Tuesday, May 5, 2020

THẦY CÔ "SỐNG MÒN" THỜI NAY (Vũ Ninh - GDVN)




Vũ Ninh  -  Giáo Dục Việt Nam 
29/04/2020 06:47

Nhà giáo chỉ còn quan tâm đến “lệ” sẽ dành cho mình liệu có được nghiên cứu sao cho thực sự “được ưu tiên xếp cao nhất”.

Gần đây, nhiều lo lắng, băn khoăn xuất hiện trên báo chí cùng với những câu chuyện hàng ngày tại các cơ sở giáo dục về chuyện lương nhà giáo thay đổi thế nào khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.

Theo giải thích của ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lương và phụ cấp nhà giáo sẽ thay đổi từ ngày 01/01/2021, còn thông tin tăng lương và phụ cấp từ năm 2020 là chưa chính xác. [1]

Trong năm 2020, nhà giáo vẫn hưởng lương theo chế độ hiện hành và sẽ được tăng nếu lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng theo quy định chung.

Luật Giáo dục có hiệu lực, sẽ chấm dứt “Luật cho giáo dục và lệ cho nhà giáo”?(Ảnh minh hoạ: Laodongthudo.vn)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án “Xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề đối với công chức, viên chức ngành giáo dục” và đề án này đã chuyển sang Bộ Nội vụ xem xét.

Từ rất lâu rồi, trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, giáo dục luôn được khẳng định là quốc sách hàng đầu. 

Luật cho giáo dục không thiếu nhưng lương và các chế độ đãi ngộ khác cho nhà giáo thì chưa bao giờ tương xứng với những gì được quy định, được tô hồng trong các văn bản, nói cách khác “Luật là dành cho giáo dục còn lệ mới là dành cho nhà giáo”. 

Phải chăng vì giáo viên được quản lý theo “lệ” nên ngay tại thủ đô Hà Nội mới có chuyện nhà giáo hưởng lương 1,2 triệu đồng một tháng! [2]

Vậy phải hiểu thế nào về quy định tại điều 76, Luật Giáo dục:
“Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Gần đây, một số bài báo giật tít “Bảng lương theo vị trí việc làm từ năm 2021” thực ra là đánh lừa nhằm thu hút người đọc.

Theo thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ thì “Trong Quý III và Quý IV năm 2020, các cơ quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới”. [3] 


Chính vì chưa có thông tin chính xác (hoặc dự thảo lấy ý kiến nhân dân) về chế độ tiền lương mới nên bàn luận về vấn đề này không mang nhiều ý nghĩa.

Năm 2013, Trung ương ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, theo đó: 
“Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Năm năm sau, khi Nghị quyết số 27-NQ/TW  ra đời (vào năm 2018) thì: 
“Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Như vậy sẽ không còn chuyện “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất…”.

Năm 2021, “tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp…”.

Vậy nên nhà giáo chỉ còn quan tâm đến “lệ” sẽ dành cho mình liệu có được nghiên cứu sao cho thực sự “được ưu tiên xếp cao nhất”.

“Lệ” ở đây là nói về “phụ cấp đặc thù nghề” (hiện cũng chưa được công bố).

Trước đây, xuất phát từ chuyện thu nhập của nhà giáo thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác nên Nhà nước đưa ra một số loại phụ cấp đặc thù nghề như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút,…


Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP “Về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo”.

Trước đó, vào năm 2008, có người sau gần 40 năm giảng dạy, khi nghỉ hưu vì không có phụ cấp thâm niên nên mức lương hưu ngạch “Phó giáo sư, Giảng viên chính” lại thấp hơn giảng viên nghỉ hưu sau đó vài năm, chuyện này tồn tại cho đến tận ngày nay.

Xin nói thêm về hai loại phụ cấp đặc thù nghề là “Phụ cấp ưu đãi nhà giáo” và “Phụ cấp thu hút giáo viên”.

Phụ cấp ưu đãi dao động từ 25% đến 50%, tùy từng đối tượng giáo viên và địa bàn công tác.

Phụ cấp thu hút được quy định tại Nghị định số 27/VBHN-BGDĐT, theo đó giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nhận phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng và được hưởng tối đa trong thời gian 05 năm.

Cả hai loại phụ cấp này đều có những điểm bất hợp lý, không công bằng đối với nhà giáo cùng công tác trong những điều kiện hoàn toàn giống nhau (cùng khu vực, cùng trường, cùng khoa).

Đầu tiên xin nói về phụ cấp ưu đãi:

Năm 2006, liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC.

Theo các quy định trong Thông tư này, nhà giáo trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học (đại học, cao đẳng, học viện, trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục,…) được nhận phụ cấp ưu đãi 25%.

Nếu giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và giáo viên chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề,… thì mức phụ cấp ưu đãi là 40%.

Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng…

Khoa Lý luận chính trị và xã hội thuộc một Học viện tại Hà Nội có 05 bộ môn gồm:
Bộ môn Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Bộ môn Lý luận Mác – Lênin; Bộ môn Pháp luật; Bộ môn Xã hội học; Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. [4]

Theo lời một số giảng viên hai bộ môn Pháp luật và Xã hội học thì họ không được nhận phụ cấp 45% như đồng nghiệp các bộ môn “đặc thù” trong cùng khoa!

Cùng là giảng viên một khoa, phòng làm việc chỉ cách nhau một bức tường nhưng có người nhận phụ cấp ưu đãi gần gấp đôi đồng nghiệp, điều này có công bằng? 

Cũng tại Học viện này, bộ môn Toán khi nằm trong khoa Sư phạm thì giảng viên được hưởng phụ cấp ưu đãi 40%, khi bộ môn này chuyển sang khoa Công nghệ Thông tin thì phụ cấp ưu đãi chỉ còn 25% mặc dù công việc của họ hoàn toàn không thay đổi!

Thứ hai, về phụ cấp thu hút:

Với phụ cấp thu hút, sau 5 năm công tác, nếu không được cơ quan quản lý điều động về vùng ít khó khăn hoặc không “chạy” được nơi tiếp nhận, dù tiếp tục ở lại địa bàn giáo viên vẫn bị cắt khoản phụ cấp 70% này. 

Thế có nghĩa là người vừa chân ướt chân ráo đến nhận nhiệm vụ sẽ có thu nhập cao hơn người đã bỏ nhiều năm lăn lộn tại địa bàn!

Những sự vô lý này tồn tại đã nhiều năm và không thiếu ý kiến phản biện song hình như chưa thấy cơ quan nào tiếp thu.

Thứ ba, “Lệ hợp đồng”:

Như rất nhiều bài báo phản ảnh, đội ngũ giáo viên hợp đồng hầu như không được đối xử theo luật mà là theo lệ do cơ quan quản lý giáo dục địa phương tự đặt ra.

Tại Hà Nội, một số trường, cơ quan quản lý giáo dục các cấp “quịt” không đóng bảo hiểm cho giáo viên hợp đồng, thậm chí còn không cho giáo viên tự đóng bảo hiểm, trái hoàn toàn với các quy định trong Luật Bảo hiểm Xã hội. [5]

Không những thế, mức lương mà giáo viên hợp đồng được hưởng chỉ là 1,2 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức lương sơ sở (mức lương tối thiểu).

Không được hưởng các quyền mà luật pháp quy định, phải chăng những giáo viên hợp đồng đang bị tước mất một phần quyền công dân của mình?

Điều mong mỏi của đội ngũ nhà giáo là khi đề xuất “Phụ cấp đặc thù nghề”, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết tâm thực hiện được ba điều:

- Bảo đảm thu nhập của nhà giáo theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW;
- Loại bỏ tất cả các kiểu “lệ” đang tồn tại, không thể có chuyện dạy môn học này “cao - quý” hơn môn học khác nên phải được phụ cấp cao hơn;
- Chấm dứt sự bất công với đội ngũ giáo viên hợp đồng./.

------------------------

Tài liệu tham khảo:






Xuân Dương





No comments: