Thụy
MY -
RFI
Đăng ngày: 07/05/2020 -
17:22
Ngày 10/04/1974, Đặng Tiểu Bình, lúc đó là phó thủ
tướng Trung Quốc, phát biểu trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc một bài diễn văn nổi
tiếng, khẳng định : « Trung Quốc không phải là siêu cường và sẽ không
bao giờ tìm cách trở thành siêu cường ».
Phát ngôn viên bộ
Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một trong những khuôn mặt «
chiến lang » hung hăng nhất. Ảnh chụp ngày 08/04/2020. © REUTERS/Carlos Garcia
Rawlins
Ngày 10/04/2020, các nhà Trung Quốc học không thể không nhắc lại trên mạng xã hội câu
nói trên, trong bối cảnh thực tế 46 năm sau hoàn toàn đi ngược lại. Bắc Kinh
tung ra chiến dịch « ngoại giao khẩu trang » được dàn dựng kỹ lưỡng
trên toàn thế giới. Điều này lại càng ấn tượng hơn khi chỉ mới vài tuần trước
đó, Trung Quốc đòi hỏi các nước phương Tây giữ im lặng về viện trợ y tế cho tâm
dịch Vũ Hán.
Le Monde nhận xét, khi đến lượt châu Âu và Hoa Kỳ trở thành nạn nhân của con
virus xuất phát từ Vũ Hán, Bắc Kinh cùng với sự tiếp tay của Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO) bèn cao giọng tuyên truyền việc xử lý khủng hoảng của Trung Quốc là
hình mẫu cho toàn cầu. Thiếu chuẩn bị trước đại dịch, Mỹ trở thành quốc gia có
nhiều người chết vì virus corona chủng mới nhất thế giới, còn châu Âu chiếm hai
phần ba số trường hợp tử vong. Trung Quốc coi đây là cơ hội bằng vàng !
Tập Cận Bình và các thủ
túc như « quốc sư » Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) tin rằng không nên bỏ
qua dịp may lịch sử. Một nhà ngoại giao châu Âu ở Bắc Kinh nhận định : « Trung
Quốc lợi dụng khủng hoảng để triển khai một chiến dịch truyền thông vô cùng
hung hăng ». Ngày 16/04, Tập Cận Bình gọi ít nhất 36 cuộc điện thoại
cho các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Thông điệp rất rõ : nếu có một người chỉ huy toàn cầu
trong đại dịch, thì đó chính là chủ tịch Trung Quốc.
Mỗi ngày, chương trình thời
sự của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV-1 luôn dành thời lượng cho
hình ảnh những kiện hàng in dòng chữ « Viện trợ Trung Quốc cho một
tương lai cùng chia sẻ » được đưa đến nhiều nước trên thế giới, khiến
khán giả rất tự hào. Trên CCTV-2, có hẳn một chương trình mang tên « Cuộc
chiến toàn cầu chống dịch bệnh », trong đó phần lớn nói về viện trợ y
tế của Trung Quốc.
Hung hăng khác thường với Phương
Tây
Một chỉ dấu khác về tâm
lý siêu cường : các nhà ngoại giao Trung Quốc tỏ ra vô cùng hung hăng với
Phương Tây, và đặc biệt với tất cả những ai dám chỉ trích Bắc Kinh.
Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào
giữa tháng Ba ngang nhiên khẳng định con virus độc hại do quân đội Mỹ mang vào
Hồ Bắc. Tại Brazil, đại sứ Trung Quốc cáo buộc con trai của tổng thống Jair
Bolsonaro đã bị nhiễm « virus tâm thần », do ông này chỉ trích
sự nhập nhằng của Trung Quốc về đại dịch. Tại Paris, đại sứ Trung Quốc Lô Sa
Dã (Lu Shaye) không ngần ngại đăng bài viết vu cáo các viện dưỡng lão Pháp
bỏ mặc người già chết đói và chết bệnh, khiến bộ Ngoại Giao Pháp phải triệu tập
ông này để phản đối.
Tại Bắc Kinh, các nước Phương
Tây bị cáo buộc là chểnh mảng trong việc áp dụng các biện pháp chống lây nhiễm.
Khu phố sang trọng Triều Dương (Chaoyang), nơi có nhiều đại sứ quán Phương Tây
vừa bị xếp là « khu vực nguy cơ cao nhất Trung Quốc ». Bắc
Kinh đòi hỏi hàng ngày phải báo cáo thân nhiệt của từng nhân viên, nhưng nhiều
sứ quán như Mỹ và châu Âu từ chối, nêu ra luật lao động.
Càng tỏ ra hiếu chiến,
thì các nhà ngoại giao Trung Quốc càng được coi là « chiến lang »
tức « chiến binh sói » - theo bộ phim dân tộc chủ nghĩa ăn
khách « Wolf Warriors » năm 2015, tung hô một kiểu
Rambo Trung Quốc đi cứu thế giới. Hoàn Cầu Thời Báo hôm 16/4 vênh vang : « Thời
kỳ Trung Quốc phải phục tùng đã qua rồi (…). Với vị trí đang lên trên thế giới,
phía sau những gì mà các ‘chiến lang’ thể hiện, là tương quan lực lượng đang
thay đổi giữa Trung Quốc và Phương Tây ».
Nhà nghiên cứu độc lập Trần
Đạo Ngân (Chen Daoyin) nhận định : « Chủ thuyết ngoại giao của
Tập Cận Bình buộc phải chiến đấu, bất chấp việc này có ảnh hưởng đến hình ảnh
Trung Quốc hay không. Ông Tập muốn lập ra một trật tự quốc tế dựa trên các giá
trị Trung Hoa. Dù các nhà ngoại giao có tinh thần dân tộc chủ nghĩa hay ôn hòa,
họ đều phải tuân phục Tập Cận Bình. Nếu có khác biệt, chỉ là sự phân vai mà
thôi ».
Tuy vậy sự hiếu chiến này
không được thống nhất ủng hộ ở Hoa lục. Dân Trung Quốc là những người đầu tiên
nghi ngờ con virus thoát ra từ phòng thí nghiệm do sai sót. Và cái chết của bác
sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus
bị công an đàn áp, đã tác động sâu sắc đến tâm trí người dân dù người bác sĩ trẻ
đã được phục hồi danh dự.
Ngoại giao « chiến
lang » khiến Trung Quốc bị cô lập
Một số nhà ngoại giao
kinh nghiệm như Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đại sứ Trung Quốc tại Hoa
Kỳ giữ một khoảng cách, cho rằng việc phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói rằng
con virus do quân đội Mỹ mang vào Hoa lục là « có hại »,
« không giúp ích cho ai cả ».
Thi Trầm (Shi Zhan), giám đốc Trung tâm Chính trị Thế giới thuộc
trường đại học Ngoại Giao Bắc Kinh cảnh báo trong một cuộc hội thảo hồi tháng
Tư : « Ngoại giao ‘chiến lang’ không thể kéo dài, và có nguy cơ
khiến Trung Quốc bị cô lập ». Theo ông, « Phương Tây có thể
đưa những kỹ nghệ thiết yếu cho an ninh quốc gia trở về nước, thiết lập một hệ
thống sản xuất độc lập với Trung Quốc » ; trong khi đó Trung Quốc
không thể sánh được về khía cạnh sáng tạo.
Nếu Covid-19 đã làm lộ rõ
việc Trung Quốc khống chế WHO, giờ đây Bắc Kinh phải tìm cách chối cãi việc đã
làm áp lực để tổ chức quốc tế này không tuyên bố đại dịch sớm.
Một chủ đề nhức nhối khác
là Đài Loan : tuy không được Trung Quốc công nhận sự độc lập và gạt bỏ tư
cách quan sát viên ở WHO từ năm 2016, Đài Loan đã thành công trong việc trở
thành mô hình dân chủ chống dịch. Dù ở sát Trung Quốc, hòn đảo 23 triệu dân chỉ
có 6 trường hợp tử vong vì virus corona mà không cần phải phong tỏa. Chưa hết,
đến lượt Đài Loan tung ra « ngoại giao khẩu trang » khiến chính quyền
Bắc Kinh cay cú.
Tranh luận về xuất xứ con
virus và con số người chết thực sự ở Trung Quốc đã đặt Bắc Kinh vào tình thế
khó khăn.
Phương Tây muốn buộc
Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thảm kịch. Tại Úc, thủ tướng Scott Morrison
tuyên bố hôm 22/04 đã liên lạc với các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp, Đức để đề nghị mở
« điều tra quốc tế về đại dịch ». Tại Hoa Kỳ, các dân biểu chuẩn
bị một dự luật đòi Trung Quốc phải bồi thường, một khi đã hết dịch ; một số
thượng nghị sĩ còn đòi trừng phạt. Nữ thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marsha Blackburn
của Tennessee đòi hỏi Bắc Kinh xóa một phần nợ của Mỹ. Tiểu bang Missouri hôm
22/04 đưa đơn kiện chính quyền, đảng cộng sản và các định chế Trung Quốc trước
tòa án liên bang vì đã « che giấu những thông tin quan trọng »
vào đầu nạn dịch, bắt những người cảnh báo và giảm nhẹ tính chất lây nhiễm cao
độ của virus corona.
Tức giận trước tuyên bố của Triệu Lập Kiên, tổng thống Donald Trump gọi
virus corona chủng mới là « virus Trung Quốc », còn ngoại trưởng
Mike Pompeo tố cáo « chiến dịch bóp méo thông tin » của Bắc
Kinh. Gieo gió gặt bão !
Từ khi Tập Cận Bình lên cầm
quyền năm 2012, Bắc Kinh làm ngơ trước các vấn đề tự do ngôn luận và nhân quyền ;
thẳng tay đàn áp các luật sư, nhà tranh đấu, dân tộc thiểu số, gặm nhấm quyền tự
trị của Hồng Kông. Phương
Tây bỗng nhận ra một Trung Quốc đang giấu diếm nhiều thứ, muốn viết lại lịch sử.
Kết quả là 66% người dân
Mỹ không ưa Trung Quốc, tăng 20% so với năm 2017 khi ông Trump vừa nhậm chức –
theo thăm dò của Pew công bố ngày 21/04. Chưa bao giờ người Mỹ có cái nhìn tiêu
cực đến thế về Tập Cận Bình : 71% không tin ông ta có hành động đúng đắn
(« do the right thing ») trong đối ngoại.
« Tiên hạ thủ vi cường »
để tránh né sự thật
Vấn đề trách nhiệm của Bắc
Kinh là đặc biệt nhạy cảm. Ngay cả Iran, đất nước bạn bè và lệ thuộc rất nhiều
vào Trung Quốc về thương mại, phát ngôn viên bộ Y Tế nước này cho rằng con số nạn
nhân mà Bắc Kinh loan báo là một « trò đùa cay đắng ». Thủ tướng
Đức Angela Merkel tuy không theo chân Mỹ, Anh đòi Trung Quốc phải trả giá,
nhưng vẫn nhấn mạnh là Bắc Kinh cần minh bạch về nguồn gốc của con virus độc hại.
Bild, nhật báo có số phát hành lớn nhất nước Đức, tố cáo Tập Cận Bình « quá
dân tộc chủ nghĩa để có thể nói ra sự thật ». Julian Reichelt, tổng
biên tập tờ báo lâu nay vẫn có thiện cảm với Trung Quốc, trong thư ngỏ đã giáng
cho ông Tập những câu : « Ông đóng cửa tất cả các tờ báo và trang
web chỉ trích những quy định mà ông áp đặt, nhưng lại không đóng những hàng
quán bán súp dơi. Ông không chỉ giám sát dân mình, ông còn đặt họ và cả thế giới
vào vòng nguy hiểm ».
·
Đọc thêm: Ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc đại bại
Ngay cả Châu Phi, vùng đất
ưu tiên của các nhà đầu tư Trung Quốc dưới khẩu hiệu « hợp tác
Nam-Nam », cũng tỏ ra ít ngoan ngoãn hơn. Từ Lagos (Nigeria) cho đến
Addis-Abeba (Ethiopia), giới trẻ phẫn nộ trước những hành động kỳ thị, đuổi người
da đen ra đường ở Quảng Châu ; khiến nhiều nước ở châu lục này và Liên Minh
Châu Phi phải lập tức phản đối Bắc Kinh. Đây là sự kiện chưa từng thấy trong
quan hệ đôi bên.
Tất cả những trò tuyên
truyền của Trung Quốc giờ đây lập tức bị gậy ông đập lưng ông. Hôm 02/04 trên The
Diplomat, 100 giảng viên đại học Trung Quốc đăng bài diễn đàn kêu gọi « nhân
dân Mỹ » hợp tác với Trung Quốc chống dịch thay vì chỉ trích. Sau đó
112 nhà nghiên cứu, trí thức và chính khách Phương Tây đáp lễ bằng một lá thư
ngỏ mang tựa đề « Sự thống trị bằng sợ hãi của đảng cộng sản gây
nguy hiểm cho công dân Trung Quốc và thế giới ».
Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre
Cabestan, Bắc Kinh tung ra « chiến tranh dư luận » nhằm
« chiến thắng các thế lực thù địch », nhưng do tuyên truyền quá
trớn một cách thô bạo nên đã gây phản tác dụng.
Tuy vậy Trung Quốc vẫn tiếp
tục tả xung hữu đột : liên tục đe dọa Đài Loan, công khai đàn áp dân chủ Hồng
Kông trước cuộc bầu cử tháng Chín tới. Biển Đông lại trở nên căng thẳng :
hôm 19/04 Bắc Kinh loan báo lập hai quận « Tây Sa và Nam Sa » để
« quản lý » quần đảo Hoàng Sa (cưỡng chiếm của Việt Nam Cộng Hòa) và
Trường Sa. Tất nhiên hành động này khiến Việt Nam - nước láng giềng « bất
tuân thượng lệnh » đang thân thiện hơn với Mỹ làm Bắc Kinh bực tức -
phải lên tiếng phản đối.
Đối với ông François
Godement, chuyên gia Châu Á thuộc Viện Montaigne : « Nếu các nhà
ngoại giao Trung Quốc ‘tiên hạ thủ vi cường’, đấy là vì họ có điều gì đó muốn
giấu. Họ muốn tránh trả lời một số vấn đề, nhất là liên quan đến con virus từ
Vũ Hán. Cách tự vệ tốt nhất là tấn công ».
Le Monde kết luận, chưa bao giờ, kể từ thời Mao Trạch Đông rồi Đặng Tiểu Bình đến
nay, chưa bao giờ giữa Trung Quốc và Phương Tây lại có khoảng cách xa vời vợi đến
thế.
No comments:
Post a Comment