Thursday, May 14, 2020

MỘT TÂY NGUYÊN và MỘT MEKONG DELTA vẫn đang KHÁT NƯỚC (Huy Nguyễn)




14/05/2020

Đã 7 tháng không có mưa, có những nơi 8 tháng chưa có mưa. Một số nơi mưa rào cục bộ được vài cơn rồi tịt hẳn để lại nỗi trông chờ của người nông dân trong vô vọng.

Tình cảnh này lặp lại đợt hạn lịch sử năm 2006, rồi đợt hạn lịch sử gần đây năm 2016. Sự khác biệt của những đợt hạn gần đây so với trước là nó kéo dài hơn, trên phạm vi rộng hơn và tất nhiên là thiệt hại kinh tế khốc liệt hơn. Nếu năm 2006 hạn chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp ở Nam Trung Bộ thì 2016 hạn hán đã lan khắp 18 tỉnh thành. Còn năm nay thì vùng hạn lan khắp từ các tỉnh Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Mekong delta.

Tối hôm kia tôi có một buổi trao đổi học thuật với một nhóm NGOs và có người đặt câu hỏi nôm na là ‘Khi nào hết hạn hán, nó có lặp lại nữa không?’

Tôi trả lời thế này: Việt Nam sẽ tiếp tục bị hạn và lụt xen kẽ nhau bởi hình thái mưa bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Nguyên nhân là sự phát triển của gió Tây Nam hầu như quanh năm thổi từ Cambodia và Lào sang. Trước đây gió Tây Nam này thổi theo mùa và thường vào đầu hè hoặc giữa hè nhưng bây giờ nó quất nguyên năm.

Gió Tây Nam là một loại gió khô nóng vì hơi nước bị giữ lại ở mạn Tây của dãy Trường Sơn. Đến giai đoạn gần đây thì thậm chí gió Tây Nam không còn hơi nước ở mạn Tây Trường Sơn nữa vì thảm thực vật rừng nhiệt đới không còn. Nguyên tắc bốc hơi nước khi gặp nhiệt cao là tất yếu nhưng phải có nước thì mới có bốc hơi chứ. Toàn bộ dãy Trường Sơn cả Tây và Đông đều bị cạo trọc rồi thì hơi nước đâu ra nữa.

Chúng ta đã mất đi lớp vỏ thực bì quan trọng của trái đất ở khu vực này và chính điều này khiến lượng mưa giảm hẳn. Việc mất đi lớp thực bì, phần nhiều do phá rừng nguyên sinh và sự thay thế cây rừng bằng cây công nghiệp. Nên nhớ rằng cây rừng sẽ có vai trò giữ nước còn cây công nghiệp chỉ ngốn nước mà thôi.

Hãy cân nhắc khi phê duyệt mở rộng diện tích cây công nghiệp nếu không sẽ thiệt hại kép. Tôi nghe phong thanh có những vườn nho triệu đô /ha ở Pháp mà người ta không mở rộng diện tích trồng nho gần cánh rừng. Đơn giản vì cánh rừng có vai trò điều hòa tiểu khí hậu cho vườn nho. Vậy nên đừng tham quá mà phá mất hũ rượu, ly cafe ngon của mình.

Từ nay đến cuối tháng sẽ có vài đợt mưa rào rải rác vào các ngày 18, 23, 26 và 30/5 (mức độ chính xác tương đối). Tuy nhiên đây chỉ là mưa rào cục bộ theo cơn. Mưa đâu nước tụt mất đến đấy. Chúng ta phải đợi đến mùa bão về thì mới có mưa đều hơn chút. Nhưng có ai dám đợi bão về đâu.

Hình: Nắng hạn ở Tây Nguyên của anh Thọ Ngô












No comments: