Friday, May 15, 2020

PHIÊN XỬ GIÁM ĐỐC THẨM HỒ DUY HẢI KHÔNG THUYẾT PHỤC (Hồ Quang Huy)




Hồ Quang Huy
15/05/2020

Từ thông tin trên các báo đài, mạng xã hội về vụ an Hồ Duy Hải, tôi có một số nhận định về vụ này như sau:

1.- Việc thu thập chứng cứ có nhiều bất thường chưa được làm rõ:

– Việc các chứng cứ tại hiện trường không được thu thập đầy đủ, chẳng hạn dấu vân tay trên chiếc ghế được cho là Hải dùng để gây án, dấu vân tay trên các ly uống nước, bát đũa có dấu hiệu mới dùng chưa rửa …

– Bảy dấu vân tay thu được tại hiện trường không phải của Hải, trong đó có 5 vân tay chưa được làm rõ.

Theo hồ sơ thì, sau khi sát hại nạn nhân, Hải rửa tay tại labo nhưng trên labo không có dâu vân tay. Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng không thu được dấu vân tay ở đây là vì nước đã xóa trôi hết (việc này là hợp lý). Vậy dấu vân tay thu được trên tay gạt vòi nước không phải của Hải do đó không thể nói lời khai của Hải phù hợp với hiện trường như cơ quan điều tra trình bày tại Hội đồng Giám đốc thẩm. Dấu vân tay đó của ai cũng không được làm rõ. Điều này chứng tỏ còn có ít nhất một nhân vật bí ẩn mà khả năng rất cao đó là thủ phạm.

Ông Tuệ Phó chánh án TATC giải thích rằng vì đây là nơi công cộng trước đó nhiều người sử dụng nên Hải không để lại vân tay cũng không phải là chứng cứ ngoại phạm. Nếu trước đó đã có người khác vặn vòi nước thì dấu vân tay thu được ở đây phải là dấu vân tay của người cuối cùng, tức là của Hải. Không thể dấu vân tay của người trước đó còn mà của Hải thì không.

– Mẫu máu nghi của hung thủ để 4 tháng sau (lúc này đã phân hủy) khi thu thập mới giám định nhưng HĐTP lại nói nhẹ đi là chậm giám định (?).

– Vật chứng gây án là cái thớt và cái dao đều không được thu thập. Theo giải thích của điều tra viên trước HĐTP thì căn cứ vết cắt ở cổ nên nhận định hung khí là vật sắc nhọn nên không để ý đến cái thớt. Điều này là vô lý vì 3 điểm sau đây.

Thứ nhất, cái thớt là vật có thể gây án, dính máu và nằm gần nạn nhân (khác với trường hợp không dính máu và nằm ở vị trí vốn có của nó) thì đó có thể là hung khí vì vậy phải thu thập, nếu sau này không có ý nghĩa chưng cứ thì loại ra sau.

Thứ hai, theo hồ sơ thì Hải dùng thớt đập đầu và mặt nạn nhân do đó ngoài vết cắt ở cổ phải có vết thương do vật cứng và tay. Do đó, nói không nghĩ cái thớt là vật gây án là vô lý.

Thứ ba, nếu đúng là trên đầu nạn nhân không có vết thương do vật cứng gây ra, thì lời khai của Hải không phù hợp với hiện trường nên không thể coi lời khai là chứng cứ buộc tội Hải.

– Vật chứng gây án thứ 2 là cái dao. Cũng tại phiên giám đốc thẩm cơ quan CSĐT cho rằng không tìm thấy dao, sau khi khám nghiệm hiện trường xong, người quét dọn quét ra con dao rồi đem đốt?! Điều này là cực kỳ vô lý vì đến người dân thường cũng biết việc khám nghiệm hiện trường là cực kỳ kỹ lưỡng, nhất là với án truy xét mà lại trọng án. Tôi bảo đảm việc khám nghiệm hiện trường đến cái kim cũng không thể qua mắt các anh, đến cả từng tờ giấy vệ sinh đã dùng các anh cũng lục soát thì không thể nói một cái dao 28 cm lại không thấy (tôi nói nghiêm túc, không phải nói ngoa).

Việc thu thập được cái dao và cái thớt sẽ tìm thấy dấu vân tay trên đó. Vì vậy đây là một vật chứng có tính quyết định Hải có phải là thủ phạm hay không.

Cả hội đồng khám nghiệm hiện trường mà để xảy ra những vi phạm rất cơ bản “chết người” như vậy mà cho là sai sót do non nghiệp vụ thì chỉ có mấy thằng, mấy con điên điên khùng khùng mới tin!

Ngoài ra nếu không tìm thấy dao thì điều tra viên phải cho Hải mô tả cái dao chứ không thể làm ngược như họ đã làm là mua dao về rồi cho Hải xác nhận. Đó cũng là một hình thức mớm cung.

– Theo bản án phúc thẩm, Hải gây án xong trèo cổng sau để ra cổng trước. Vậy các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp tòa giải thích thế nào khi không thu thập được dấu vết nào của Hải ở cổng sau? Như vậy là lời khai của Hải không phù hợp hiện trường nên không đủ chứng cứ buộc tội. Vậy tại sao cả 2 cấp tòa cũng như HĐTP cho rằng các chứng cứ hiện trường phù hợp với lời khai?

2.- Việc lấy lời khai nhân chứng:

Tại sao cơ quan điều tra không lấy lời khai người đầu tiên phát hiện vụ án (anh Hiếu)?

3.- Việc thêm, bớt, sữa chữa hồ sơ:

– Có 5 mẫu dấu vân tay đã giám định nhưng không truy xuất được nguồn gốc. Đây là dấu vết khả năng rất cao là của hung thủ do đó phải lưu hồ sơ. Vậy động cơ nào, mục đích gì CSĐT lại rút khỏi hồ sơ?

– Cơ quan điều tra đã từng tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Nghị lấy lời khai nhưng tại sao sau đó lại rút hết ra khỏi hồ sơ? Trong khi đến nay đối tượng này vẫn là khả nghi nhất.

– Vũ Đình Thường đến bưu điện và nhìn thấy người ngồi trong đó lúc 19g39 tối hôm đó với một vài đặc điểm nhận dạng cùng chiếc xe cũng có một vài chi tiết nhận dạng thì đó chính là một lời chứng quan trọng. Thế mà CSĐT lại rút lời chứng này khỏi hồ sơ và lý giải với HĐTP rằng khi lấy lời khai của Thường là với tư cách tình nghi, có tính sàng lọc. Sau khi loại khỏi tình nghi thì anh ta không là nhân chứng nên rút lời khai khỏi hồ sơ!? Không có luật nào cấm người bị tình nghi đã được chứng minh ngoại phạm sang người làm chứng.

– CSĐT không coi Thường là nhân chứng nhưng VKS cấp sơ thẩm lại đưa lời khai của anh này làm lời chứng, lại còn sữa chữa từ không nhìn rõ mặt nên không khẳng định được người ngồi trong bưu điện là ai, thành khẳng định đó là Hải!?

4.- Cả 2 cấp xét xử không triệu tập nhân chứng:

Cơ quan CSĐT rút lời khai của nhân chứng Thường vì không coi anh này là nhân chứng. Vậy VKS căn cứ vào đâu để đưa lời chứng khác với lời khai tại cơ quan điều tra của Thường vào cáo trạng gây bất lợi cho Hải? Với tình tiết này cả 2 cấp tòa đáng lẽ phải triệu tập nhân chứng đến để đối chất nhưng tại sao không làm?

5.- Kết luận:

– Những vi phạm của cơ quan CSĐT như: Để mẫu máu 4 tháng mới giám định, rút lời khai của nhân chứng Thường, rút kết quả giám định dấu vân tay, không lấy lời khai của người phát hiện vụ án, không thu thập cái dao và cái thớt, rút các dữ kiện về Nguyễn Văn Nghị. Và của VKS như: Tự thêm lời khai của nhân chứng Thường gây bất lợi cho Hải, kiểm sát khám nghiệm hiện trường và kiểm sát giai đoạn điều tra để xảy ra vi phạm nói trên của cơ quan điều tra là rất nghiêm trọng. Bộ luật tố tụng Hình sự đã quy định rất rõ ràng, không phải là vấn đề trừu tượng, cũng không phải vấn đề khó thực hiện, do đó các vi phạm này có dấu hiệu cố ý.

– Theo như trình bày của tòa án cấp sơ thẩm thì thấy bản án của 2 cấp xét xử buộc tội Hải chủ yếu là lời khai phù hợp với hiện trường (chứng cứ gián tiếp). Tuy nhiên như trên đã phân tích, thì đã có mâu thuẫn lớn giữa lời khai và hiện trường, chẳng hạn: Dấu vân tay trên labo không phải của Hải, cổng sau không có dấu vết nào của Hải, tóm lại là Hải không để lại bất cứ dấu vết nào ở hiện trường.

Mặt khác, lời khai còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tâm lý, trí nhớ, tác động của ngoại cảnh (mớm cung, ép cung, lời khuyên của luật sư …) do đó bao giờ cũng có tính khách quan thấp hơn các chứng cứ khác (như dấu vân tay trên dao, thớt, máu thu ở hiện trường …).

Để buộc tội Hải thì mọi chứng cứ đều phải phù hợp, tạo thành một chuỗi logic, chỉ cần một chi tiết chưa logic thì việc buộc tội không thuyết phục.

Tôi cho rằng mấu chốt có tính quyết định, Hải có là hung thủ hay không nằm ở dấu vân tay trên dao, trên thớt, mẫu máu và 5 dấu vân tay đã thu thập.

Chỉ riêng 5 dấu vân tay chưa xác định của ai thì không thể loại trừ có ít nhất một hung thủ bí ẩn.

Vì vậy, đặt giả thiết: Các dấu vân tay đã thu thập là của hung thủ nào đó nhưng vì lý do nào đó Hải nhận tội thay cho y. Giả thiết thứ 2, Hải là một trong các đồng phạm với vai trò tạo điều kiện, giúp sức để hung thủ kia cướp tài sản của nạn nhân. Tuy nhiên trong quá trình phạm tội đối tượng kia đã hành động vượt quá ý đồ ban đầu (giết người). Trường hợp này Hải chỉ chịu trách nhiệm về tội cướp tài sản chứ đâu phải tội giết người.

Từ những phân tích, nhận định trên, tôi có cảm giác giữa cơ quan cảnh sát điều tra, VKS và tòa án đã có một sự phối hợp nhịp nhàng để kết án Hải một cách rất khiên cưỡng.

Cũng từ phân tích nói trên, nhận thấy những vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng là nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. Các vi phạm này rất có thể thay đổi bản chất vụ án, gần như chắc chắn vừa gây oan sai, vừa bỏ lọt tội phạm.

Thật lạ lùng là HĐTP lại cho rằng, vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ là “sai sót” về mặt thủ tục, không làm thay đổi bản chất vụ án!

Với nhiều điều bí ẩn, mâu thuẫn chưa thể lý giải, với vi phạm có dấu hiệu cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng như vậy chưa làm rõ, mà HĐTP lại cho rằng phiên Giám đốc thẩm đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan, làm rõ!

Tại phiên giám đốc thẩm tôi cũng không nghe (hay nghe chưa rõ?) thẩm phán nào truy các cơ quan tiến hành tố tụng về những vấn đề nghiêm trọng như: để 4 tháng mới giám định máu, việc thêm, bớt, sữa chữa hồ sơ, cáo trạng, không thu cái thớt, “không nhìn thấy” dao …?

Tôi cho rằng có đủ cơ sở để khởi tố vụ án về tội làm sai lệnh hồ sơ vụ án chứ không thể kiểm điểm như quan điểm của HĐTP.

Từ những phân tích trên tôi cho rằng kết luận của HĐTP là không thuyết phục.

Quốc hội phải giám sát tối cao về vụ án này.






No comments: