Wednesday, May 13, 2020

PHÓNG VIÊN ẢNH PHƠI BÀY VỤ THẢM SÁT MỸ LAI YÊU CẦU VIỆT NAM TRẢ LẠI 'SỰ THẬT LỊCH SỬ' (VOA Tiếng Việt)




13/05/2020

Cựu phóng viên ảnh chiến trường Mỹ Ronald Haeberle, người đầu tiên phơi bày tội ác chiến tranh trong vụ thảm sát Mỹ Lai qua ảnh, đã yêu cầu chính phủ Việt Nam can thiệp giải quyết sự vi phạm tác quyền của một viện bảo tàng ở Quảng Ngãi và chấm dứt sự phỉ báng của quan chức chính phủ tỉnh này đối với ông.

Phóng viên ảnh chiến trường Mỹ Ronald Haeberle và một phần bức ảnh ông chụp trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968. Ông Haeberle gừi thư cho Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc để yêu cầu Việt Nam giải quyết sự vi phạm tác quyền và chấm dứt sự phỉ báng đối với ông của quan chức VN.

Ông Haeberle cho VOA biết rằng ông đã gửi hai bức thư tới Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc trong vòng 5 tháng qua để yêu cầu chính phủ Hà Nội giải quyết vụ việc.

Trong hai bức thư gửi cho Đại sứ Ngọc mà VOA được xem, ông Haeberle, người đã chụp hơn 60 bức ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968, nói rằng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Sơn Mỹ ở Quảng Ngãi vi phạm các quyền của ông khi từ chối yêu cầu sửa đổi chú thích cho bức ảnh ông chụp hai đứa trẻ tránh đạn trên 1 đường làng ở Mỹ Lai, nay là Sơn Mỹ thuộc xã Tịnh Khê, Quảng Ngãi.

Bảo tàng Sơn Mỹ chú thích bức ảnh là hai bé trai và họ hiện đã chết trong khi ông Haeberle cho biết ông đã hội ngộ với hai đứa trẻ này, thực tế là anh trai và em gái, và họ đang còn sống.

Ông Haeberle gặp Trần Văn Đức, bé trai trong bức ảnh mà trước đó ông không biết là còn sống, năm 2011 thông qua sự kết nối của một nhà làm phim tài liệu người Đức. Truyền thông Việt Nam đã có nhiều bài viết về sự hội ngộ này của ông và nhân vật trong bức ảnh tại Quảng Ngãi năm 2018. Trong bài viết của VOA về “hành trình tìm sự thật” cho bức ảnh của ông Haeberle ra hồi tháng 5/2018, ông Đức, một thợ cơ khí hiện sống tại Lindsey ở Đức, nói với phóng viên An Hải rằng ông chính là đứa bé trai trong bức ảnh gây tranh cãi và ông có nhiều bằng chứng để chứng minh đó là sự thật.

Một hội đồng khoa học của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP HCM, nơi cũng trưng bày bức ảnh do ông Haeberle chụp, đã tiến hành một cuộc điều tra khi ông Haeberle cho bảo tàng này biết rằng hai đứa trẻ không phải là 2 anh em trai và không phải là đã chết. Hội đồng này kết luận, trong văn bản mà VOA được xem đề ngày 10/4/2019, rằng hai đứa trẻ là anh trai – Trần Văn Đức – và em gái – Trần Thị Hà. Bảo tàng này sau đó đã thay đổi nội dung chú thích cũ là “hai bé trai này bị trúng đạn” và “sau đó lính Mỹ đã bắn chết chúng” thành “Anh che đạn cho em” với tên và tuổi của họ lúc đó và “Hai anh em hiện còn sống.”

Tuy nhiên, bảo tàng này sau đó đã bị Sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch TP HCM yêu cầu huỷ bỏ kết luận của hội đồng khoa học. Để tuân theo yêu cầu về quy định bản quyền của ông Haeberle, bảo tàng này đã không trưng bày bức ảnh đó nữa. Tuy nhiên, bảo tàng Sơn Mỹ tiếp tục trưng bày bức ảnh mà ông Haeberle cho là vi phạm bản quyền của ông theo Công ước Berne về bản quyền quốc tế.

Nhiếp ảnh gia Ronald Haeberle và ông Trần Văn Đức. (Ảnh chụp từ VTV)

Sự thật lịch sử

Ông Haeberle, 79 tuổi, đã trở lại Việt Nam 5 lần trong hai thập kỷ qua. Ông cho biết trong một lần thăm Việt Nam, ông đã gặp giám đốc bảo tàng Sơn Mỹ lúc đó, Phạm Thành Công, và yêu cầu họ sửa đổi chú thích nhưng ông Công, người tự cho mình là đã sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, từ chối yêu cầu của cựu phóng viên ảnh Mỹ.

Do đó, trong hai bức thư gửi Đại sứ Ngọc, ông Haeberle yêu cầu chính phủ Việt Nam can thiệp để Bảo tàng Sơn Mỹ “công nhận những chuẩn mực của sự thật lịch sử.”

“Tôi sẽ không cho phép bức ảnh của tôi được tiếp tục trưng bày với một chú thích sai,” ông Haeberle nói với VOA và thú nhận rằng trước đó ông từng nghĩ nó là đúng trước khi biết được rằng những thông tin đó là không chính xác sau khi gặp ông Đức, người đã mô tả chính xác chiếc máy bay trực thăng Mỹ bay qua lúc đó khi hai anh em ông nằm trên đường làng vào giây phút ông Haeberle bấm máy chụp bức ảnh mà truyền thông Việt Nam nói là “đầy xúc động với nhiều tranh cãi.”

Ba ngày trước khi ông Haeberle gửi bức thư thứ hai tới Đại sứ Ngọc hôm 11/5, ông nhận được một email từ bà Nguyễn Bích Thuỷ – tham tán, trưởng phòng chính trị – của sứ quán Việt Nam tại Mỹ ở Washington DC, trong đó cho biết ban giám đốc của bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ đã họp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi và cam kết sẽ đưa tên và công nhận tác quyền của ông Haeberle cho các bức ảnh trưng bày ở đây. Tuy nhiên, ông Haeberle cho biết, yêu cầu về việc sửa chú thích bức ảnh “Anh che đạn cho em” chưa được giải quyết do đó ông mới tiếp tục gửi thư tới Đại sứ Ngọc.

Ông Đức từng nói với VOA rằng ông mong chính quyền Việt Nam và Ban Quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ cũng như các cơ quan hữu quan “trả lại tất cả sự thật trong cuộc thảm sát Sơn Mỹ, nhất là trả lại sự thật cho tất cả các bức hình của ông Ron (Haeberle)” đang được trưng bày tại đây.

Ngày 16/3/1968, ông Haeberle chụp 61 bức ảnh, trong đó có 40 bức đen trắng từ máy Leica do quân đội Mỹ cấp – sau đó được nộp lên phòng chỉ huy – và 21 bức ảnh màu từ máy Nikon cá nhân của ông. Ông đã giữ lại những bức ảnh màu và sau đó được tạp chí Cleveland Plain Dealer lần đầu tiên đăng vào năm 1969. Ông bán các bức ảnh này cho Life Magazine cùng năm nhưng giữ quyền tác giả.

Với việc quyết định đưa ra các bức ảnh mà ông chụp ở Mỹ Lai vì nhận thấy đây là một tội ác dù nó được thực hiện bởi những người lính Mỹ là đồng đội của ông, ông Haerberle đã nhận những chỉ trích của nhiều người Mỹ lúc đó – họ gọi ông là “kẻ phản bội.” Năm 1970, ông đã ra điều trần khi chính phủ Mỹ điều tra vụ thảm sát mà Việt Nam nói là khoảng 500 dân thường ở Mỹ Lai bị giết hại. 26 binh sỹ và sỹ quan lục quân Hoa Kỳ bị buộc tội, trong đó có 1 người bị kết án.

Một trang Facebook trong chiến dịch nhằm thoá mạ ông Haeberle và ông Đức. (Ảnh chụp màn hình Facebook Người Sơn Mỹ do Ronald Haeberle cung cấp)

'Danh tiếng cho Việt Nam'

Trong thư gửi Đại sứ Ngọc hôm 11/12/2019, ông Haeberle yêu cầu những người lãnh đạo trước đây và hiện nay của bảo tàng Sơn Mỹ cùng các cộng sự của họ “ngừng các chiến dịch xỉ nhục và lăng mạ chống lại tôi và Trần Văn Đức.”

Một trong những lời thoá mạ trên trang Facebook của nhiều tài khoản khác nhau, trong đó có Người Sơn Mỹ, gọi ông Haeberle là “kẻ hám tiền”. Trong khi, một tài khoản khác có tên Vạn Trường Ba Gia cho rằng ông Đức “là kẻ nói dối trắng trợn khi tự nhận mình là nạn nhân trong bức ảnh nổi tiếng ‘Anh che đạn cho em’ ở Sơn Mỹ bắt tay với kẻ đã chụp bức ảnh (tức ông Haeberle) để nhận hàng chục ngàn đô la.”

Trong một video quay người hướng dẫn tại bảo tàng Sơn Mỹ năm 2013 hiện đang lưu hành trên Youtube, bà Phan Thị Vân Kiều – lúc đó là người hướng dẫn và nay là giám đốc bảo tàng – nói với người tham quan rằng lý do duy nhất mà ông Haeberle giữ lại những bức ảnh trong máy riêng của ông là để kiếm tiền cho bản thân.

Bà Thuỷ của sứ quán Việt Nam tại Washington cho ông Haeberle biết trong email gửi hôm 9/5 rằng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi sẽ “báo cáo” vụ việc lên cơ quan liên quan để điều tra ai đã đưa những thông tin “sai lệch nhằm phỉ báng ông Haeberle và ông Đức và người phạm tội sẽ bị truy tố theo Luật An ninh mạng của Việt Nam.”

VIDEO :

Đại sứ Ngọc không trả lời email của VOA để bình luận về yêu cầu của ông Haeberle đối với bảo tàng Sơn Mỹ trong việc thay đổi chú thích ảnh.

Trong bức thư gửi đại sứ Ngọc ngày 11/5, ông Haeberle gọi sự việc này là “sự tấn công vào sự thật lịch sử” và rằng việc ông sẽ đi đến cùng để yêu cầu chính phủ Việt Nam giải quyết việc này không nhằm kiếm lợi cho bản thân.

“Dù rằng tôi có thể yêu cầu Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Sơn Mỹ mua bản quyền từ tôi và phía đại diện của tôi, nhưng tôi không muốn sử dụng vụ tranh chấp này để làm giàu cho bản thân,” ông Haeberle viết và cho biết ông chưa công bố việc ông bị tấn công và xỉ nhục trên mạng ra công chúng. “Tôi muốn giải quyết vấn đề này mà không làm hại đến danh tiếng của Việt Nam.”





No comments: