Hiếu
Bá Linh tổng hợp
Tác giả gửi tới Dân Luận
04/05/2020
Đại tá Bùi Văn Tùng nổi
tiếng với việc tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh trưa ngày
30-4-1975. Ông nhớ lại:
“30-4-1975, khi chúng
tôi đưa ông Dương Văn Minh rời Dinh Độc Lập đến đài phát thanh để tuyên bố đầu
hàng thì tôi gặp anh phóng viên Tây Đức Börries Gallasch. Lúc ấy, xe chở Dương
Văn Minh đi trước, xe tôi đi theo sau. Một anh phóng viên mặc đồ bà ba đen, tóc
búi củ tỏi xin lên, sau này tôi mới biết đó là anh Hà Huy Đỉnh.… “
Ông Hà Huy Đỉnh (mặc áo đen)
Börries Gallasch là phóng
viên thường trú tại miền Nam Việt Nam của tờ tuần báo Der Spiegel (Tấm Gương)
ở CHLB Đức và là nhà báo duy nhất có mặt khi tướng Dương Văn Minh,
nguyên thủ quốc gia miền Nam Việt Nam, đầu hàng – ông đã cung cấp máy
ghi âm mà Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng. Sáng 30-4-1975
Borries Gallasch đã tìm cách đi vào bên trong dinh Độc Lập và đã chứng kiến thời
khắc lịch sử ở đó. Trong bài tường thuật cách đây 45 năm, ông có nhắc đến Hà
Huy Đỉnh là người phiên dịch và chụp ảnh cho ông và Hà Huy Đỉnh đã vào Dinh Độc
Lập trước ông:
„Mặc dù sợ đến run cả
hai đầu gối, nhưng sau đó tôi vẫn đi bộ đến dinh Độc Lập vào lúc 11g sáng hôm ấy.
Tôi đứng một mình trước dinh mà giờ đây yên lặng như một viện bảo tàng và ngổn
ngang những mũ sắt, quân phục, súng ống, thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng
chống tăng, súng máy ngay tại bãi cỏ.
Không có một bóng người nào ở đó. Những tiếng nổ từ
phía kho đạn của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn vọng lại. Tôi bước qua cánh cổng
sắt mở hé. Một thiếu tá bước sát ngay bên cạnh tôi, nhưng làm như có vẻ không
nhìn thấy tôi. Tôi băng ngang qua bãi cỏ và nghĩ rằng có thể bị ai đó bắn bất cứ
lúc nào. Ngay bên những bậc thang dẫn đến lối vào chính có những người lính
đang cãi vã. Một chiếc Limousine đen, bên trong là ông Nguyễn Văn Huyền, phó tổng
thống của một chính thể không còn nữa, nói với tôi: “Chúng tôi đang chờ phái
đoàn của Mặt trận Giải phóng vào dinh, anh có thể đợi nếu anh muốn”. Những người
lính của đội cận vệ tổng thống thậm chí đã không thèm chào khi một nhân vật
quan trọng thứ hai của quốc gia đang hấp hối được chở ra bằng cổng sau.
Tôi hít một hơi thật sâu – tiếp tục đi lên cầu thang
đến lối vào chính, qua hội trường và sau đó lên tầng một. Tại đây tôi gặp Hà
Huy Đỉnh, một luật sư ở Sài Gòn, người với bộ râu và chiếc áo màu đen truyền thống
của ông trông giống như một phiên bản trẻ tuổi của Hồ Chí Minh. Đỉnh là học trò
của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ở trường đại học Luật khoa. Từ nơi ẩn trốn, Hà Huy Đỉnh
vừa xuất hiện trở lại vài ngày trước đây. Đỉnh cũng đã nghĩ đến việc đến Dinh Tổng
thống để xem những gì xảy ra. Trong vòng ba giờ đồng hồ tiếp theo sau đó, Đỉnh
luôn ở bên cạnh tôi, anh chụp ảnh và phiên dịch“.
Sau khi chứng kiến những giờ
phút lịch sử, bị giam điều tra 4 tháng tù
Hồi đầu tháng 6/1976 Hà
Huy Đỉnh đã cho một người bạn thân là Chu Sơn xem toàn bộ các tấm ảnh chụp tại
dinh Độc Lập và đài phát thanh sáng trưa ngày 30-4-1975. Ông Đỉnh cũng thuật lại
câu chuyện ông có mặt ở dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 và sau đó đã bị điều tra và
thậm chí bị giam điều tra 4 tháng trong nhà tù:
“Tôi theo dõi tình hình
qua BBC, VOA và đài phát thanh Sài Gòn. Không khó lắm để phán đoán chính xác kết
cục của trận đánh cuối cùng. Tôi theo dõi từng bước cuộc tấn công của quân Mặt
Trận và những diễn biến chính trị tại Sài Gòn. Từ giữa tháng Ba, sau lệnh rút
khỏi Tây nguyên của Nguyễn Văn Thiệu, tôi và Gallasch thường xuyên gặp nhau
trao đổi tình hình“.
Gallasch rất sợ bom đạn khi hai bên giáp chiến trong
trận cuối cùng, và cũng sợ quân Cộng sản ngộ nhận mình là người Mỹ. Gallasch
nói đã có hai bác sĩ người Đức đồng nghiệp của Erich Wullf dạy học ở đại học Y
khoa Huế bị giết trong Mậu Thân vì lý do này. Tôi nói trận Mậu Thân khác, trận
này khác. Tôi vốn không tin vào sách lược hòa giải, hòa hợp của Cộng sản, nhưng
nghe ông Chu Sơn nói đi nói lại nhiều lần nên cũng ngã lòng. Tôi thuyết phục
Gallasch ở lại với cùng một luận điểm ông Chu Sơn đã thuyết phục tôi. Gallasch ở
lại và cùng tôi ra phố giúp tôi mua sắm máy ảnh và các dụng cụ nghề nghiệp của
một phóng viên.
Gần trưa 30/4, tôi vào dinh Độc Lập, Gallasch vào
khoảng 30 phút sau đó. Chúng tôi đã cùng chứng kiến và cùng chụp ảnh cảnh xe
tăng và quân Cộng sản hùng hổ, ào ạt vào dinh, cảnh nội các Dương Văn Minh hoảng
sợ đầu hàng. Tôi giới thiệu Gallasch với Bùi Văn Tùng, trung tá chính ủy quân
Giải Phóng. Có lẽ thấy tôi mặc áo quần bà ba nâu, để râu gần giống cụ Hồ nên
trung tá Tùng tưởng tôi là người cùng phe, đề nghị tôi và Gallasch ngồi xe jeep
với ông đến đài phát thanh Sài Gòn để Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Ở đài phát thanh tôi và Gallasch chụp cảnh Bùi Văn
Tùng ngồi viết lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc, cảnh tổng thống Việt
Nam Cộng hòa đọc tuyên bố đầu hàng, cảnh Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng giới
thiệu chương trình và phát biểu. Số ảnh tôi chụp tại dinh Độc Lập và đài phát
thanh có 65 kiểu tất cả.
Börries Gallasch
(đeo kính) ngồi cạnh Tổng thống VNCH Dương Văn Minh để ghi âm lời đầu hàng trước
khi phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Đặc biệt, máy ghi âm là của nhà báo
Börries Gallasch.
Sau khi từ dinh Độc Lập về, tối 30 tháng 4 và mấy
ngày đêm sau đó, tôi ngỡ ngàng nhìn lại chính mình. Một người không muốn dính
líu đến chính trị, đặc biệt là chính trị Cộng sản, cũng không là phóng viên,
nhà báo, bỗng dưng trở thành chứng nhân của một sự kiện lịch sử trọng đại mà bản
thân tôi vừa muốn nó xẩy ra vừa lo sợ nó xẩy ra! Cái duyên nghiệp gì đây? Đúng
một tuần sau sự dính líu chủ yếu do óc tò mò ấy, duyên nghiệp kéo đến với tôi
trùng trùng. Người của thành ủy đến, người của tình báo đến, người của quân báo
đến, người của các báo đến. Toàn những người lạ hoắc, nhưng chắc chắn mới từ
trong rừng ra, từ ngoài Bắc vào.
Họ hỏi tôi là người của tổ chức, cơ quan nào? Ai
giao nhiệm vụ? Tôi nói tôi không thuộc về đâu cả. Không ai cử tôi đến. Tôi đến
vì tò mò chứ không vì mục đích nào khác. Người của A(?)25 bám tôi đến cùng. Họ
yêu cầu tôi nói cho họ những gì tôi biết về ‘Mỹ – Ngụy’. Họ yêu cầu tôi trao
cho họ mấy cuốn phim tôi đã chụp hôm 30-4.
Cuối tháng 8 tôi tự ý đi Hà Nội để cho biết thủ đô của
nước Việt Nam độc lập thống nhất nhân dịp quốc khánh 2.9. Nhưng đến Phan Rang
tôi bị chặn bắt đưa trở lại Sài Gòn. Tôi bị giam suốt 4 tháng để thẩm vấn. Thẩm
vấn ngày, thẩm vấn đêm. Họ hỏi tôi đã cộng tác với Mỹ – Ngụy như thế nào? Tôi
đã quan hệ với ai và nhận nhiệm vụ cụ thể gì để chống phá cách mạng trong kế hoạch
hậu chiến? Họ hỏi tôi về các mối quan hệ giữa tôi và ‘bọn tình báo nước ngoài đội
lốt phóng viên nhà báo hoạt động tại Việt Nam’. Họ hỏi tôi có phải làm việc cho
Mỹ qua trung gian của Gallasch? Tôi và Gallasch đến dinh Độc Lập hôm 30.4 theo
chỉ thị của Mỹ? Hàng trăm câu hỏi đại loại như thế họ buộc tôi phải trả lời với
cả đe dọa và hứa hẹn…
Tôi nói tất cả sự thật về nhân thân tôi trong các mối
quan hệ chính trị mà tôi đã từng nói với ông (Chu Sơn). Nghĩa là tôi không có
gì để trở thành đối tượng cho họ nghi ngờ, khai thác để loại trừ cả. Đến Tết âm
lịch họ thả tôi ra. Trong những lời khai tôi có nhắc đến tên ông (Chu Sơn): ‘Một
người hoạt động nội thành của Mặt Trận mà tôi quen biết’.”
Ông Chu Sơn cho biết, bốn
tháng bị nhốt thẩm vấn và những lời căn dặn răn đe của công an trước khi được
thả ra, sự quản lý của phường khóm, tổ dân phố đã khiến Hà Huy Đỉnh lâm vào
tình trạng khủng hoảng, khủng hoảng nặng nề hơn hồi năm 1961 khi ở Tổng nha cảnh
sát chính quyền Ngô Đình Diệm về. Lần này Đỉnh hoảng sợ thực sự. Hoảng sợ khi
nghĩ tới khả năng bị bắt lại bất cứ lúc nào. Hoảng sợ khi nghĩ tới sự khó khăn
trong sinh kế.
Hồi còn chiến tranh trong
chế độ cũ, Hà Huy Đỉnh sống nhờ vào việc làm tư vấn cho các phóng viên, các nhà
báo nước ngoài, dạy Anh văn, Pháp văn cho con em các gia đình bạn bè thân
thích, thiết lập hồ sơ và tư vấn chuyên môn cho các doanh nhân tập tểnh vào nghề.
Nay cả ba nguồn thu nhập đó không còn nữa: Các phóng viên, nhà báo nước ngoài một
đi không trở lại, các gia đình bạn bè thân quen số thì đã di tản, số thì phải
đi học tập cải tạo, số còn lại bị kiệt quệ sau các đợt cải tạo, đổi tiền và
chính sách dành cho ‘dân ngụy’, các cá nhân muốn làm ăn riêng lẻ bị triệt đường
sống bởi kinh tế quốc doanh.
Hà Huy Đỉnh là cháu
ruột Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Ông Chu Sơn cũng cho biết,
Hà Huy Đỉnh gốc người Hà Tĩnh, cháu kêu Hà Huy Tập bằng bác (hay chú) ruột. Cha
Đỉnh không hoạt động cách mạng, không tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh,
nhưng bị Tây bắt (vì là anh em của Hà Huy Tập nên bị tình nghi). Sau khi ra tù,
ông đưa gia đình (mẹ và các anh chị của Đỉnh) vào Nam Kỳ làm ăn sinh sống. Cuộc
chuyển cư thành công, gia đình trở nên khá giả. Đỉnh sinh tại Sài Gòn năm ba
lăm hay ba sáu gì đó. Thế chiến II kết thúc, cách mạng tháng Tám nổ ra, Tây
quay trở lại, cha Đỉnh tham gia kháng chiến, nghe nói chết vì bệnh ở bưng biền.
Đỉnh còn có một người anh hay chị gì đó đi kháng chiến và hy sinh trong chiến
tranh. Mẹ Đỉnh ở lại thành, không hoạt động Cộng sản, cũng không làm ăn gì, gia
đình sa sút, theo đạo Phật, nuôi chị em Đỉnh ăn học (Đỉnh còn có một bà chị, và
một ông anh), bảo vệ hai hạt giống họ Hà.
Hà Huy Đỉnh học trung học
Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký), đại học sư phạm Sài Gòn, môn sử địa. Năm 1961, trước
khi làm lễ tốt nghiệp, Đỉnh “được mời” tới tổng nha cảnh sát. Cảnh sát
nói với Đỉnh: “Chúng tôi biết anh là con cháu gia đình họ Hà, một gia đình Cộng
sản gộc. Anh mà về dạy ở tỉnh thế nào Cộng sản cũng móc nối, như thế là nguy hiểm.
Chúng tôi muốn anh ‘cộng tác’ để được bổ nhiệm ở Sài Gòn…”.
Đỉnh từ chối lời đề nghị
làm mật vụ của cảnh sát, nhận bằng tốt nghiệp nhưng không nhận sứ vụ lệnh của bộ
giáo dục để đi làm giáo sư ở một trường tỉnh nào đó. Đỉnh ghi tên theo học các
chương trình cử nhân Anh văn, Pháp văn tại đại học Văn khoa, cử nhân luật tại đại
học Luật khoa. Nói tiếng Anh, tiếng Pháp thông thạo, hiểu biết căn bản văn hóa,
văn chương Anh, Mỹ, Pháp, hiểu biết căn bản luật học, kinh tế chính trị học,
say mê học thuyết Rousseau, giao tiếp rộng rãi, tự tin và chững chạc với các ký
giả phương Tây, quen biết nhiều các giới doanh nhân, các giới chức công quyền,
nhưng không chịu ràng buộc với bất cứ cơ quan nghiệp vụ nào.
Không công chức. Không tư
chức. Không đảng phái. Không hội đoàn. Không bồ bịch vợ con, chỉ có bạn bè để
đi đó đi đây rong chơi tiêu dao ngày tháng. Hà Huy Đỉnh đích thực là kẻ lãng du
nổi tiếng khắp các đường phố Sài Gòn. Cảnh sát công lộ, quân cảnh, nhân viên
bưu điện và có lẽ cả mật vụ đều quen mặt “Đỉnh Râu”. Không phải là giai
thoại: Một người bạn định cư ở nước ngoài nhớ Đỉnh, viết thư mà quên số nhà,
trên phong bì ông ta chỉ đề: Gởi Ông Đỉnh Râu ở đường Trần Bình Trọng. Thư tới.
Cuộc sống của Hà Huy Đỉnh trước
30-4-1975
Cuộc sống của Đỉnh kích
thích óc tò mò của tôi. Nhiều lần, tôi hỏi, Đỉnh trả lời tùy hứng. Tôi ghi lại
theo ký ức, cảm nhận và cả suy đoán: Năm 1961, khi ở Tổng nha cảnh sát về, Đỉnh
lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng: mất ngủ, bất an, cảm thấy bị nghi ngờ,
theo dõi và lo sợ bị ám hại. Đỉnh không muốn làm gì cả và quyết định sẽ không
làm gì (làm gì ở đây là chuyện nghề nghiệp). Đỉnh ghi tên theo học Anh văn,
Pháp văn, và luật cốt để thỏa mãn óc tò mò, giải trí, lấp khoảng trống và có
thêm bạn bè.
Học chăm chỉ nhưng thi cử
thì gặp hay chăng chớ, có bằng hay không có bằng cũng chẳng để làm gì. Vì “làm
gì”, Đỉnh nghĩ, cũng có con mắt soi mói và kế hoạch nham hiểm ác độc của bọn
công an mật vụ. Nhóm từ “không làm gì” ở đây bao gồm: quan chức nhà nước,
thương nhân, chủ công ty xí nghiệp… nghĩa là những chức vụ thuộc phạm vi công
quyền hoặc những việc tư nhân có qui mô to lớn khiến chính quyền lưu ý và đòi hỏi
cá nhân có kế hoạch lâu dài.
Vậy thì lấy gì tự cung
các nhu cầu cấp thiết của bản thân? Hà Huy Đỉnh nhận dạy tiếng Anh, tiếng Pháp
cho con em các gia đình thân quen, dạy tiếng Việt và tư vấn những vấn đề địa
phương cho các phóng viên ký giả ngoại quốc, thiết lập hồ sơ thành lập công ty
và lên kế hoạch kinh doanh cho các doanh nhân tập tểnh vào nghề. Nói chung: những
công việc không bị bó buộc nhiều để “bảo lưu một chút tự do” và để giảm
nhẹ sự “theo dõi kèm kẹp” của công an mật vụ, và cũng để “trốn lính”, Hà
Huy Đỉnh còn đóng vai “ông đạo”.
Hâm mộ Phật pháp
Cha đi kháng chiến, mẹ Đỉnh
đi về hướng cửa Phật. Từ nhỏ thỉnh thoảng Đỉnh cũng theo mẹ lên chùa. Mẹ qua đời,
Đỉnh gởi tro cốt, lư hương, bài vị của mẹ ở chùa (sau 1975, Đỉnh tìm được hài cốt
của cha và anh (hay chị) đem thiêu, tro cốt, lư hương, bài vị cũng gởi ở chùa).
Ngôi chùa Đỉnh hay lui tới để thăm viếng và kỵ giỗ cha mẹ có tên là Giác Viên –
một ngôi “chùa Huế” tọa lạc tại một địa điểm nào đó ở quận Tân Bình (?).
(Tôi đã theo Đỉnh tới đó trong một lần kỵ). Đỉnh thích chùa, hâm mộ Phật pháp,
nhưng không chịu được giới luật tu hành. Phật giáo đã lần hồi giúp anh vượt qua
cơn khủng hoảng. Lần hồi anh giảm bớt lo âu, nghi kỵ và định kiến.
Hồi còn ở trường trung học,
Đỉnh say mê học thuyết Tự do – Bình đẳng và chế độ Cộng hòa theo học thuyết của
hai triết gia hàng đầu của thế kỷ ánh sáng là Montesquieu và J.J Rousseau, say
mê cách mạng Pháp (1789), thần tượng Robespièrre. Nhưng từ sau khi đi chùa, lần
hồi tiếp xúc với các sư tăng, thấm thấu bầu không khí tĩnh lặng của thiền môn,
nghiền ngẫm Phật pháp, Hà Huy Đỉnh nhận ra rằng: cuộc cách mạng do Montesquieu,
J.J Rousseau gợi mở và hô hào thực hiện: một số ý tưởng và biện pháp tiến hành
(như ý chí thu tóm quyền lực) trong đó không phù hợp với bản chất “con người
– phật tử ” nơi anh.
Bởi cách mạng theo những
gì anh biết từ cách mạng Pháp năm 1789 (và cả các cuộc cách mạng Cộng sản ở
Nga, ở Tàu, ở Việt Nam…, trong thế kỷ 20) là bạo động, là đổ máu, là bất nhân
tàn bạo, mà kết quả chỉ thay người cầm quyền chứ không thay đổi bản chất của
quyền lực là tham lam vô độ và bạo động không giới hạn, là cướp bóc, bắn giết
và nô lệ con người. Lần hồi Hà Huy Đỉnh vùi dần học thuyết của hai ông
Montesquieu, J. J Rousseau vào sâu trong tâm thức. Anh qui y Phật pháp, thực
hành cuộc đấu tranh (với bản thân mình là chính) để chuyển hóa lo âu, sợ hãi và
nghi kỵ, quen dần cuộc sống giản đơn dung dị, tiếp tục rong chơi ngoài vòng
cương tỏa. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 1961 do đó mà tiêu tan dần.
Lập trường chính trị
Đỉnh gần gũi với tôi
trong những nhận định về cuộc xâm lược của Mỹ, về các chế độ độc tài từ Ngô
Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu, nhưng chúng tôi không đồng nhất trong thái độ ứng
xử sắp tới trước thời cuộc. Tôi nói: “Phải chấm dứt chiến tranh thôi. Tôi đã
chứng kiến cảnh chém giết tàn bạo ở Huế hồi Tết. Để chấm dứt chiến cuộc, phải
có bên thắng – bên thua. Là người Việt Nam, tôi không thể đứng về phía Mỹ. Phải
chấp nhận chế độ Cộng sản thôi, mặc dù tôi có lập trường chống chiến tranh từ đầu
và dị ứng với ý thức hệ Cộng sản”.
Đỉnh cười buồn, im lặng.
Buổi tối trước ngày lên máy bay về lại Huế, tôi và Đỉnh gần như thức trắng đêm.
Tôi cật vấn, và Đỉnh trả lời với một thái độ nghiêm chỉnh chứ không đùa cợt như
hồi chúng tôi gặp nhau lần đầu trên Đà Lạt. Tôi hỏi, Đỉnh trả lời có vẻ bài bản:
Chu Sơn:“Nhận thức của ông về Mỹ và chế độ công cụ ở miền Nam là như thế,
gia đình ông có gốc gác Cộng sản như thế, sao ông không theo Mặt Trận?”
Hà Huy Đỉnh: “Nhiều người đã hỏi tôi câu đó. Thậm chí có người còn mạnh dạn rủ tôi
theo Mặt Trận “làm cách mạng”. Họ tin tôi không tố cáo họ và sẵn sàng
tham gia Mặt Trận tiếp nối truyền thống của gia đình. Đương nhiên, là con cháu
của Hà Huy, tôi không tố cáo họ, nhưng theo Mặt Trận thì không. Vì Mặt trận là
Cộng sản. Mà Cộng sản qua những gì tôi được biết là nhắm một lý tưởng, một mục
tiêu duy nhất là triệt tiêu tư hữu, thiết lập chế độ công hữu triệt để và toàn
diện, và chỉ thực hiện nó bằng một phương tiện duy nhất là bạo động. Mục tiêu ấy,
phương tiện ấy tôi không đồng tình, vì nó đi ngược tình tự và quyền lợi dân tộc,
trí khôn nhân loại và nó bất cập nhân tình thế thái”.
*
Chu Sơn:“Tôi đề nghị ông giải bày đầy đủ và cụ thể.”
Hà Huy Đỉnh: “Người Cộng sản cho rằng tư hữu là nguồn gốc của mọi tội lỗi trên đời,
giai cấp Tư sản là kẻ thù không đội trời chung của giai cấp Vô sản và nhân loại.
Muốn giải cứu giai cấp vô sản và nhân loại, phải tiêu diệt quyền tư hữu, lật đổ
ách thống trị của giai cấp Tư sản và chế độ Tư bản, đưa giai cấp Vô sản lên cầm
quyền, thực hiện công hữu, xây dựng chế độ Cộng sản bằng cuộc cách mạng triệt để
do đảng Cộng sản lãnh đạo. Ở Việt Nam do kinh tế công thương nghiệp chưa phát
triển, đảng Cộng sản cho rằng lực lượng phản động chính là giai cấp Tư sản chưa
hình thành như một thế lực đáng gờm, nên kẻ thù của cách mạng tập trung vào bốn
thành phần: ‘bọn trí thức, bọn nhà giàu ở thành phố, bọn địa chủ, hào mục ở
nông thôn’. Đảng Cộng sản còn công khai chủ trương tam vô: vô gia
đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo”.
“Trong cuộc vận động cách
mạng 1930, chỉ ba tháng sau khi thành lập đảng, cao điểm là phong trào Xô Viết
Nghệ Tĩnh, đảng Cộng sản nêu cao khẩu hiệu: “Trí – Phú – Địa – Hào / Đào tận
gốc / Trốc tận rễ “. Trong kháng chiến chống Pháp, trong xây dựng Xã hội
chủ nghĩa trên miền Bắc, đảng Cộng sản tiếp tục các phong trào cách mạng của
mình: Rèn cán chỉnh quân, Cải cách ruộng đất, Cải tạo (công) thương nghiệp, Cải
tạo văn hóa tư tưởng (đỉnh cao là cuộc trấn áp tiêu diệt nhóm Nhân Văn Giai Phẩm).
Tất cả các cuộc vận động ấy nhằm “đào tận gốc”, “trốc tận rễ” bốn
kẻ thù của giai cấp là Trí, Phú, Địa, Hào. Bởi theo nhận định của đảng Cộng sản:
bốn kẻ thù giai cấp ấy (đứng đầu là trí thức) kiên trì đầu óc và ý chí tư hữu,
tay sai của Phong kiến, Thưc dân. Như thế là hằng trăm ngàn người bị sỉ nhục,
tra tấn, tù đày, giết chóc; cả triệu người khác là thân nhân của họ (bao gồm cả
trẻ con) sống vật vờ đói rét, cực nhục bên lề xã hội mới đang hình thành. Cái
xã hội ấy không có quá khứ; luân lý, đạo đức, văn hóa suy đồi…”
“Chính Mẹ đã trao cho tôi
những kinh nghiệm đắng cay về cách mạng Cộng sản: Lúc đầu, khác với cha tôi, bà
có vẻ đồng tình với lý tưởng Cộng sản của các cậu tôi và khâm phục bác (hay
chú?) Hà Huy Tập. Đặc biệt bà rất ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Nhưng
bà đã chứng kiến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở quê nhà. Bà cũng có những thông
tin chính xác về các phong trào Cộng sản sau khi theo cha tôi vào Nam Kỳ. Lý tưởng
Cộng sản vơi cạn dần trong tâm thức bà. Sau cách mạng tháng 8/1945, tiễn cha
tôi đi kháng chiến, bà thiết lập bàn thờ Phật tại nhà và đi chùa. Hồi nhỏ tôi
tiếp cận đạo Phật qua Mẹ…”
*
Chu Sơn: “Chống xâm lược mà sai sao?“
Hà Huy Đỉnh: “Chống ngoại xâm chẳng những không sai, mà còn là lý tưởng, là trách
nhiệm bức thiết và cao cả của mọi người công dân yêu nước. Nhưng chống đuổi ngoại
xâm để rồi thực hiện Chế độ Cộng sản không chỉ là sai lầm nghiêm trọng, mà là tội
ác. Vả lại, chống đuổi ngoại xâm bằng sự nhờ cậy và sự điều hướng của các thế lực
bên ngoài dưới danh nghĩa Quốc tế III là đưa đất nước vào vòng xoáy của cuộc khủng
hoảng nhân loại cũng là một cái sai nghiêm trọng nữa. Sự nhờ cậy dưới chiêu bài
“nghĩa vụ quốc tế” đã và sẽ tạo cơ hội cho những tham vọng đế quốc khác
còn tàn ác bất nhân hơn đế quốc tư bản…”
*
Chu Sơn:“Có phải ông đem
cái cảm thức của ông lúc này để phê phán cảm thức dẫn đến sự chọn lựa lịch sử của
nhà yêu nước vĩ đại gần 50 năm trước?
Hà Huy Đỉnh: “Kết quả chọn lựa lịch sử của Nguyễn Ái Quốc gần nửa thế kỷ trước đến
lúc này đối với chúng ta là một vấn nạn. Độc lập, thống nhất là lý tưởng là
khát vọng của dân tộc. Điện Biên Phủ là niềm tự hào đồng thời là món nợ mà dân
tộc phải trả. Nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Rèn cán chỉnh quân, Cải cách ruộng đất,
Cải tạo văn hóa và trí thức, Cải tạo công thương nghiệp trên miền Bắc sau 1954,
thảm sát Tết (Mậu Thân. CS) ở Huế là những cảnh báo về một tương lai đen tối của
đất nước và dân tộc một khi chiến tranh chấm dứt, chế độ Cộng sản và liên minh
công – nông lên ngôi…”
Cuộc trò chuyện của chúng
tôi chưa hết nhưng phải ngưng vì đã hết đêm. Tôi đi Huế bằng chuyến máy bay sớm.
Đỉnh chở tôi đến trạm bán vé của Air Việt Nam trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Ở
đó có xe bus của hàng không đưa tôi và những hành khách khác ra phi trường. Đỉnh
nói:
“Khi nào vào lại Sài
Gòn ông nhớ ghé, câu chuyện của chúng ta còn dài. Đêm rồi tôi nói với ông có một
nửa, cái nửa Tây xâm nhập vào tôi qua con đường trường học và sách báo. Còn một
nửa Ta: tôi chưa nói gì về truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là về Phật pháp
đã trở thành gốc rễ trong tâm thức tôi để từ đó tôi nhìn lại vấn đề. Ông không
nên vội vã đánh đồng Phật giáo và Cộng sản như giáo hội Công giáo đã làm trước
đây. Ông cũng đừng tưởng đảng Cộng sản đã điều động được nhân dân vào các cuộc
chiến tranh là có thể điều động nhân dân vào cuộc cách mạng vô sản là cái đích
duy nhất và cuối cùng của họ”.
Đêm rồi thức trắng, tôi
tưởng lên máy bay sẽ ngủ bù, nhưng một tiếng rưỡi trên chặng đường Sài Gòn – Huế
tôi không hề chợp mắt. Những điều Hà Huy Đỉnh nói cứ đeo dính đầu óc tôi. Có những
điều tôi nghe chưa lọt tai. Cũng có nhiều điều tôi chia sẻ và thích thú. Suốt mấy
năm liền sau cái đêm trò chuyện dang dỡ ấy, mãi đến sau này tôi không ngừng
trao đổi với bạn bè, hoặc độc thoại, nhưng chưa bao giờ có lời giải đáp dứt điểm
cho vấn đề: Sự chia rẽ dân tộc dẫn đến nội chiến bắt đầu từ đâu trong giai đoạn
lịch sử cận hiện đại?
30-4-2020
Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
Nguồn:
No comments:
Post a Comment