David
A. Graham - The Atlantic
Dịch giả: Bùi Như Mai
09/05/2020
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia tính toán rằng, lòng
trung thành với Trump là một sự đánh cược tốt hơn so với sự trung thành với
pháp luật.
Michael Flynn dùng trực
giác để quyết định theo ủng hộ Trump rất sớm.
Michael Flynn, cựu
Cố vấn An ninh Quốc gia vừa thoát tội. Ảnh: Jonathan Ernst / Reuters
Vị tướng hưu trí này là một
người ủng hộ nhiệt tình cho ứng cử viên Donald Trump, là người khơi mào để hô
hào khẩu hiệu chống lại bà Hilary Clinton “nhốt bà ta vào tù!” tại Đại hội đảng
Cộng hoà năm 2016. Và con người ông cũng mang dấu ấn của chủ nghĩa Trump: Nói dối
trơ trẽn, trục lợi không biết xấu hổ, âm mưu, và chuyên gửi các tweet nhảm nhí.
Tuy nhiên, Flynn đã không
nắm bắt được ngay các quy tắc của trò chơi đã thay đổi khi Trump thắng cử năm
2016. Khi Flynn mới được cân nhắc lên chức Cố vấn An ninh Quốc gia, ông ta đã gặp
rắc rối với luật pháp, ông ta đã nhanh chóng học được bài bản của giới trí thức
tội phạm ở Mỹ thời tiền Trump. Khi FBI bắt ông ta về tội nói dối, Flynn đã nhận
tội và đồng ý hợp tác với chính phủ để đổi lấy một bản án nhẹ hơn.
Sau khi Flynn nhận tội
tháng 12 năm 2017, Flynn mới hiểu thấu được thực tế là: Hợp tác với chính quyền có thể giúp bạn tránh tội
dễ dàng, nhưng trung thành với tổng thống sẽ giúp bạn vô tội hoàn toàn.
Vì vậy, mặc dù ông ta đã nhận tội nói dối với FBI, Flynn đã thay đổi ý định, cố
gắng rút lại lời nhận tội và bắt đầu vật lộn với các công tố viên mà ông ta đã
hứa sẽ giúp từ đầu đến cuối như trong bản nhận tội ông ta đã hứa.
Đó là một bước đi liều
lĩnh, một loại chiến lược ma giáo mà ông ta đã biết với tư cách là một sĩ quan
tình báo nổi tiếng. Và hôm nay ông ta được đền đáp, khi chính phủ quyết định huỷ
hết tất cả các cáo buộc chống lại Flynn. Sự đảo ngược, từ tội phạm đã thú nhận tội lỗi biến thành
trắng án, là một mô hình thu nhỏ cho thấy pháp luật đã suy yếu kinh khủng
như thế nào thời chính quyền Trump.
Flynn bị sa thải khỏi tòa
Bạch Ốc vào tháng 2 năm 2017, ông chỉ mới tại chức vài ngày trong vai trò Cố vấn
An ninh Quốc gia. Trước khi Trump nhậm chức, Flynn đã nói chuyện với ngoại trưởng
Nga để thảo luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Nhưng Flynn đã
nói dối về những cuộc trò chuyện đó với cơ quan FBI. Ông cũng nói dối chuyện
này với Phó Tổng thống Mike Pence, đó là lý do tại sao ông bị sa thải. (Flynn
không bị đuổi khi tổng thống biết về sự lừa dối này cho đến khi báo Washington
Post tường trình về chuyện này).
Flynn cũng gặp một loạt vấn
đề khác. Ông đã nói dối nhiều lần về việc lấy tiền từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để vận
động hành lang và không khai báo với chính quyền về chuyện này. Ông ta cũng đã
nói dối về chuyện ai là người đã trả tiền cho chuyến đi của ông năm 2015 tới
Nga, nơi ông ta đã gặp Vladimir Putin. Ông ta có dính líu vào một kế hoạch kiếm
tiền từ lò phản ứng hạt nhân ở Trung Đông. (Một điều quá rõ trong cuộc điều tra
là, nếu để các hành vi tội phạm sang một bên, Flynn không có cách nào đến gần
công việc nhạy cảm cố vấn an ninh quốc gia).
Với nhiều vấn đề về pháp
lý, Flynn đã làm những gì mà nhiều bị cáo khôn ngoan đã làm: Ông ta đồng ý làm
việc với các công tố viên bằng cách nhận tội để đổi lấy một bản án nhẹ từ nhiều
cáo buộc chống lại ông ta, trong trường hợp này là tội nói dối với FBI. Nhưng
càng có cơ hội nhìn thấy cách Trump làm việc, và thấy tổng thống không coi chuyện
bảo vệ luật pháp là quan trọng, Flynn dường như hối hận về sự nhận tội quá sớm.
Tại sao lại đánh cược với bản án luận tội và khả năng bị tuyên án trong khi đó
ông ta có thể quay trở lại và để cho tổng thống lo chuyện chạy án cho ông ta?
Vì vậy, Flynn sa thải các luật sư của mình; thuê một nhóm luật sư mới gồm toàn
các tay luật sư xấc láo; và tuyên bố rằng ông muốn rút lại lời nhận tội lúc trước.
Các luật sư mới đã thành công ngay lập tức: Trump bắt đầu tweet những điều tốt
về Flynn, cho thấy rằng anh ta là một kẻ tử vì đạo.
Một điều chắc chắn khi chính phủ Trump xoá bỏ bản án buộc tội cho Flynn
ngày hôm nay là vì FBI đã đưa ra một bản tường trình hồi tháng Tư về các cuộc
phỏng vấn với Flynn. Trong bản tường trình
này, một nhân viên FBI đã viết, “mục tiêu của FBI là gì? Tìm kiếm sự thật / lời
thú tội hay bắt ông ta nói dối, vì vậy chúng ta có thể truy tố ông ta hoặc làm
cho ông ta bị sa thải?” Bản tường trình này là thí dụ mới nhất về hành vi không
minh bạch và đáng nghi ngờ của FBI.
Như một báo cáo từ tổng
thanh tra của Bộ Tư pháp gần đây đã cho thấy, FBI đã liên tục lạm dụng các quy
tắc để có được giấy phép theo Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA). Như
tôi đã viết nhiều lần về chính quyền Trump, đã từ lâu các hồ sơ cho chuyện lạm
dụng của FBI có nghĩa là các tuyên bố của nó không có giá trị nữa; FBI chỉ hành
động vì lợi ích riêng của mình và sẽ phá vỡ các quy tắc luật lệ để làm điều đó
nếu cần. (Hiện tại không hề
có bằng chứng rằng, Flynn đã bị chính quyền Obama gài bẫy vì mục tiêu chính trị,
như lời Trump đã khẳng định).
Bản tường trình của FBI
đã tạo ra một cơn bão lửa trong giới truyền thông phe bảo thủ, lập luận rằng,
Flynn đã bị FBI nhắm vào một cách không công bằng. Mối quan tâm trên lý thuyết
lý luận rằng, vụ truy tố không công bằng đã cho Trump và các đồng minh của ông
thấy là Flynn bị kết tội oan, các đồng minh của Trump là những người muốn thi
hành các luật lệ dữ dằn như quả đấm từ bàn tay sắt cho những người không phải
là bạn thân của Trump. Hơn nữa, nhiều chuyên gia pháp lý tin rằng, các bản tường
trình từ FBI không đủ sức thuyết phục Thẩm phán Emmet Sullivan, rằng
Flynn đã bị gài bẫy.
Những gì đã xảy ra cho thấy,
bản tường trình này đã không thuyết phục được thẩm phán Sullivan vì Bộ Tư pháp
đã rút các cáo buộc trước khi quan toà đưa ra kết luận. (Thẩm phán Sullivan vẫn
có thể không chấp nhận lời đề nghị của Bộ Tư pháp cho Flynn trắng án. Thêm một
chuyện xảy ra hôm nay là một công tố viên trong vụ án của Flynn bất thình lình
từ chức, đây là dấu hiệu cho thấy sự bất đồng ý kiến, báo New Yorks Times đưa
tin là, tin Flynn được tha bổng làm nhiều công tố viên của văn phòng luật sư
chính phủ sững sờ). Các luật sư biện hộ cho Flynn lý luận là FBI muốn bắt
Flynn, và các luật sư này biện hộ rằng, nếu FBI muốn bắt bạn thì họ sẽ tìm đủ mọi
cách để bắt bạn. Nhưng cũng có một hệ luận tương đương là: Nếu Bộ trưởng Tư
pháp William Barr muốn tha bổng cho bạn thì ông ta cũng sẽ tìm ra cách.
Toàn bộ sự kiện này làm mọi người sững sờ: Flynn bị buộc tội vì có tội,
nhận tội để mong được giảm án, đồng ý hợp tác với chính quyền, rồi không giữ lời
hứa hợp tác, và bây giờ được tha bổng, ông ta đã thoát khỏi hình phạt cho cả
hai tội mà ông ta đã thú nhận và tránh bị truy tố bởi những tội khác mà ông ta
đã phạm.
Tuy nhiên, sự thoát tội của
Flynn không chỉ đơn thuần là gây ra sự phẫn nộ mà nó còn là một trường hợp để
thử lòng trung thành của ông ta đối với Trump. Kể từ khi Flynn phản Trump, và
sau đó quay trở lại, đã cho ra một bài học về số phận của những người có ý định
phản Trump, và những người tiếp tục có các hành động khiến ông ta bị luận tội
(impeach).
Có sự nghi ngờ về vai trò
của tòa Bạch Ốc trong chuyện tha bổng này vì tổng thống đã điện báo trước kết
quả của vụ kiện này ngày 30 tháng 4, khi được phóng viên hỏi, liệu ông có ân xá
cho Flynn hay không. Trump cho biết ông không cần phải làm chuyện ân xá này.
Trump nói: “Thật là tốt,
vì Michael Flynn được miễn tội dựa trên tất cả những sự việc mà tôi thấy. Này
nhé, tôi không phải là quan toà, nhưng tôi có một loại quyền lực khác. Nhưng
tôi không biết rằng có ai muốn sử dụng quyền lực đó không”.
Đây không phải là sự phỏng
đoán mà là một lời tiên tri mà ông ta tự thực hiện lời tiên tri này. Cặp đôi
Trump-Barr của Bộ Tư pháp có các tiêu chuẩn dựa trên lòng trung thành chính trị
của một cá nhân: Đối với những người chỉ trích Trump, như cựu Phó Giám đốc FBI
Andrew McCabe, và các đối thủ chính trị, như gia đình Biden, cặp đôi này sẽ tìm
đủ mọi cách để điều tra hoặc truy tố, dựa vào các giả thuyết mới lạ hoặc bằng
chứng chưa được kiểm chứng. Nhưng đối với những người trung thành (thậm chí là
một người trung thành hoang đàng như Flynn), thì họ sẽ xoay chiều hướng về cách
biện hộ là bằng chứng còn trong giai đoạn nghi ngờ, bằng chứng không có thực,
hoặc cặp đôi này ít nhất sẽ làm hết sức để giảm các hình phạt (như đã làm với
Roger Stone). (Lời người dịch: Roger Stone, một chiến lược gia chính trị và là
bạn của TT Donald Trump, đã bị kết án 40 tháng tù hôm 20 tháng 2, 2020. Stone
đã bị buộc tội nói dối trước Quốc hội và đe dọa một nhân chứng liên quan đến những
nỗ lực của ông ta cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump).
Các thoả thuận nhận tội để
hợp tác với chính quyền cho thấy, tội phạm đã hối cải và khi tôn trọng luật
pháp thì sẽ có lợi cho bị cáo. Nhưng riêng trường hợp Flynn cho thấy, những lợi
ích đó chả là gì so với lòng trung thành tuyệt đối với Trump.
No comments:
Post a Comment