng đầu tiên của ông là bảo vệ quyền tự do báo chí và nói “các bên thấy mình bị tổn thương thì có thể kiện ra tòa”. (5)
Ở các nước độc tài hoặc
kém dân chủ hơn, số phận báo chí sẽ rất khác.
6. BÁO CHÍ CÓ ĐẠI
DIỆN CHO CHÍNH PHỦ?
Gần mười năm trước, mình
có một cuộc giao lưu tại trụ sở tòa soạn báo Asahi Shimbun. Hôm đó có hai anh
chủ nhà phát biểu, một anh (là đại diện của Asahi tại Bangkok) kể rất máu lửa về
chuyện đưa tin phong trào áo vàng, áo đỏ Thái Lan. Một câu hỏi từ đoàn Việt Nam
bèn vang lên: “Trong khi đưa tin, anh có cân nhắc tránh các thông tin ảnh hưởng
tới quan hệ ngoại giao của hai nước?” Câu trả không thể ngắn gọn và rõ ràng
hơn: “Ngoại giao là công việc của chính phủ. Chúng tôi làm báo.”
Điều này rất khác ở Việt
Nam, khi nhà báo còn khoác thêm nhiệm vụ chính trị.
7. NHÀ BÁO CÓ NÊN
NGƯỠNG MỘ NGUỒN TIN?
Mình từng bình luận trong
một group báo chí, rằng “nhà báo thì không được hâm mộ nguồn tin, ngoại trừ nguồn
tin đó là Ngọc Trinh hoặc Messi”. Ngọc Trinh là mình đùa, do mình hay bị gắn
mác hâm mộ Ngọc Trinh. Còn Messi là chuyện bóng banh, châm chước di du chút
xíu.
Về nguyên tắc, mình nghĩ
nhà báo cần luôn giữ tư cách độc lập với nguồn tin, dù nguồn tin đó đang là đại
diện cho chính phủ lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia hay đất nước đi chăng nữa,
thì họ cũng chỉ là nguồn tin. Sự hâm mộ sẽ dẫn đến thiên vị hoặc thiếu suy xét
lý tính trong xử lý thông tin.
8. BÁO CHÍ CÓ CẦN
ĐANH THÉP?
Cách đây mười mấy năm,
báo của ông Đào Duy Quát có đưa tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển
Đông”.
Đây là một nội dung dịch
từ báo Trung Quốc, trong đó có đoạn: “Phát biểu với binh lính trên đảo, chỉ huy
đội tàu hộ tống Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh: ‘Bất kể là binh sĩ hộ tống
hàng hay binh sĩ bảo vệ đảo, đều có chung một sứ mệnh đó là bảo vệ lợi ích quốc
gia, hy vọng các binh sĩ tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía nam
Tổ quốc’.”
Sau đó tờ báo bị cộng đồng
mạng chửi là làm cái loa cho Trung Quốc, nên ban biên tập bèn thêm các tính từ,
trạng từ đanh thép, tố cáo vào. VD: “Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh” thì
sửa thành “NGANG NGƯỢC nhấn mạnh”, “ngang ngược tuyên bố”…
Báo chí ở Việt Nam thường
vậy, và báo chí có đảng tính cao càng phải vậy.
Theo mình, xét thuần về
nghiệp vụ báo chí, thêm càng nhiều tính từ, trạng từ vào để dẫn dắt cảm xúc người
đọc là điều không nên. Hãy để tự thân sự vật, hiện tượng, thông tin nói với độc
giả điều mà tòa soạn cần nói.
9. BÁO CHÍ BẢO VỆ
AI?
Cách đây không lâu có vụ
một doanh nghiệp lớn bị một tờ báo lớn chạy loạt bài phanh phui chuyện làm ăn
(mà theo tờ báo đó là) gian dối, phạm luật. Các nhà truyền thông doanh nghiệp
nhảy vào xử lý khủng hoảng. Một số nhà báo cũng tham gia với tâm thế là bảo vệ,
minh oan cho doanh nghiệp.
Trong sự việc này, theo
góc nhìn của cá nhân mình, đối tượng bảo vệ của các nhà truyền thông doanh nghiệp
và nhà báo là khác nhau.
Nhà truyền thông doanh
nghiệp sẽ tới tìm kiếm dữ liệu, bằng chứng và công bố các dữ liệu bằng chứng có
lợi cho doanh nghiệp. Họ sẽ giấu đi hoặc “không biết” các bằng chứng bất lợi. Họ
sẽ được doanh nghiệp trả công cho việc làm đó. Tức là, ở đây đối tượng bảo vệ của
nhà truyền thông là doanh nghiệp trong một mối quan hệ.
Còn nhà báo tới không phải
để bảo vệ doanh nghiệp. Đối tượng bảo vệ của họ là sự thật.
Nhà báo có bổn phận tìm
ra sự thật trong đó, và công bố tất cả các sự thật nếu thấy cần thiết (sau khi
xét hết các góc độ luật pháp, đạo đức báo chí và lợi ích công chúng). Khác biệt
nữa đó là, sau khi công bố xong (và giả sử tất cả các sự thật mà báo công bố đều
có lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chiến thắng), nhà báo cũng không trở
thành người ơn của doanh nghiệp, càng không được trả công bởi doanh nghiệp. Nhà
báo chỉ đơn giản hoàn thành công việc của mình và về tòa soạn… lãnh nhuận bút.
Khi có các vụ việc liên
quan đến người yếu thế, ví dụ có vụ tố cáo kẻ hiếp dâm, nhà báo thường có xu hướng
tới để bảo vệ người bị hiếp dâm và truy tội kẻ (bị cho là thủ phạm) hiếp dâm.
Thực ra, đó là việc của luật sư, của các nhà hoạt động. Nhà báo nên tới với mục
đích duy nhất là tìm hiểu sự thật ở đó là gì. Biết đâu ông kia bị tố oan thì
sao.
Tóm lại, đối tượng bảo vệ
của nhà báo là sự thật.
10. NHÀ BÁO CÓ CÔ
ĐƠN KHÔNG?
Có. Rất rất.
Để mình kể các bạn nghe
chuyện này.
Ở Myanmar thời chính quyền
quân sự (junta), Aung San Suu Kyi là biểu tượng đấu tranh được nhân dân ngưỡng
mộ. Một bộ phận báo chí quả cảm và có lương tri đứng về phía bà, cũng là đứng về
phía những người đứng lên đấu tranh chống độc tài. Xét trong bối cảnh đó, sứ mệnh
phụng sự sự thật của nhà báo trùng với common sense về đấu tranh dân chủ. Đến
năm 2012 và đặc biệt là 2015, khi đảng NLD của bà Suu Kyi thắng, giành quyền
thành lập chính phủ, thì sự ủng hộ của người dân cũng theo bà luôn.
Vào năm 2017, cuộc khủng
hoảng liên quan tới người Hồi Rohingya ở bang Rakhine diễn biến trầm trọng. Nhiều
cáo buộc quân chính phủ thảm sát người Hồi được đưa ra. Một số nhà báo, vẫn
trung thành với sứ mệnh truy tầm sự thật, đã đến đây điều tra và tìm ra được
nhiều bằng chứng bất lợi cho chính phủ, cũng là bất lợi cho bà Aung San Suu
Kyi, tượng đài đấu tranh dân chủ của nhân dân. Không ít nhà báo đã bị bắt,
trong đó hai trường hợp nổi bật nhất là Wa Lone và Kyaw Soe Oo của Reuters.
Không chỉ đối mặt với lao tù, họ còn bị dân chúng, vốn đang chìm đắm trong niềm
ngưỡng mộ Daw Suu Kyi, thù ghét.
Cách đây mươi hôm, Luật
Khoa của anh Trinh Hữu Long đăng bài phân tích các trường hợp Bill Gates và
công hàm Phạm Văn Đồng, với cách tiếp cận theo mình
là lý tính. Sau đó, tạp chí này bèn bị bà con tấn công buộc ông chủ bút lên facebook đăng status giải bày :D.
là lý tính. Sau đó, tạp chí này bèn bị bà con tấn công buộc ông chủ bút lên facebook đăng status giải bày :D.
Đi tìm sự thật là một
hành trình cô đơn. Theo mình, điều duy nhất khiến một người kiên định với hành
trình ấy bất chấp bao nhiêu đả kích đó là những thôi thúc nội tại của chính người
đó về điều phải làm, cần làm.
Những tràng vỗ tay của
đám đông công chúng không phải là động lực của họ.
---------
Nguồn:
1. Tu chính án 1:
https://www.law.cornell.edu/constitution/first_amendment
https://www.law.cornell.edu/constitution/first_amendment
2. Blog của Yoani Sanchez
https://www.14ymedio.com/blogs/generacion_y/
https://www.14ymedio.com/blogs/generacion_y/
3. Case study
https://www.spj.org/ecs1.asp
https://www.spj.org/ecs1.asp
4. Tự do báo chí vs tự do
ngôn luận:
http://www.lincoln.edu/criminaljustice/hr/Speech.htm
http://www.lincoln.edu/criminaljustice/hr/Speech.htm
5. Về lập trường của Thủ
tướng Anders Fogh Rasmussen:
https://www.ft.com/content/d30b0c22-96ee-11da-82b7-0000779e2340
https://www.ft.com/content/d30b0c22-96ee-11da-82b7-0000779e2340
No comments:
Post a Comment